Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56-TC/TCT

Hà Nội, ngày 23 tháng11 năm 1990

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 56-TC/TCT NGÀY 23-11-1990 HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH VỀ THUẾ NÔNG NGHIỆP CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 52-HĐBT NGÀY 27-5-1989 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ THUẾ NÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI NÔNG TRƯỜNG, LÂM TRƯỜNG VÀ CÁC TRẠI, TRẠM QUỐC DOANH

Để thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về thuế nông nghiệp ngày 30 tháng 1 năm 1989 và Nghị định số 52-HĐBT, ngày 27-5-1989 của Hội đồng Bộ trưởng, quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về thuế nông nghiệp cho phù hợp với các nông, lâm trường, trạm trại quốc doanh và sau khi có sự tham gia ý kiến của Bộ nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Quốc phòng, Tổng Cục quản lý ruộng đất và các Bộ, các ngành liên quan; Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành chính sách thuế nông nghiệp đối với các nông trường, lâm trường và các trạm trại quốc doanh như sau:

1. Các nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh có nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp theo quy định tại Điều 11 (mới) pháp lệnh thuế nông nghiệp và chi tiết tại điểm c Điều 1 Nghị định số 52-HĐBT bao gồm: các công ty, xí nghiệp, liên hiệp xí nghiệp nông công nghiệp hoặc lâm, nông công nghiệp hoặc nông lâm công nghiệp, nông trường, lâm trường, trạm trại nông nghiệp quốc doanh kể cả trạm trại thí nghiệm nghiên cứu khoa học trạm trại giống, trại cải tạo... gọi chung là các nông trường, lâm trường trạm trại quốc doanh; không phân biệt cấp, ngành quản lý bao gồm: cả Trung ương và địa phương, thuộc tất cả các Bộ, ngành quản lý bao gồm cả sự nghiệp, quốc phòng, an ninh, giáo dục và đào tạo... không phân biệt phương thức hạch toán (hạch toán kinh tế hay đơn vị sự nghiệp); không phân biệt mục đích phục vụ hay tính chất của sản phẩm... được giao đất sử dụng vào sản xuất nông nghiệp đều có nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp.

Các xí nghiệp, công ty, trạm trại... nuôi trồng thuỷ sản có văn bản quy định riêng.

Các nông trường, lâm trường và trạm trại quốc doanh có vốn đầu tư của tổ chức cá nhân nước ngoài hoặc do tổ chức cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đã nộp thuế tài nguyên theo Điều 1 của Pháp lệnh thuế tài nguyên hoặc đã nộp tiền thuế theo Điều 29 và nộp thuế lợi tức theo Điều 26 của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì không phải nộp thuế nông nghiệp; Trường hợp chưa nộp thuế tài nguyên hoặc chưa nộp tiền thuế theo Điều 29 và chưa nộp thuế lợi tức theo Điều 26 của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì phải nộp thuế nông nghiệp theo quy định hiện hành của nhà nước Việt Nam được hướng dẫn cụ thể tại thông tư này.

2. Phạm vi áp dụng:

a) Thuế nông nghiệp áp dụng đối với các hoạt động sản xuất có sử dụng đất vào trồng trọt của các nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh như nói ở điểm 1 bao gồm:

- Trồng cây hàng năm;

- Trồng cây lâu năm (không kể rừng đang thực hiện thu thuế tài nguyên hoặc tiền nuôi rừng);

- Đồng cỏ dùng vào chăn nuôi.

b) Thuế nông nghiệp không áp dụng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài trồng trọt của nông trường lâm trường trạm trại quốc doanh như:

- Giai đoạn sản xuất, chế biến các loại nông sản thành phẩm công nghiệp hoặc chế biến nông sản, nguyên liệu mua ngoài thành bán sản phẩm công nghiệp;

- Hoạt động xây dựng cơ bản;

- Hoạt động kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ;

- Các hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài nông nghiệp khác. Những hoạt động này chịu các loại thuế khác theo Luật định.

Như vậy, trong một đơn vị kinh tế quốc doanh: nếu chỉ có hoạt động sản xuất trồng trọt, thì chỉ nộp một loại thuế nông nghiệp; nếu vừa có hoạt động sản xuất trồng trọt, vừa có hoạt động sản xuất kế tiếp như công nghiệp chế biến hoặc các hoạt động khác như xây dựng cơ bản, kinh doanh dịch vụ, thương nghiệp... thì nộp thuế nông nghiệp đối với hoạt động sản xuất trồng trọt và nộp thuế doanh thu hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế lợi tức v.v... đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài nông nghiệp.

3. Tính thuế và lập sổ thuế:

a) Xác định diện tích: Diện tích tính thuế là diện tích được quy hoạch theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật được cấp có thẩm quyền xét duyệt theo tiến độ sử dụng vào sản xuất kinh doanh hàng năm của đơn vị theo đúng quy định tại điều 2 Nghị định số 52-HĐBT ngày 27 tháng 5 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng và cụ thể tại mục II thông tư số 23-TC/TNN ngày 17 tháng 6 năm 1989 của Bộ Tài chính.

Căn cứ vào kết quả đo đạc diện tích các loại đất theo chỉ thị số 299-TTg ngày 10 tháng 11 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ, đất chịu thuế nằm trong quy hoạch của nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh được xác định và chia theo đối tượng sử dụng đất:

- Diện tích do nông lâm trường, trạm trại quốc doanh trực tiếp quản lý và sử dụng;

- Diện tích giao lại cho cán bộ công nhân viên sử dụng làm kinh tế gia đình hoặc giao khoán (nếu có);

- Diện tích đất ở của các hộ cán bộ công nhân viên của nông lâm trường trạm trại nằm trong diện tích quy hoạch của nông lâm trường trạm trại vượt quá mức quy định tại điều 35 Luật đất đai quy định cho từng vùng do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố Quyết định;

- Diện tích giao cho các tổ chức, cá nhân khác không phải là các đơn vị, cán bộ công nhân viên của nông trường, lâm trường trạm trại quốc doanh. Theo hướng dẫn của cơ quan thuế địa phương, giám đốc hoặc người đứng đầu đơn vị phải kê khai toàn bộ diện tích đang sử dụng vào sản xuất nông nghiệp như đã nêu ở trên. Cơ quan trực tiếp quản lý thu thuế kết hợp với cơ quan quản lý ruộng đất cùng cấp có trách nhiệm kiểm tra xác định diện tích tính thuế cho từng nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh.

Trường hợp diện tích của nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh không đảm bảo độ tin cậy cho việc xác định diện tích thuế, thì theo đề nghị của cơ quan thuế, cơ quan quản lý ruộng đất cùng cấp thực hiện đo đạc thống kê toàn bộ lại diện tích, mà đơn vị được giao quản lý sử dụng theo quy định của Tổng cục quản lý ruộng đất. Kết quả đo đạc, thống kê lại, sau khi được cơ quan quản lý ruộng đất cấp huyện kiểm tra và xác nhận được dùng làm căn cứ tính thuế. Trường hợp chưa đo đạc thông kê lại được, thì tạm tính thuế theo kê khai của người đứng đầu đơn vị nộp thuế.

b) Phân hạng đất đối với đất trồng cây hàng năm, định sản lượng hoặc giá trị sản lượng tính thuế đối với đất trồng cây lâu năm và đất chuyên trồng cây công nghiệp ngắn ngày.

Đất trồng cây hàng năm (trừ đất chuyên trồng cây công nghiệp ngắn ngày) được xếp hạng tính thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 52-HĐBT; đồng thời phải căn cứ vào hạng đất của những diện tích liền canh do nông dân sản xuất, hoặc đất có độ phì điều kiện canh tác và kết quả sản xuất tương tự ở địa phương, không dược xác định hạng đất quá thấp hoặc quá cao so với hạng đất tính thuế của nông dân các vùng lân cận có đất đai và điều kiện sản xuất tương tự.

Việc xác định sản lượng hoặc giá trị sản lượng tính thuế đối với đất trồng cây lâu năm và chuyên trồng cây công nghiệp ngắn ngày phải căn cứ vào:

- Năng suất cây trồng đã đạt được từ 2 đến 3 năm trước, loại trừ những vụ mất mùa và trừ những năm có thu hoạch nhưng đang trong thời kỳ xây dựng cơ bản của cây lâu năm;

- Độ tuổi của cây trồng và kế hoạch sản xuất kinh doanh của nông trường, lâm trường, trạm trại trong năm kế hoạch;

- Năng suất của cùng loại cây trồng do nông dân sản xuất ở các vùng lân cận cố điều kiện canh tác, chất đất, mức đầu tư thâm canh... tương tự hoặc có thể so sánh được.

c) Lập sổ thuế: Nguyên tắc chung là: Đất thuộc địa giới hành chính địa phương nào, thì lập sổ thuế ở địa phương đó; cơ quan thuế các cấp tiến hành kiểm tra xác định diện tích tính thuế đồng thời là cấp lập sổ thuế cho các nông trường, lâm trường trạm trại quốc doanh; một số trường hợp cụ thể xử lý như sau:

- Cơ quan thuế xã lập sổ thuế đối với phần đất nằm ngoài phạm vi quản lý nhưng trong ranh giới của nông trường, lâm trường trạm trại quốc doanh do xã giao đất hoặc các hộ tự khai phá sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, phần đất ở của mỗi hộ gia đình vượt quá phạm vi quy định tại Điều 35 Luật đất đai mà đất đó nằm trong quy hoạch của nông trường, lâm trường, trạm trại.

- Chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập sổ thuế đối với các nông trường, lâm trường, trạm trại sử dụng đất thuộc địa bàn một quận, huyện.

- Cục thuế tỉnh, thành phố lập sổ thuế đối với các nông trường, lâm trường, trạm trại do Trung ương và Tỉnh quản lý hoặc sản xuất trên địa bàn nhiều quận, huyện;

- Trường hợp nông trường, lâm trường, trạm trại sản xuất trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố thì địa phương có trụ sở của đơn vị đóng chịu trách nhiệm lập sổ thuế và tổ chức thu nộp thuế.

Cục thuế địa phương lập sổ thuế của nông trường, lâm trường, trạm trại, chịu trách nhiệm phối hợp với Cục thuế các tỉnh, thành phố có đất giao cho nông trường, lâm trường, trạm trại sử dụng xác định diện tích chịu thuế và lập sổ thuế.

Sổ thuế nông nghiệp được lập hàng năm, mỗi nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh là một đơn vị nộp thuế; đứng tên trong sổ thuế là giám đốc hoặc người đứng đầu đơn vị nộp thuế.

4. Tổ chức thu thuế, nộp thuế:

Người đứng tên trong sổ thuế chịu trách nhiệm nộp thuế vào kho bạc Nhà nước tại nơi lập sổ thuế; có trách nhiệm thuyết minh, cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc tính thuế và thu thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng tổ chức thu nộp thuế của toàn ngành; Cục thuế tỉnh, thành phố tổ chức, phân cấp việc quản lý thu thuế cho các chi cục thuế các phòng nghiệp vụ thuộc Cục thuế đảm bảo hợp lý trong nội bộ địa phương, phù hợp với nơi lập sổ thuế và cấp quản lý nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh phù hợp với khả năng của các bộ phận và đảm bảo thuận lợi cho việc nộp thuế nông nghiệp và các loại thuế khác (nếu có) của đơn vị nộp thuế.

Các nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh nộp thuế bằng tiền theo kế hoạch tháng, quý, năm do cơ quan thuế ấn định trên cơ sở tổng số thuế ghi thu cả năm và phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị nộp thuế. Người đứng đầu đơn vị nộp thuế có trách nhiệm thực hiện nộp thuế theo kế hoạch.

Giá thu thuế tại thời điểm nộp thuế là giá thu thuế bằng tiền thay thóc và các nông sản tính thuế ở địa phương do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quyết định phù hợp với thời giá trung bình của nông sản tính thuế ở địa phương tại thời điểm thu thuế.

Căn cứ vào tổng số thuế ghi thu và kế hoạch đã định. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc thu nộp thuế và thanh toán, quyết toán số thuế đã thu của từng nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh vào ngân sách Nhà nước theo năm ngân sách, cụ thể như sau:

- Đối với thuế đất trồng cây hàng năm (trừ đất chuyên trồng cây công nghiệp ngắn ngày) khi kết thúc năm thuế thuế phải nộp đủ theo mức thuế đã ấn định trong sổ thuế; trường hợp có giảm thuế miễn thuế được quyết toán, khấu trừ khi đơn vị nộp thuế có báo cáo quyết toán.

- Đối với thuế đất trồng cây lâu năm và chuyên trồng cây công nghiệp ngắn ngày:

+ Nếu đã thoả thuận ổn định sản lượng tính thuế và mức thuế, kết thúc năm thuế phải nộp đủ theo mức thuế đã ấn định đầu năm trong sổ thuế;

+ Nếu thu theo thực tế thì phải xác định sản lượng hoặc giá trị sản lượng thực tế, từ đó xác định số thuế phải thu trừ số đã thu theo kế hoạch, xác định số còn phải thu hoặc số thuế nộp thừa chuyển sang năm sau.

Sản lượng, giá trị sản lượng để tính thuế và thu thuế theo nguyên tắc được tính trên giá trị của nông sản sau khi đã hoàn thành quá trình sản xuất nông nghiệp được thị trường xã hội chấp nhận tuỳ theo đặc điểm của mỗi loại cây trồng mỗi loại nông sản; Tuỳ theo đặc điểm của quá trình sản xuất của mỗi nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh, cụ thể một số sản phẩm phụ sau:

- Thuốc lá lá khô;

- Chè búp tươi, đối với nông trường bán nông sản cho xí nghiệp chế biến là che búp tươi, hoặc chuyển chè búp tươi sang chế biến ngay trong một nông trường;

- Chè búp sơ chế, đối với nông trường bán cho các xí nghiệp chế biến đã là sản phẩm sơ chế;

- Cao su mủ khô, cà phê nhân khô, hạt tiêu khô, hạt điều khô; đay, cói, sợi khô;

- Mía cây, dừa trái, dâu tươi nuôi tằm, cam quả, giá bán cỏ của đồng cỏ v..v..

Căn cứ vào nguyên tắc và cách hướng dẫn cụ thể trên, Cục thuế các tỉnh, thành phố, đặc khu quy định cụ thể cho những nông sản khác ở địa phương.

Đối với cây lâu năm: nông sản thu được trong thời kỳ xây dựng cơ bản chưa phải chịu thuế nông nghiệp (được miễn).

Lợi nhuận (lợi tức) thu được của các nông trường, lâm trường và các trạm trại quốc doanh không phải chịu thuế và nộp thuế lợi tức theo quy định tại điểm 2 Điều 2 Luật thuế lợi tức và điểm 1 Điều 2 Luật thuế doanh thu là toàn bộ lợi nhuận thu được do các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuộc ngành trồng trọt đã nộp thuế nông nghiệp.

5. Giảm thuế, miễn thuế:

a) Các trường hợp giảm thuế, miễn thuế do thiên tai, địch hoạ, mùa màng thiệt hại nặng, do tổ chức lại sản xuất được thực hiện như đối với hộ nông dân cá thể, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Trường hợp nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh thực hiện khoán đến hộ cán bộ CNV hoặc giao đất cho hộ cá thể mà hộ cán bộ CNV là người trực tiếp nộp thuế như hộ xã viên nhận khoán trong hợp tác xã thì cũng thực hiện giảm thuế, miễn thuế theo hộ gia đình và cũng thực hiện chính sách giảm miễn xã hội như hộ gia đình nông dân. Số thuế miễn giảm này phải được quyết định trực tiếp cho hộ gia đình, không quyết định chung cho nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh.

b) Trường hợp đã thực hiện giảm thuế, miễn thuế ở các trường hợp quy định tại điểm a, mà sau khi nộp thuế nông nghiệp, lợi nhuận của đơn vị không đảm bảo mức tối thiểu để trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi theo quy định của Nhà nước thì được xét giảm thuế tiếp, nhưng mức giảm tối đa không quá mức tối thiểu để trích lập 2 quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi của đơn vị.

c) Các nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh được Hội đồng Bộ trưởng cho phép sản xuất kinh doanh những loại cây trồng cần khuyến khích phục vụ xuất khẩu hoặc là đơn vị duy nhất sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho một ngành công nghiệp chế biến mà cần khuyến khích đầu tư để mở rộng sản xuất, áp dụng các biện pháp thâm canh và các tiến bộ khoa học kỹ thuật; Nếu sau khi đã dùng hết nguồn vốn tự bổ sung của mình (vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quỹ, lãi sau khi nộp thuế...) mà phải dùng đến lợi nhuận trong năm để tái đầu tư, thì được xét giảm thuế nông nghiệp. Nhưng mức giảm tối đa không quá 10% số thuế nông nghiệp phải nộp trong năm.

Thẩm quyền xét và quyết định giảm thuế, miễn thuế nông nghiệp theo điểm a mục này được thực hiện theo quy định ở tại Điều 15, Điều 17, Điều 18 Pháp lệnh về thuế nông nghiệp hiện hành, Điều 8 Nghị định số 52-HĐBT ngày 27-5-1989 của Hội đồng Bộ trưởng và phần VI Thông tư số 23-TC/TNN ngày 17-6-1989 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước và Nghị định số 52-HĐBT ngày 27-5-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về thuế nông nghiệp.

Thẩm quyền xét và quyết định giảm thuế, miễn thuế nông nghiệp theo điểm b, c mục này của Thông tư này do Tổng cục thuế quyết định và được xét duyệt vào năm sau, khi nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh có báo cáo quyết toán chính thức gửi đến cơ quan trực tiếp quản lý thu thuế. Việc giảm thuế theo điểm b và c chỉ áp dụng đối với các nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh sản xuất kinh doanh nông nghiệp thuần tuý với ngành trồng trọt là nhiệm vụ chủ yếu các hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp kể cả chế biến nông sản, xây dựng, thương nghiệp, dịch vụ ... là phụ, có doanh thu không chiếm quá 30% tổng doanh thu của đơn vị.

6. Thuế nông nghiệp thu được do các nông trường, lâm trường trạm trại quốc doanh nộp không thực hiện điều tiết cho Ngân sách xã. Riêng đối với phần do xã trực tiếp lập sổ thuế quản lý thu thuế thì thực hiện điều tiết cho Ngân sách xã và ngân sách các cấp theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

Từ năm thuế 1991 tất cả các nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng nộp thuế nông nghiệp thực hiện nộp thuế nông nghiệp theo pháp lệnh sửa đổi bổ sung Pháp lệnh về thuế nông nghiệp ngày 30 tháng 1 năm 1989 được quy định chi tiết tại Nghị định số 52-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và hướng dẫn tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc các địa phương cần phản ánh kịp về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) để xem xét giải quyết.

Phan Văn Dĩnh

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 56-TC/TCT năm 1990 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về thuế nông nghiệp và Nghị định 52-HĐBT 1989 về thuế nông nghiệp đối với nông trường, lâm trường và các trại, trạm quốc doanh do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 56-TC/TCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/11/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phan Văn Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 08/12/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản