Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 525-TC-HCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 1957

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TRẢ LƯƠNG TRUY LĨNH CHO CÁN BỘ NHÂN VIÊN SAU KHI ĐIỀU CHỈNH SẮP XẾP NGẠCHBẬC

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

-Các Bộ;
-Các cơ quan đoàn thể trung ương;
-Các Ủy ban Hành chính liên khu, khu, tỉnh, thành phố
-Các Khu, Sở, Ty Tài chính

Sau khi đã thỏa thuận với Bộ Nội vụ , Bộ Thương nghiệp, Ngân hàng quốc gia trung ương và được Thủ tướng phủ đồng ý, Bộ chúng tôi quy định sau đây những thể thức về việc truy lĩnh cho cán bộ, nhân viên sau khi điều chỉnh sắp xếp ngạch bậc:

I. - CẤP PHÁT KINH PHÍ:

- Bộ Tài chính sẽ cấp kinh phí cho các cơ quan trung ương, các khu thuộc tổng dự toán trung ương (Liên khu 4, 3, Tả Ngạn, Lào – Hà – Yên) sau khi Bộ Nội vụ đã tham gia ý kiến và thỏa hiệp việc điều chỉnh, có giấy báo chính thức cho Bộ Tài chính.

Đối với đoàn thể thì phải có sự thỏa hiệp của Ban Tổ chức trung ương.

- Các khu khác và Ty Tài chính sẽ trích dự bị phí cấp kinh phí cho các cơ quan trong khu và tỉnh sau khi các cấp có thẩm quyền ra nghị định chính thức điều chỉnh sắp xếp cho cán bộ nhân viên.

Kinh phí sẽ cấp từ đầu tháng 6 năm 1957.

II. – THANH TOÁN TIỀN TRUY LĨNH:

- Tiền truy lĩnh sẽ trả một phần tư (1/4) bằng tiền mặt; số còn lại trả bằng séc. Mỗi séc trị giá tối thiểu 5.000đ. Nhưng để tiện việc thanh toán sau này nên cố gắng phát hành số tấm séc càng ít càng hay. Giá trị thời gian của séc là ba tháng và có thể gia hạn hai lần, mỗi lần một tháng.

Ví dụ: ông A được truy lĩnh 60.000đ thì lĩnh bằng tiền mặt

60.000đ x 1

= 15.000đ

4

số còn lại 60.000đ – 15.000đ = 45.000đ lĩnh bằng séc.

Trường hợp có lĩnh tạm ứng 15.000đ, 20.000đ, 30.000đ mà chưa thanh toán lần trước thì nay được thanh toán vào số còn lại lĩnh bằng séc.

Ví dụ: ông A có lĩnh tạm ứng 20.000đ, thì ngoài số tiền mặt được là 15.000đ còn được lĩnh bằng séc 45.000đ – 20.000đ = 25.000 đồng.

Trường hợp có vay trước của cơ quan một số tiền:

- Nếu số tiền vay dưới 1/1 số tiền được truy lĩnh thì được lĩnh thêm bằng tiền mặt cho đủ 1/4, số còn lại 3/4 trả bằng séc.

Ví dụ: ông A có vay trước 10.000đ thì nay được lĩnh thêm bằng tiền mặt 5.000đ, số còn lại 45.000đ lĩnh bằng séc.

- Nếu số tiền vay trên 1/4 số tiền được truy lĩnh thì số còn lại lĩnh bằng séc

Ví dụ: ông A có vay trước 20.000đ thì nay lĩnh số tiền còn lại 60.000đ – 20.000đ = 40.000đ bằng séc.

- Séc phát hành ở đâu mua hàng của Công ty Mậu dịch ở đó.

Nếu đánh mất séc phải báo ngay với Ngân hàng và Mậu dịch và chỉ được cấp phát lần thứ hai sau khi Ngân hàng xác nhận là có mất thật.

Các cơ quan cần chú ý thu lại những số tiền đã tạm ứng 15.000đ, 20.000đ, 30.000đ… lúc đầu năm 1956 và những số tiền đã cho vay trước.

Trên đây là những điểm chính về việc thanh toán tiền truy lĩnh cho cán bộ nhân viên sau khi điều chỉnh sắp xếp, Bộ Thương nghiệp sẽ có kế hoạch phân phối hàng hóa, quy định thể thức mua hàng và giá cả v.v… và Ngân hàng quốc gia trung ương sẽ có chỉ thị cho các Chi nhánh về việc phát hành séc.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 525-TC-HCP năm 1957 về việc trả lương truy lĩnh cho cán bộ nhân viên sau khi điều chỉnh sắp xếp ngạch bậc do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 525-TC-HCP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/06/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trịnh Văn Bính
  • Ngày công báo: 26/06/1957
  • Số công báo: Số 26
  • Ngày hiệu lực: 23/06/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản