Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG BINH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 62-TB-LS-4

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 1956

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CẤP TIỀN TUẤT CHO GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN TỬ TRẬN

Thông tư này ấn định chi tiết thi hành nghị định Liên bộ Thương binh - Quốc phòng – Tài chính số 149-NĐ ngày 20-10-1956 về việc trợ cấp tiền tuất cấp cho gia đình quân nhân tử trận nói trong điều lệ ưu đãi gia đình quân nhân.

I. – MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA

Trong quân đội có những quân nhân tử trận không đủ tiêu chuẩn là liệt sĩ, gia đình tất nhiên không coi là gia đình liệt sĩ, nhưng cũng là những gia đình quân nhân cần được chiếu cố một cách thích đáng. Do đó, Liên bộ Thương binh - Quốc phòng – Tài chính, đã ban hành nghị định số 149-NĐ ngày 20-10-1956 quy định về việc trợ cấp tiền tuất cho gia đình quân nhân tử trận thay thế cho khoản trợ cấp tử tuất trước đây thi hành chưa thống nhất, chưa hợp lý, để nhằm mục đích:

1) Biểu lộ sự quan tâm của Chính phủ và nhân dân đối với gia đình quân nhân tử trận.

2) Thiết thực an ủi giúp đỡ gia đình quân nhân tử trận có thêm phương tiện làm ăn, ổn định đời sống.

3) Động viên gia đình quân nhân và quân nhân hăng hái phấn đấu và công tác.

II. – TIÊU CHUẨN TIỀN TUẤT

Tiền tuất cấp cho gia đình quân nhân tử trận tùy theo thâm niên và chức vụ của quân nhân tử trận mà cấp từ 3 tháng đến 6 tháng sinh hoạt phí kể cả các khoản phụ cấp và tiền quần áo, theo tiêu chuẩn cung cấp của bộ đội hiện nay.

Quân nhân tử trận đã tòng ngũ dưới ba năm thì gia đình được cấp ba tháng sinh hoạt phí, trên ba năm thì cứ thêm nửa năm gia đình được cấp thêm nửa tháng sinh hoạt phí. Những tháng thừa nếu dưới ba tháng thì không tính, từ ba tháng, trở lên cũng coi như nửa năm mà cấp thêm nửa tháng sinh hoạt phí cho đến mức tối đa là sáu tháng.

Gia đình có bao nhiên quân nhân tử trận thì được trợ cấp tiền tuất bấy nhiêu lần, mỗi lần nhiều hay ít tùy theo thâm niên chức vụ của quân nhân tử trận.

III. - ĐIỀU KIỆN HƯỞNG TIỀN TUẤT

1) Tất cả những gia đình có thân nhân đã tham gia quân đội (Giải phóng quân, Bộ đội chính quy, Bộ đội địa phương) mà tử trận:

- Trong lúc tại ngũ.

- Trong tất cả những trường hợp ốm đau, tai nạn chỉ trừ trường hợp đào ngũ, và can án bị tước quân tịch.

- Từ ngày 22-12-1944, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam trở về sau.

- Nếu gia đình chưa được Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng trợ cấp lần nào theo quyết định số 100-QĐ-LB-G2 ngày 10-03-1952, thì đều được trợ cấp khoản tiền tuất này.

Những gia đình quân nhân tử trận trước kia đã được Bộ Thương binh cấp số tiền tuất mà định xuất tính theo giá sinh hoạt năm 1947-1948 là 60đ, 90đ tài chính hoặc trợ cấp đặc biệt từ 500đ đến 1.000 tài chính, nay vẫn được xét cấp khoản tiền tuất này.

2) Tiền tuất này chỉ cấp một lần cho cả gia đình quân nhân tử trận do người thân nhân gần nhất đứng ra đề nghị và lĩnh. Người thân nhân gần nhất là vợ chưa tái giá hay chồng. Nếu không có vợ, chồng hoặc vợ đã tái giá, thì người con thừa kế của quân nhân tử trận đứng ra lĩnh. Nếu không có con thì cha mẹ được lĩnh. Nếu không còn cha mẹ thì em dưới 16 tuổi được lĩnh. Nếu không có em dưới 16 tuổi thì người nào có công nuôi quân nhân tử trận từ nhỏ đến lớn như con đẻ, hay người mà quân nhân tử trận có nhiệm vụ nuôi nấng, được lĩnh.

3) Khoản trợ cấp tiền tuất này xét cấp cả cho;

- Gia đình quân nhân tử trận Việt kiều ở các nước có quan hệ ngoại giao với nước ta, sẽ do cơ quan đại sứ, lãnh sự nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở đó xét và chuyển về Bộ Thương binh xét cấp.

- Gia đình quân nhân ngoại kiều hiện ở miền Bắc.

Còn những gia đình quân nhân tử trận ở miền Nam, cũng như ở các nước chưa đặt quan hệ ngoại giao với nước ta, việc xét cấp khoản tiền tuất này đều tạm hoãn.

IV. - THỂ THỨC ĐỀ NGHỊ XÉT CẤP TIỀN TUẤT

Gia đình quân nhân tử trận cần làm một đơn xin hưởng tiền tuất có Ủy ban Hành chính xã hay khu phố chứng thực ghi nhận xét, đính theo bản sao giấy báo tử, gửi về Ủy ban Hành chính Tỉnh, Thành duyệt và đề nghị Bộ Thương binh cấp. Ủy ban Hành chính xã hay khu phố cần điều tra và chứng nhận rõ vào đơn: gia đình đã lĩnh khoản tiền tuất nào chưa? Hoặc cảnh thiếu thốn hay đầy đủ?

Nếu không có giấy báo tử, gia đình làm giấy khai danh dự có Ủy ban Hành chính xã hay khu phố nhận xét và chứng thực để thay thế.

Thể thức xét cấp tiền tuất này áp dụng theo thể thức xét cấp tiền tuất cho gia đình Liệt sĩ nói trong Thông tư số 58-TB-LS4 ngày 10-10-1956.

Yêu cầu Ủy ban Hành chính các cấp phổ biến rộng rãi, hướng dẫn thi hành chu đáo, để đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách.

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH




Bác sĩ Vũ Đình Tụng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 62-TB-LS-4 năm 1956 về việc cấp tiền tuất cho gia đình quân nhân tử trận do Bộ Thương binh ban hành

  • Số hiệu: 62-TB-LS-4
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/10/1956
  • Nơi ban hành: Bộ Thương binh
  • Người ký: Vũ Đình Tụng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản