Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 53-NV/TB

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC VẬN DỤNG TIÊU CHUẨN ĐỂ XÁC NHẬN LIỆT SĨ

Kính gửi: Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh, thành phố và khu vực Vĩnh Linh

Cho tới nay, theo quy định trong Chỉ thị số 87-TB-LS3 ngày 24-11-1958 của Bộ Thương binh, việc xác nhận liệt sĩ mới chỉ tiến hành trước với những trường hợp hy sinh "vì chiến đấu, đấu tranh với địch, hay vì dũng cảm vượt khó khăn nguy hiểm mà bị địch giết hại". Một số các trường hợp hy sinh khác cũng biểu lộ dũng cảm nhưng không thuộc diện nói trên nên thường còn để lại chưa xét.

Để việc xác nhận liệt sĩ có thể giải quyết được nhanh hơn mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn đã quy định trong bản "định nghĩa liệt sĩ" ban hành bằng nghị định số 980-TTg ngày 27-07-1956 của Thủ tướng phủ, Bộ đề nghị các Ủy ban:

1. Vận dụng đầy đủ 8 điều quy định trong bản "định nghĩa liệt sĩ" để giải quyết những trường hợp còn lại và nhất là những trường hợp đã coi là hoãn xét ở địa phương. Đặc biệt chú ý vận dụng điều thứ 3 là điều quy định chung cho mọi trường hợp "dũng cảm vượt khó khăn, nguy hiểm, kiên quyết làm nhiệm vụ mà bị hy sinh". Theo tinh thần của điều quy định này, những trường hợp vì tính chất nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm đòi hỏi phải có tinh thần dũng cảm như: hoạt động tại vùng có chiến sự, hoặc tại vùng hậu địch thường xuyên bị uy hiếp, khủng bố rồi vì nhiệm vụ mà dẫm phải mìn, chông, bị tai nạn vũ khí (nếu không phải là bị tai nạn vì thiếu trách nhiệm, vi phạm kỷ luật sử dụng vũ khí v.v...), bị oanh tạc (bôm, đại bác), bị bắn nhầm; bị địch vây rút xuống hầm ngạt hầm, sập hầm, hay vì chiến đấu hoặc đấu tranh, chống cự đến cùng với địch rồi tự sát v.v... đều có thể coi là hy sinh dũng cảm, đủ tiêu chuẩn liệt sĩ nếu được Đảng và nhân dân xác nhận rõ ràng, chính quyền địa phương đề nghị.

Cũng theo tinh thần của điều quy định này, một số các trường hợp hy sinh tại vùng hậu phương nói chung (hoặc hy sinh trong hòa bình) cũng có thể được xét đủ tiêu chuẩn liệt sĩ nếu đó là những trường hợp vì yêu cầu của nhiệm vụ quan trọng cấp thiết cần phải kiên quyết thực hiện, dù thấy khó khăn nguy hiểm đến tính mạng mà vẫn làm rồi bị tai nạn hoặc địch oanh tạc mà hy sinh (kể cả trường hợp cứu người, cứu tài sản quốc gia). Thí dụ: vượt sóng to, gió cả để tiếp tế cho bộ đội, làm cầu cho bộ đội hành quân, lăn vào lửa cháy cứu người bị nạn, cứu tài sản quốc gia do đó bị chết đuối, chết thiêu; hoặc trong khi máy bay địch khủng bố, có nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an ninh, bảo vệ tài sản quốc gia, dũng cảm thi hành nhiệm vụ do đó bị trúng bom, trúng đạn địch hy sinh.

Ở trên chỉ là mấy điểm giải thích về tiêu chuẩn liệt sĩ bổ sung vào những quy định của chỉ thị số 87-TB-LS3 ngày 24-11-1958 để làm cơ sở cho các địa phương vận dụng giải quyết các trường hợp còn lại. Trong thực tế, thường gặp một số trường hợp khó khăn hoặc có những khía cạnh lắt léo khó vận dụng tiêu chuẩn. Đối với những trường hợp đó, xét định phải thận trọng đảm bảo đạt được mục đích ý nghĩa của việc xác nhận ghi công liệt sĩ là nêu cao truyền thống hy sinh anh dũng để mọi người học tập. Muốn vậy, khi xác nhận phải nắm chắc tiêu chuẩn kết hợp với tình hình thực tế từng trường hợp, có điều tra nghiên cứu phân tích, dựa vào ý kiến của quần chúng và các tổ chức có trách nhiệm, hiểu biết tình hình, để nhận xét xác minh, ví dụ: đối với cán bộ, du kích xã thì dựa vào các tổ chức Chi bộ, Chi ủy, Chính quyền, đoàn thể xã; đối với cán bộ cấp Huyện, Tỉnh hoặc cán bộ thuộc phạm vi Huyện, Tỉnh quản lý thì dựa vào các cơ quan Tỉnh ủy, Huyện ủy, Ủy ban Hành chính và các cơ quan chuyên môn, chính quyền, đoàn thể Huyện, Tỉnh, đối với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích thì dựa vào các cơ quan Quân sự: Huyện đội, Tỉnh đội để tập thể nhận xét xác minh nhằm đảm bảo cho việc ghi công liệt sĩ được xứng đáng, tránh những tình trạng xác nhận ẩu gây ra ảnh hưởng không tốt trong nhân dân. Đối với những trường hợp đặc biệt khó vận dụng tiêu chuẩn thì tạm thời vẫn để lại để xét vào đợt cuối cùng, nhưng cũng không nên hễ thấy khó vận dụng tiêu chuẩn là tạm hoãn.

2. Chỉ hoãn xét với những trường hợp tạm xếp loại như sau:

a) Những trường hợp mà tính chất nhiệm vụ và trường hợp hy sinh không biểu lộ rõ ràng dũng cảm như làm công tác tại vùng hậu phương, không có chiến sự mà bị phi cơ địch oanh tạc, bị đại bác địch cân vu vơ trúng phải, bị bắn nhằm hoặc bị tai nạn bất ngờ, rủi ro khác...

b) Những trường hợp nghi là bị chết vì hoang mang, giao động hoặc vì thiếu trách nhiệm, phạm kỷ luật sử dụng vũ khí (cần phân biệt với kỹ thuật non, hoặc vũ khí không đảm bảo an toàn), hay phạm kỷ luật chiến trường v.v...

c) Những trường hợp nhập nhằng chưa cụ thể, chính xác là chết vì nhiệm vụ hay vì việc riêng.

d) Những trường hợp chưa đủ tài liệu để xét định mà không thể xác nhận rõ ràng được hơn.

đ) Những trường hợp hiện chưa hoặc không được quần chúng đồng tính công nhận là liệt sĩ.

e) Những trường hợp ngoại lệ, đặc biệt mắc mớ khác mà chưa thể vận dụng những quy định hiện hành để giải quyết.

Mong các địa phương nghiên cứu kỹ, phổ biến cho cán bộ các ngành các cấp, nhất là cán bộ có trách nhiệm ở Tỉnh, Huyện, Xã quán triệt tinh thần của tiêu chuẩn và phương pháp vận dụng xác nhận liệt sĩ trong các trường hợp, để việc xác nhận ghi công liệt sĩ tiến hành được mau chóng và đảm bảo kết quả tốt đúng với mục đích yêu cầu đã đề ra.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

THỨ TRƯỞNG




Tô Quang Đẩu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 53-NV/TB năm 1959 về việc vận dụng tiêu chuẩn để xác nhận liệt sĩ do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 53-NV/TB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/11/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 49
  • Ngày hiệu lực: 13/12/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản