Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------

Số: 622-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 1955

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ TIỀN MẶT

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:

Các Bộ và các Đoàn thể ở Trung ương;
Các Ủy ban hành chính các liên khu, các khu, các tỉnh và các thành phố

Để tập trung tiền mặt vào Ngân hàng, giúp Ngân hàng dùng tiền ấy vào sản xuất, để điều tiết việc lưu hành tiền mặt, tránh phát hành để chi tiêu tài chính, tiến tới ổn định vật giá và củng cố giá trị tiền tệ ngày 01/5/1952, Thủ tướng Chính phủ đã ra nghị định số 169-TTg quy định việc quản lý tiền mặt đối với các cơ quan và doanh nghiệp quốc gia.

Đến nay, nói chung, công việc quản lý tiền mặt đã thu được một số kết quả. Một số cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội và xí nghiệp quốc doanh đã chấp hành tương đối nghiêm chỉnh những nguyên tắc quy định trong nghị định số 169-TTg ngày 01/5/1952. Nhưng còn một số cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội, xí nghiệp quốc doanh chưa thi hành đầy đủ, nhất là trong việc mở tài khoản, tập trung tiền mặt vào Ngân hàng và thanh toán bằng chuyển khoản v.v…

Về phần Ngân hàng, tuy có cố gắng cải tiến lề lối làm việc, nhưng nói chung vẫn còn chậm chạp, chưa đơn giản và hợp lý hóa thủ tục giấy tờ đúng mức.

Tình trạng trên đã hạn chế tác dụng và kết quả của công tác quản lý tiền mặt.

Trước nhiệm vụ phục hồi kinh tế, cần quản lý tiền mặt chặt chẽ và chu đáo hơn trước. Hiện nay, ta có điều kiện thuận lợi để làm việc đó vì phần lớn các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội, xí nghiệp quốc doanh ở gần Ngân hàng và việc giao thông liên lạc dễ dàng, nhanh chóng hơn trước.

Nhận được thông tư này, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội và xí nghiệp quốc doanh cần kiểm điểm việc chấp hành nghị định quản lý tiền mặt. Đồng thời, cần đặt kế hoạch thực hiện triệt để những điểm sau đây:

1. Tất cả các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội và xí nghiệp quốc doanh điều phải mở tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng và gửi Ngân hàng tất cả kinh phí bằng tiền mặt do Bộ Tài chính cấp hoặc những số tiền thu nhập hàng ngày; chỉ được giữ lại quỹ một số tiền mặt cần thiết sau khi thương lượng với Ngân hàng.

Các Bộ, các cơ quan, đoàn thể và xí nghiệp quốc doanh ở Trung ương có đơn vị trực thuộc ở địa phương (cửa hàng mậu dịch, công trường, bệnh viện, trường học, v.v…) không được rút tiền mặt ở Ngân hàng trung ương, trực tiếp giao cho các đơn vị trực thuộc giữ để tiêu dần, mà phải mở tài khoản tiền gửi cho các đơn vị đó tại Ngân hàng địa phương, trừ trường hợp đặc biệt phải được Ngân hàng trung ương đồng ý.

Các xí nghiệp quốc doanh có thu nhập tiền mặt hàng ngày (Mậu dịch quốc doanh, Hỏa xa, Bưu điện, v.v…) mỗi buổi sáng, phải tập trung số thu nhập trong ngày hôm trước đem nộp cho Ngân hàng nơi gần nhất. Nếu không nộp được hàng ngày thì phải có lý do chính đáng và phải thương lượng với Ngân hàng để quy định thời hạn nộp.

Các đơn vị có tài khoản ở Ngân hàng cần chi tiêu đến đâu thì rút tiền mặt ra đến đấy, chứ không được rút nhiều một lần để giữ lại chi tiều dần.

2. Tất cả những việc giao dịch giữa các cơ quan đoàn thể, đơn vị bộ đội và xí nghiệp quốc doanh đều phải thanh toán bằng chuyển khoản hay bằng chuyển tiền qua Ngân hàng. Mọi việc điều động vốn từ Trung ương về địa phương với nhau đều phải qua Ngân hàng, tuyệt đối không được chuyển vận tiền mặt.

Các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội, xí nghiệp quốc doanh nói chung đều phải mua hàng của Mậu dịch quốc doanh và thanh toán bằng chuyển khoản qua Ngân hàng. Trường hợp cần mua hàng ở ngoài Mậu dịch quốc doanh thì phải nói rõ lý do trong quyết toán gửi ở cơ quan Tài chính. Cơ quan Tài chính sẽ không thanh toán nếu không có lý do chính đáng.

Đối với tư nhân, khi cần trả tiền mua những món hàng lớn hay cần ứng trước những món tiền lớn để đặt hàng, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội và xí nghiệp quốc doanh không trả thẳng cho họ bằng tiền mặt, mà trả bằng séc để họ đến Ngân hàng lĩnh tiền mặt hoặc ghi vào tài khoản tiền gửi của họ ở Ngân hàng.

3. Chỉ được dùng tiền mặt để:

- Trả lương và phụ cấp cho công nhân viên và sinh hoạt phí cho bộ đội;

- Trả tiền mua hàng ở những nơi không tiện thanh toán qua Ngân hàng (thí dụ mua sản phẩm của nông dân, của thợ thủ công của những người buôn nhỏ, v.v…);

- Chi tiêu lặt vặt.

4. Các cơ quan, đoàn thể, bộ đội, xí nghiệp quốc doanh không được cho nhau vay mượn tiền mặt. Mọi việc vay mượn tiền mặt đều phải tập trung vào Ngân hàng.

Để thi hành những điểm trên, Ngân hàng phải kiện toàn bộ máy, cải tiến nghiệp vụ, đơn giản thủ tục giấy tờ và nâng cao ý thức phục vụ của cán bộ, công nhân viên hơn nữa, đồng thời cần giúp đỡ, kiểm tra các ngành thi hành nghiêm chỉnh chế độ, quản lý tiền mặt.

Mậu dịch quốc doanh cần cố gắng chuẩn bị đầy đủ hàng để cung cấp cho các ngành, cơ quan, cán bộ; cần chú trọng đảm bảo chất lượng hàng hóa và điều chỉnh giá cả cho hợp lý.

Bộ Thương nghiệp và Ngân hàng trung ương cần phối hợp nghiên cứu để quy định những biện pháp quản lý tiền mặt thích hợp đối với Mậu dịch quốc doanh.

Thi hành những nguyên tắc quy định trong nghị định Thủ tướng Phủ số 169-TTg ngày 01/5/1952 và trong thông tư này là một kỷ luật tài chính.

Các Bộ, các đoàn thể ở Trung ương, các Ủy ban hành chính địa phương cần phổ biến những điểm quy định trên đây thật rộng rãi để tất cả các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội và xí nghiệp quốc doanh đều thông suốt và chấp hành nghiêm chỉnh.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 622-TTg năm 1955 về việc quản lý tiền mặt do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 622-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/11/1955
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: 31/12/1955
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 12/12/1955
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản