Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 032-TT/TC/TDT

Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THU THUẾ SÁT SINH VÀ THUẾ RƯỢU TƯ NHÂN Ở XÃ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

- Uỷ ban Hành chính khu, tỉnh, thành
- Khu, Sở, Ty Tài chính

Theo sự phản ảnh của nhiều tỉnh, nguồn thu của xã hiện nay còn kém, không những chưa được bổ sung mà còn có khoản thu bị giảm sút như thu về thuế sát sinh trước đây thu ở xã, nên ngân sách xã được hưởng 12% phụ thu, nay thu ở hợp tác xã, số phụ thu này nhiều xã không được hưởng nữa.

Vì vậy Bộ bổ sung chế độ thuế sát sinh và thuế rượu tư nhân hiện hành về phần thu cho ngân sách xã như sau, nhằm duy trì và phần nào tăng thêm nguồn thu của xã, đồng thời khuyến khích việc chống lậu ở cơ sở.

1. Thuế sát sinh:

a) Từ nay toàn bộ tiền thuế và tiền phạt về sát sinh bắt lậu được ở xã, sẽ sung vào ngân sách xã. Việc xử lý và phạt vẫn theo thủ tục và thể lệ hiện hành của ngành thuế vụ.

b) Để đảm bảo nguồn thu của xã, những nơi mà thuế sát sinh do hợp tác xã mổ thịt bao tiêu hoặc do phòng thuế trực tiếp thu, cũng phải trích 12% tổng số thuế thực thu hàng tháng, để trả lại cho ngân sách xã; số tiền này do Uỷ ban Hành chính huyện phân chia lãi cho các xã thuộc phạm vi bao tiêu của hợp tác xã mổ thịt hoặc phòng thuế trực tiếp thu.

2. Thuế rượu tư nhân:

a) Toàn bộ tiền thuế và tiền phạt về rượu do xã tự bắt lậu được (không phân biệt thuộc khu vực quốc doanh quản lý hay không, kể cả các xã có hộ sản xuất rượu đăng ký và miền núi) từ nay sẽ xung vào ngân sách xã. Việc xử lý và phạt vẫn theo thủ tục và thể lệ hiện hành của ngành rượu.

b) Về vấn đề thù lao cho xã 10% thuế rượu tư nhân, thông tư số 59-TC/VP/TT ngày 19-5-1958 của Bộ Tài chính chỉ mới quy định áp dụng cho miền xuôi; nay quyết định cho thi hành thông tư đó cả ở những nơi có thu thuế rượu ở miền núi. Việc điều hòa phân phối số tiền thù lao ấy cho các xã không nhất thiết phải làm trong phạm vi toàn tỉnh do Uỷ ban Hành chính tỉnh làm mà tùy tình hình địa phương có thể điều hoà trong phạm vi từng huyện và do Uỷ ban Hành chính huyện phụ trách.

3. Lề lối thanh toán:

Hàng tháng thanh toán tiền thuế sát sinh và thuế rượu tư nhân, các phòng thuế sẽ trích 12% thuế sát sinh và 10% thuế rượu tư nhân gửi vào Ngân hàng và báo cáo Uỷ ban Hành chính huyện để lập kế hoạch điều hoà cho các xã, đồng thời lập bảng kê khai báo cáo lên Ty Tài chính và Chi sở thuế tỉnh.

4. Cách thi hành thông tư này:

Để phù hợp với nội dung phân cấp quản lý tài chính, Bộ yêu cầu quý Uỷ ban dựa trên tinh thần thông tư này của Bộ, và căn cứ tình hình cụ thể của địa phương mình, mà áp dụng cho thích đáng; nếu thấy có trở ngại gì trong việc áp dụng thì báo cáo cho Bộ rõ.

Trong nửa năm vừa qua, thuế sát sinh và thuế rượu tư nhân đều không đạt kế hoạch, ở nhiều địa phương tình trạng thất thu khá nghiêm trọng. Nhân dịp giao thêm 2 nguồn thu này cho xã, cần kết hợp đẩy mạnh công tác thu thuế sát sinh và thuế rượu tư nhân.

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 032-TT/TC/TDT năm 1959 về việc thu thuế sát sinh và thuế rượu tư nhân ở xã do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 032-TT/TC/TDT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/08/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trịnh Văn Bính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 34
  • Ngày hiệu lực: 08/09/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản