Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76-NV/DC

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG THỂ LỆ BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Kính gửi:

- Ủy ban Hành chính các Khu Tự trị Việt bắc, Tự trị Thái Mèo, Khu Hồng quảng
- Ủy ban Hành chính các thành phố
- Ủy ban Hành chính các tỉnh và Khu vực Vĩnh Linh

Để thi hành các điều khoản trong Sắc luật số 004-SLt ngày 20-07-1957 và Nghị định số 432-TTg ngày 25-09-1957 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Bộ gửi thông tư này hướng dẫn Ủy ban Hành chính các cấp thực hiện các công tác sau đây:

I. – Lập danh sách cử tri.

II. – Tính số đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

III. – Định các đơn vị bầu cử và tính số đại biểu cho mỗi đơn vị.

IV. – Định các khu vực bỏ phiếu.

V. – Thành lập Hội đồng bầu cử, các ban bầu cử và các tổ bầu cử.

VI. – Chuẩn bị vật liệu cần thiết cho cuộc bầu cử.

I. LẬP DANH SÁCH CỬ TRI

Lập danh sách cử tri là một công tác đặc biệt quan trọng, vì chỉ những người có tên trong danh sách cử tri mới có quyền bầu cử. Yêu cầu của công tác là: không bỏ sót một người có quyền bầu cử mà không ghi vào danh sách cử tri và không ghi lầm một người không có quyền bầu cử vào danh sách; do đó phân rõ người có quyền bầu cử và người không có quyền bầu cử, bảo vệ quyền bầu cử thiêng liêng của cử tri, củng cố hơn nữa nền dân chủ nhân dân chuyên chính.

Ai là cử tri?

Theo sắc luật số 004-SLt ngày 20-07-1957 về bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp thì:

1. – Các công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, gái trai, nghề nghiệp, giàu nghèo, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử.

Công dân trong quân đội có quyền bầu cử và ứng cử như những công dân khác.

2. – Những địa chủ sau đây, tuy chưa được thay đổi thành phần, cũng được bầu cử và ứng cử:

- địa chủ kháng chiến;

- địa chủ thường được Ủy ban Hành chính và Ban Chấp hành Nông hội xã đề nghị cho bầu cử và ứng cử, và được, Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn y.

3. – Những người sau đây không có quyền bầu cử và ứng cử:

- Người bị pháp luật hoặc tòa án tước công quyền.

- Người bị bệnh điên.

- Địa chủ chưa được thay đổi thành phần (trừ những người đã nói ở điểm 2).

Các Ủy ban Hành chính xã, thị trấn, khu phố và thị xã (ở các thị xã không có khu phố) là các cấp chính quyền cơ sở có nhiệm vụ lập danh sách cử tri.

Nếu các đơn vị bộ đội trú quân ở các địa phương tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân ở địa phương thì Ban chỉ huy đơn vị sẽ lập danh sách cử tri riêng của đơn vị mình.

A. - KẾ HOẠCH – PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH:

Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử danh sách cử tri phải được niêm yết để nhân dân kiểm soát, cho nên sau khi dự hội nghị để nghe phổ biến kế hoạch và thể lệ bầu cử, Ủy ban Hành chính họp để bàn kế hoạch chi tiết tiến hành công tác; công tác đầu tiên là lập danh sách cử tri.

a) Tổ chức:

- Mỗi xã, thị trấn, khu phố và thị xã (không có khu phố) tổ chức một bộ phận chuyên trách việc lập danh sách cử tri làm nhiệm vụ thẩm tra tư cách cử tri và đăng ký cử tri. Thành phần gồm có một số trong những cán bộ sau đây: ủy viên Ủy ban Hành chính, ủy viên Ban Chấp hành nông hội, cán bộ công an, cán bộ thống kê, trưởng xóm, trưởng phố, trưởng khu hay là trưởng ban đại biểu dân phố (và có một số cán bộ khác có khả năng giúp việc).

Có thể phân công: một số phụ trách thẩm tra tư cách cử tri, thu thập tài liệu để đề nghị cấp trên xét duyệt các trường hợp địa chủ thường có tiêu chuẩn cho bầu cử và các người có án tích, nhưng chưa rõ có mất quyền công dân hay không và một số phụ trách ghi tên cử tri vào danh sách và theo dõi điều chỉnh danh sách cử tri.

- Tại mỗi xóm, phố, khối hay là tiểu khu, v.v... tổ chức một nhóm gồm một số trong những cán bộ sau đây: trưởng xóm, công an xóm, trưởng phố, công an phố, hộ tịch viên, tổ trưởng, tổ phó dân phố (và một số thanh niên đọc viết thạo giúp việc) làm nhiệm vụ ghi tên các cử tri của mỗi xóm, phố, khối, tiểu khu.... và nêu lên những trường hợp cần xét về tư cách cử tri.

b) Công việc cụ thể:

1 - Dựa vào các tài liệu sẵn có (như thống kê, tài liệu quản lý hộ khẩu, v.v...) các nhân viên phụ trách phân công đi từng hộ, thẩm tra lại, làm thống kê mới, ghi tên những người từ 18 tuổi trở lên đã biết chắc chắn có đủ điều kiện bầu cử.

2 - Gặp trường hợp chưa biết rõ về một số người có đủ điều kiện bầu cử hay không thì ghi tên riêng để điều tra thêm hoặc hỏi cấp trên.

3 - Về tuổi của cử tri cần chú ý những người xấp xỉ trên dưới 18 tuổi. Nếu bầu cử năm 1959 thì những người từ 18 tuổi trở lên là những người sinh từ năm 1941 trở về trước.

Đối với những người xấp xỉ 18 tuổi, nhưng không nhớ rõ ngày sinh tháng đẻ, cần hỏi kỹ bà con, xóm giềng để giúp họ xác nhận tuổi thực của họ.

4 - Trường hợp các cơ quan, công nông trường, xí nghiệp, trường học ăn ở tập thể ở xóm, phố, khối hay là tiểu khu có tham gia bầu cử thì phụ trách xóm, phố, khối hay là tiểu khu, phải liên lạc với cấp phụ trách các đơn vị đó để lấy tên các cử tri kê vào danh sách chung với nhân dân.

Các cấp phụ trách các đơn vị nói trên làm một bản dự thảo danh sách cử tri của đơn vị mình để giao cho bộ phận lập danh sách cử tri của chính quyền địa phương. Dự thảo danh sách cử tri này cần được toàn thể cử tri trong đơn vị thông qua để tránh nhầm lẫn, thiếu sót.

5 - Sau khi đã giải quyết mọi trường hợp khó khăn thì:

- Ở xã và thị trấn, danh sách cử tri lập theo xóm, phố, trong đó tên các cử tri xếp theo hộ - Ở Thị xã, danh sách cử tri được lập theo khối, tiểu khu hay là tổ dân phố, trong đó tên các cử tri xếp theo hộ. Các hộ xếp theo thứ tự A, B, C của tên người chủ hộ hoặc xếp theo một thứ tự quen thuộc của nhân dân địa phương; rồi kết hợp với các cuộc họp của nhân dân đưa danh sách cử tri ra để nhân dân hoặc đại biểu các hộ thảo luận bổ khuyết và thông qua.

- Sau đó, các xóm, phố, khối, tiểu khu tập trung danh sách cử tri của mình lên Ủy ban Hành chính cơ sở để bộ phận chuyên trách nói trên giúp Ủy ban lập danh sách cử tri chung cho toàn khu vực bỏ phiếu theo thứ tự A, B, C.

Danh sách cử tri của từng khu vực bỏ phiếu để tại trụ sở Ủy ban Hành chính, các danh sách cử tri lập theo các xóm, phố, khối, tiểu khu trong khu vực bỏ phiếu sau khi được Ủy ban Hành chính cơ sở công nhận sẽ niêm yết ở các xóm, phố, khối, tiểu khu. Các danh sách cử tri phải có chữ ký và đóng dấu của Ủy ban Hành chính cơ sở.

B. - MẤY ĐIỂM CẦN CHÚ Ý KHI LẬP DANH SÁCH CỬ TRI:

1 – Trong công tác lập danh sách cử tri và thống kê dân số, các cán bộ công an có nhiệm vụ giúp đỡ Ủy ban Hành chính về mặt cung cấp tài liệu. Vì vậy, Ủy ban Hành chính không nên khoán trắng cho các cán bộ công an, mà phải coi là trách nhiệm chính của mình.

2 – Chỉ được ghi vào danh sách cử tri của một khu vực bỏ phiếu những người cư trú chính thức tại khu vực đó.

3 – Đối với những trường hợp vì thiếu tài liệu, chưa thể phân biệt là có quyền bầu cử hay không thì phải sưu tầm đầy đủ tài liệu rồi mới kết luận. Nếu chưa rõ nguyên tắc giải quyết những trường hợp phức tạp thì phải hỏi ý kiến cấp trên; nhưng không nên vì một trường hợp chưa giải quyết được mà đình chỉ toàn bộ công tác lập danh sách cử tri.

4 – Khi lập và sao chép danh sách cử tri phải cẩn thận để không bỏ sót, không ghi trùng, không nhầm lẫn tên, họ (tên đọc giống nhau mà chữ viết không giống nhau) và nhất là không ghi vào danh sách cử tri những người đã bị tước quyền bầu cử. Việc sao chép danh sách cử tri có thể giao cho những người có trình độ văn hóa, chữ viết tốt, rõ, có tinh thần trách nhiệm và tin cậy được. Khi sao chép danh sách cử tri, nên dùng một thứ mực đậm màu, lâu phai như mực tím.

3 – Triệu tập hội nghị thanh niên (nam nữ) chưa đủ 18 tuổi (chủ yếu là 16, 17 tuổi) và tùy theo sự thuận tiện có thể họp theo xóm, liên xóm, tổ dân phố, tiểu khu. Đại diện Ủy ban Hành chính cơ sở nói rõ lý do tại sao những thanh niên chưa đủ 18 tuổi tạm thời chưa được bầu cử; đặc biệt nhấn mạnh những người chưa đủ tuổi bầu cử, căn bản không giống những phần tử bị tước quyền bầu cử, đồng thời động viên họ tham gia giúp đỡ các tổ chức phụ trách bầu cử và cử tri.

6 – Nên quan niệm công tác xét duyệt cho địa chủ thường được đi bầu cử là một công tác chính trị, có làm được chu đáo mới nói lên được chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ muốn mở cho địa chủ con đường lao động cải tạo để họ thêm tin tưởng, phấn khởi và cố gắng tự cải tạo.

7 – Đối với những người bị tước quyền bầu cử, nên triệu tập họ lại để nói cho họ rõ lý do bị tước quyền bầu cử và con đường tiến lên của họ là phải tự cải tạo để trở thành người công dân tốt. Đối với những phần tử có hành động xấu phải phê bình, giáo dục.

8 – Trong kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp lần này, một danh sách cử tri có thể dùng chung cho cả các cấp. Nhưng nếu ở nơi nào có một số cán bộ công nhân viên các xí nghiệp công nông lâm trường chỉ tham dự cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp trên, thì phải lập danh sách cử tri riêng, bằng cách ghi thêm tên các cử tri mới vào danh sách dùng cho cuộc bầu cử hội đồng nhân dân cấp cơ sở.

C - KẾT HỢP LÀM THỐNG KÊ DÂN SỐ:

Để có những số liệu về dân số dùng ngay trong công tác bầu cử và dùng làm tài liệu cho nhiều công tác về sau, trong khi tiến hành lập danh sách cử tri sẽ kết hợp làm thống kê dân số.

D – NIÊM YẾT, KHIẾU NẠI, ĐIỀU CHỈNH DANH SÁCH CỬ TRI

Danh sách cử tri phải lập xong và đem niêm yết ở các nơi công cộng trong khu vực bỏ phiếu (mỗi xóm, phố, khối, tiểu khu một bản) ít nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử.

Ở các nơi niêm yết danh sách cử tri, cần có người thường trực để trông nom danh sách, giúp đỡ cử tri thẩm tra danh sách, ghi ý kiến của nhân dân về các điểm sai sót và nhận đơn khiếu nại để chuyển giao cho bộ phận lập danh sách cử tri nghiên cứu giải quyết và điều chỉnh danh sách (nếu cần).

Sau khi đã niêm yết danh sách cử tri, cần tuyên truyền rộng rãi và phát động quần chúng xem xét và thẩm tra danh sách. Và tùy theo sự thuận tiện, triệu tập hội nghị cử tri theo xóm, phố, tiểu khu, v.v... để đại diện Ủy ban Hành chính cở sở căn cứ vào pháp luật trình bày người có quyền bầu cử, người bị tước quyền bầu cử và công bố danh sách cử tri. Nếu có điểm cư tri nghi vấn phải giải thích, nếu có ý kiến khác nhau phải thảo luận và báo cáo lên bộ phận lập danh sách cử tri giải quyết.

Khi danh sách cử tri đã niêm yết và chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử, ai không đồng ý về điểm nào có quyền khiếu nại đến cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan này phải giải quyết xong việc khiếu nại trong ba ngày. Nếu người khiếu nại chưa đồng ý về cách giải quyết thì có thể khiếu nại lên Tòa án nhân dân huyện thị xã, châu hay là thành phố.

Cũng trong thời gian niêm yết danh sách cử tri, cử tri vào đổi chỗ ở phải báo cho Ủy ban ban Hành chính cơ sở biết để xóa tên ở danh sách cử tri nơi ở cũ và ghi tên vào danh sách cử tri nơi mới đến ở.

Việc điều chỉnh danh sách cử tri phải làm thường xuyên, qua nhiều đợt.

Mọi sự sửa đổi, thêm bớt danh sách cử tri phải làm xong ba ngày trước ngày bầu cử.

II. - TÍNH SỐ ĐẠI BIỂU CHO HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Sắc luật số 004-SLt ngày 20-07-1957 quy định cách tính số đại biểu như sau:

A - Ở MIỀN XUÔI:

1 – Hội đồng Nhân dân xã và thị trấn:

Xã và thị trấn từ 1.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 15 đại biểu, xã và thị trấn trên 1.000 nhân khẩu thì ngoài số 15 đại biểu tính cho số 1.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 200 nhân khẩu thì thêm đại biểu, nhưng tổng số không được quá 35 đại biểu.

Đặc biệt các xã trên 6.000 nhân khẩu có thể có tới 40 đại biểu.

2 – Hội đồng nhân dân thị xã:

Thị xã từ 4.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 25 đại biểu. Thị xã trên 4.000 nhân khẩu thì ngoài số 25 đại biểu tính cho số 4.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thê 500 nhân khẩu thì thêm đại biểu, nhưng tổng số không được quá 50 đại biểu.

3 – Hội đồng Nhân dân tỉnh:

Tỉnh từ 250.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 50 đại biểu. Tỉnh trên 250.000 nhân khẩu thì ngoài số 50 đại biểu tính cho số 250.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 20.000 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 100 đại biểu.

4 – Hội đồng nhân dân thành phố:

Thành phố từ 60.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 50 đại biểu. Thành phố trên 60.000 nhân khẩu, thì ngoài số 50 đại biểu tính cho số 60.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 8.000 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 100 đại biểu.

B - Ở CÁC KHU TỰ TRỊ VÀ Ở MIỀN NÚI

1 – Hội đồng nhân dân xã và thị trấn:

- Xã vùng cao từ 300 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 9 đại biểu. Xã trên 300 nhân khẩu thì ngoài số 9 đại biểu tính cho số 300 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 35 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 25 đại biểu.

- Xã vùng thấp và thị trấn từ 400 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 11 đại biểu, xã và thị trấn trên 400 nhân khẩu thì ngoài số 11 đại biểu tính cho số 400 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 70 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 25 đại biểu.

2 – Hội đồng Nhân dân thị xã:

Thị xã từ 3.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 20 đại biểu. Thị xã trên 3.000 nhân khẩu thì ngoài có 20 đại biểu tính cho số 3.000 nhân khẩu đầu tiên cứ thêm 300 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 45 đại biểu.

3 – Hội đồng Nhân dân tỉnh hay là châu:

(Trong Khu Tự trị không có cấp tỉnh)

- Tỉnh từ 80.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 40 đại biểu. Tỉnh trên 80.000 nhân khẩu thì ngoài số 40 đại biểu tính cho số 80.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 5.000 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 70 đại biểu.

- Châu từ 8.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 25 đại biểu. Châu trên 8.000 nhân khẩu thì ngoài số 25 đại biểu tính cho số 8.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 800 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 50 đại biểu.

4 – Hội đồng Nhân dân khu:

Tùy theo tình hình dân số và dân tộc ở từng nơi, từ 2.000 đến 6.000 nhân khẩu thì bầu cử một đại biểu, nhưng tổng số đại biểu không được quá 150.

Các tỷ lệ nói trên có thể châm chước để các dân tộc ít người có thể bầu cử đại biểu của mình vào Hội đồng Nhân dân các cấp.

Ở các xã ven biển, ngoài hải đảo thuộc tỉnh miền xuôi, dân số đặc biệt ít (150, 200 nhân khẩu) thì tùy tình hình và thể theo nguyện vọng của nhân dân, có thể áp dụng cách tính số đại biểu Hội đồng Nhân dân như một xã miền núi (tối thiểu 9 đại biểu).

Ngược lại, ở các xã miền núi hoặc thuộc Khu Tự trị mà dân số đặc biệt cao (từ 4, 5 nghìn trở lên) cũng có thể áp dụng cách tính số đại biểu Hội đồng Nhân dân như một xã miền xuôi (tối đa 35 đại biểu) để Hội đồng Nhân dân có một số đại biểu tương xứng với dân số đồng thời thích ứng với đặc biệt vùng dân tộc theo đúng tinh thần chiếu cố của sắc luật ngày 20-07-1957.

Số nhân khẩu gồm: số cử tri (nhân dân, cán bộ, công nhân viên và bộ đội có tham gia bầu cử) số người chưa đến tuổi bầu cử, số người mất quyền bầu cử hiện cư trú tại địa phương. Để tính số nhân khẩu này, Ủy ban Hành chính mỗi cấp sẽ căn cứ vào tài liệu thống kê dân số trên và báo cáo của cơ quan đóng ở địa phương, v.v...

Vài ví dụ cụ thể:

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ VÀ THỊ TRẤN MIỀN XUÔI

1) Số nhân khẩu của thị trấn A là 928

Vậy số đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn này là 15 (không phải tính, vì dân số dưới 1.000 người).

2) Số nhân khẩu của xã B là 5.700

Trừ số 1.000 nhân khẩu đầu tiên được bầu 15 đại biểu, còn: 5.700 – 1.000 = 4.700.

Số 4.700 người còn lại được cử: 4.700 : 200 = 23 đại biểu.

Như vậy, cộng số đại biểu là: 15 + 23 = 38.

Nhưng sắc luật bầu cử đã quy định tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân các xã miền xuôi dưới 6.000 nhân khẩu không được quá 35. Vậy số đại biểu Hội đồng Nhân dân xã B là 35.

3) Số nhân khẩu của xã C là 7.450 (xã loại to, trên 6.000 nhân khẩu).

Trừ số 6.000 nhân khẩu đầu tiên được bầu 35 đại biểu còn: 7.450 – 6.000 = 1.450.

Áp dụng cách tính trên (ngoài số 35 đại biểu tính cho số 6.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 200 nhân khẩu thì thêm 1 đại biểu) thì số 1.450 người còn lại được cử: 1.450 : 200 = 7 đại biểu.

Như vậy, cộng số đại biểu là: 35 + 7 = 42.

Nhưng sắc luật bầu cử đã quy định các xã trên 6.000 nhân khẩu (cũng chỉ) có tới 40 đại biểu (là cùng).

Vậy số đại biểu Hội đồng Nhân dân xã C là 40.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THỊ XÃ

4) Số nhân khẩu của thị xã D là 15.500.

Trừ số 4.000 nhân khẩu đầu tiên được bầu 25 đại biểu, còn: 15.500 – 4.000 = 11.500.

Số 11.500 còn lại được cử: 11.500 : 500 = 23 đại biểu.

Như vậy tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân thị xã D là: 25 + 23 = 48.

Khi tính số đại biểu được bầu, thường còn lại một số dư (nhân khẩu).

Nói chung, nếu số dư đó bằng hay trên số quá bán của con số quy định để tính thêm một đại biểu, thì Ủy ban Hành chính cấp bầu cử Hội đồng Nhân dân, có thể tăng thêm số đại biểu được bầu lên một người. Ví dụ:

Tỉnh A miền núi có 92.720 nhân khẩu.

Trừ số 80.000 nhân khẩu đầu tiên được 40 đại biểu, còn: 92.720 – 80.000 = 12.720.

Số 12.720 còn lại được bầu thêm: 12.720 : 5.000 = 2.

Số dư là 2.720, trên số quá bán (2.501) của con số quy định để tính thêm một đại biểu (5.000).

Như vậy, tỉnh A được bầu là: 40 + 2 + 1 = 43 đại biểu.

Nhưng trong trường hợp đặc biệt Hội đồng Nhân dân một cấp hoặc một nơi nào cần có thêm đại biểu để bảo đảm tính chất Mặt trận (thành phần tôn giá, tôn giáo, dân tộc, nghề nghiệp, v.v...) mà số dư dưới con số quá bán nói trên, Ủy ban Hành chính cấp bầu cử Hội đồng Nhân dân có thể đề nghị tăng số đại biểu được bầu lên một người.

III. - ĐỊNH CÁC ĐƠN VỊ BẦU CỬ VÀ TÍNH SỐ ĐẠI BIỂU CHO MỖI ĐƠN VỊ

a) Định các đơn vị bầu cử:

Việc tổ chức bầu cử theo đơn vị nhằm mục đích làm cho cử tri lựa chọn đại biểu được chính xác, Hội đồng Nhân dân có tiếng nói của nhân dân trong mọi khu vực của mỗi địa phương, và thu nhập ý kiến của nhân dân được dễ dàng, việc giám sát của nhân dân đối với đại biểu được thuận lợi, quan hệ giữa đại biểu và cử tri được mật thiết.

Một đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân nên có từ hai đến sáu đại biểu.

Đặc biệt ở miền núi, một đơn vị có thể chỉ có một đại biểu.

Hội đồng Nhân dân các cấp bầu cử theo những đơn vị sau đây:

- Hội đồng Nhân dân xã theo đơn vị liên xóm (thôn cũ);

- Hội đồng Nhân dân thị trấn theo đơn vị phố hay là liên xóm;

- Hội đồng Nhân dân thị xã theo đơn vị khu phố và xã (nếu có xã ngoại thị);

- Hội đồng Nhân dân châu theo đơn vị hành chính xã;

- Hội đồng Nhân dân tỉnh theo đơn vị hành chính huyện và thị xã;

- Hội đồng Nhân dân thành phố theo đơn vị khu phố hay là liên khu phố ở nội thành, theo đơn vị xã hay là liên xã ở ngoại thành;

- Hội đồng Nhân dân Khu Tự trị theo đơn vị hành chính châu hay là huyện và thị xã.

- Hội đồng Nhân dân khu vực Vĩnh Linh theo đơn vị xã hay là liên xã.

Để bảo đảm số đại biểu được bầu của mỗi đơn vị không quá 6 người, các thôn (ở xã) phố (ở thị trấn) khu phố, xã ngoại thị (ở thị xã) đông dân cư có thể chi làm hai hay nhiều đơn vị bầu cử.

Khi số đại biểu được bầu của một huyện (là đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân tỉnh) quá cao (từ 15 người trở lên) do đó mà gây khó khăn lớn cho nhân dân trong việc lựa chọn cũng như cho lãnh đạo, thì Ủy ban Hành chính tỉnh phải báo cáo lên Bộ, để việc xét duyệt các đơn vị bầu cử và số đại biểu của mỗi đơn vị được kịp thời và thích đáng.

Đối với xã có nhiều dân tộc, xã rẻo cao hay biên giới, việc định đơn vị bầu cử có thể tùy tình hình thực tế mà linh động châm chước một phần nào, không nhất thiết phải có đủ hoặc hơn số nhân khẩu trung bình mới thành một đơn vị, nhưng Ủy ban Hành chính cấp cơ sở phải xin ý kiến Ủy ban Hành chính châu, huyện trước khi giải quyết.

Việc định đơn vị bầu cử có ảnh hưởng đến việc định khu vực bỏ phiếu sẽ nói sau đây, vì vậy cần kết hợp làm hai việc cùng một lúc, không nên tách rời, việc làm trước việc làm sau.

b) Tính số đại biểu Hội đồng Nhân dân cho mỗi đơn vị:

Muốn tính số đại biểu Hội đồng Nhân dân của mỗi đơn vị bầu cử, nguyên tắc chung là lấy số nhân khẩu của từng đơn vị bầu cử chia cho số nhân khẩu trung bình được cử một đại biểu.

Thí dụ:

1) Thị trấn A có 928 nhân khẩu, được bầu 15 đại biểu. Số nhân khẩu trung bình được cử một đại biểu là 928 : 15 = 61.

Lấy một đơn vị bầu cử (một phố) mà số nhân khẩu 370, thì đơn vị bầu cử ấy được bầu:
370 : 61 = 6 đại biểu.

2) Xã B có 5.700 nhân khẩu, được bầu 35 đại biểu. Số nhân khẩu trung bình được cử một đại biểu là 5.700 : 35 = 163.

Lấy một đơn vị bầu cử (liên xóm) mà số nhân khẩu là 830, thì đơn vị bầu cử ấy được bầu: 830 : 163 = 5 đại biểu.

3) Thị xã D có 15.500 nhân khẩu được bầu 48 đại biểu. Số nhân khẩu trung bình được cử 1 đại biểu là 15.500 : 48 = 322.

Lấy một đơn vị bầu cử (khu phố hay là xã ngoại thị) mà số nhân khẩu là 1.330, thì đơn vị bầu cử ấy được bầu: 1.330 : 322 = 4 đại biểu.

Trên thực tế, chia như vậy sẽ có số dư và sẽ còn một số đại biểu chưa phân phối vào đơn vị bầu cử nào cả. Số đại biểu đó sẽ lần lượt chia thêm cho những đơn vị bầu cử xét ra cần thêm đại biểu để bảo đảm tính chất và thành phần của Hội đồng Nhân dân.

c) Thời gian đề nghị, duyệt y và công bố:

Số đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân Khu Tự trị, tỉnh, thành phố và số đại biểu cho mỗi đơn vị do Ủy ban Hành chính Khu Tự trị, tỉnh, thành phố đề nghị; Bộ Nội vụ duyệt y. Số đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân tỉnh trong Khu Tự trị và số đại biểu cho mỗi đơn vị do Ủy ban Hành chính tỉnh đề nghị, Ủy ban Hành chính Khu Tự trị được Bộ Nội vụ ủy quyền duyệt y.

Ủy ban Hành chính xã, thị trấn, thị xã đề nghị lên Ủy ban Hành chính tỉnh, khu (trong Khu Tự trị không có cấp tỉnh) duyệt y danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu của mỗi đơn vị bầu cử.

Vì tổng số xã và thị trấn trong một tỉnh, một khu thì nhiều, Ủy ban Hành chính tỉnh, khu lại đông xã, không nắm được sát tình hình từng xã, thị trấn và nhằm đảm bảo thời hạn duyệt y đã quy định, Ủy ban Hành chính tỉnh, khu có thể ủy quyền cho Ủy ban Hành chính huyện, hoặc châu duyệt y các đề nghị trên của các xã, thị trấn, nhưng Ủy ban Hành chính tỉnh hoặc khu vẫn chịu trách nhiệm về việc này.

Ủy ban Hành chính các cấp nên đề nghị sớm để chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử có thể công bố danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu của mỗi đơn vị, sau khi đã được các cấp có thẩm quyền duyệt y.

IV. - ĐỊNH CÁC KHU VỰC BỎ PHIẾU

Lập các khu vực bỏ phiếu nhằm mục đích làm cho việc đi bỏ phiếu của cử tri được thuận tiện, nhanh, gọn, tiết kiệm được thì giờ của nhân dân, bảo đảm tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao và bảo đảm không khí tưng bừng phấn khởi của ngày bầu cử.

Mỗi khu vực bỏ phiếu có một phòng bỏ phiếu.

Việc lập khu vực bỏ phiếu phải dựa trên các điều kiện sinh hoạt, cư trú của nhân dân, hoàn cảnh địa lý của địa phương, khả năng lãnh đạo và khả năng tổ chức ở phòng bỏ phiếu ngày bầu cử.

- Ở các xã: những thôn dưới 1.000 nhân khẩu thì thành lập một khu vực bỏ phiếu, những thôn trên 1.000 nhân khẩu thì từ 600 đến 2.000 nhân khẩu thành lập một khu vực bỏ phiếu. Mỗi khu vực bỏ phiếu gồm một xóm hoặc nhiều xóm.

Trường hợp đặc biệt, ở các xã địa dư rộng, giao thông khó khăn như có những thôn, xóm biệt lập, cách sông, cách đò, thì có thể thành lập những khu vực bỏ phiếu riêng ở các thôn, xóm với từ 300 nhân khẩu trở lên.

- Ở các thị xã không có khu phố, thị trấn, khu phố dưới 1.000 nhân khẩu thì thành lập một khu vực bỏ phiếu; trên 1.000 nhân khẩu thì 600 đến 3.000 nhân khẩu thành lập một khu vực bỏ phiếu.

Chú ý: Trong phạm vi luật lệ đã quy định trên đây, cần cố gắng định các khu vực bỏ phiếu, nhất là ở các xã và thị trấn, vừa bằng 1 đơn vị bầu cử để tránh tình trạng phải ghép 2, 3 đơn vị bầu cử vào một địa điểm bỏ phiếu, gây khó khăn cho việc tổ chức bầu cử, việc kiểm phiếu và việc sơ kết bầu cử.

- Ở các bệnh viện, nhà hộ sinh, an dưỡng đường, nhà nuôi người tàn tật, sẽ lập khu vực bỏ phiếu riêng, nhằm mục đích để cho những người vì điều kiện sức khỏe hay tàn tật không đi được, vẫn có thể bỏ phiếu được. Nhưng những khu vực bỏ phiếu này cũng phải gồm từ 50 cử tri trở lên, nếu như nhỏ quá, sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức bầu cử, việc sơ kết và tổng kết bầu cử.

Các khu vực bỏ phiếu do Ủy ban Hành chính cơ sở ấn định phạm vi, số hiệu và công bố chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử. Khu vực bỏ phiếu phải được ấn định sớm để có cơ sở lập danh sách cử tri theo khu vực bỏ phiếu.

Nhưng quy định khu vực bỏ phiếu là một công tác khó khăn và phức tạp, nên Ủy ban Hành chính huyện châu (đối với xã và thị trấn) và tỉnh (đối với thị xã) có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể cho Ủy ban Hành chính cơ sở.

V. – THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG BẦU CỬ CÁC BAN BẦU CỬ VÀ CÁC TỔ BẦU CỬ

Để các hội đồng bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử có thể làm được tốt những nhiệm vụ đã quy định trong sắc luật số 004-SLt ngày 20-07-1957, các tổ chức này nên thành lập sớm.

Ủy ban Hành chính mỗi cấp cần tổ chức hội nghị với các đảng phái, các đoàn thể và các giới trong địa phương mình để cử đại biểu vào hội đồng bầu cử của cấp mình và các Ban bầu cử cho các đơn vị bầu cử.

Cơ quan có thẩm quyền công nhận hội đồng bầu cử có mỗi cấp là cơ quan có thẩm quyền duyệt y số đơn vị và số đại biểu cho mỗi đơn vị của Hội đồng Nhân dân cấp đó.

Ủy ban Hành chính xã, thị trấn, khu phố, và thị xã không có khu phố hội nghị với các đoàn thể và các giới, để cử đại biểu vào các tổ bầu cử cho các khu vực bỏ phiếu.

Nếu một đơn vị bầu cử chỉ có một khu vực bỏ phiếu (trường hợp thường xảy ra ở xã và thị trấn) thì không cần thành lập tổ bầu cử tại khu vực bỏ phiếu đó, vì Ban bầu cử sẽ kiêm luôn nhiệm vụ của tổ bầu cử.

Các đại biểu đưa vào hội đồng bầu cử, các ban và các tổ bầu cử nên cố tránh là họ hàng thân thích gần của các ứng cử viên để tránh những thắc mắc và khiếu nại của cử tri sau này.

Hội đồng bầu cử, các ba và các tổ bầu cử phải học tập kỹ thể lệ bầu cử về quyền hạn nhiệm vụ của mình, định chương trình, kế hoạch công tác cụ thể.

Trong trường hợp đặc biệt của mỗi số thị trấn, khu vực bỏ phiếu bao gồm nhiều đơn vị bầu cử thì tổ bầu cử cần chọn những người có khả năng tổ chức, có trình độ chính trị và văn hóa khá. Các Ban bầu cử chỉ cần một số đại biểu tối thiểu (tức là 5).

TĂNG CƯỜNG TỔ BẦU CỬ

Vì công việc trong ngày bầu cử thì nhiều mà số nhân viên của tổ bầu cử thì có hạn (tối đa là 9 người) nên các tổ bầu cử có thể lấy thêm một số thanh niêngiúp việc, để đảm bảo cho công tác bầu cử tại phòng bỏ phiếu tiến hành được gọn và tốt. Nên chọn những người có văn hóa, tin cậy được và nên bồi dưỡng cho họ có tinh thần và thái độ nghiêm chỉnh trong khi làm nhiệm vụ.

VI. CHUẨN BỊ VẬT LIỆU CẦN THIẾT CHO CUỘC BẦU CỬ

1 - Mẫu danh sách cử tri, mẫu biên bản, v.v...

Ủy ban Hành chính tỉnh cần tính trước số lượng các mẫu danh sách cử tri, danh sách ứng cử, biên bản kiểm phiếu, sơ kết, tổng kết bầu cử và đưa in để kịp thời phân phối cho các xã, thị trấn, thị xã.

2 - Thẻ cử tri:

Thẻ cử tri cần in xong sớm để các Ủy ban Hành chính cơ sở có thể cho viết tên tuổi cùng các chi tiết khác kịp thời rồi trao cho Hội đồng bầu cử để phân phối đúng hạn định. Số lượng thẻ cử tri nên in tương đối nhiều hơn tổng số cử tri để phòng khi có nhầm lẫn, cần thay đổi.

- Việc viết thẻ cử tri nên để các nhóm lập danh sách cử tri tại các xóm, phố, tiểu khu phụ trách dựa vào danh sách cử tri đã được điều chỉnh qua các đợt, để tránh sai sót (sai tên, tuổi, v.v... của cử tri).

- Tổ bầu cử làm nhiệm vụ phát thẻ cử tri; để tránh những sự nhầm lẫn dễ xẩy ra sau khi đối chiếu thấy thẻ cử tri khớp với danh sách cử tri, Tổ bầu cử phối hợp với các nhóm làm danh sách cử tri tiến hành phát thẻ cho cử tri từng xóm, phố và tiểu khu.

3) Phiếu bầu cử:

Về số lượng nên in nhiều hơn tổng số cử tri để phòng phải thay những phiếu viết hỏng.

Chú ý: Hội đồng bầu cử, các ban và các tổ bầu cử khi tiếp nhận phiếu bầu cử, cần phải soát kỹ xem các phiếu đó đã có đóng dấu của Ủy ban Hành chính cấp bầu cử Hội đồng Nhân dân hay chưa.

4) Hòm phiếu:

Hòm phiếu có thể do Ủy ban Hành chính huyện đặt làm cho các xã và thị trấn, do Ủy ban Hành chính thị xã đặt làm cho thị xã và các xã ngoại thị. Số hòm phiếu đặt làm căn cứ vào số khu vự bỏ phiếu trong địa phương.

Mẫu hòm phiếu đã được quy định trong thông tư số 32-TC/TT ngày 10-10-1957 của Bội Nội vụ.

Hòm phiếu phải làm xong trước ngày bầu cử khoảng 10 ngày để kịp gửi cho Ủy ban Hành chính xã, thị trấn, thị xã chuyển giao cho các tổ bầu cử trong địa phương.

5) Các vật liệu khác cần trù liệu cho ngày bầu cử:

Ủy ban Hành chính cơ sở cần chuẩn bị trước giấy, mực, bút chì, bút mực, hồ dán, giấy thấm, đanh ghim, dầu đèn, mực dấu và con dấu dùng để đóng vào thể cử tri chứng nhận là cử tri đã đi bầu cử (có thể là con dấu khác ngày tháng bầu cử) để phân phối cho các phòng bỏ phiếu.

Các tổ bầu cử cũng cần chuẩn bị trước nội quy phòng bỏ phiếu, danh sách cử tri đã được điều chỉnh, danh sách ứng cử của đơn vị bầu cử, bảng kiểm phiếu có ghi sẵn tên các người ứng cử v.v... để dùng trong ngày bầu cử.

6) Phòng bỏ phiếu:

Phòng bỏ phiếu phải được thiết lập và trang trí xong trước ngày bỏ phiếu. Tổ bầu cử phụ trách làm công việc này với sự giúp đỡ của Ủy ban Hành chính cơ sở và các đoàn thể nhân dân.

Phòng bỏ phiếu có thể thiết lập ngay ở trụ sở Ủy ban Hành chính xã, thi trấn, khu phố và thị xã, hoặc ở một nơi khác trong khu vực bỏ phiếu, miễn là tương đối rộng rãi và thuận tiện cho cử tri đi bầu. Địa điểm và ngày giờ bỏ phiếu phải được loan báo cho cử tri biết trước ngày bầu cử.

Việc trang trí phòng bỏ phiếu sẽ tùy theo khả năng của địa phương và phải biểu lộ sự trang nghiêm của ngày hội lớn của nhân dân. Trong phòng bỏ phiếu nên dán một số khẩu hiệu ngắn và dễ hiểu nhằm nhắc nhở, động viên cử tri đi bầu cho đông, thận trọng lựa chọn đại biểu xứng đáng, chấp hành thể lệ bầu cử, tôn trọng nội quy của phòng bỏ phiếu, v.v...

(Nhưng trường hợp bầu cử Hội đồng nhân dân 2 cấp cùng làm trong một ngày, và đặc biệt của một số thị trấn, trong một khu vực bỏ phiếu có nhiều đơn vị bầu cử, việc tổ chức phòng bỏ phiếu được hướng dẫn cụ thể trong bản kế hoạch tổ chức ngày bầu cử).

Bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp lần này là lần đầu sau khi Chính phủ ban hành các luật lệ mới về bầu cử. Cán bộ ít kinh nghiệm hoặc chưa có kinh nghiệm.

Vì vậy, trước khi tiến hành các công tác cụ thể cán bộ các cấp cần nghiên cứu kỹ các nguyên tắc và thông tư áp dụng thể lệ này để nắm vững chủ trương kế hoạch, đồng thời cũng cần nghiên cứu kỹ tình hình thực tế của địa phương để đạt kế hoạch thực hiện cho hợp với hoàn cảnh.

Công tác bầu cử cần tiến hành với tinh thần khẩn trương. Chủ trương kết hợp chặt chẽ các công tác làm cho gọn, nhẹ, bảo đảm thời gian đã quy định.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Phan Kế Toại

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 76-NV/DC năm 1958 về việc áp dụng thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 76-NV/DC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/11/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 42
  • Ngày hiệu lực: 14/12/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản