BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 80/1999/TT-BTC | Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 1999 |
Căn cứ Nghị định số 25/CP ngày 5/4/1995 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính; Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý đối với các loại tài sản quý hiếm và chứng chỉ có giá do Kho bạc Nhà nước (KBNN) nhận gửi và bảo quản như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG, NGUỒN TÀI SẢN QUÝ HIẾM VÀ CHỨNG CHỈ CÓ GIÁ KBNN BẢO QUẢN:
1/ Đối tượng bảo quản:
KBNN nhận giữ và bảo quản các loại tài sản quý hiếm và chứng chỉ có giá theo quy định tại Thông tư này bao gồm: Các loại vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, cổ vật, bảo vật quốc gia, cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu, công trái...
2/ Nguồn gốc tài sản quý hiếm và chứng chỉ có giá do KBNN nhận bảo quản bao gồm:
- Do Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, Ngành trực thuộc Trung ương và các cơ quan chức năng của địa phương bàn giao cho KBNN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Thuộc quỹ dự trữ Tài chính Nhà nước do Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.
- Do các cơ quan chức năng bắt giữ đang chờ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.
- Tịch thu sung quỹ Nhà nước hoặc đã xác lập sở hữu Nhà nước.
- Thuộc sở hữu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội và cá nhân gửi KBNN bảo quản, cất giữ.
- Các loại tài sản quý hiếm và chứng chỉ có giá khác Nhà nước giao cho KBNN quản lý.
3/ KBNN không nhận bảo quản các tài sản và chứng chỉ sau đây:
- Không phải loại tài sản quý hiếm và chứng chỉ có giá.
- Luật pháp cấm mua bán, tàng trữ.
1/ KBNN nhận bảo quản tài sản quý hiếm, chứng chỉ có giá theo túi, gói niêm phong không qua kiểm định số lượng, trọng lượng, chất lượng trong trường hợp:
- Tài sản quý hiếm, chứng chỉ có giá do các cơ quan chức năng như: Công an, Viện Kiểm sát, Thuế, Hải quan, Kiểm lâm... bắt giữ đã lập biên bản thu giữ, tạm giữ và đóng gói niêm phong theo đúng quy định.
- Tài sản quý hiếm, chứng chỉ có giá thuộc sở hữu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội và cá nhân gửi KBNN bảo quản không yêu cầu kiểm định và được KBNN chấp thuận.
2/ Các trường hợp khác, trước khi KBNN nhận bảo quản theo túi, gói niêm phong, tài sản quý hiếm, chứng chỉ có giá phải được kiểm định số lượng, trọng lượng, chất lượng. Việc kiểm định do KBNN hoặc cơ quan chức năng của Nhà nước thực hiện có sự chứng kiến của cán bộ KBNN và chủ sở hữu tài sản.
III- TRÌNH TỰ GIAO, NHẬN TÀI SẢN QUÝ HIẾM VÀ CHỨNG CHỈ CÓ GIÁ (SAU ĐÂY GỌI CHUNG LÀ TÀI SẢN):
1/ KBNN nhận tài sản:
1.1- Kiểm tra các giấy tờ trước khi nhận:
Khi gửi, nộp tài sản vào KBNN, bên giao phải có công văn (đối với cơ quan, đơn vị, đoàn thể) hoặc đơn (đối với cá nhân) xin gửi kèm theo bảng kê chi tiết hiện vật gửi và hồ sơ giấy tờ có liên quan phù hợp với nguồn gốc của từng loại tài sản; Cụ thể:
a/ Đối với tài sản thuộc dự trữ tài chính Nhà nước:
+ Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc nhập tài sản quý hiếm vào Quỹ dự trữ tài chính Nhà nước.
+ Biên bản kiểm định số lượng, trong lượng, chất lượng.
b/ Đối với tài sản tạm giữ chờ xử lý của cơ quan có thẩm quyền:
+ Biên bản thu giữ tang vật.
+ Biên bản kiểm định số lượng, trọng lượng, chất lượng (nếu có).
c/ Đối với tài sản tịch thu nộp Ngân sách Nhà nước hoặc được xác lập quyền sở hữu Nhà nước:
+ Quyết định xử lý tịch thu của cơ quan có thẩm quyền về việc tịch thu tài sản.
+ Quyết định hoặc văn bản xác lập quyền sở hữu Nhà nước của cấp có thẩm quyền.
+ Biên bản thu giữ hiện vật hoặc hồ sơ xác định nguồn gốc của hiện vật.
+ Biên bản kiểm định số lượng, trọng lượng, chất lượng (nếu có).
d/ Tài sản do Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng bàn giao cho KBNN bảo quản:
+ Biên bản bàn giao giữa Ngân hàng Nhà nước hoặc cơ quan chức năng với Bộ Tài chính (KBNN).
+ Hồ sơ gốc xác định rõ nguồn gốc và nguyên nhân thu giữ.
+ Biên bản kiểm định số lượng, trọng lượng, chất lượng.
+ Các bảng tổng hợp, hồ sơ xử lý (nếu có).
e/ Tài sản là cổ vật có giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật và các bảo vật quốc gia:
+ Biên bản kiểm định số lượng, trọng lượng, chất lượng, giá trị (nếu có).
+ Hồ sơ về nguồn gốc của hiện vật.
+ Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao cho KBNN bảo quản.
f/ Tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội và cá nhân: Các giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc hoặc quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản.
1.2- Nhận tài sản:
a/ Nhận tài sản không qua kiểm định, KBNN phải thực hiện các bước sau:
- Đối với tài sản tạm giữ đang chờ xử lý của cơ quan có thẩm quyền:
+ Kiểm tra độ tin cậy của niêm phong, đảm bảo niêm phong không bị mất, rách, biến dạng các yếu tố ghi trên đó.
+ Kiểm tra các yếu tố ghi trên niêm phong như: Tên cơ quan gửi, họ tên, chữ ký của người đóng gói niêm phong (người gửi), ngày tháng năm gửi...
+ Đối chiếu các yếu tố trên niêm phong với biên bản thu giữ, xác định từng gói niêm phong khớp đúng với từng vụ việc. Cơ quan gửi tài sản tạm giữ phải đóng gói niêm phong riêng từng vụ việc. KBNN không nhận bảo quản tài sản của nhiều vụ việc trong một gói niêm phong.
+ KBNN hướng dẫn, chứng kiến người gửi tự đóng gói, niêm phong các hiện vật gửi theo đúng quy định. Trong gói niêm phong phải có biên bản giao nhận kèm theo.
- Đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, xã hội, cá nhân gửi KBNN bảo quản không yêu cầu kiểm định được KBNN chấp thuận: Người gửi phải tự tay đóng gói và niêm phong túi, gói tài sản của mình trước khi đưa vào trong hộp bảo quản cùng với bảng kê, biên bản giao nhận tài sản có sự hướng dẫn, giám sát của KBNN. KBNN hướng dẫn và chứng kiến khách hàng tự khoá (bằng khoá của khách hàng) và niêm phong bên ngoài hộp tài sản, giao nộp cho KBNN bảo quản.
Việc gửi tài sản không qua kiểm định, KBNN không chịu trách nhiệm về số lượng, trọng lượng, chất lượng tài sản trong gói niêm phong. Nếu KBNN làm mất dấu niêm phong trong quá trình bảo quản, KBNN phải chịu trách nhiệm theo quy định của Pháp luật.
b/ Nhận tài sản qua kiểm định, KBNN phải thực hiện các bước sau:
- Kiểm định tài sản: Tuỳ theo mỗi loại tài sản để thực hiện các phương pháp kiểm định như xem, thử, cân, đo, soi, đếm từng hiện vật.
- Đóng gói, niêm phong: Sau khi đã kiểm định, tài sản phải được đóng gói niêm phong theo quy định.
Đối với tài sản do Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, Ngành trực thuộc Trung ương và các cơ quan chức năng của địa phương bàn giao cho KBNN quản lý theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tài sản được xử lý tịch thu sung công quỹ; Tài sản là cổ vật, bảo vật quốc gia được Nhà nước giao cho KBNN quản lý thì việc đóng gói, niêm phong tài sản do Hội đồng có chức năng kiểm định tài sản thực hiện. Trên niêm phong ghi rõ tên loại, phân loại hiện vật, số lượng, trọng lượng, chất lượng, số hiệu từng gói, hộp, tên, chữ ký người kiểm định, ngày tháng năm đóng gói.
1.3- Lập biên bản giao nhận:
Nội dung biên bản giao nhận phải có đủ các yếu tố sau:
+ Tên cơ quan, đơn vị có tài sản gửi KBNN (đối với cơ quan, đơn vị).
+ Họ tên, chức vụ người gửi (đối với cơ quan, đơn vị).
+ Họ tên, địa chỉ, chứng minh thư của người gửi hoặc người được uỷ quyền (đối với cá nhân).
+ Họ tên người nhận (đại diện KBNN).
+ Tên cơ quan, Hội đồng kiểm định tài sản.
+ Tên, loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, hình dáng bên ngoài của từng loại tài sản bảo quản (đối với tài sản qua kiếm định); Tên, loại, hình dáng bên ngoài của từng loại tài sản (đối với tài sản không qua kiểm định); Tên, loại, mệnh giá, số sê ri (đối với chứng chỉ có giá).
+ Hình thức nhận giữ, bảo quản tài sản...
+ Ngày tháng năm, địa điểm lập biên bản.
Biên bản giao nhận phải được lập thành 4 bản: Người gửi giữ 1 bản, làm chứng từ giao nhận; 1 bản gửi kế toán KBNN để lập phiếu nhập kho và hạch toán; 1 bản giao thủ kho giữ, làm chứng từ lưu kèm hồ sơ; 1 bản cất giữ cùng hiện vật tại KBNN.
1.4- Ngoài biên bản giao nhận nêu trên, tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội và cá nhân gửi KBNN bảo quản phải làm thủ tục ký hợp đồng bảo quản.
Nội dung hợp đồng có đủ các yếu tố sau:
+ Tên cơ quan đơn vị, địa chỉ giao dịch, số điện thoại.
+ Họ tên người gửi, người đại diện; địa chỉ, chứng minh thư, số điện thoại.
+ Họ tên người đại diện KBNN nhận giữ.
+ Tên mác, mã số, ký hiệu, số lượng, trọng lượng, chất lượng, đặc điểm gói niêm phong hoặc đặc điểm hiện vật bảo quản; Số gói, hộp bảo quản, số gói niêm phong.
+ Thời gian gửi bảo quản.
+ Hình thức nhận gửi.
+ Mức, hình thức và định kỳ thanh toán phí bảo quản.
+ Trách nhiệm của các bên: Xác định trách nhiệm trong các trường hợp tài sản nhận bảo quản bị hư hỏng, mất mát.
+ Ngày, tháng, năm, địa điểm ký hợp đồng bảo quản.
+ Các điều khoản cam kết khác.
Việc thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng bảo quản tài sản phải được các bên tham gia hợp đồng thoả thuận bằng văn bản.
2/ KBNN giao tài sản:
a/ Khi giao tài sản phải căn cứ vào các giấy tờ hợp lệ:
- Quyết định xuất tài sản thuộc quỹ dự trữ tài chính của Thủ tướng Chính phủ hoặc Thủ trưởng cơ quan được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền (đối với Quỹ dự trữ tài chính Trung ương) và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc của Thủ trưởng cơ quan được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương uỷ quyền (đối với Quỹ dự trữ tài chính địa phương).
- Quyết định bán tài sản đã xử lý tịch thu và tài sản đã được xác lập quyền sở hữu Nhà nước của cấp có thẩm quyền.
- Quyết định xử lý (tịch thu, trưng mua, mua lại, trả lại) tài sản của cơ quan có thẩm quyền đối với tài sản tạm giữ chờ xử lý.
- Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc chuyển giao quản lý, bảo quản đối với tài sản quý hiếm là cổ vật, bảo vật quốc gia.
- Công văn (đối với cơ quan) hoặc đơn (đối với cá nhân) có tài sản quý hiếm gửi KBNN bảo quản yêu cầu lấy lại trước hạn toàn bộ hoặc 1 phần tài sản gửi.
- Hợp đồng bảo quản tài sản đã hết thời hạn.
Ngoài các giấy tờ nêu trên khi nhận tài sản từ KBNN, người nhận phải có:
- Công văn, giấy giới thiệu, chứng minh thư của người được cử đến nhận, giấy uỷ quyền (trong trường hợp uỷ quyền) đối với cơ quan, tổ chức, đoàn thể; Giấy xác nhận quyền thừa kế theo quy định của Pháp luật (trong trường hợp người gửi tài sản chết).
- Chứng minh thư, giấy uỷ quyền (trong trường hợp uỷ quyền) đối với cá nhân.
- Biên bản giao nhận.
- Hợp đồng bảo quản tài sản (nếu lấy trước hạn).
b/ Giao tài sản:
- Khi xuất trả tài sản KBNN phải kiểm soát các giấy tờ và làm thủ tục xuất trả, lập biên bản giao nhận hiện vật theo đúng chế độ quy định.
Trước khi trả KBNN phải yêu cầu bên gửi kiểm tra lại gói, túi niêm phong. Nếu có dấu vết khả nghi thì hai bên cùng nhau xác nhận và lập biên bản. Bên gửi có quyền mời cơ quan giám định trước khi tự tay mở gói niêm phong và kiểm tra tiếp niêm phong của gói tài sản bên trong có chứng kiến của KBNN.
Trường hợp KBNN để mất dấu niêm phong trên gói tài sản thì hai bên phải mời đại diện cơ quan pháp luật đến chứng kiến việc giám định và trao tài sản.
Đối với các trường hợp ký hợp đồng bảo quản, sau khi trả lại tài sản, bên giao, bên nhận phải làm thủ tục thanh lý hợp đồng theo đúng quy định. KBNN phải thu hồi hợp đồng, biên bản giao nhận và những chứng từ liên quan để lưu trữ theo chế độ hiện hành. Trường hợp người gửi hiện vật xin lấy lại một phần trong tổng số hiện vật đã gửi thì KBNN phải làm thủ tục xuất trả toàn bộ số hiện vật cho người gửi, sau đó làm thủ tục nhận lại số hiện vật khách hàng muốn gửi tiếp.
IV- TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN TRONG GIAO NHẬN TÀI SẢN QUÝ HIẾM:
1/ Trách nhiệm của KBNN:
- Mở các loại sổ để ghi chép, theo dõi từng lần nhập, xuất tài sản.
- Bảo đảm an toàn tuyệt đối gói niêm phong tài sản của bên gửi, không để xẩy ra nhầm lẫn, hư hỏng, thay đổi về hình dáng ban đầu khối lượng, trọng lượng của tài sản. Nếu để xẩy ra mất mát, hư hỏng KBNN phải có trách nhiệm bồi thường.
- Giữ bí mật cho bên gửi tài sản. (nếu có yêu cầu).
- Hướng dẫn thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho bên gửi đến gửi và nhận lại tài sản.
- Chuẩn bị đủ các phương tiện: giấy gói, dây buộc, túi hòm bảo quản và các phương tiện kiểm định số lượng, trọng lượng, chất lượng...
- Thông báo kịp thời cho bên gửi biết để có biện pháp xử lý trong trường hợp túi bảo quản có thể bị mất dấu niêm phong, cần niêm phong lại.
- Hàng năm, KBNN phải tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính số lượng tài sản đã xử lý của cơ quan có thẩm quyền đồng thời đề xuất biện pháp xử lý số tài sản còn tồn đọng lâu ngày trong kho do chưa xác định được nguồn gốc, chủ tài sản.
- KBNN không chịu trách nhiệm về việc vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cá nhân có tài sản gửi KBNN bảo quản.
2/ Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tài sản gửi tại KBNN:
- Chấp hành các thủ tục, quy trình gửi và nhận lại hiện vật của cơ quan KBNN.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyền sở hữu hợp pháp đối với số tài sản gửi KBNN bảo quản.
- Chịu trách nhiệm về toàn bộ số lượng, trọng lượng, chất lượng tài sản của mình nếu nhận lại hòm, túi tài sản vẫn còn nguyên niêm phong.
- Trường hợp bên gửi làm mất hồ sơ gửi tài sản phải báo ngay cho KBNN bằng văn bản, để có biện pháp ngăn ngừa. Sau đó bên gửi phải trực tiếp đến trụ sở KBNN xuất trình giấy khai báo mất hồ sơ gửi tài sản, có xác nhận của cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương và các thủ tục quy định để thanh lý hợp đồng cũ và ký lại hợp đồng mới.
- Khi chủ sở hữu tài sản của bên gửi có thay đổi thì bên gửi phải báo ngay bằng văn bản đảm bảo đủ tính pháp lý để KBNN biết và xử lý, điều chỉnh.
- Đối với tài sản thuộc đối tượng tạm giữ chờ xử lý và tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của các cơ quan đoàn thể, cá nhân gửi KBNN bảo quản, người gửi phải có trách nhiệm nộp một khoản phí bảo quản cho KBNN để bù đắp một phần khấu hao cơ bản kho tàng và phương tiện bảo quản, chi phí ấn phẩm, hồ sơ...
Mức phí quy định như sau:
+ Phí bảo quản tài sản: 0,05% (năm phần vạn)/giá trị tài sản/1tháng. Mức thu tối thiểu không dưới 20.000 đồng/1 hộp hoặc gói/1 tháng. Mức thu tối đa là 500.000 đ/hộp hoặc gói/1 tháng. Đối với công trái XDTQ mức phí bảo quản thực hiện theo quy định riêng.
+ Trường hợp không xác định được giá trị tài sản bảo quản, KBNN cùng khách hàng thoả thuận, thống nhất mức phí hợp lý.
Phí bảo quản, khách hàng phải trả cho KBNN ngay khi làm thủ tục nhận lại tài sản. Đối với trường hợp ký hợp đồng bảo quản tài sản, khách hàng không được hoàn trả phần phí còn thừa do khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng trước hạn.
Trường hợp gửi quá hạn hợp đồng, ngoài phí bảo quản theo quy định, khách hàng phải trả thêm một khoản phạt lưu kho bằng 0,1%/1 tháng tính trên giá trị tài sản.
- KBNN không thu phí bảo quản đối với tài sản thuộc sở hữu Nhà nước hoặc được xác lập sở hữu Nhà nước.
Hàng năm, KBNN căn cứ vào tình hình thực tế lập dự trù kinh phí mua sắm phương tiện bảo quản, trình Bộ Tài chính xét duyệt để bù đắp phần chi phí này.
1/ Việc nhận, bảo quản tài sản được thực hiện tại KBNN Trung ương và KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
KBNN quận, huyện chỉ được nhận, bảo quản tài sản khi đã có kho tàng và phương tiện đảm bảo an toàn và được Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý đồng ý bằng văn bản.
2/ Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 63 TC/KBNN ngày 9/11/1991 của Bộ Tài chính và các văn bản khác của Bộ Tài chính trái với nội dung hướng dẫn tại Thông tư này.
3/ Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có tài sản thuộc đối tượng KBNN nhận bảo quản; Thủ trưởng các cơ quan Tài chính và KBNN các cấp có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
Nguyễn Thị Kim Ngân (Đã ký) |
- 1Quyết định 113/2000/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư 63-TC/KBNN năm 1991 về việc giao, nhận và bảo quản vàng bạc, kim khí quý, đá quý và các tài sản quý tịch thu, tạm giữ trong hệ thống kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 3Thông tư 122/2012/TT-BTC quy định việc quản lý tài sản quý hiếm và giấy tờ có giá do Kho bạc Nhà nước nhận gửi và bảo quan của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Quyết định 659/QĐ-BTC năm 2013 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành hết hiệu lực thi hành
- 1Quyết định 113/2000/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư 63-TC/KBNN năm 1991 về việc giao, nhận và bảo quản vàng bạc, kim khí quý, đá quý và các tài sản quý tịch thu, tạm giữ trong hệ thống kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 3Thông tư 27/2000/TT-BTC hướng dẫn bổ sung Thông tư 80/1999/TT-BTC về việc quản lý đối với các loại tài sản quý hiếm và chứng chỉ có giá do Kho bạc Nhà nước nhận gửi và bảo quản do Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư 122/2012/TT-BTC quy định việc quản lý tài sản quý hiếm và giấy tờ có giá do Kho bạc Nhà nước nhận gửi và bảo quan của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 5Quyết định 659/QĐ-BTC năm 2013 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành hết hiệu lực thi hành
Thông tư 80/1999/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý đối với các loại tài sản quý hiếm và chứng chỉ có giá do Kho bạc Nhà nước nhận gửi và bảo quản do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 80/1999/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 29/06/1999
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 33
- Ngày hiệu lực: 14/07/1999
- Ngày hết hiệu lực: 15/09/2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực