Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT |
Số: 465-TC-VP | Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 1956 |
GIẢI THÍCH VỀ CHÍNH SÁCH THỐNG NHẤT QUẢN LÝ KINH DOANH RƯỢU
Tại sao cần phải thống nhất quản lý rượu?
Các chính sách đối với việc kinh doanh rượu.
Chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số.
Bộ máy quản lý rượu.
TẠI SAO CẦN QUẢN LÝ THỐNG NHẤT QUẢN LÝ RƯỢU?
A. TÌNH HÌNH RƯỢU Ở NƯỚC TA HỒI PHÁP THUỘC
Uống rượu là một tập quán của nhân dân. Sau ngày thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, việc dùng rượu càng được Pháp khuyến khích và phát triển.
Rượu có thể chia làm 5 loại:
1) Rượu uống
2) Rượu dùng để bào chế thuốc men và nói chung, dùng trong việc y tế (gồm Đông y và Tây y)
3) Rượu dùng trong công nghệ (xưởng gỗ, xưởng sơn, xưởng thuốc lá…)
4) Rượu chạy máy
5) Rượu đốt (cồn)
Trong 5 loại này thì rượu uống là thứ phổ biến nhất và số lượng nhiều hơn cả.
I. CHẾ ĐỘ RƯỢU DƯỚI THỜI PHÁP THUỘC
Vì rượu dùng trong nhân dân phổ biến và nhiều như vậy, cho nên thực dân Pháp đã chủ trương nắm chặt lấy nguồn thu về rượu để tăng cường bộ máy thống trị và làm giàu cho tư bản Pháp.
Có tên thực dân đã nói trắng rằng: “Muốn thống trị Đông dương thì chỉ cần nắm lấy muối, rượu và thuốc phiện”.
Chúng ta thấy rằng trong các nguồn tài chính của Đông dương thì thuế quan là phần chính, chiếm chung 20 phần trăm; ngoài ra có thuốc phiện, rượu, thuốc lá, và muối là các nguồn thu lớn hơn cả, vì chúng đã chia ra các thứ thuế đinh, thuế điền, môn bài, thổ trạch v .v… cho ngân sách 3 kỳ.
Riêng thuế rượu là nguồn thuế khá chắc chắn của thực dân; nó chiếm từ 8 đến 11 phần trăm ngân sách cả năm của Đông dương. Vì thế cho nên một ngày sau khi xâm chiếm
- Bắt đầu thuế rượu ngày 21-4-1862.
- Độc quyền rượu (độc quyền sản xuất, độc quyền bán, độc quyền vận chuyển và độc quyền xuất nhập khẩu).
1) Chế độ bỏ thầu việc kinh doanh rượu ban hành ngày 05-10-1921.
2) Chế độ nhà Đoan trực tiếp phụ trách độc quyền từ 1902 đến 1913.
3) Chế độ nhà Đoan gián tiếp phụ trách độc quyền từ 1913 đến 1933.
4) Chế độ giả danh là “tự do cạnh tranh” (!): sau 1933 hình thức dù có thay đổi nhưng thực chất vẫn là độc quyền vì rượu Phông-ten trước sau vẫn chiếm 95% tổng số rượu sản xuất toàn Đông dương và được cả bộ máy thống trị của Pháp làm hậu thuẫn.
II. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ
Thời Pháp thuộc, rượu tiêu thụ ở nước ta có ba nguồn:
1) Rượu uống và rượu cồn do các nhà máy của tư bản thực dân nấu. Ngoài nhà máy của Pháp ra còn hơn 10 xưởng của người Việt nam và Hoa kiều, nhưng số rượu sản xuất không đáng kể.
2) Rượu uống do nhân dân nấu lén lút trong nông thôn: Số rượu này rất nhiều: hầu hết các tỉnh đồng bằng và trung du đều có những làng chuyên môn nấu rượu có truyền thống mấy đời, Pháp không làm gì nổi.
3) Rượu nhập cảng:
Rượu Tây (vang, bia, rượu mùi …) nhập từ Pháp (và một số ít nước khác) vào Đông dương.
Trong các loại rượu kể trên thì rượu Ty do xưởng Phông-ten sản xuất và “rượu ngang” do nông dân ta nấu là 2 loại tiêu thụ nhiều hơn cả. Đại đa số dân ta quen dùng rượu trắng, chỉ ở các thành phố và thị trấn mới tiêu thụ rượu Tây (vang và rượu mùi). Dưới thời Pháp thuộc bình quân một nhân khẩu tiêu thụ trung bình mỗi năm 4 lít rượu ty, chưa kể “rượu ngang” nếu lén lút Pháp không nắm được. Nếu cộng thêm cả “rượu ngang” và các loại rượu khác thì bình quân mỗi nhân khẩu tiêu thụ khoản 7, 8 lít trong một năm.
Số rượu nhập cảng cũng khá nhiều như:
Của Pháp | Của nước khác | |
(tính ra tấn) | (tính ra tấn) | |
1938 | 46.043 | 10.700 |
1939 | 43.268 | 11.157 |
B. TÌNH HÌNH RƯỢU Ở VÙNG TẠM CHIẾM TRONG 8 NĂM KHÁNG CHIẾN
Sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi, để tiết kiệm lương thực, ngày 19-11-1945 Chính phủ ta ban hành Sắc lệnh số 57 cấm nấu rượu bằng gạo. Sau ngày kháng chiến bùng nổ trong vùng tạm chiếm Pháp lại khuyến khích việc uống rượu. Tuy nhiên rượu Phông-ten không thể thống trị được nông thôn vùng tạm chiếm như trước nữa, cho nên nông thôn càng nấu rượu nhiều, cạnh tranh với rượu Phông-ten ở trên thị trường.
Số rượu sản xuất và tiêu thụ ở nông thôn tuy không có tài liệu đầy đủ, nhưng chắc là cũng khá nhiều vì sau ngày giải phóng số nhà sản xuất rượu ở nông thôn vùng mới giải phóng số nhà sản xuất rượu ở nông thôn vùng mới giải phóng còn lại khoảng 5, 6 nghìn nhà
Trong hơn 9 năm, từ sau ngày ban hành Sắc lệnh 19-11-1945 cho đến tháng giêng năm 1955, vùng tự do cũ không thu thuế rượu (trừ trường hợp rất lẻ tẻ thu thuế vào rượu sắn, rượu bắp…) Số rượu uống so với trước có ít đi phần nào. Trái lại, ở vùng mới giải phóng rượu sản xuất lại nhiều lên.
Để hạn chế sản xuất rượu, đồng thời tăng thu cho tài chính Chính phủ đã ban hành điều lệ thuế hàng hóa (trong đó có thuế rượu) từ đầu năm 1955. Nhưng cán bộ ta nói chung đang quen cấm nấu rượu nay chuyển sang thu thuế rượu, nên trong một thời gian dài tư tưởng chưa thông. Ngoài ra một số cán bộ xã bản thân nấu rượu đã vì tư lợi mà không nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, gây tình trạng thất thu nghiêm trọng. Cho nên cả số thu 1955 không bằng số thu 4 tháng đầu năm 1956. Cả năm 1955, tổng số rượu chịu thuế chỉ gần 3 triệu lít, sang năm nay, mặc dầu còn thất thu nhiều, nhưng trung bình mỗi tháng số rượu chịu thuế đã lên tới một triệu lít.
Nguyên nhân thất thu thì nhiều, nhưng riêng về mặt khách quan, phải công nhận là tình trạng sản xuất nhỏ, lẻ tẻ và phân tán trong khắp nông thôn là một cản trở cho công tác quản lý thu thuế.
Hội nghị thuế rượu do Sở Thuế Trung ương triệu tập tháng 10-1955 ước lượng sau khi địch mới rút lui, số nhà sản xuất rượu rải rác từ vĩ tuyến 17 trở ra có những 15.000, và Sở Thuế đã quản lý để thu thế được hơn 6 nghìn nhà. Cho đến nay, mặc dầu có nhiều nhà đã nghỉ nấu nhưng tính ước lượng cũng còn khoảng 8 nghìn nhà, con số quản lý để thu thuế được hơn 4.000 nhà. Tuy công tác quản lý của ta chưa chặt chẽ, còn bỏ sót nhiều hộ, chưa nắm vững tình hình sản xuất, nhưng ở hầu hết các tỉnh đã quản lý rượu tính trung bình mức sản xuất hàng tháng của một nhà nấu rượu đều từ 200lít trở lên.
Ở Nghệ an, Thái bình, Sơn tây và
Nếu tạm tính quân bình mỗi nhà sản xuất mỗi tháng ít nhất 270 lít thì một năm cũng có ít nhất 26 triệu lít rượu (8.000 X 270 X 12), thực tế cả năm 1955, mới đánh thuế có 3 triệu lít, chỉ được hơn 1/8 số sản xuất ước lượng trên, Thuế rượu thất thu như vậy, tất nhiên mọi mặt của chính sách thuế rượu đều không được thực hiện.
Ngoài mục đích tăng thu cho tài chính, tích lũy vốn cho Nhà nước, bình ổn tiền tệ và vật giá, chính sách thuế rượu còn nhằm hạn chế tiêu thụ, tiết kiệm thóc gạo và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Trong năm qua, chúng ta thi hành chưa đạt được yêu cầu của chính sách nói trên; rượu sản xuất và tiêu thụ không bớt đi, số người nấu rượu, buôn bán rượu cũng còn đông, tình trạng kinh doanh bừa bãi vô tổ chức này rất không lợi cho nền kinh tế nước ta.
Kinh nghiệm năm vừa qua cho thấy là rất khó kiểm soát được hết tất cả các nhà nấu rượu; mặt khác, dầu có kiểm soát cũng vẫn chưa giải quyết được vấn đề chính là hạn chế đúng mức việc nấu rượu.
Cho nên vấn đề đặt ra là phải xét lại chính sách cho phép tư nhân tự do kinh doanh rượu.
Kinh nghiệm Liên xô và Trung quốc cho chúng ta thấy rằng muốn giải quyết triệt để mọi mặt của vấn đề rượu thì Nhà nước phải thống nhất quản lý kinh doanh rượu. Nội dung chế độ Thống nhất quản lý kinh doanh rượu là:
Hết thảy quyền sản xuất, quyền bán, quyền vận chuyển, quyền xuất nhập phải tập trung vào một cơ quan thống nhất quản lý của Nhà nước, Nhà nước phải có nhà máy sản xuất đủ rượu cho dân dùng. Như thế thì chấm dứt được tình trạng nấu rượu bừa bãi, đảm bảo được sức khỏe của dân, tiết kiệm được lương thực, đảm bảo được thuế và tích lũy vốn cho Nhà nước.
Ngoài ra số lãi thường rất lớn mà tư bản tư nhân thu được trong việc kinh doanh rượu sẽ về tay Nhà nước: đó cũng là một biện pháp để cải tạo ngành Công thương kinh doanh rượu, hướng họ chuyển sang làm nghề khác có lợi cho quốc kế dân sinh.
Ở Liên xô chế độ độc quyền rượu ban hành sau Cách mạng tháng Mười, trong lúc Nhà nước còn phải chống thù trong giặc ngoài. Nhờ chính sách độc quyền rượu mà mỗi năm tài chính tích lũy được hơn 500 triệu rúp.
Ở Trung quốc độc quyền rượu ngay từ hồi kháng Nhật. Số thu về rượu đã đủ cung cấp cho chiến dịch Hoai Hai, một chiến dịch có tính chất quyết định trong chiến tranh giải phóng.
Số thuế rượu của Trung quốc năm 1954 tính ra có thể mua được 5 con đường xe lửa từ Bắc kinh đến Quảng châu (mỗi con đường dài 2.388 cây số) số thu 1951 về lãi xí nghiệp rượu có thể mua được 24 máy phát điện hạng 2.500kW.
Xét hoàn cảnh nước ta, áp dụng kinh nghiệm của các nước bạn, ngày 25-5-1956 Chính phủ ta đã ban hành chính sách thống nhất quản lý kinh doanh rượu nhằm:
1) Chấm dứt tình trạng nấu rượu bừa bãi, ảnh hưởng đến công việc đồng áng, đến sản xuất ở nông thôn. Nhà nước phụ trách nấu rượu thì sẽ hướng được hàng vạn nông dân trở về làm ruộng, hướng những người nấu rượu tham gia công việc kinh doanh khác có lợi cho quốc kế dân sinh.
2) Hướng dẫn việc dùng rượu, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Do Nhà nước nắm hoàn toàn số rượu trong nước, sẽ có hạn chế đúng mức việc uống rượu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản xuất những thứ rượu không hại đến sức khỏe của người uống.
3) Tiết kiệm lương thực. Rượu nấu theo lối thủ công tốn mỗi lít từ 1kg400 đến 1.800 gạo tẻ: rượu nấu bằng máy chỉ hết có 0kg900 một lít. Như vậy, nếu ước lượng miền Bắc hàng năm tiêu thụ 26 triệu lít (bình quân 2 lít một nhân khẩu) thì nấu rượu bằng máy sẽ tiết kiệm được 23.400 tấn gạo.
Nấu rượu bằng máy có thể dùng ngô, khoai, sắn…thay cho thóc gạo. Số gạo hàng năm tiết kiệm được có thể đến gần 50 nghìn tấn. Đồng thời, nhà máy rượu sẽ là chỗ tiêu thụ hoa màu thừa cho nông dân, tiêu thụ cả thóc gạo hẩm mọt. Như vậy nó có tác dụng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết thóc gạo hẩm móc cho Nhà nước.
4) Tăng thu cho tài chính. Thuế hàng hóa, đánh vào rượu sẽ không thất thu như trước nữa, sẽ do các quốc doanh đảm bảo, hàng năm sẽ thu được khoảng 21 nghìn triệu đồng cho công quỹ (26 triệu lít X 800đ). Rêng năm nay số thu cũng đã lên khoảng hơn mười nghìn triệu đồng.
Ngoài ra, còn thu được món lợi lớn của các cửa hàng bán rượu của Nhà nước.
CÁC CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆC KINH DOANH RƯỢU
Nội dung của chế độ thống nhất quản lý rượu là: Nhà nước giao quyền hành chính và quyền kinh doanh cho Sở Rượu Trung ương phụ trách. Quyền kinh doanh nói trên bao gồm: sản xuất, bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu. Bất cứ ai (quốc doanh hay tư nhân) muốn kinh doanh rượu đều phải xin phép Sở Rượu Trung ương và chịu dưới quyền kiểm soát của Sở Rượu Trung ương, mặt khác Sở Rượu sẽ tổ chức kinh doanh lấy.
Để đảm bảo cho việc thống nhất quản lý tiến hành có kết quả tốt, chúng ta cần có một kế hoạch thi hành từng bước chế độ thống nhất quản lý rượu. Kế hoạch này phân biệt:
Từng địa phương
Từng thời kỳ
Từng loại kinh doanh (nấu, bán hay vận chuyển…) theo phương châm sau đây:
1) Thành phố trước, nông thôn sau:
Trọng điểm trước, diện sau
(Nghĩa là tiến hành thành phố trước, rồi đến các thị xã, thị trấn, sau cùng mới đến nông thôn; làm ở một nơi trọng điểm trước, rồi mới mở rộng ra các nơi khác).
2) Trước quản, sau bán
(Nghĩa là phải quản lý chặt chẽ trước, sau đó mới mở cửa hàng để bán)
3) Sản xuất theo nhu cầu thị trường
(Nghĩa là căn cứ vào số rượu bán được mà định số cần sản xuất cho ăn khớp với nhau)
4) Thống nhất bán buôn trước, thống nhất sản xuất sau
Chính sách cụ thể
Căn cứ theo các phương châm trên, chính sách thống nhất quản lý rượu cụ thể như sau:
Nguyên tắc chung
Bắt đầu từ ngày tuyên bố thống nhất quản lý rượu, hết thảy mọi việc sản xuất, bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu đều do Sở Rượu Trung ương quyết định.
Đối với các nhà sản xuất rượu
Mục đích cuối cùng của chính sách thống nhất quản lý kinh doanh rượu là quốc doanh hóa hoàn toàn việc nấu rượu. Tư nhân sẽ không được nấu nữa. Nhưng muốn chuyển hết các nhà sản xuất rượu sang nghề khác (có lợi ích hơn) không phải là một việc dễ, mà phải theo phương châm đi đầu từng bước với một thời gian khá dài vì:
1) Miền Bắc nước ta hiện nay còn chừng 7, 8 nghìn nhà nấu rượu. Tư tưởng người nấu rượu nói chung đều muốn bám vào nghề cũ để sống. Vì nấu rượu theo lối thủ công rất dễ, nhẹ nhàng, nhiều lãi, dễ lậu thuế, có lợi cho việc chăn nuôi.
Một số người nấu rượu thiếu ruộng đất, thiếu vốn liếng, bấy nay vẫn dựa vào nghề này để nuôi sống gia đình. Trong một thời gian ngắn ta chưa có thể tìm công ăn việc làm cho họ được, vì tình hình kinh tế nước ta nói chung đang phục hồi, còn gặp nhiều khó khăn, nếu bắt họ nghỉ ngay thì sẽ bị ảnh hưởng đến đời sống của gia đình họ.
2) Khả năng cung cấp rượu của nhà máy chưa đủ, hiện nay nhà máy chỉ có thể cung cấp mỗi tháng khoảng 60 vạn lít 40 độ ước chiếm ¼ số rượu tiêu thụ thực tế ở thị trường. Nếu không có rượu tư nhân nấu rượu thì sẽ xảy ra tình trạng hết sức khan rượu, giá rượu sẽ cao, người uống sẽ oán trách chế độ ta (1).
Vì hai lẽ trên, chính sách của ta đối với các nhà sản xuất là phải hết sức thận trọng, phải quan tâm về ba mặt:
- Đời sống của các nhà sản xuất
- Nhu cầu thị trường
- Kế hoạch thu thuế rượu và kinh doanh rượu
Kinh nghiệm ba tháng gần đây, nhất là trong tháng 8, rượu quốc doanh đã tung ra thị trường hơn 30 vạn lít (300.000 lít) nhưng không ảnh hưởng mấy đến các nhà sản xuất rượu, thậm chí nhiều nơi vẫn khan rượu như Bắc ninh, Phú thọ, Hà tĩnh, Hải phòng…Một mặt số thuế thu vào rượu tư nhân vẫn nhiều (tháng 7 thu 872 triệu, tháng 8 hơn 811 triệu, cộng cả rượu quốc doanh, số thuế rượu tháng 8 đã lên 1.036 triệu), mặt khác rượu quốc doanh vẫn bán chạy.
Việc này chứng tỏ nhận định trên là đúng.
Dựa vào tình hình trên, khi áp dụng điều 7 trong Điều lệ Thống nhất quản lý kinh doanh rượu của Thủ tướng Phủ phải vận dụng một cách linh hoạt. Những người sản xuất rượu trong khu vực nói trong điều 7, có thể hoặc cho phép họ chuyển đi nơi khác bán hoặc nếu cần thì Chi sở Rượu sẽ thu mua. Trường hợp họ không thể đem bán nơi khác và ta cũng không thu mua thì sẽ giúp đỡ và hướng dẫn họ chuyển nghề (Sở Rượu đã có hướng dẫn riêng), trên nguyên tắc: không ảnh hưởng đến việc bán rượu quốc doanh, đảm bảo cung cấp cho thị trường và không ảnh hưởng đến đời sống của các nhà sản xuất rượu tư nhân.
Những khu vực nói trong điều 7 của Điều lệ, theo tình hình hiện nay không bao gồm toàn tỉnh hay toàn huyện đã có cơ quan quản lý kinh doanh rượu, mà chỉ đóng khung trong phạm vi khu vực kinh doanh của cửa hàng rượu quốc doanh, thường thường khu vực này chỉ chiếm khoản ba, bốn cây số chung quanh cửa hàng. Ngoài khu vực này, các nhà kinh doanh rượu vẫn được kinh doanh như thường (nhưng không được mang rượu vào khu vực của cửa hàng rượu quốc doanh nói trên). Các nhà sản xuất ở những tỉnh chưa có cơ quan thống nhất quản lý rượu thì vẫn do cơ quan Thuế vụ quản lý và thu thuế như cũ.
Đối với những người buôn bán rượu
Để rượu quốc doanh đến tay người uống, không phải trải qua nhiều người trung gian, buôn đi bán lại, làm cho giá rượu cao lên một cách vô lý, cho nên nguyên tắc là các Chi sở Rượu sẽ tổ chức cửa hàng bán buôn để phân phối rượu cho các cửa hàng bán lẻ tư nhân, phân phối cho hợp tác xã…để bán cho người uống. Ngoài ra, có thể giao cho một số tư nhân làm đại lý bán buôn cho ta, còn việc bán lẻ thì giao hoàn toàn (nơi nào có điều kiện thì giao thêm cho hợp tác xã và mậu dịch để bán lẻ).
Đối với các nhà bán lẻ cũng như một số nhà bán buôn nói trên, cần giáo dục họ, tổ chức họ thành lực lượng giúp đỡ cho ta, không để họ buôn bán rượu lậu, không để họ pha phách thêm nước, thêm chất khác vào rượu, họ phải bán theo giá chính thức của Sở Rượu Trung ương đã định…
Tóm lại, ta sẽ tranh thủ đoàn kết các người bán rượu cho ta, dành cho họ một số lãi nhất định để họ tham gia vào việc thực hiện chính sách thống nhất quản lý rượu trên nguyên tắc công và tư đều có lợi.
Đối với những người vận chuyển rượu
Trong bước đầu thi hành chế độ thống nhất quản lý rượu vẫn còn nhiều tư nhân được phép nấu rượu. Cũng rất có thể có nhiều người nấu rượu lậu thuế.
Để tăng cường chống lậu, bảo vệ khu vực kinh doanh của cửa hàng quốc doanh, cần khống chế việc vận chuyển rượu:
1) Ở những nơi đã có cơ quan thống nhất quản lý kinh doanh rượu, mọi việc vận chuyển rượu đều do sự quy định của Sở Rượu Trung ương:
a) Rượu ngoài phạm vi kinh doanh của cửa hàng quốc doanh không được dựa vào phạm vi kinh doanh của cửa hàng quốc doanh.
Cửa hàng quốc doanh sẽ định một phạm vi kinh doanh từ 3 đến 5 cây số đường kính.
b) Rượu ở trong phạm vi kinh doanh của cửa hàng quốc doanh được khuyến khích đem ra ngoài bán nếu cần. Thí dụ rượu ở ngoài khan hiếm, đưa ra bán không ảnh hưởng đến thị trường bán rượu của tư nhân còn được kinh doanh.
2) Ở khu vực (tỉnh) chưa có cơ quan thống nhất quản lý kinh doanh rượu, nguyên tắc là rượu ở đây không được đem vào khu vực đã có cơ quan thống nhất quản lý kinh doanh rượu (trừ khi có phép đặc biệt của Sở Rượu Trung ương). Trái lại rượu ở những tỉnh hay thành phố đã có cơ quan thống nhất quản lý kinh doanh rượu được khuyến kích đem đến những tỉnh chưa có cơ quan thống nhất quản lý kinh doanh rượu để bán. Đồng thời phải quy định đường vận chuyển, địa điểm bán. Trong giấy vận chuyển phải ghi rõ số lượng, độ rượu …vận chuyển theo những điều đã quy định trong biện pháp quản lý của Sở Thuế Trung ương.
Đối với người xuất nhập khẩu rượu
Phương châm là khuyến khích xuất, hạn chế nhập. Ta khuyến khích xuất rượu để tích lũy tiền nước ngoài, đó là đường lối chúng ta về mặt ngoại thương.
Việc xuất khẩu rượu sẽ do Sở Rượu Trung ương tự đảm nhiệm hoặc có thể giao cho Mậu dịch hay tư nhân.
Mậu dịch quốc doanh hay tư nhân cũng đều phải xin phép Sở Rượu Trung ương trước rồi mới đến Hải quan làm thủ tục xuất khẩu.
Đối với việc nhập rượu ở ngoài nước vào, hiện nay chưa chủ trương cấm hẳn, vì ta cần chiếu cố phần nào đến nhu cầu rượu nước ngoài đối với khách ngoại quốc và của thị trường các thành phố lớn. Tuy nhiên, cần hết sức hạn chế nhập để tiết kiệm tiền nước ngoài, dành tiền đó để mua ở ngoài những hàng cần thiết cho ta hơn là rượu.
Bất kỳ ai muốn nhập khẩu rượu đều phải có giấy phép của Sở Rượu Trung ương cấp theo tinh thần trình bày ở trên.
Việc nhập rượu của các Pháp đoàn ngoại giao, Phái đoàn lãnh sự, các cơ quan quốc tế sẽ có quy định riêng.
CHÍNH SÁCH THUẾ RƯỢU
Chính sách thống nhất quản lý kinh doanh rượu về mặt tài chính nhằm: đảm bảo thuế và có lãi.
Để chính sách thuế phục vụ hơn nữa chính sách kinh doanh rượu cần có sự phân biệt đối đãi tùy theo loại rượu. Cho nên thuế rượu đã phân biệt dành vào các loại rượu khác nhau với một thuế suất khác nhau:
1) Rượu dùng gạo, đường, mật làm nguyên liệu và các loại rượu ngoại quốc như rượu mùi, rượu Tây, rượu vang và các loại rượu chế bằng nguyên liệu ngoại quốc thì thuế suất 50 phần trăm. Gạo là lương thực chủ yếu cần tiết kiệm; đường, mật ở nước ta hiện nay chưa nhiều mà cũng là thứ cần cho nên dùng ba thứ này làm nguyên liệu thì phải áp dụng thuế suất cao để hạn chế.
2) Rượu chế bằng lương thực phụ (như: ngô, khoai, sắn) và hoa quả (đu đủ, mít, dứa, cam, chuối…) và các loại rượu mùi chế bằng nguyên liệu trong nước thì thuế suất 40 phần trăm.
Rượu chế bằng những nguyên liệu rẻ giá như cám, bột đường, rỉ dương…thì áp dụng thuế suất thấp hơn để khuyến khích. Thuế suất bao nhiêu sẽ đề nghị Chính phủ quy định sau. Hiện nay thuế suất 40 phần trăm.
3) Bia tuy chế theo lối ngoại quốc nhưng bia rất thấp độ (thường thường chỉ 50) không khác gì thức uống như nước cam, nước chanh; bia lại là một thứ không có hại cho cơ thể, cho nên thuế suất cũng 40 phần trăm.
4) Rượu thuốc: từ nay chỉ thừa nhận là rượu thuốc những thứ rượu thực sự chữa được bệnh, không coi là rượu thuốc các thứ rượu chỉ đeo nhãn hiệu rượu thuốc để làm tiền.
Cho nên đã lấy tên là rượu thuốc thì phải được cơ quan Y tế Trung ương xác định là có tác dụng chữa bệnh mới được miễn thuế.
Các thứ rượu khác bấy nay chỉ mang tên rượu thuốc mà không có tác dụng chữa bệnh thì từ nay không được gọi là rượu thuốc mà coi như rượu mùi để đánh thuế.
5) Cồn chia làm 2 loại: Cồn phổ thông và cồn biến chất, cồn phổ thông là nguyên liệu chủ yếu để pha chế các thứ rượu Tây, rượu mùi…Cho nên thuế suất 50 phần trăm và phải khống chế chặt chẽ đề phòng lậu, bắt buộc các nhà sản xuất rượu Tây, mùi… “được phép đặc biệt” phải đến mua cồn của cơ quan quản lý rượu ở địa phương.
Tuy nhiên, cồn phổ thông nhưng dùng cho Y tế và kỹ nghệ có chứng nhận của Bộ sở quan thì được hưởng thuế suất 20 phần trăm.
Cồn biến chất là cồn đã pha chất độc rồi không thể pha chế thành rượu uống được mà chỉ có thể dùng để đốt đèn cồn hoặc dùng vào công kỹ nghệ …áp dụng thuế suất 20 phần trăm.
CHÍNH SÁCH RƯỢU Ở VÙNG ĐỒNG BÀO THIỂU SỐ
Sở dĩ cần có chính sách riêng đối với vùng đồng bào thiểu số là để chiếu cố nền kinh tế chậm tiến, đời sống khó khăn, trình độ văn hóa và giác ngộ chính trị có thể còn thấp kém.
Dựa theo điều kiện kinh tế và chính trị của từng vùng ta sẽ chiếu cố nhiều hay chiếu cố ít, vì ngay trong một vùng đồng bào thiểu số cũng có những khu vực kinh tế khác nhau.
1) Vùng được chiếu cố nhiều là những khu vực kinh tế quá lạc hậu, đời sống khó khăn, xa thị trấn, xa đường giao thông chính…
Trong vùng này bất cứ là đồng bào thiểu số, hay đồng bào Kinh ở lẫn lộn cũng đều được hưởng chung một chế độ.
Rượu nấu để uống và để dùng vào việc ma chay, cúng lễ, bất cứ nấu bằng nguyên liệu gì đều không được nấu quá trị giá 120 cân gạo trong 1 năm (trừ khi ma chay cúng lễ không kể) thì được miễn thuế.
Nếu đem ra chợ bán thì phải nộp thuế nhưng được hưởng thuế suất sẽ định thấp hơn vùng khác. Rượu này không được chuyển vận sang vùng khác (vì rượu ở vùng khác phải chịu thuế suất cao hơn dễ bị cạnh tranh)
2) Vùng chiếu cố ít là khu vực mà kinh tế và trình độ giác ngộ của đồng bào không khác gì hay không kém gì vùng xuôi.
Không được nấu uống, những khi ma chay cúng lễ vẫn được xin cơ quan thống nhất quản lý kinh doanh rượu (nếu có) hay Phòng thuế gần nhất (nếu quá xa Phòng thuế thì xin Ủy ban Hành chính xã) cấp giấy phép và phải nộp thuế (thuế suất thấp).
Nấu bán thì coi như vùng đồng bằng, nghĩa là phải nộp thuế suất ngang với vùng đồng bằng.
Chế độ vùng đồng bằng thiểu số nói trên, chỉ áp dụng trong các Khu tự trị và những vùng đồng bào thiểu số do Ủy ban Hành chính khu đề nghị được Thủ tướng Phủ hay Bộ Tài chính thông qua thì mới được thi hành.
Việc thống nhất quản lý rượu do Sở Rượu Trung ương thuộc Bộ Tài chính phụ trách.
Hệ thống tổ chức các cấp thuộc Sở Rượu Trung ương chịu sự lãnh đạo 2 chiều: của cơ quan cấp trên và Ủy ban Hành chính đồng cấp.
Ở liên khu, khu và thành phố tạm không tổ chức Phân Sở Rượu.
Ở cấp tỉnh và thành phố đặt Chi Sở Rượu.
Ở cấp huyện và quận đặt Phòng rượu. Dưới huyện và quận có tổ chức cửa hàng bán buôn rượu.
Tùy theo tình hình và nhu cầu công tác thực hiện ở các địa phương sẽ tổ chức cơ quan trên sớm hay muộn.
Sau khi được cấp trên duyệt yêu cầu, các cấp Sở Rượu Trung ương đều có thể tùy khả năng và nhu cầu thực tế mà tổ chức kinh doanh rượu, nhất là tổ chức các cửa hàng bán buôn rượu trong phạm vi địa phương mình phụ trách.
Nhiệm vụ cụ thể của cơ quan quản lý rượu là:
1) Lãnh đạo và giải quyết mọi việc sản xuất, bán, vận chuyển và xuất nhập khẩu các loại rượu trong phạm vi quyền hạn của mình đã được quy định và công bố.
2) Tổ chức kinh doanh rượu: sản xuất, bán rượu, vận chuyển, xuất nhập khẩu các loại rượu, theo sự quy định của cấp trên.
3) Thu thuế hàng hóa vào rượu: Nơi nào chưa tổ chức cơ quan quản lý rượu thì vẫn do cơ quan Thuế vụ thu.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
(1)Hồi Pháp thuộc, ở Bắc bộ có 3 nhà máy lớn: Hải dương, Hà nội,
Gần đây, số rượu chịu thuế hàng tháng hơn 1 triệu lít (rượu uống), công cả số thất thu chừng 2 triệu lít. Cho nên số 60 vạn lít của nhà máy chỉ chiếm chừng trên ¼ số rượu thực tế ở thị trường.
- 1Thể lệ số về 09-TC-TT về việc chi tiết thi hành điều lệ tạm thời về thống nhất quản lý kinh doanh rượu do Bộ Tài Chính ban hành
- 2Nghị định 897-TTg năm 1956 về thành lập Cơ quan Thống nhất quản lý kinh doanh rượu ở các cấp do Thủ Tướng ban hành.
- 3Điều lệ tạm thời số 898-TTg về việc thống nhất quản lý kinh doanh rượu do Phủ Thủ Tướng ban hành
- 4Thông tư 032-TT/TC/TDT năm 1959 về việc thu thuế sát sinh và thuế rượu tư nhân ở xã do Bộ Tài chính ban hành
- 5Sắc lệnh số 57 về việc cấm không được sản xuất, tàng trữ tiêu thụ rượu ta chế tạo bằng ngũ cốc do Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành
- 6Sắc lệnh sô 72 về việc bãi bỏ Sắc lệnh ngày 10 tháng 11 năm 1945 cấm sản xuất, tàng trữ, đài tải, tiêu thụ và mua bán rượu ta do Chủ tịch Chính phủ ban hành
Thông tư 465-TC-VP năm 1956 giải thích chính sách thống nhất quản lý kinh doanh rượu do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 465-TC-VP
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 25/09/1956
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 32
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra