Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 57-TT-ĐH | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1964 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Kính gửi: | -Các bộ, cơ quan ngang bộ, tổng cục |
Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ một cách tương đối có hệ thống cho những cán bộ, công nhân có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, đặc biệt là số cán bộ đang giữ chức vụ lãnh đạo; chỉ đạo, quản lý của các cấp, các ngành, nhiều Bộ đã mở những lớp chuyên tu đại học và trung học chuyên nghiệp (tập trung và tại chức).
Đây là hình thức đào tạo thích hợp cho những đối tượng chủ chốt của các ngành nhằm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công nhân hiện có và còn tồn tại trong một thời gian khá dài.
Từ trước tới nay, các lớp chuyên tu đại học và trung học chuyên nghiệp đã mở chưa được tổ chức theo những phương hướng, nguyên tắc, tiêu chuẩn thống nhất.
Mục đích, tính chất, đối tượng chưa được xác định rõ, do đó quan niệm về mục tiêu, thời gian đào tạo, chính sách tuyển sinh ở mỗi Bộ, mỗi ngành còn khác nhau. Nội dung, phương thức đào tạo cũng chưa được quy định thống nhất nên chưa có cơ sở cụ thể để công nhận trình độ.
Việc mở, bãi bỏ các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp chuyên tu còn tùy tiện, ảnh hưởng đến chất lượng và việc quản lý chung của Nhà nước.
Thi hành Nghị định số 171-CP về quy chế mở trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 20-11-1963, sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ và một số trường có lớp chuyên tu tập trung và tại chức trong cuộc họp ngày 27-08-1964, Bộ Giáo dục ban hành thông tư hướng dẫn việc tiêu chuẩn hóa các lớp chuyên tu đại học và trung học chuyên nghiệp tập trung và tại chức như sau:
I. MỤC ĐÍCH; TÍNH CHẤT, HÌNH THỨC ĐÀO TẠO CHUYÊN TU
Việc nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ và công nhân hiện có có thể bằng nhiều hình thức:
a) Tập trung hoặc tại chức dài hạn (đối với cán bộ, công nhân trẻ);
b) Tập trung hoặc tại chức ngắn hạn (đối với cán bộ, công nhân có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý);
c) Bồi dưỡng kỹ thuật, nghiệp vụ theo chuyên đề (cho các loại đối tượng).
Hình thức đào tạo tập trung hoặc tại chức ngắn hạn thường gọi là chuyên tu, là hình thức đào tạo nhằm đáp ứng một nhu cầu cán bộ cấp bách, dành riêng cho những cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành,
Do đặc điểm đối tượng và yêu cầu đào tạo, thời gian học của các lớp này ngắn hơn thời gian học của hệ thống đào tạo cán bộ trẻ. Tuy nhiên, chương trình học cũng phải tương đối có hệ thống, hoàn chỉnh, đạt trình độ đại học trung học chuyên nghiệp về một chuyên nghiệp nhất định. Chỉ tiêu chiêu sinh hàng năm phải do Nhà nước ấn định. Việc mở, bãi bỏ trường, lớp và việc tổ chức đào tạo của các lớp chuyên tu này cần theo đúng những nguyên tắc, thủ tục quy định thống nhất.
Để đảm bảo tốt chất lượng đào tạo, các lớp đại học chuyên tu tập trung nên mở tại các trường đại học tập trung dài hạn; các lớp trung học chuyên nghiệp chuyên tu tập trung nên mở tại các trường trung học chuyên nghiệp tập trung dài hạn; các lớp đại học và trung học chuyên nghiệp chuyên tu tại chức có thể mở tại các cơ sở sản xuất.
Việc xây dựng mục tiêu, thời gian, nội dung, biện pháp đào tạo và tổ chức quản lý các lớp này phải theo đúng những nguyên tắc, thủ tục đã quy định như đối với các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tập trung và tại chức dài hạn.
II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN TUYỂN SINH, THỜI GIAN, NỘI DUNG ĐÀO TẠO
1. Mục tiêu đào tạo.
Các lớp chuyên tu có nhiệm vụ nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ cho những cán bộ đang giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý các cấp, các ngành, những cán bộ, công nhân đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề để có khả năng làm tốt công tác mà họ đang phụ trách hoặc sẽ phụ trách.
Đối với đại học: Phải đạt trình đột đại học, cụ thể là phải có những hiểu biết tương đối có hệ thống và đầy đủ về khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ, có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có khả năng vận dụng những điều đã học vào công tác chỉ đạo và quản lý kỹ thuật và kinh tế.
Đối với trung học chuyên nghiệp: Phải đạt trình độ trung học chuyên nghiệp, cụ thể là phải có những hiểu biết cơ bản về lý thuyết của ngành nghề theo học, biết thực hành thông thạo, có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có khả năng áp dụng những điều đã học vào việc chỉ đạo và quản lý các khâu công tác kỹ thuật hoặc nghiệp vụ kinh tế.
2. Đối tượng đào tạo và tiêu chuẩn tuyển sinh.
Hệ thống các lớp chuyên tu đại học và trung học chuyên nghiệp (tập trung và tại chức) chủ yếu dành cho những đối tượng chủ chốt của các cấp, các ngành mà yêu cầu chức vụ và công tác, sản xuất của họ đòi hỏi phải có trình độ đại học hoặc trung học chuyên nghiệp về khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ.
Vào đại học phải có những tiêu chuẩn như sau:
a) Những cán bộ đang giữ chức vũ lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp, các ngành (Chánh, phó giám đốc xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường; Chánh phó chủ nhiệm Tổng công ty, công ty, hợp tác xã thủ công nghiệp, nông nghiệp; Chánh phó quản đốc phân xưởng, cửa hàng; Trưởng phó Cục, Vụ, Viện, Ban, Sở, Ty; Trưởng phó phòng kỹ thuật, nghiệp vụ ở các cơ quan trung ương, địa phương, cơ sở sản xuất...) có thâm niên chức vụ một năm.
Những cán bộ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ có kinh nghiệm lâu năm, có trình độ trung học chuyên nghiệp hoặc tương đương trung học chuyên nghiệp, đã công tác trong nghề ít nhất 7 năm (nếu vào đại học chuyên tu tập trung), 5 năm (nếu vào đại học chuyên tu tại chức).
Những cán bộ khác (ngoài hai loại trên) của các cơ quan ở trung ương và địa phương (huyện, tỉnh trở lên), cơ sở sản xuất... có thời gian công tác liên tục 10 năm (nếu vào đại học chuyên tu tập trung), 7 năm (nếu vào đại học chuyên tu tại chức) và có bậc lương tương đương với bậc lương của loại cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ trong ngành ấy được cử đi học đại học chuyên tu.
b) Có trình độ văn hóa tốt nghiệp cấp III phổ thông hoặc bổ túc văn hóa. Trong tình hình hiện nay, có thể lấy từ hết lớp 8 trở lên, một số ngành có thể lấy từ tốt nghiệp cấp II nhưng thời gian bổ túc văn hóa hết cấp III về một số môn cần thiết không tính vào thời gian đào tạo.
Trước khi vào học, học viên phải qua một kỳ thi kiểm tra văn hóa.
c) Tuổi tối đa là 40 đối với chuyên tu tập trung. Đối với các lớp chuyên tu tại chức, không hạn chế tuổi nhưng không nên lấy trên 45.
d) Điều kiện chính trị đạo đức, sức khỏe đảm bảo tốt.
Vào trung học chuyên nghiệp phải có những tiêu chuẩn như sau:
a) Những cán bộ đang giữ chức vụ lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp, các ngành (Chánh, phó giám đốc xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, công ty, cửa hàng, hợp tác xã thủ công nghiệp và nông nghiệp; Chánh, phó quản đốc phân xưởng; Trưỏng phó đội, ban sản xuất của các cơ sở sản xuất; Trưởng phó phòng kỹ thuật, nghiệp vụ ở các cơ sở sản xuất, các cơ quan ở huyện, tỉnh...) có thâm niên chức vụ một năm.
Những cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ công nhân kỹ thuật lâu năm có trình độ sơ cấp hoặc tương đương sơ cấp đã công tác trong nghề ít nhất 5 năm (nếu vào trung học chuyên nghiệp chuyên tu tập trung), 3 năm (nếu vào trung học chuyên nghiệp chuyên tu tại chức).
Những cán bộ, nhân viên, công trường, xã viên khác (không thuộc hai loại trên) ở các cơ quan trung ương, địa phương (xã trở lên), cơ sở sản xuất... có thời gian công tác liên tục 7 năm (vào trung học chuyên nghiệp chuyên tu tập trung), 5 năm (vào trung học chuyên nghiệp chuyên tu tại chức) và có bậc lương tương đương với bậc lương của loại cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ, công nhân kỹ thuậ trong ngành ấy được cử đi học trung học chuyên nghiệp chuyên tu.
b) Có trình độ văn hóa tốt nghiệp cấp II phổ thông hoặc bổ túc văn hóa.
Trong tình hình hiện nay có thể lấy từ hết lớp 5 trở lên nhưng thời gian bổ túc văn hóa hết cấp II về một số môn cần thiết không tính vào thời gian đào tạo.
Trước khi vào học, học viên phải qua một kỳ thi kiểm tra văn hóa.
c) Điều kiện tuổi, chính trị, đạo đức, sức khỏe quy định như đối với các lớp đại học chuyên tu tập trung và tại chức.
Ngoài những đối tượng tuyển vào các lớp đại học và trung học chuyên nghiệp chuyên tu như trên đã quy định, có thể xét tuyển chọn một số cán bộ, công nhân, nhân viên, xã viên tuy thời gian công tác liên tục, thâm niên trong nghề và bậc lương chưa đạt tiêu chuẩn quy dịnh nhưng có thành tích xuất sắc và liên tục trong công tác và sản xuất (anh hùng, chiến sĩ thi đua liên tục hai năm liền, lao động tiền tiến ba năm liền).
Hướng tuyển chọn:
- Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ đạo chung của các cấp, các ngành nên theo học những ngành quản lý vừa có hiểu biết cơ bản về kỹ thuật, vừa có hiểu biết cơ bản về kinh tế;
- Cán bộ phụ trách các cơ sở sản xuất, các cán bộ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nên theo học các ngành về kỹ thuật hoặc về nghiệp vụ, hoặc về quản lý kinh tế tùy theo chức năng của từng người đối với sản xuất và công tác mà yêu cầu cấp bách đòi hỏi phải có trình độ đại học hoặc trung học chuyên nghiệp.
Những tiêu chuẩn chiêu sinh quy định trên đây là những tiêu chuẩn chung tối thiểu đối với từng khóa học, từng ngành học sẽ có thông tư quy định các tiêu chuẩn chiêu sinh cụ thể do Bộ, Tổng cục có lớp chuyên tu ban hành sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Giáo dục.
Trong khi tuyển chọn, chú ý ưu tiên phụ nữ, cán bộ dân tộc,miền Nam và những người đạt tiêu chuẩn cao hơn và phương hướng chung là nên đưa đi học tại chức nếu có trường, lớp tại chức.
3. Thời gian, nội dung đào tạo.
a) Đại học:
- Thời gian đào tạo từ hai đến bốn năm (không kể thời gian bổ túc văn hóa hết cấp III nếu cần).
- Kế hoạch giảng dạy và chương trình phải bảo đảm được tính chất hệ thống, thực tiễn và đạt trình độ đại học. Tuy nhiên do thời gian đào tạo ngắn, do đặc điểm của đối tượng, cần có sự tinh giản cho thích hợp theo sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục.
Phải đảm bảo một kế hoạch giảng dạy toàn khóa khoảng:
1.700 tiết nếu thời gian đào tạo là 2 năm, trong 64 tuần;
2.600 tiết nếu thời gian đào tạo là 3 năm trong 94 tuần;
3.500 tiết nếu thời gian đào tạo là 4 năm trong 130 tuần.
Số tiết học ở lớp hàng tuần tối đa là 30 tiết (không kể những giờ học hoặc sinh hoạt ngoại khóa).
Để đảm bảo chất lượng tương đương với các lớp đại học chuyên tu tập trung từ hai đến ba năm, các lớp đại học chuyên tu tại chức phải có thời gian đào tạo từ ba năm rưỡi đến bố năm và phải đảm bảo một kế hoạch giảng dạy khoảng từ 1.500 – 1.600 tiết.
b) Trung học chuyên nghiệp:
- Thời gian đào tạo từ hai đến ba năm (không kể thời gian bổ túc văn hóa hết cấp II nếu cần).
- Kế hoạch giảng dạy và chương trình phải đảm bảo được tính chất hệ thống, đạt trình độ trung học chuyên nghiệp và có sự tinh giản cho phù hợp với thời gian và đặc điểm đối tượng theo sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục.
Phải đảm bảo một kế hoạch giảng dạy toàn khóa khoảng 1700 tiết trong 64 tuần nếu thời gian đào tạo là hai năm. Số tiết học hàng tuần tối đa cũng là 30 tiết.
Để đảm bảo chất lượng tương đương với các lớp trung học chuyên nghiệp chuyên tu tập trung từ hai đến ba năm, các lớp trung học chuyên nghiệp chuyên tại chức phải có thời gian đào tạo từ ba đến ba năm rưỡi và phải đảm bảo một kế hoạch giảng dạy khoảng từ 1.300 – 1.400 tiết.
4. Các trường, lớp trung học chuyên nghiệp địa phương đào tạo cán bộ cho hợp tác xã và cho miền núi không thuộc hệ thống chuyên tu này.
1. Việc mở hoặc bãi bỏ các lớp đại học, trung học chuyên nghiệp chuyên tu tập trung hoặc tại chức cũng phải theo đúng các nguyên tắc, thủ tục như đã quy định trong Nghị định số 171-CP ngày 20-11-1963 của hội đồng Chính phủ về quy chế mở trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp.
2. Đối với các lớp đại học, trung học chuyên nghiệp chuyên tu (tập trung và tại chức) đã mở đều phải đăng ký để xét duyệt, bổ sung cho phù hợp với các quy định của Nghị định số 171-CP và của thông tư này.
Chỉ được công nhận những lớp đại học, trung học chuyên nghiệp chuyên tu (tập trung và tại chức) đã làm đúng các thủ tục ở trường, lớp và mục tiêu, đối tượng, thời gian, kế hoạch giảng dạy đã được các cơ quan xét duyệt theo đúng những điều đã quy định trong Nghị định số 171-CP của Hội đồng Chính phủ.
Việc tổ chức giảng dạy, học tập, thi cử, công nhận tốt nghiệp của các lớp này phải theo đúng các quy chế, chế độ hiện hành áp dụng đối với các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp dài hạn (tập trung và tại chức).
Trên đây là một số quy định về nguyên tắc, thủ tục hướng dẫn việc tiêu chuẩn hóa và nhanh chóng đưa vào nền nếp, chính quy hệ thống các lớp đại học, trung học chuyên nghiệp chuyên tu tập trung và tại chức đã mở và sẽ mở nhằm thực hiện đúng đắn Nghị định số 171-CP của Hội đồng Chính phủ.
Trong khi thực hiện thông tư này, nếu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tổng cục, các Ủy ban hành chính địa phương, các trường, lớp có khó khăn gì, Bộ tôi đề nghị phản ảnh cho Bộ tôi biết để kịp thời hướng dẫn.
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
Thông tư 57-TT-ĐH-1964 hướng dẫn việc tiêu chuẩn hóa các lớp Đại học và Trung học chuyên nghiệp chuyên tu tập trung và tại chức do Bộ Giáo dục ban hành
- Số hiệu: 57-TT-ĐH
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 11/11/1964
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
- Người ký: Nguyễn Văn Huyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 42
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra