Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 69/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 69/1999/TT-BTC NGÀY 09 THÁNG 06 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VIỆC XỬ LÝ ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI KHU VỰC HCSN SAU TỔNG KIỂM KÊ ĐÁNH GIÁ LẠI TSCĐ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 466/TTG NGÀY 2/7/1997

Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ - CP ngày 06/03/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước;
Căn cứ chỉ thị số 02/1999/CT-Ttg ngày 16/01/1999 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường quản lý tài sản nhà nước tại khu vực hành chính sự nghiệp sau tổng kiểm kê đánh giá lại TSCĐ theo Quyết định số 466/Ttg ngày 02/07/1997 của Thủ tướng Chính phủ;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý đối với TSCĐ sau tổng kiểm kê đánh giá lại TSCĐ của Nhà nước tại thời điểm 0 giờ ngày 01/01/1998 trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp như sau:

I - NGUYÊN TẮC XỬ LÝ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH

1- Đối với nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp đang cho thuê:

- Đơn vị cho thuê phải thực hiện thanh lý hợp đồng (hoặc thoả thuận) cho thuê; Đồng thời đơn vị phải sắp xếp, bố trí sử dụng diện tích nhà đất đã cho thuê vào đúng mục đích sử dụng tài sản đã được Nhà nước quy định khi giao tài sản;

- Sau khi thanh lý hợp đồng cho thuê nhà đất, đơn vị cho thuê phải lập báo cáo toàn bộ các khoản thu chi tài chính liên quan đến việc cho thuê nhà đất (kể từ ngày 1/1/1998 đến ngày thanh lý hợp đồng) với cơ quan Tài chính cùng cấp. Cơ quan Tài chính có nhiệm vụ kiểm tra các khoản thu, chi để xác định số tiền đơn vị phải nộp vào Ngân sách Nhà nước từ hoạt động cho thuê nhà đất thuộc trụ sở làm việc.

Số tiền phải nộp Ngân sách từ hoạt động cho thuê nhà đất thuộc trụ sở làm việc

=

Tổng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê nhà đất thuộc trụ sở làm việc

-

Các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc cho thuê nhà đất thuộc trụ sở làm việc

* Chí phí được coi là hợp lý gồm: Chi phí cải tạo, sửa chữa để cho thuê, chi phí điện nước (nếu có) và các chi phí khác mà bên cho thuê phải trả đã thoả thuận trong hợp đồng cho thuê.

2- Đối với nhà, đất thuộc trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước mà cơ quan hành chính sự nghiệp hiện đang thực hiện chế độ thuê nhà, đất với cơ quan quản lý nhà đất thuộc địa phương quản lý:

- Cơ quan hành chính sự nghiệp phải lập hồ sơ quĩ nhà, đất đang phải thuê gửi về cơ quan quản lý nhà đất của địa phương và Sở Tài chính - Vật giá; hồ sơ gồm:

+ Công văn đề nghị chuyển giao quĩ nhà đất thuộc trụ sở làm việc từ hình thức đi thuê sang hình thức quản lý trực tiếp; kèm theo bảng kê chi tiết về diện tích nhà (Mẫu số 1A- BC - KK/HCSN), đất (Mẫu số 2- BC - KK/HCSN) của đơn vị;

+ Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thuê nhà đất thuộc trụ sở làm việc của đơn vị;

+ Báo cáo tổng hợp số tiền thuê nhà, đất phải trả hàng năm (từ 1995 đến 1998).

- Cơ quan quản lý nhà đất địa phương căn cứ hồ sơ đề nghị của các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp tiến hành kiểm tra, đối chiếu với tài liệu thực tế đang quản lý; tổng hợp toàn bộ quĩ nhà đất do cơ quan quản lý hiện đang cho các đơn vị hành chính sự nghiệp thuê để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định chuyển giao quĩ nhà đất này cho Sở Tài chính - Vật giá.

- Sau khi có Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, Cơ quan quản lý nhà đất địa phương phải thực hiện bàn giao cho Sở Tài chính - Vật giá toàn bộ hồ sơ nhà đất được chuyển giao theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh thành phố trực thuộc trung ương;

- Sở Tài chính - Vật giá tổ chức tiếp nhận quĩ nhà đất này và thực hiện quản lý theo đúng chế độ quản lý tài sản và sử dụng trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp.

- Trường hợp nhà, đất thuộc trụ sở làm việc mà các cơ quan hành chính sự nghiệp đang thuê của cơ quan quản lý nhà đất địa phương, nhưng nhà đất đó là nhà ở đã được xác lập sở hữu tư nhân trước ngày 1/7/1991 (ngày Pháp lệnh nhà ở năm 1991 có hiệu lực) thì thực hiện xử lý theo Nghị quyết số 58/1998/NQ - UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Uỷ ban thường vụ quốc hội khoá 10 và các quy định khác của Nhà nước về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/1/1997.

3- Đối với nhà đất thuộc trụ sở làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp đã xác định không có nhu cầu sử dụng:

Đơn vị phải lập hồ sơ báo cáo cơ quan quản lý cấp trên. Cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm ra quyết định xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo đúng quy định tại Qui chế điều chuyển, thu hồi, thanh lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp của Bộ Tài chính.

4- Đối với nhà đất là nhà khách, nhà nghỉ của các cơ quan hành chính sự nghiệp đang quản lý (trừ nhà khách, nhà nghỉ của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt nam, Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), chưa chuyển sang hoạt động kinh doanh độc lập thì được xử lý theo quy định tại Công văn số 5967/KTTH ngày 24/11/1997 và Công văn số 1298/CP-KTTH ngày 02/11/1998 của Văn phòng Chính phủ cụ thể là:

- Nếu hoạt động của nhà khách, nhà nghỉ đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp thì đơn vị hành chính sự nghiệp phải làm thủ tục theo quy định của Nhà nước để thành lập doanh nghiệp cho bộ phận nhà khách, nhà nghỉ;

- Nếu nhà khách, nhà nghỉ không đủ điều kiện để chuyển sang kinh doanh được thì các Bộ, ngành, cơ quan có trách nhiệm chuyển giao cho các địa phương. UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm sắp xếp, chuyển các nhà khách, nhà nghỉ hiện có trên địa bàn sang hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định hiện hành.

5- Đối với nhà đất thuộc trụ sở làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp do không có nhu cầu sử dụng đã giao cho doanh nghiệp sử dụng, nhưng chưa làm thủ tục chuyển giao theo quy định:

- Cơ quan hành chính sự nghiệp phải phối hợp với doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ chuyển giao, để báo cáo cơ quan quản lý cấp trên là Bộ, ngành, tổ chức trung ương (đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc trung ương quản lý); Sở, Ban, ngành (đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc địa phương quản lý) để trình cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao tài sản cho doanh nghiệp. Hồ sơ xin chuyển giao gồm:

+ Công văn đề nghị chuyển giao nhà đất thuộc trụ sở làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp đang quản lý cho doanh nghiệp;

+ Công văn của doanh nghiệp xin tiếp nhận nhà đất từ cơ quan hành chính sự nghiệp;

+ ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như Văn phòng kiến trúc sư thành phố, Sở Xây dựng và Sở Địa chính) đồng ý việc chuyển đổi công năng nhà đất này phù hợp với qui hoạch tổng thể chung;

+ Bản sao các giấy tờ liên quan đến nhà đất xin chuyển giao.

- Các Bộ, ngành, tổ chức ở trung ương (đối với cơ quan hành chính sự nghiệp trung ương); Sở, ban, ngành (đối với cơ quan hành chính sự nghiệp địa phương), căn cứ vào hồ sơ đề nghị chuyển giao nhà đất của cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý, thực hiện kiểm tra và tổng hợp các trường hợp cần chuyển giao báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao (đối với cơ quan hành chính sự nghiệp trung ương); báo cáo Sở Tài chính - Vật giá để tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chuyển giao (đối với cơ quan hành chính sự nghiệp địa phương).

- Trường hợp nhà đất của cơ quan hành chính sự nghiệp đã tạm giao cho doanh nghiệp sử dụng mà nay xét thấy không thể chuyển giao được thì cơ quan hành chính sự nghiệp phải yêu cầu doanh nghiệp chuyển trả lại cho đơn vị để bố trí sử dụng làm trụ sở làm việc. Nếu đơn vị không còn nhu cầu sử dụng thì phải lập hồ sơ đề nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền thu hồi lại số nhà đất này để bố trí nơi làm việc cho những đơn vị còn thiếu.

6- Đối với nhà đất thuộc trụ sở làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp đã sử dụng một phần riêng biệt hoặc toàn bộ diện tích làm nhà ở từ trước năm 1995:

- Cơ quan hành chính sự nghiệp phải lập hồ sơ đề nghị chuyển đổi công năng những nhà đất này báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên (Bộ, ngành, tổ chức ở trung ương - đối với cơ quan hành chính sự nghiệp trung ương; Sở, ban, ngành - đối với cơ quan hành chính sự nghiệp địa phương). Hồ sơ xin đề nghị chuyển đổi công năng nhà đất thuộc trụ sở làm việc của đơn vị báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý gồm:

+ Công văn đề nghị chuyển đổi công năng nhà đất thuộc trụ sở làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp sang mục đích sử dụng làm nhà ở, đất ở;

+ Bản sao các giấy tờ liên quan đến nhà đất xin chuyển đổi công năng;

+ ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (như Văn phòng kiến trúc sư thành phố, Sở Xây dựng và Sở Địa chính) đồng ý việc chuyển đổi công năng nhà đất này phù hợp với qui hoạch tổng thể chung;

+ Bản sao các quyết định bố trí nhà ở cho cán bộ công nhân viên (nếu có) hoặc các giấy tờ khác liên quan đến việc bố trí nhà ở cho cán bộ công nhân viên.

Cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính để trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý, cụ thể:

+ Các Bộ, ngành, tổ chức ở trung ương tổng hợp và có ý kiến xử lý cụ thể báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý;

+ Các Sở, ban, ngành ở địa phương tổng hợp và có ý kiến xử lý cụ thể báo cáo Sở Tài chính - Vật giá để tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định xử lý.

7- Đối với phương tiện vận tải và TSCĐ khác không phải là nhà, đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp đã xác định không còn nhu cầu sử dụng hoặc không còn sử dụng được:

- Cơ quan hành chính sự nghiệp phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên ra quyết định xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo đúng quy định tại Qui chế điều chuyển, thu hồi, thanh lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp của Bộ Tài chính.

- Khi thực hiện điều chuyển hoặc tiếp nhận TSCĐ theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cơ quan hành chính sự nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định tại thông tư số 43TC/QLCS ngày 31/07/1996 của Bộ Tài chính, hướng dẫn việc tiếp nhận và bàn giao tài sản cố định giữa các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

8- Đối với đất đơn vị hành chính sự nghiệp đang quản lý sử dụng, đến thời điểm kiểm kê chưa có giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất thì cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai hiện hành.

II - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Các cơ quan hành chính sự nghiệp đang trực tiếp quản lý sử dụng TSCĐ của Nhà nước có trách nhiệm:

- Sắp xếp, bố trí quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả tiết kiệm quĩ TSCĐ của Nhà nước hiện có tại đơn vị;

- Căn cứ kết quả kiểm kê đánh giá lại TSCĐ 0 giờ ngày 1/1/1998, xác định những TSCĐ hiện có tại đơn vị cần xử lý, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý TSCĐ sau kiểm kê;

- Tổ chức thực hiện đầy đủ và kịp thời quyết định xử lý TSCĐ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Báo cáo kết quả thực hiện xử lý tài sản cố định sau kiểm kê tại đơn vị theo đúng thời gian quy định.

2- Bộ, ngành, tổ chức ở trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

- Chỉ đạo các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý xử lý TSCĐ sau kiểm kê theo đúng hướng dẫn tại Thông tư này;

- Tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính kết quả xử lý TSCĐ sau kiểm kê mà Bộ, ngành, tổ chức ở trung ương và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã xử lý hoặc uỷ quyền xử lý theo thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định số 14/1998/NĐ-CP;

- Tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính các trường hợp kiến nghị xử lý để Bộ Tài chính xem xét ra quyết đinh xử lý theo thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định số 14/1998/NĐ-CP hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý;

- Qui định thời hạn báo cáo kết quả xử lý TSCĐ sau kiểm kê cho các đơn vị cấp dưới thuộc phạm vi quản lý, và tổng hợp kết quả xử lý TSCĐ sau kiểm kê của Bộ, ngành, địa phương cho Bộ Tài chính trước ngày 30/06/1999 để tổng hợp trình Chính phủ.

3- Bộ Tài chính có trách nhiệm:

- Tiếp nhận, kiểm tra xem xét các kiến nghị xử lý TSCĐ sau kiểm kê của các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể trung ương và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, ra quyết định xử lý tài sản theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định số 14/1998/NĐ-CP hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý đối với các trường hợp vượt thẩm quyền quy định;

- Tiếp nhận, báo cáo kết quả xử lý TSCĐ sau kiểm kê của các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể trung ương và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương; Tổng hợp toàn bộ kết quả xử lý TSCĐ sau kiểm kê của cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4- Cục quản lý công sản và Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch UBND tỉnh hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan hành chính sự nghiệp thực hiện tốt công tác xử lý TSCĐ sau kiểm kê và tổng hợp báo cáo kết quả xử lý TSCĐ sau kiểm kê theo đúng thời gian quy định.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) để xem xét giải quyết.

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 69/1999/TT-BTC về việc xử lý đối với tài sản Nhà nước tại khu vực hành chính sự nghiệp sau tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định theo Quyết định 446/TTg 1997 do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 69/1999/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/06/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/06/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản