Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 55-LN-TC

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 1963

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI VIỆC TỔ CHỨC VÀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG,KHEN THƯỞNG NHỮNG NGƯỜI MÒ VỚT GỖ CHÌM

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh
- Các ty, phòng lâm nghiệp
- Các lâm trường, công ty lâm sản liên tỉnh

Theo tài liệu điều tra, hiện nay các luồng sông trên khắp miền Bắc nước ta có nhiều gỗ do lụt bão làm vỡ bè chìm xuống đáy sông từ lâu. Gỗ chìm là loại gỗ qúy có giá trị sử dụng cao. Mấy năm qua các công ty lâm sản liên tỉnh đã tổ chức mò vớt được một khối lượng gỗ lớn, nhưng về mặt chế độ chưa được quy định.

Để tăng thêm vật tư cho Nhà nước, phục vụ nhu cầu xây dựng cơ bản, nhu cầu công nghiệp và xuất khẩu, thi hành Chỉ thị số 1407-CN ngày 17/5/1963 của Phủ Thủ tướng giao cho Tổng cục lâm nghiệp tổ chức, quản lý và ban hành chế độ mò gỗ chìm, sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Tổng cục lâm nghiệp tạm thời quy định chế độ mò vớt gỗ chìm nhằm khuyến khích đông đảo cán bộ, công nhân và nhân dân tham gia công tác này.

I. NGUYÊN TẮC

1. Gỗ chìm là gỗ bị rơi chìm xuống đáy sông vì thiên tai (bão, lụt…) hoặc tai nạn bất ngờ làm vỡ bè mảng. Gỗ chìm thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thu hồi và quản lý (trừ trường hợp xác định được rõ những cây gỗ đó là của một tổ chức không phải Nhà nước hoặc của một tư nhân).

Căn cứ chỉ thị trên của Phủ Thủ tướng các cơ quan lâm nghiệp có trách nhiệm quản lý thống nhất việc điều tra thăm dò, tổ chức mò vớt gỗ chìm, thu hồi số gỗ đó vào kho của Nhà nước. Cá nhân hoặc các tổ chức tập thể (hợp tác xã, tổ chức quần chúng) không được tự do vớt và không được tự tiện dùng số gỗ vớt được vào việc riêng mà phải giao số gỗ đó cho cơ quan lâm nghiệp thu hồi và quản lý. Cơ quan lâm nghiệp căn cứ vào công sức mò vớt, giá trị của khối lượng gỗ mò vớt được và chế độ đã ban hành để trả thù lao, khen thưởng cho cá nhân hay tập thể.

2. Để việc mò gỗ chìm có kết quả, các công ty lâm sản liên tỉnh, các lâm trường… cần tiến hành điều tra nắm chắc số lượng gỗ chìm của từng vùng sông trong phạm vị đơn vị mình phụ trách; trên cơ sở đó, bố trí tổ chức lực lượng lao động và chuẩn bị mọi phương tiện để tiến hành mò vớt gỗ chìm được kết quả tốt.

3. Trong khi tiến hành mò gỗ chìm các công ty lâm sản liên tỉnh, các lâm trường… cần phải chuẩn bị đầy đủ công tác bảo hộ lao động về phương tiện phòng hộ cũng như về giáo dục, đôn đốc kiểm tra thực hiện, nhằm đảm bảo an toàn lao động cho công nhân và nhân dân tham gia mò vớt gỗ chìm. Phải tổ chức mò vớt tập thể ít nhất là từ hai người trở lên, tránh làm riêng lẻ cá nhân vì dễ xảy ra tai nạn lao động.

4. Chế độ bồi dưỡng và khen thưởng cho những người tham gia vớt gỗ chìm phải quán triệt nguyên tắc “hưởng thụ theo lao động” nhằm khuyến khích mọi người tích cực tham gia. Đồng thời phải có quan hệ tốt về thu nhập giữa công nhân quốc doanh và nhân dân, có khuyến khích tổ chức tập thể cơ quan và hợp tác xã. Do đó người bỏ nhiều sức lao động ra phục vụ và lao động nặng nhọc phức tạp hơn được hưởng thụ cao hơn người bỏ ít lao động và lao động nhẹ nhàng đơn giản; người phát hiện được gỗ chìm hưởng thụ ít hơn người mò vớt, tập thể, hợp tác xã được ưu tiên hơn cá nhân; cơ quan có nhiều thành tích được thưởng nhiều hơn cơ quan có ít thành tích.

II. CHẾ ĐỘ

A. ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN QUỐC DOANH.

Công tác mò vớt gỗ chìm chủ yếu là vận động nhân dân ven sông làm để tránh khỏi ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của cơ quan, xí nghiệp quốc doanh. Đối với công nhân quốc doanh, chỉ huy động mò vớt gỗ chìm vào những lúc hết việc hoặc có việc nhưng vì thiên tai mà không đóng cốn vận chuyển được. Đặc biệt những nơi tập trung nhiều gỗ chìm nhân dân không đủ lực lượng và phương tiện mò vớt thì nên tổ chức một đội công nhân quốc doanh chuyên trách mò vớt, đến lúc hết số gỗ chìm ở địa điểm đó sẽ giải tán.

Công nhân quốc doanh mò vớt gỗ chìm được hưởng các chế độ sau đây:

a) Trong giờ chính quyền: công nhân mò gỗ chìm được trả lương, khen thưởng và bồi dưỡng như sau:

1. Lương: người lặn mò được trả lương thống nhất bậc 4/5, người phục vụ trên bè được trả lương bậc 3/5 thuộc thang lương chặt hạ, lao kéo, xuôi bè.

2. Bồi dưỡng về hao mòn sức khỏe: công nhân lặn mò mỗi ngày làm việc từ 6 giờ 30 phút trong đó có 4 giờ lặn và 2 giờ 30 phút nghỉ lấy sức sau từng đợt lặn.

- Những vùng sông sâu từ 1 đến 13 mét, người lặn mò (lặn vo hoặc có mặt nạ, không mang áo lặn) mỗi giờ bồi dưỡng 0đ,20 (hai hào);

- Những vùng sông sâu trên 13m, phải có áo lặn mò mỗi giờ cũng được bồi dưỡng 0,20đ (hai hào).

- Giờ để tính phụ cấp là tổng số thời gian lặn và thời gian nghỉ lấy sức.

- Những người đứng trên bờ, trên bè để kéo gỗ, giữ đầu dây,… không lặn mò, không được bồi dưỡng.

3. Khen thưởng để khuyến khích những người mò được nhiều gỗ chìm.

Mỗi ngày bình quân một người mò vớt được: dưới 5 tấc khối không được thưởng; trên 5 tấc khối được được thưởng 2 đồng và trên một mét khối được thưởng mỗi mét khối 5 đồng. Số tiền thưởng nhiều nhất cho một người trong một ngày không quá 10 đồng.

- Nếu số mò vớt lên là gỗ đã bị hư hỏng không dùng được thì không được tính để thưởng.

Những người có sáng kiến làm tăng năng suất mò vớt, ngoài tiền thưởng trên, còn được xét thưởng về sáng kiến theo Thông tư số 004-LĐTT ngày 08/3/1958 của Bộ Lao động.

b) Ngoài giờ chính quyền: do cơ quan yêu cầu, công nhân tự nguyện được Công đoàn đồng ý, những người mò vớt gỗ chìm cũng được trả thêm lương, được bồi dưỡng và khen thưởng như trên.

Cơ quan có chủ trương để công nhân mò vớt gỗ chìm ngoài giờ chính quyền phải tuyệt đối bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ để khỏi ảnh hưởng đến sản xuất.

B. ĐỐI VỚI NHÂN DÂN

Nhân dân (kể cả công nhân làm khoán và xã viên hợp tác xã) hoặc các tổ chức mò vớt phải giao lại số gỗ mò vớt được cho cơ quan lâm nghiệp quản lý thống nhất. Cơ quan lâm nghiệp căn cứ theo số lượng và phẩm chất, trị giá (theo giá thu mua ở địa phương) để thưởng cho người mò vớt được từ 10 đến 30% số tiền đó.

Tỷ lệ thưởng từ 10 đến 30% do Thủ trưởng cơ quan lâm nghiệp quyết định tùy theo địa điểm, thời tiết, vùng sông sâu hoặc cạn, nước chảy xiết hoặc bình thường, thế nào cho phù hợp với sức lao động của nhân dân bỏ ra. Việc quyết định tỷ lệ khen thưởng phải cân nhắc thận trọng để bảo đảm tương quan tốt với thu nhập của công nhân quốc doanh cùng làm công tác mò gỗ chìm.

Các công ty lâm sản liên tỉnh, lâm trường… cần nghiên cứu trước tỷ lệ thưởng trên từng vùng sông, công bố cho nhân dân biết để khuyến khích động viên nhiều người tham gia mò vớt gỗ chìm.

Các công ty lâm sản liên tỉnh, lâm trường… có trách nhiệm cho nhân dân và hợp tác xã mượn những phương tiện, dụng cụ để mò vớt gỗ chìm có kết quả và đề phòng tai nạn lao động có thể xảy ra. Trường hợp không may những người mò gỗ chìm bị tai nạn lao động thì được trợ cấp theo mục III điểm 4 và 5 trong Thông tư số 62-LN-TC ngày 24/9/1962 của Tổng cục lâm nghiệp về chế độ khen thưởng, bồi dưỡng, trợ cấp tai nạn lao động đối với những người tham gia phòng chống lụt bão, bảo vệ bè mảng lâm sản.

Đối với hợp tác xã và đoàn thể nhân dân tổ chức mò vớt được gỗ chìm, cơ quan lâm nghiệp cần ưu tiên bán cho họ một phần số gỗ mò vớt được nếu họ yêu cầu mua để sử dụng cho tập thể (trừ những thứ gỗ Nhà nước cấm bán ra quy định trọng Nghị định số 10-CP ngày 26/4/1960).

C. ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI PHÁT HIỆN NƠI CÓ NHIỀU GỖ CHÌM

Sau khi mò vớt có kết quả, những người phát hiện đúng nơi có gỗ chìm, được khen thưởng như sau: trong địa điểm được phát hiện,nếu mòđược từ 5 mét khối trở lên, người phát hiệnđược thưởng mộttặng phẩm giá trị 5 đồng; từ 10 mét khối trở lên được thưởng một tặng phẩm trị giá 10 đồng.

Đối với những người chỉ dẫn nhiều địa điểm khác nhau hoặc một địa điểm quá rộng mà không xác định được rõ nơi nào thật sự có gỗ chìm làm mất nhiều công sức ít kết quả thì không được thưởng.

Đối với cán bộ, công nhân được cơ quan giao nhiệm vụ đi điều tra những vùng sông có gỗ chìm hoặc những người vì thiếu trách nhiệm để gỗ của Nhà nước chìm xuống đáy sông sau đó phát hiện ra, nói chung không được khen thưởng. Nhưng đối với những người có công, có thành tích, nếu xét thấy xứng đáng cũng có thể khen thưởng theo chế độ này.

D. KHEN THƯỞNG CHUNG

1. Đối với các công ty lâm sản liên tỉnh, lâm trưởng… tổ chức mò vớt gỗ chìm có kết quả Tổng cục căn cứ theo thành tích để cấp giấy khen, bằng khen và trích từ 40 đến 50% số tiền trị giá số gỗ mò vớt được để chi phí về phụ cấp làm thêm giờ, bồi dưỡng, khen thưởng, khấu hao, những phương tiện mò vớt gỗ chìm và dụng cụ bảo hộ lao động… còn lại bao nhiêu được sử dụng vào sự nghiệp phúc lợi tập thể của đơn vị đó.

Hàng năm Tổng cục giao cho cục Vận chuyển phân phối xét trích số tiền đó đối với các công ty lâm sản liên tỉnh và Vụ Tài vụ xét trích cho các đơn vị khác thuộc Tổng cục. Tỷ lệ trích từ 40 đến 50% căn cứ theo điều kiện sản xuất và hoàn cảnh khó khăn phức tạp của từng đơn vị để quyết định.

Đơn vị nào chi phí về mò gỗ chìm vượt quá tỷ lệ trên sẽ được tính theo số tiền thực chi, không được trích phúc lợi.

Các công ty lâm sản liên tỉnh, lâm trường… căn cứ theo nguyên tắc trên và thành tích của các trạm, đội, kho để đề nghị Tổng cục cấp giấy khen, bằng khen và trích lại số tiền được sử dụng vào sự nghiệp phúc lợi tập thể đối với các trạm vận chuyển, đội sản xuất, kho lâm sản…

2. Đối với các hợp tác xã, các đội vận chuyển làm khoán, các đoàn thể nhân dân, nếu tổ chức mò vớt được nhiều gỗ chìm thì các công ty, lâm trường xét thành tích đề nghị Ủy ban hành chính địa phương hoặc Tổng cục cấp giấy khen, bằng khen. Ngoài ra, qua tổng kết hàng năm, các công ty, lâm trường quyết định thưởng một phần tặng phẩm từ 10 đến 30 đồng.

3. Đối với cá nhân mò vớt được nhiều gỗ chìm, qua tổng kết hàng năm 6 tháng hoặc đột xuất, các công ty, lâm trường hoặc đột xuất, các công ty, lâm trường đề nghị Ủy ban hành chính địa phương hoặc Tổng cục xét thành tích cấp giấy khen, bằng khen.

III. PHẠM VI THI HÀNH

1. Thông tư này chỉ áp dụng đối với công nhân mò gỗ chìm. Đối với công nhân vớt gỗ xoan lưu hoặc gỗ bị lụt bão làm vỡ bè trôi, áp dụng Thông tư số 62-LN ngày 24/9/1962 và thông tư vớt gỗ xoan lưu của Tổng cục.

2. Nếu công nhân vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong lúc vận chuyển, bảo quản để gỗ chìm, có nhiệm vụ vớt lên trả về kho. Những người mò số gỗ này chỉ được bồi dưỡng, không được khen thưởng; công nhân làm khoán không được bồi dưỡng. Đối với cơ quan, không được tính số gỗ này để trích qũy phúc lợi.

3. Công ty, lâm trường thu hồi số gỗ mò vớt được nhập kho; về mặt tài vụ coi số gỗ đó như gỗ thu mua nhưng không tính kế hoạch khai thác, thu mua của đơn vị.

Khi nhập kho căn cứ theo số lượng, phẩm chất còn lại và giá cả mua vào tại địa phương các công ty, lâm trường chỉ một số tiền bằng giá thu mua số gỗ đó để thanh toán các khoản chi phí về mò vớt, còn lại bao nhiêu nạp về Tổng cục quản lý thống nhất (các công ty nạp về cục Vận chuyển phân phối, các đơn vị khác nạp về Vụ Tài vụ).

Hàng năm Tổng cục căn cứ theo thành tích của từng đơn vị để trích thưởng theo tỷ lệ quy định trên.

Trường hợp đặc biệt, những đơn vị tổ chức mò vớt gỗ chìm không có kết quả, hoặc kết quả ít không bù đủ số tiền bồi dưỡng và phụ cấp làm thêm giờ cho công nhân thì số tiền thiếu được ghi vào tài khoản lỗ ngoài kế hoạch của công ty, lâm trường cuối năm Tổng cục sẽ điều hòa. Sau lúc điều hòa chi phí và trích thưởng cho các đơn vị. Tổng cục sẽ nạp cho Nhà nước số tiền còn lại.

Vụ Tài vụ căn cứ thông tư này để quy định hướng dẫn chế độ hạch toán mò gỗ chìm.

Thông tư này thi hành kể từ ngày ban hành. Những chỉ thị trước đây về việc mò gỗ chìm trái với thông tư này đều bãi bỏ.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
TỔNG CỤC PHÓ




Nguyễn Văn Phương

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 55-LN-TC năm 1963 quy định tạm thời việc tổ chức và chế độ bồi dưỡng, khen thưởng những người mò vớt gỗ chìm do Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 55-LN-TC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/09/1963
  • Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 34
  • Ngày hiệu lực: 18/09/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản