Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG AN-BỘ NỘI VỤ-BỘ TƯ PHÁP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 80-TT/LB | Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 1958 |
VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP MẤT QUYỀN BẦU CỬ, ỨNG CỬ
Kính gửi: | - Ủy ban Hành chính các Khu Tự trị |
Điều 4, tiết I, chương I, luật số 004-SLt ngày 20-07-1957 về bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp quy định những người sau đây không có quyền bầu cử, ứng cử:
- Người bị pháp luật hoặc tòa án tước công quyền.
- Người bị bệnh điên.
- Địa chủ chưa được thay đổi thành phần (trừ địa chủ thường được Ủy ban Hành chính và Ban chấp hành Nông hội xã đề nghị cho bầu cử, ứng cử và được Ủy ban Hành chính tỉnh chuẩn y, và địa chủ kháng chiến).
Để việc xét tư cách cử tri và ứng cử viên khỏi có sự thiếu sót, các địa phương cần nhận định đúng về phạm vi thi hành sắc luật trong những trường hợp trên.
Thông tư này nêu lên một số trường hợp cần được chú ý.
I. - TRƯỜNG HỢP NHỮNG NGƯỜI BỊ PHÁP LUẬT HOẶC TÒA ÁN TƯỚC CÔNG QUYỀN
Theo nguyên tắc tiến hành, những người sau đây bị tước công quyền:
1) Những người phạm tội phản cách mạng:
- Việt gian phản động, phá hoại an toàn Nhà nước (bị xử phạt theo sắc lệnh số 133 ngày 20-01-1953).
- Những người vì mục đích phá hoại, can tội làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của Hợp tác xã và của nhân dân, làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch kinh tế và văn hóa của Nhà nước (bị xử phạt theo sắc lệnh 267-SL ngày 15-06-1956).
- Những địa chủ cường hào gian ác, địa chủ và tay sai chống phá pháp luật (bị xử phạt theo sắc lệnh số 151-SL ngày 12-04-1953).
- Những người đang bị quản chế vi hành vi phản cách mạng (sắc lệnh số 175-SL ngày 18-08-1953).
2) Những người phạm tội hình sự thường:
- Những người bị xử phạt tù hiện đang ở tù.
- Những người đang bị quản chế vì tội hình sự thường.
- Những người vì tham lam tư lợi bị xử phạt theo sắc lệnh số 267-SL ngày 15-06-1956, trong bản án có tuyên bố tước quyền công dân.
- Những người bị can vì tội hình sự thường thuộc loại nghiêm trọng, bị phạt từ 5 năm tù trở lên.
- Những người bị án vì tội hình sự thường thuộc loại không nghiêm trọng bị phạt dưới 5 năm tù nhưng trong bản án có tuyên bố mất quyền công dân.
Nói chung tất cả những phạm nhân kể trên về tội phản cách mạng và hình sự thường kể cả những người đang chịu án hoặc đã mãn án nhưng chưa được toà án cho khôi phục công quyền, đều không được tham gia bầu cử, ứng cử. Tuy nhiên những người phạm tội và bị xử phạt trước ngày 09-10-1945 đều được đại xá và được khôi phục công quyền, chỉ trừ một số ít người là không được hưởng đại xá.
Theo thông tư số 413-TTg ngày 01-11-1954 của Thủ tướng Chính phủ thi hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ ngày 12-10-1954 thì các tội phạm bị tòa án quân sự, tòa án nhân dân, tòa án hình truy tố và xét xử từ cách mạng tháng 8 đến ngày 09-10-1954, đều được đại xá, được hưởng mọi quyền công dân, có quyền bầu cử ứng cử.
Những phạm nhân được hưởng đại xá bao gồm tất cả những người đang ở thời kỳ bị truy tố hoặc bị xử vắng mặt hay có mặt, đã chịu án hay chưa chịu án hoặc đang chịu án mà lẩn trốn, kể cả những người can tội hợp tác với đối phương đã được tha hoặc miễn tố theo sắc lệnh số 218-SL ngày 01-10-1954. Riêng mấy loại phạm nhân sau đây không được hưởng đại xá:
- Địa chủ cường hào gian ác bị xử phạt trong phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất.
- Bọn có nhiều nợ máu với nhân dân, tra tấn giết người một cách dã man.
- Bọn côn đồ chưa thực sự cải tạo, chưa học được nghề gì để sinh sống lương thiện.
II. - TRƯỜNG HỢP NHỮNG NGƯỜI ĐIÊN
Những người điên là những người đã mất trí, tinh thần rối loạn liên miên, không phân biệt được phải trái, không nhận định được ngoại cảnh.
Trường hợp này nếu đa số nhân dân trong xã, khu phố hoặc cơ quan y tế địa phương xác nhận thì không để tham gia bầu cử ứng cử.
Cần phân biệt người điên với người gàn dở, lẩm cẩm, đồng bóng, hoặc những người bị bệnh thần kinh trong từng thời kỳ, lúc mất trí, lúc bình thường. Những người này trong lúc bình thường vẫn có quyền bầu cử và ứng cử.
Nói chung, các địa chủ chưa được thay đổi thành phần đều không có quyền bầu cử, ứng cử. Nhưng để mở cho họ con đường lao động cải tạo nên Chính phủ đã có chính sách phân biệt đối xử.
Điều 3, tiết 1, chương I luật bầu cử, quy định những địa chủ sau đây, tuy chưa được thay đổi thành phần, cũng được bầu cử và ứng cử:
- Địa chủ kháng chiến.
- Địa chủ thường được Ủy ban Hành chính và Ban chấp hành Nông hội xã đề nghị cho bầu cử và ứng cử, và được Ủy ban Hành chính tỉnh chuẩn y.
Việc xét cho một địa chủ thường được tham gia bầu cử và ứng cử cần căn cứ trên 2 điều kiện:
1) Thái độ lao động:
Bản thân địa chủ phải thực sự tham gia lao động chính trong sản xuất nông nghiệp như cày bừa, cấy gặt, tát nước, làm cỏ bỏ phân.
Việc xét lao động của một địa chủ phải căn cứ theo mức lao động bình thường và có châm chước đối với những người già yếu, ốm đau, tàn tật, bận con mọn, mất sức lao động, v.v…
2) Thái độ đối với chính sách, pháp luật của Chính phủ:
Phải thi hành đúng đắn các chính sách, triệt để tuân theo luật pháp của Chính phủ. Đối với các thể lệ chung của địa phương, biết tôn trọng, không gây chia rẽ trong nhân dân, không làm rối trật tự ở nông thôn.
Cần chú ý là việc cho một địa chủ tham gia bầu cử, ứng cử không có nghĩa là cho họ thay đổi thành phần. Việc xét cho địa chủ thay đổi thành phần vẫn phải dựa trên nguyên tắc đã quy định.
Đối với vợ lẽ, con nuôi, người ở rể và con cái địa chủ mà sau sửa sai không vạch là thành phần địa chủ đều được coi như mọi công dân khác, được quyền bầu cử ứng cử.
Trường hợp những người dưới đây, mặc dù tòa án chưa tuyên bố mất quyền công dân, nhưng vi phạm pháp luật Nhà nước và hiện bị giam giữ, thời không được tham gia bầu cử ứng cử:
1) Những người bị tạm giữ, tạm giam
2) Những người đang bị tập trung để lao động cải tạo.
Cần phân biệt những người sau đây là những người có thể tham gia bầu cử, ứng cử:
1) Những người bị án treo.
2) Những người đang bị tòa án truy tố hoặc đang chống án nhưng không bị giam giữ.
3) Những người hiện đang được nuôi và dạy nghề ở trong các trại cứu tế xã hội.
Trên đây là một số trường hợp cần thiết nêu lên để địa phương nghiên cứu áp dụng trong việc lập danh sách cử tri. Ngoài ra trong khi tiến hành, nếu có trường hợp nào chưa rõ, đề nghị báo cáo lên Bộ để xét và xử lý.
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP | BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ | K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN |
- 1Thông tư 057-TTg năm 1960 hướng dẫn thi hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II do Phủ Thủ Tướng ban hành
- 2Sắc lệnh số 133/SL về việc trừng trị các loại Việt gian phản động do Chủ tịch nước ban hành
- 3Sắc lệnh số 151/SL về việc trừng trị địa chủ chống pháp luật trong khi và ở những nơi phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất do Chủ tịch Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hoà ban hành
- 4Sắc lệnh số 175/SL về việc quy định việc quản chế do Chủ tịch nước ban hành
- 5Sắc lệnh số 267/SL về việc trừng trị những âm mưu và hành động phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch Nhà nước do Chủ tịch nước ban hành
- 6Sắc luật số 004/SLT về việc về bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp do Chủ tịch nước ban hành
Thông tư 80-TT/LB năm 1958 về các trường hợp mất quyền bầu cử, ứng cử do Bộ Nội Vụ- Bộ Công An- Bộ Tư Pháp ban hành
- Số hiệu: 80-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 06/12/1958
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp
- Người ký: Lê Quốc Thân, Phan Kế Toại, Vũ Đình Hoè
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 44
- Ngày hiệu lực: 21/12/1958
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra