Hệ thống pháp luật

UỶ BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 462-UB/CT

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1969

THÔNG TƯ

VỀ PHÒNG, DIỆT MỐI CHO CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN

CHỦ NHIỆM ỦY BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC

Từ nhiều năm nay công tác phòng, diệt mối chưa được các ngành chú trọng đúng mức. Cơ quan thiết kế hầu như không đề cập đến các biện pháp phòng, diệt mối trong công tác điều tra, thiết kế. Đơn vị thi công chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định ngâm tẩm, bảo quản gỗ trong Nghị định số 10-CP ngày 26-4-1960 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 04-UB/CQL ngày 28-01-1961 và thông tư về phòng, chống mối cho các công trình xây dựng cơ bản và kho tàng số 106-UB/TK ngày 25-02-1967 của Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước. Do đó mối xâm nhập và phá hoại nhiều công trình xây dựng kể cả những công trình mới xây dựng. Hàng năm phải tốn một lượng gỗ rất lớn vào việc thay thế các bộ phận hư hỏng do mối phá hoại. Ở Hà Nội 80% số gỗ dùng cho sửa chữa nhà cửa trong thời gian qua là để thay thế các bộ phận hư hỏng do mối gây ra.

Rừng gỗ của ta có hạn, việc khai thác gặp khó khăn nên cần có biện pháp sử dụng gỗ hợp lý, tận dụng khả năng chịu lực của gỗ. Thủ tướng Chính phủ, bằng chỉ thị số 82-TTg/CN ngày 11-8-1969, đã giao cho Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước nghiên cứu thêm các biện pháp tiết kiệm gỗ.

Phòng, diệt mối cho các công trình xây dựng cơ bản là một trong những biện pháp thiết thực để tiết kiệm gỗ. Mặt khác công trình sử dụng không phải ngưng trệ do mối làm hỏng phải sửa chữa, tiết kiệm được tiền của, nhân lực của Nhà nước.

Để khắc phục tình hình trên và chấp hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước lưu ý các Bộ, các ngành, các địa phương cần quan tâm đúng mức đến công tác phòng và diệt mối cho các công trình xây dựng cơ bản. Cần đề cập đến việc phòng, chống mối ngay từ khi bắt đầu xây dựng. Phòng mối là biện pháp tích cực và chủ động, đơn giản, ít tốn kém và có hiệu quả so với chống mối khi công trình đã bị mối xông.

A. Đối với các công trình bắt đầu xây dựng.

1. Trong giai đoạn khảo sát địa điểm xây dựng phải tiến hành việc điều tra khảo sát để phát hiện tình hình mối trong khu đất xây dựng:

- Cần quan sát kỹ những tàn dư thực vật (gốc cây mục, cột gỗ, hàng rào…) có trong khu đất; những công trình lân cận và nhà cửa của nhân dân xung quanh.

- Khi phát hiện có mối lập hồ sơ ghi rõ loại mối và mức độ hoạt động của mối.

Căn cứ hồ sơ trên đây của cơ quan chủ quản công trình ghi rõ yêu cầu thiết kế phòng mối trong hợp đồng thiết kế công trình.

2. Cơ quan thiết kế dựa vào hồ sơ về tình hình hoạt động của mối trong khu đất xây dựng và tính chất sử dụng của từng loại công trình đề ra phương án xử lý, phòng mối cho công trình trong phần tổ chức thi côngvà trong các bản vẽ thi công.

Thiết kế cần lưu ý đề cập đến:

- Xử lý đất nền trước khi xây dựng;

- Toàn bộ nền nhà phải được cách ly với đất nền. Xử lý chân tường và các vật kiến trúc khác nối với đất, các đường dây cáp, các đường ống nước, các góc tường, những nơi tiếp giáp giữa hai vật liệu khác nhau, các mạch lún, khe co dãn, nơi đặt các bảng điện và những nơi có nước ứ đọng trong công trình;

- Yêu cầu ngâm tẩm gỗ, loại thuốc, liều lượng.

Cơ quan xét duyệt thiết kế coi công tác phòng, diệt mối là một khâu quan trọng cần được xét duyệt và có cán bộ chuyên trách về phòng và diệt mối tham gia.

3. Đơn vị thi công cần có biện pháp thi công tốt, thực hiện đầy đủ các quy định của thiết kế phòng mối cho công trình đã được xét duyệt:

- Cần phải xử lý phòng diệt mối trên khu đất xây dựng, trước khi thi công công trình, bảo đảm tiêu diệt toàn bộ các tổ mối có trong khu đất, thu dọn sạch các tàn dư thực vật (gỗ mục, rễ cây,…);

- Trong quá trình thi công không được để sót các gỗ thừa, ván khuôn trong nền đất và vương vãi trên mặt đất xung quanh;

- Cán bộ thi công không được tự ý sửa đổi thiết kế phòng mối, nếu phát hiện thiếu sót trong thiết kế phòng mối, thì phản ánh cho cơ quan thiết kế sửa đổi.

4. Phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định bảo quản và ngâm tẩm gỗ trong nghị định số 10-CP ngày 26-4-1960 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 04-UB/CQL ngày 28-01-1961 của Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, gỗ phải được ngâm tẩm đúng loại thuốc và liều lượng thuốc. Trường hợp sau khi ngâm tẩm phải gia công thêm thì phải quét thuốc bổ sung.

5. Cơ quan chủ quản công trình và cơ quan thiết kế cần cử cán bộ chuyên trách giám sát quá trình thi công và hướng dẫn cụ thể các biện pháp thi công chống mối tránh sai sót, làm giảm hiệu quả của công tác này. Tổ chức nghiệm thu từng phần công trình chặt chẽ bảo đảm chất lượng tốt.

6. Các khoản chi phí về thiết kế, thi công phòng, diệt mối được ghi trong toàn bộ dự toán công trình và thanh toán vào vốn xây dựng cơ bản.

B. Đối với các công trình đã sử dụng.

1. Cơ quan sử dụng công trình cần cử cán bộ theo dõi thường xuyên trong quá trình sử dụng công trình, kịp thời phát hiện mối xâm nhập công trình. Khi phát hiện có mối phá hoại công trình cần lập hồ sơ về tình trạng xâm nhập của mối, loại mối, vị trí mối phá hoại.

2. Căn cứ vào hồ sơ trên để thiết kế phương án chống mối thích hợp với tính chất sử dụng của từng công trình. Phương án diệt mối và đề phòng mối phát sinh trở lại:

- Cần chú ý xử lý đầy đủ những nơi mối có thể đi qua để lên công trình như chân khuôn cửa, đầu các ống dây điện ngầm, các ống nước, khe lún và các vật kiến trúc khác có tiếp xúc với đất;

- Biện pháp tiến hành diệt và phòng mối bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật (liều lượng thuốc, cách phun thuốc, thời gian tác dụng của thuốc…).

3. Gỗ thay thế các bộ phận hư hỏng phải được ngâm tẩm đầy đủ. Gỗ đã bị mối phá hoại phải để cách ly với công trình.

4. Các khoản chi phí thanh toán vào vốn sửa chữa thường xuyên của công trình.

C. An toàn lao động.

Mỗi loại thuốc phòng, diệt mối đều có độc hại, vì vậy khi sử dụng phải theo đúng quy định:

- Công nhân sử dụng phải được hướng dẫn kỹ về chuyên môn và an toàn lao động.

- Công nhân sử dụng thuốc được trang bị đầy đủ các trang bị đầy đủ các trang bị phòng hộ lao động như quần áo, kính, mũ, khẩu trang.

- Thuốc để ở nơi quy định để bảo đảm an toàn.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC




Trần Đại Nghĩa

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 462-UB/CT-1969 về việc phòng, diệt mối cho các công trình xây dựng cơ bản do Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 462-UB/CT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/11/1969
  • Nơi ban hành: Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước
  • Người ký: Trần Đại Nghĩa
  • Ngày công báo: 31/12/1969
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 03/12/1969
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản