Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 58-TT-QL

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CHUYỂN NGÀNH HỌC, CHUYỂN TRƯỜNG CHO HỌC SINH VÀ SINH VIÊN

Kính gửi:

Các Ông hiệu trưởng các trường đại học và trung học chuyên nghiệp

Hàng năm có một số học sinh, sinh viên vì sức khỏe, sức học… xin chuyển ngành, chuyển trường và một số lưu học sinh không đủ điều kiện học ở ngoài nước chuyển về học ở các trường trong nước.
Để việc chuyển ngành, chuyển trường và việc sắp xếp nơi học cho những học sinh, sinh viên và lưu học sinh nói trên giải quyết được tốt, Bộ Giáo dục quy định một số nguyên tắc, thủ tục sau đây để các trường áp dụng bắt đầu từ năm học 1963-1964.

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Việc chuyển ngành học chuyển trường cho học sinh, sinh viên các trường Đại học và trung học chuyên nghiệp dựa theo những nguyên tắc sau đây:

1. Phải có lý do thật xác đáng, để tránh gây khó khăn cho các trường.

2. Không được ảnh hưởng nhiều đến chỉ tiêu kế hoạch đào tạo của các trường.

3. Do các trường thương lượng, thỏa thuận và giải quyết là chính.

Đối với lưu học sinh không đủ điều kiện học ở nước ngoài chuyển vào học ở các trường trong nước, nguyên tắc là:

1. Phải có đủ điều kiện cần thiết về đạo đức, văn hóa, sức khỏe,… quy định trong quy chế tuyển sinh trong nước.

2. Ở nước bạn học ngành gì thì chủ yếu là chuyển vào học ngành ấy ở trong nước.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT

Thủ tục giải quyết đối với từng loại đối tượng quy định như sau:

1. Đối với học sinh, sinh viên xin chuyển ngành, chuyển trường vì lý do sức khỏe, sức học, năng khiếu, vì các lý do bình thường khác.

a) Nếu chuyển ngành học trong cùng một trường thì do trường quyết định.

b) Nếu chuyển trường nhưng không chuyển ngành học mà hai trường có liên quan thỏa thuận giải quyết rồi báo cáo cho bộ sở quan hay cơ quan được phân cấp quản lý biết.

c) Nếu chuyển ngành và chuyển cả trường mà hai trường do hai bộ phận khác nhau quản lý thì cũng do hai trường thương lượng và giải quyết rồi báo cáo cho bộ sở quan hay cơ quan được phân cấp quản lý biết.

d) Sinh viên đại học và các lớp cao đẳng chuyển xuống học trung cấp; ở cùng một trường thì do trường đề nghị, bộ sở quan quyết định; nếu chuyển học trung cấp ở mộttrường trung cấp chuyên nghiệp thuộc bộ khác thì do hai trường thương lượng rồi báo cáo lên Bộ Giáo dục giới thiệu.

2. Đối với học sinh, sinh viên không đủ tiêu chuẩn đào tạo ở một số ngành trọng điểm nhưng có thể đào tạo ở ngành không trọng điểm:

a) Nếu hai ngành học ở cùng một trường thì do trường giải quyết mà không chuyển đi trường khác.

b) Nếu hai ngành học ở hai trường khác nhau do một bộ quản lý thì do hai trường thương lượng và giải quyết trường có học sinh, sinh viên chuyển đi khi đến thương lượng với trường bạn phải có giấy giới thiệu của bộ sở quan hay cơ quan được phân cấp quản lý.

c) Nếu hai ngành học ở hai trường khác nhau do hai bộ quản lý thì cũng do hai trường thương lượng và giải quyết, trường có học sinh, sinh viên chuyển đi khi đến thương lượng với trường bạn phải có sự giới thiệu của Bộ Giáo dục.

Đối với những trường hợp chuyển ngành vì không đủ tiêu chuẩn học ngành trọng điểm nhưng có thể chuyển học ngành không trọng điểm từ trường đại học này sang trường đại học khác; từ trường trung cấp này sang trường trung cấp khác hay từ trường đại học sang trường trung cấp mà các Bộ và Bộ Giáo dục đã giới thiệu thì các trường có nhiệm vụ thu nhận.

3. Đối với lưu học sinh không đủ điều kiện học ở nước ngoài chuyển về học ở trong nước:

Những lưu học sinh vì kém sức khỏe, kém ngoại ngữhoặc vì kém cả hai mặt sức khỏe và ngoại ngữ không đủ điều kiện học ở các trường ngoài nước mà xét đủ điều kiện học ở các trường trong nước tùy theo ngành nghề và năm học ở nước ngoài có thể được Bộ Giáo dục giới thiệu vào học ở các trường trong nước. Những lưu học sinh này phải qua các thủ tục kiểm tra sức khỏe và văn hóa của các trường. Các trường sẽ căn cứ vào kết qủa kiểm tra mà bố trí ngành học, năm học; cho lên lớp hay cho học lại lớp hoặc có thể không thu nhận. Trường hợp không thu nhận vì không đủ các tiêu chuẩn cần thiết thì các trường phải giải thích thậtđầy đủ và nói rõ lý do cho đương sự biết đồng thời báo cáo cho Bộ Giáo dục biết.

III. NHỮNG ĐIỂM CẦN CHÚ Ý.

Ngoài những nguyên tắc và thủ tục quy định ở trên; các trường cần chú ý thêm những điểm sau đây:

1. Cần nhắc các học sinh; sinh viên muốn xin chuyển ngành học, chuyển trường phải làm đơn gửi lên hiệu trưởng xét giải quyết, không được gửi thẳng về Bộ Giáo dục, hoặc các Bộ có trường. Bộ Giáo dục và các bộ có trường không trực tiếp nhận đơn và giải quyết đơn xin chuyển ngành học, chuyển trường cho học sinh, sinh viên.

2. Sau khi hai trường có liên quan đã thương lượng và thỏa thuận; trường có học sinh, sinh viên chuyển đi phải gửi ngay hồ sơ, lý lịch… cho trường học sinh, sinh viên đến kèm theo giấy giới thiệu chuyển trường do hiệu trưởng ký.

3. Những trường hợp chỉ xin chuyển trường mà không chuyển ngành học; các trường có thể giải quyết mỗi năm hai kỳ vào dịp nghỉ hè hoặc nghỉ sau học kỳ I, còn những trường hợp khác thì chỉ giải quyết mỗi năm một lần vào dịp nghỉ hè.

4. Các trường cần trích những phần cần thiết về nguyên tắc và thủ tục nói trong thông tư này phổ biến cho học sinh, sinh viên biết để học sinh, sinh viên thực hiện tốt.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Khánh Toàn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 58-TT-QL năm 1963 về việc chuyển ngành học, chuyển trường cho học sinh và sinh viên do Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 58-TT-QL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/10/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Khánh Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 43
  • Ngày hiệu lực: 12/11/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản