Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/2008/TT-BQP

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2008

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, PHỤ CẤP KIÊM NHIỆM, PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN, THANH NIÊN, PHỤ NỮ VÀ HIỆU TRƯỞNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG CÁC TRƯỜNG MẦM NON TRONG QUÂN ĐỘI

Căn cứ Nghị định số 204/NĐ-CP, 205/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về việc ban hành chế độ tiền lương mới; Quyết định số 128-QĐ/TW ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Ban Bí thư quy định chế độ tiền lư­ơng mới đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, đoàn thể; Thông t­ư số 33/2005/TT-BGD&ĐT ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục,

Bộ Quốc phòng h­ướng dẫn áp dụng thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn, thanh niên, phụ nữ và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non trong quân đội như sau:

I. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn áp dụng thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ bầu cử của tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ và cán bộ bổ nhiệm là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non trong quân đội.

2. Đối tượng áp dụng

a) Chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở (4 cấp, 3 cấp, 2 cấp, 1 cấp); công đoàn cơ sở thành viên; công đoàn bộ phận.

b) Chủ tịch, phó chủ tịch hội phụ nữ cơ sở (3 cấp, 2 cấp, 1 cấp); chi hội phụ nữ.

c) Bí thư, phó bí thư đoàn cơ sở (3 cấp, 2 cấp, 1 cấp); liên chi đoàn.

II. Các chế độ phụ cấp

1. Chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Áp dụng đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non trong quân đội và cán bộ chuyên trách (nơi có biên chế chuyên trách) của các tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ cơ sở. Mức hưởng theo hệ số lương tối thiểu chung. Cụ thể như sau:

a) Đối với các doanh nghiệp:

- Ở những doanh nghiệp có chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội phụ nữ chuyên trách: lương ngạch, bậc chuyên môn nghiệp vụ cộng với phụ cấp của chủ tịch công đoàn ngang lương phó giám đốc; lương cộng với phụ cấp của bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội phụ nữ ngang lương kế toán trưởng.

- Phó chủ tịch công đoàn chuyên trách hưởng phụ cấp bằng phụ cấp chức vụ trưởng phòng doanh nghiệp; phó bí thư đoàn chuyên trách, phó chủ tịch hội phụ nữ chuyên trách hưởng phụ cấp bằng phụ cấp chức vụ phó phòng doanh nghiệp.

b) Đối với cơ quan, đơn vị:

Các chức vụ bầu cử chuyên trách chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn, phụ nữ; bí thư, phó bí thư đoàn thanh niên được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương ứng mức phụ cấp trách nhiệm cho các cấp quy định tại tiết b điểm 3, Mục II Thông tư này.

c) Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non:

- Đối với trường mầm non hạng 1:

Hiệu trưởng: hệ số 0,35 so với lương tối thiểu.

Phó hiệu trưởng: hệ số 0,25 so với lương tối thiểu.

- Đối với trường mầm non hạng 2:

Hiệu trưởng: hệ số 0,25 so với lương tối thiểu.

Phó hiệu trưởng: hệ số 0,15 so với lương tối thiểu.

2. Chế độ phụ cấp kiêm nhiệm

Áp dụng đối với chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội phụ nữ cơ sở ở các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp có chỉ tiêu biên chế chuyên trách nhưng hoạt động kiêm nhiệm. Mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

3. Chế độ phụ cấp trách nhiệm

Áp dụng đối với cán bộ bầu cử giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, bí thư, phó bí thư tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ cơ sở nơi không có biên chế chuyên trách; chưa được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của các chức vụ chính quyền.

Việc phân cấp các loại hình tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ thực hiện theo các quy định, hư­ớng dẫn của Tổng cục Chính trị về tổ chức quần chúng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

a) Mức hưởng đối với doanh nghiệp:

Cán bộ được bầu giữ chức chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, bí thư, phó bí thư liên chi đoàn, chủ tịch, phó chủ tịch chi hội phụ nữ, được hưởng phụ cấp trách nhiệm hệ số 0,15 đến 0,5 so với lương tối thiểu.

Trên cơ sở đề nghị của Đảng ủy cơ sở; tình hình phân hạng doanh nghiệp; số lượng thành viên và tổ chức thuộc quyền của đơn vị cơ sở, cấp trên trực tiếp quyết định mức hưởng đối với từng chức danh.

b) Mức hưởng đối với cơ quan, đơn vị:

- Đối với tổ chức cơ sở 3 cấp:

Chủ tịch công đoàn, chủ tịch hội phụ nữ, bí thư đoàn cơ sở: hệ số 0,5 so với lương tối thiểu; phó chủ tịch công đoàn, phó chủ tịch hội phụ nữ, phó bí thư đoàn cơ sở: hệ số 0,35 so với lương tối thiểu.

Chủ tịch công đoàn bộ phận, bí thư liên chi đoàn, chi hội tr­ưởng phụ nữ: hệ số 0,25 so với lương tối thiểu; phó chủ tịch công đoàn bộ phận, phó bí thư liên chi đoàn, chi hội phó phụ nữ: hệ số 0,15 so với lương tối thiểu.

- Đối với tổ chức cơ sở 2 cấp:

Chủ tịch công đoàn, chủ tịch hội phụ nữ, bí thư đoàn cơ sở: hệ số 0,35 so với lương tối thiểu; phó chủ tịch công đoàn, phó chủ tịch hội phụ nữ, phó bí thư đoàn cơ sở: hệ số 0,25 so với lương tối thiểu.

- Đối với tổ chức cơ sở 1 cấp:

Chủ tịch công đoàn, chủ tịch hội phụ nữ, bí thư đoàn cơ sở: hệ số 0,25 so với lương tối thiểu.

Phó chủ tịch công đoàn, phó chủ tịch hội phụ nữ, phó bí thư đoàn cơ sở, hệ số 0,15 so với lương tối thiểu.

III. Tổ chức thực hiện

1. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo khi có quyết định bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền.

Cán bộ công đoàn, thanh niên, phụ nữ do bầu cử được hưởng các chế độ phụ cấp kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả bầu cử.

2. Khoản phụ cấp nói trên được trả cùng kỳ lương hàng tháng. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo được tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp trách nhiệm không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

3. Kinh phí bảo đảm:

a) Đối với các doanh nghiệp đư­­ợc hoạch toán vào giá thành hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh.

b) Đối với cơ quan, đơn vị hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước do ngân sách quốc phòng chi trả.

4. Hiệu lực thi hành:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 264/QĐ-TT ngày 14 tháng 02 năm 1997 của Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn thực hiện phụ cấp chức vụ và phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn, thanh niên, phụ nữ trong quân đội.

Chế độ phụ cấp quy định tại Thông tư này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2008.

Quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ảnh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách) để xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Nguyễn Văn Được

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 61/2008/TT-BQP hướng dẫn áp dụng thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn, thanh niên, phụ nữ và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non trong quân đội do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 61/2008/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/04/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Được
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/04/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản