THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/1999/CT-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI KHU VỰC HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP SAU TỔNG KIỂM KÊ ĐÁNH GIÁ LẠI TÀI SẢN CỐ ĐỊNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 466/TTG NGÀY 02 THÁNG 7 NĂM 1997
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tài sản Nhà nước tại khu vực hành chính sự nghiệp không ngừng tăng lên và đã đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý hành chính Nhà nước và hoạt động sự nghiệp, góp phần nâng cao hiệu suất công tác của các cơ quan, đoàn thể. Qua tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định tại khu vực hành chính sự nghiệp vào 0h ngày 01/01/1998 theo Quyết định số 466/TTg ngày 02 tháng 7 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy số tài sản cố định của Nhà nước giao cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp đang quản lý và sử dụng rất lớn, song công tác quản lý có phần buông lỏng, thiếu chặt chẽ; nhiều nơi sử dụng còn lãng phí, không đúng mục đích, kém hiệu quả, thậm chí còn để thất thoát, hư hỏng tài sản của Nhà nước khá lớn.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên và đưa việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo đúng chế độ, có hiệu quả và tiết kiệm, góp phần thực hiện Pháp lệnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi tắt là cơ quan hành chính, sự nghiệp), căn cứ vào kết quả kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định vào 0h ngày 01 tháng 01 năm 1998, hạch toán tài sản theo đúng chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp hiện hành; tiến hành đăng ký những tài sản nhà nước là nhà, đất, các công trình xây dựng khác gắn liền với đất đai, phương tiện vận tải và các tài sản cố định khác có giá trị lớn với cơ quan tài chính theo đúng quy định tại Điều 9 Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính; kịp thời báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các tài sản đang sử dụng không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức do nhà nước quy định, các tài sản không có nhu cầu sử dụng, hoặc không còn sử dụng được.
2. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổ chức đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
- Quyết định xử lý các tường hợp sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích và tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản và các tài sản cần thanh lý theo quy định tại Điều 13, Điều 15 Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ; báo cáo kết quả xử lý tài sản cố định sau kiểm kê của Bộ, ngành và địa phương cho Bộ Tài chính trước ngày 30/6/1999 để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ; đồng thời kiến nghị xử lý tài sản sau kiểm kê không thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành, địa phương với Bộ Tài chính để Bộ Tài chính xem xét, quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
- Xác định nhu cầu đầu tư, mua sắm tài sản cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ, ngành và địa phương quản lý còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do Nhà nước quy định, để đưa vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo Luật Ngân sách nhà nước;
- Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài sản cố định của các cơ quan hành chính, sự nghiệp thuộc cấp mình quản lý nhằm bố trí, sử dụng tài sản nhà nước đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do nhà nước quy định.
3. Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài sản sau kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý theo đề nghị của các Bộ, ngành và địa phương; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai những việc cần làm theo quy định tại Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổ chức đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |
- 1Chỉ thị 02/2000/CT-BTP về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tài sản Nhà nước thuộc ngành Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 2Quyết định 1488/2001/QĐ–TLĐ về Quy chế quản lý tài chính - tài sản công đoàn do Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 3Công văn 11239/VPCP-KTTH năm 2016 về chuyển giao 30 máy bơm nước do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 02/2000/CT-BTP về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tài sản Nhà nước thuộc ngành Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 2Quyết định 1488/2001/QĐ–TLĐ về Quy chế quản lý tài chính - tài sản công đoàn do Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 3Quyết định 466-TTg năm 1997 về việc tiến hành tổng kiểm kê đánh giá tài sản cố định của Nhà nước tại khu vực hành chính sự nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 14/1998/NĐ-CP về quản lý tài sản Nhà nước
- 5Công văn 11239/VPCP-KTTH năm 2016 về chuyển giao 30 máy bơm nước do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 02/1999/CT-TTg về tăng cường quản lý tài sản Nhà nước tại khu vực hành chính sự nghiệp sau tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định theo Quyết định 466/TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 02/1999/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 16/01/1999
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: 22/02/1999
- Số công báo: Số 7
- Ngày hiệu lực: 31/01/1999
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định