Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 41/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2010

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI MÁY BƠM NƯỚC CHỮA CHÁY

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính,

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với máy bơm nước chữa cháy.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 6 tháng, kể từ ngày ký ban hành và thay thế TCN 10: 2007 ban hành kèm theo Quyết định số 38/2007/QĐ-BTC ngày 21/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý, nhập, xuất và bảo quản máy bơm nước chữa cháy có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Nơi nhận:
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCDT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Chí


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

QCVN 10 : 2010/BTC

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ DỰ TRỮ

NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI MÁY BƠM NƯỚC CHỮA CHÁY

National technical regulation on state reserve of fire-fighting water pumps

HÀ NỘI – 2010

Lời nói đầu

QCVN 10: 2010/BTC do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với máy bơm nước chữa cháy biên soạn. Tổng cục Dự trữ Nhà nước trình duyệt và được ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tài chính.

QCVN 10: 2010/BTC

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI MÁY BƠM NƯỚC CHỮA CHÁY
National technical regulation on state reserve of fire-fighting water pumps

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp kiểm tra, thủ tục giao nhận, vận chuyển, bảo quản và yêu cầu quản lý chất lượng đối với máy bơm nước chữa cháy nhập kho dự trữ nhà nước.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc quản lý; giao nhận và bảo quản máy bơm nước chữa cháy nhập kho dự trữ nhà nước.

1.3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Máy bơm nước chữa cháy gồm hai bộ phận chính: Phần động lực là động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu dạng lỏng; phần bơm nước là bộ phận khi bơm hút nước từ nguồn nước tạo ra một dòng nước có áp lực cao ở miệng vòi phun (sau đây viết tắt là máy).

1.3.2. Các phụ kiện đồng bộ kèm theo máy gồm vòi hút, vòi đẩy chữa cháy, lăng phun và đầu nối.

1.3.3. Lô máy bơm nước chữa cháy là số lượng quy định máy có cùng ký hiệu, cùng kích thước, được sản xuất từ cùng nguyên liệu, theo cùng một phương pháp, trong khoảng thời gian nhất định, được giao nhận cùng một lúc.

1.3.4. Niêm cất là các công việc bảo quản sau phát động nổ máy (vệ sinh, kiểm tra hiệu chỉnh, bổ sung dầu mỡ …) khi đưa máy vào kho bảo quản.

1.3.5. Tái niêm cất là công việc bảo quản sau một thời gian nhất định đối với số máy không trong diện phát động nổ.

1.3.6. Bảo quản ban đầu

Các công việc thực hiện sau khi giao nhận nhập kho dự trữ: Lau chùi vệ sinh máy, kiểm tra, hiệu chỉnh, quy hoạch xếp thành lô hàng trong kho …

1.3.7. Sự cố kỹ thuật của máy bơm nước chữa cháy

Sự cố kỹ thuật được hiểu là các hiện tượng bất thường về kỹ thuật không hay xảy ra trong quá trình hoạt động liên quan tới phần động lực, phần bơm nước mà không thể khắc phục bình thường được.

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Yêu cầu kỹ thuật đối với máy bơm nước chữa cháy nhập kho dự trữ nhà nước

2.1.1. Máy bơm nước chữa cháy

Theo TCVN 2622: 1995 Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình. Yêu cầu thiết kế. Với mỗi loại bơm khác nhau có yêu cầu cụ thể:

- Bơm và động cơ thủy lực thể tích theo TCVN 2151: 1977 Bơm và động cơ thủy lực thể tích – Yêu cầu kỹ thuật chung.

- Bơm cánh theo TCVN 4208: 2009 Bơm cánh – Yêu cầu kỹ thuật chung

2.1.2. Vòi hút

Làm bằng vải tráng cao su, có lõi thép, chịu áp lực cao và áp lực của chân không, dùng đưa nước từ nguồn nước đến máy bơm nước chữa cháy. Các yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 8060: 2009 (ISO 14557: 2002) Phương tiện chữa cháy – Vòi chữa cháy – Vòi hút bằng cao su, chất dẻo và cụm vòi.

2.1.3. Vòi đẩy chữa cháy

Làm bằng đường ống dẫn mềm chịu áp lực, dệt từ sợi tổng hợp bên trong tráng cao su, dùng để truyền nước đến đám cháy. Các yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 5740: 2009 Phương tiện phòng cháy chữa cháy – Vòi đẩy chữa cháy – Vòi đẩy bằng sợi tổng hợp tráng cao su.

2.1.4. Lăng phun

Làm bằng ống hợp kim nhẹ, có đường kính ống giảm từ đầu nối với vòi đẩy chữa cháy tới đầu ra, dùng để định hướng dòng nước phun và làm tăng hiệu quả phun.

2.1.5. Đầu nối

Dùng để nối các vòi đẩy chữa cháy với nhau, nối vòi đẩy chữa cháy với máy và với lăng phun. Các yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 5739: 1993 Thiết bị chữa cháy. Đầu nối

2.2. Yêu cầu về nhà kho

- Phải là loại kho kín, có tường bao, mái che chống nắng mưa gió bão, trần chống nóng.

- Nền kho phẳng, cứng, chịu được tải trọng tối thiểu 3,0 tấn/m2.

- Kho được trang bị đủ quạt thông gió để bảo đảm trong kho luôn được khô ráo, thoáng mát; có dụng cụ đo nhiệt độ, độ ẩm không khí.

- Phải có hệ thống chống chuột, phòng trừ mối và sinh vật gây hại khác, có hệ thống điện chiếu sáng phục vụ công tác bảo quản, bảo vệ.

- Phải xa các nguồn hóa chất, nơi dễ cháy nổ, đường điện cao thế, hạn chế tối đa bụi bẩn, bức xạ nhiệt. Có nội quy, phương tiện và phương án phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lụt.

3.1. Lấy mẫu

Mẫu được lấy ngẫu nhiên trong quá trình giao nhận và bảo quản để kiểm tra chất lượng máy là 5% nhưng không ít hơn:

. 3 máy khi số lượng máy nhập tại một điểm kho từ 20 máy đến 50 máy

. 2 máy khi số lượng máy nhập tại một điểm kho nhỏ hơn 20 máy.

3.2. Phương pháp thử

3.2.1. Máy bơm nước chữa cháy phải được thử nghiệm các chỉ tiêu sau:

- Lưu lượng máy bơm

- Cột áp máy bơm

- Công suất máy bơm

Các chỉ tiêu trên được thử tại các Phòng thử nghiệm được cơ quan có thẩm quyền Nhà nước Việt Nam công nhận.

3.3.2. Vòi hút theo TCVN 8060: 2009 (ISO 14557: 2002) Phương tiện chữa cháy – Vòi chữa cháy – Vòi hút bằng cao su, chất dẻo và cụm vòi.

3.3.3. Vòi đẩy chữa cháy theo TCVN 5740: 2009 Phương tiện phòng cháy chữa cháy – Vòi đẩy chữa cháy – Vòi đẩy bằng sợi tổng hợp tráng cao su.

3.2.4. Đầu nối theo TCVN 5739: 1993 Thiết bị chữa cháy. Đầu nối

4. THỦ TỤC GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN MÁY BƠM NƯỚC CHỮA CHÁY

4.1. Vận chuyển

- Phương tiện vận chuyển phải có mui che mưa, nắng và sạch, không chở cùng với các vật liệu cháy nổ hoặc hóa chất gây ăn mòn.

- Khi đưa máy lên và xuống xe, phải chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ nâng hạ; các kiện hàng phải xếp lên xe theo hướng dẫn trên bao bì; kê xếp đảm bảo chắc chắn không làm đổ vỡ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

4.2. Quy trình kiểm tra khi nhập kho

4.2.1. Kiểm tra hồ sơ

4.2.1.1. Đối với máy nhập khẩu, phải có đủ các hồ sơ sau

4.2.1.1.1. Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng máy, chứng nhận lô hàng bảo đảm các tiêu chuẩn về: Chủng loại, tính đồng bộ và các yêu cầu kỹ thuật do các cơ quan kiểm tra có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

4.2.1.1.2. Giấy xác nhận nguồn gốc: Xác định rõ xuất xứ lô máy do phòng thương mại và công nghiệp nước sản xuất loại máy đó cung cấp.

4.2.1.1.3. Giấy chứng thư giám định tình trạng hàng hóa nhập khẩu của cơ quan, tổ chức có chức năng giám định chất lượng hàng hóa nhập khẩu

4.2.1.1.4. Giấy chứng nhận xuất xưởng của nhà sản xuất.

4.2.1.1.5. Bản kê chi tiết đóng gói các phụ kiện đồng bộ kèm theo từng máy của nhà sản xuất hoặc xuất khẩu.

4.2.1.1.6. Phiếu bảo hành máy và các thông tin về quyền lợi, phạm vi và địa điểm cung cấp dịch vụ bảo hành.

4.2.1.1.7. Tài liệu kỹ thuật về cấu tạo của máy, bảo đảm đúng chủng loại và phải là bản in màu. Tài liệu hướng dẫn sử dụng máy, ngoài tài liệu của nhà sản xuất đơn vị bán hàng có trách nhiệm cung cấp thêm một bản dịch Tiếng Việt cho từng đơn vị Cục Dự trữ Nhà nước khu vực có nhập hàng.

4.2.1.2. Đối với được sản xuất hoặc lắp ráp trong nước phải có đủ hồ sơ theo các nội dung quy định tại 4.2.1.1 (trừ 4.2.1.1.2, 4.2.1.1.3).

4.2.2. Kiểm tra, giao nhận hồ sơ

- Đơn vị nhận hàng phải kiểm tra tính đầy đủ, chính xác và hiệu lực của các hồ sơ nêu trên nhằm xác định rõ chất lượng lô hàng nhập kho dự trữ.

- Khi một lô hàng được chia giao nhận ở nhiều đơn vị khác nhau, hồ sơ là bản chính được giao cho đơn vị có số lượng hàng nhập kho nhiều nhất, các đơn vị khác là bản sao có công chứng.

4.2.3. Giao nhận máy

4.2.3.1. Kiểm tra bằng ngoại quan

Kiểm đếm đủ số lượng máy; kiểm tra xác định ký mã hiệu từng máy phù hợp với các hồ sơ liên quan khi nhập hàng; kiểm tra tính đồng bộ của máy, các chi tiết máy gắn liền trên máy và của các phụ tùng, tình trạng bên ngoài máy không bị méo bẹp, gãy vỡ, rạn nứt hoặc han rỉ.

4.2.3.2. Kiểm tra vận hành máy

- Số lượng máy kiểm tra theo khoản 3.1.

- Kết quả kiểm tra thực tế bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, kết hợp đối chiếu kết quả kiểm tra hồ sơ là căn cứ để quyết định việc giao nhận hàng.

- Trong quá trình kiểm tra vận hành máy, nếu bất kỳ một máy nào bị sự cố kỹ thuật phải tách riêng máy đó ra, tiến hành chọn ngẫu nhiên một máy khác thay thế. Nếu máy thay thế vẫn bị sự cố kỹ thuật khi kiểm tra, đơn vị nhận hàng yêu cầu giám định lại chất lượng toàn bộ số máy nhập. Cơ quan giám định phải là các tổ chức chuyên môn có thẩm quyền.

4.2.3.3. Kiểm tra một số chỉ tiêu chính: công suất máy, lưu lượng máy và áp lực phun do cơ quan kiểm định có thẩm quyền xác nhận (sai số không quá 3% so với tài liệu kỹ thuật kèm theo máy của nhà sản xuất).

4.2.4. Giao nhận, điều chuyển trong phạm vi nội bộ Tổng cục Dự trữ Nhà nước

4.2.4.1. Bàn giao hồ sơ

- Khi điều chuyển máy trong phạm vi nội bộ Tổng cục Dự trữ Nhà nước, các hồ sơ liên quan phải được bàn giao đầy đủ theo từng máy.

- Nếu số máy được điều chuyển không trọn cả lô máy, các hồ sơ liên quan được bàn giao là bản sao hợp pháp. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực là đơn vị giao hàng phải lưu giữ các hồ sơ chính cùng với số máy còn lại. Trong trường hợp toàn bộ lô máy được điều chuyển cho nhiều Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khác nhau, đơn vị tiếp nhận nhiều máy nhất được giữ các hồ sơ chính.

4.2.4.2. Giao nhận máy

Thực hiện như quy định tại điểm 4.2.3. Trong trường hợp số máy được giao nhận có bao gồm các máy đã bảo quản định kỳ, việc kiểm tra nổ máy giới hạn trong số các máy đã được bảo quản nổ máy định kỳ.

4.2.5. Biên bản giao nhận

Mọi trường hợp giao nhận máy đều phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chất lượng, tình trạng thực tế của lô hàng và các tài liệu hồ sơ kèm theo. Biên bản giao nhận được lưu giữ cùng các hồ sơ pháp lý khác kèm theo lô hàng.

4.3. Bảo quản

4.3.1. Kê xếp máy trong kho

4.3.1.1. Máy cất giữ trong kho được kê xếp trên giá kê, chiều cao mặt sàn giá kê cách sàn kho tối thiểu là 0,3m.

- Tùy loại hình nhà kho cụ thể, kết cấu của bao bì cho phép các máy được xếp chồng lên nhau từ 2 lượt đến 3 lượt theo chiều thẳng đứng, nhưng giữa các lượt máy phải có sàn phẳng kê lót. Mặt trên của máy trên cùng cách trần kho tối thiểu 2 m.

- Hai máy xếp kế tiếp nhau theo hàng ngang quy định có khoảng cách tối thiểu là 0,2 m bảo đảm cho việc vệ sinh thường xuyên.

- Các mặt bao kiện chứa máy có ghi ký hiệu được quay ra ngoài để tiện cho việc theo dõi kiểm kê.

- Sàn kho bảo đảm có khoảng lưu không phục vụ công tác bảo quản, di chuyển khi xuất, nhập. Lô hàng cách tường kho, cột kho tối thiểu là 0,5m; khoảng cách giữa các lô hàng tối thiểu là 2 m;

4.3.1.2. Kê xếp vòi hút, vòi đẩy chữa cháy

- Vòi hút được xếp trên giá kê cách sàn kho tối thiểu 0,3m, mặt giá được lót phẳng, các giá kê xếp chồng lên nhau không quá 5 lớp.

- Vòi đẩy chữa cháy được cuộn tròn, bọc kín, đặt trong thùng chứa riêng biệt và không để lẫn với các phụ kiện khác.

- Vòi hút và vòi đẩy chữa cháy phải kê xếp ở những nơi mát, tránh ánh nắng.

- Lăng phun và các đầu nối … được lau chùi sạch, bọc kín bằng giấy nến cất xếp theo từng máy.

4.3.1.3. Ắc quy kèm theo máy phải là ắc quy khô chưa đổ điện dịch, được bảo quản riêng và không được xếp chồng lên nhau.

4.3.2. Bảo quản ban đầu

- Lau chùi, vệ sinh sạch toàn bộ số máy khi giao nhận, đánh số theo dõi và cất xếp trong cùng một lô hàng.

- Lau chùi, làm khô (trong và ngoài) các chi tiết đã đưa ra sử dụng trong quá trình kiểm tra: Lăng phun, các đầu vòi hút, đầu nối, vòi đẩy chữa cháy …

4.3.3. Bảo quản thường xuyên

- Hàng ngày thủ kho bảo quản phải kiểm tra tình trạng an toàn của nhà kho, mặt ngoài các thùng chứa hàng nhằm phát hiện sinh vật hại xâm nhập kho và các dấu hiệu không an toàn khác. Nếu phát hiện thấy phải xác định rõ nguyên nhân, báo cáo người phụ trách đơn vị và có biện pháp xử lý kịp thời.

- Mỗi tuần một lần dùng chổi hoặc máy hút bụi làm sạch bụi bẩn, mạng nhện xung quanh thùng hàng, giá đỡ, các phụ kiện của máy, trần tường và nền kho.

- Ba tháng một lần tháo gỡ toàn bộ vòi ra kiểm tra, lau chùi vệ sinh và xoa bột tan bên ngoài và bên trong vòi hút, dùng giấy nến bọc kín 2 đầu của vòi hút; đảo lớp xếp trên xuống, lớp dưới lên; đối với vòi đẩy chữa cháy cuộn đảo chiều gập của vòi. Sau đó xếp lại vào vị trí ban đầu. Toàn bộ công việc được thực hiện ở khu vực sạch và có lót nền trong quá trình thực hiện.

4.3.4. Nổ máy định kỳ

- Số máy được định kỳ vận hành nổ để sẵn sàng xuất cấp là 20% số máy hiện có tại một điểm kho giữ hàng, nhưng không ít hơn:

. 10 máy khi số lượng máy nhập tại một điểm kho từ 20 máy đến 50 máy.

. 5 máy khi số lượng máy bảo quản tại một điểm kho nhỏ hơn 20 máy.

- Định kỳ 3 tháng một lần, máy phải được vận hành nổ. Các lần bảo quản tiếp sau vẫn thực hiện cho số lượng máy đã làm lần thứ nhất. Thời gian nổ máy là 20 min. Quy trình phải đảm bảo cho việc nổ máy ổn định và đủ thời gian kiểm tra các chỉ tiêu. Không được nổ máy lâu quá 1 min mà không hút phun nước. Quy trình vận hành thử máy phải đảm bảo thực hiện các bước sau đây.

4.3.4.1. Các điều kiện cần thiết trước khi nổ máy

- Phải có bể chứa nước tuần hoàn đảm bảo nước cho quá trình vận hành thử, nước phải là nước sạch được đưa vào bể trước khi tiến hành nổ máy.

- Có 1 bộ đồ nghề riêng phục vụ cho công tác bảo quản; không được lấy bộ đồ nghề kèm theo máy ra sử dụng.

- Có đủ các dụng cụ, trang bị phòng cháy khi bảo quản (cát, bình chữa cháy, chăn dập lửa …)

- Phải chuẩn bị 1 bộ vòi hút, vòi đẩy chữa cháy riêng phục vụ cho quá trình thử máy.

- Tổ công nhân kỹ thuật vận hành bảo quản tối thiểu có 3 người, có trình độ kỹ thuật về máy và biết vận hành thành thạo.

- Chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu và bình chứa để phục vụ cho quá trình phát động. Nhiên liệu phát động nổ không đổ trực tiếp vào thùng chứa của máy mà dùng bình chứa bên ngoài nối với tuy ô dẫn nhiên liệu vào máy trước cốc lọc nhiên liệu.

- Kiểm tra dầu máy động cơ (đối với động cơ 4 kỳ) và kiểm tra tỉ lệ pha trộn giữa nhiên liệu và dầu bôi trơn (đối với động cơ 2 kỳ).

4.3.4.2. Trình tự thao tác nổ máy

- Nạp nhiên liệu đầy đủ.

- Lắp vòi hút, vòi đẩy chữa cháy vào máy bơm và đưa vòi hút vào bể chứa nước tuần hoàn.

- Xoay núm điều khiển ga đến vị trí khởi động.

- Dùng dây giật có sẵn ở bánh đà giật nhẹ vài lần, rồi giật mạnh nổ máy. Khi máy nổ rồi:

+ Thực hiện thao tác gây chân không (kéo cần gây chân không). Khi nước đã lên guồng bơm (quan sát trên đồng hồ phun hoặc ở đầu xả của bơm chân không) thì thả cần gây chân không ra và mở van phun.

+ Tăng giảm ga để kiểm tra khả năng làm việc của bơm.

4.3.4.3. Kiểm tra kỹ thuật

- Khi máy nổ nguồn nước phun ra ổn định thì để máy chạy đều ở vòng quay đó. Tiến hành kiểm tra khả năng hoạt động của máy.

+ Nghe tiếng máy: Tiếng máy nổ êm, không có các tiếng kêu lạ, tiếng gõ của chi tiết máy;

+ Kiểm tra khả năng phun, so sánh với những chỉ tiêu quy định trong tài liệu kỹ thuật của máy;

- Khi phát hiện có các hiện tượng bất thường phải hạ bớt ga, để máy nổ ở vòng tua thấp nhất để phát hiện nguyên nhân. Tắt máy, xử lý xong rồi mới bắt đầu nổ lại máy.

4.3.4.4. Tắt máy động cơ xăng và động cơ điezen

- Sau khi kiểm tra xong, máy đã vận hành đủ thời gian quy định, tiến hành tắt máy theo các thao tác sau:

+ Hạ bớt tay ga, cho máy chạy ở tốc độ vòng tua thấp nhất trong thời gian từ 3 min đến 5 min;

+ Đóng van xả;

+ Vặn khóa xăng của cốc lọc xăng để máy tiếp tục nổ cho đến khi máy tự tắt;

+ Vặn công tắc chính về vị trí tắt (OFF);

+ Mở van xả nước làm mát và đóng van lại sau khi đã bảo đảm xả hết nước.

- Đối với động cơ điezen khi tắt máy không phải cho máy chạy đến hết nhiên liệu trong cốc lọc và bơm nhiên liệu.

- Trong trường hợp vận hành khởi động máy bằng ắc quy, mỗi lần để nổ khoảng 5 s, nếu động cơ không nổ thì sau 10 s đề lại hoặc kiểm tra lại toàn bộ các quy trình trước để tiếp tục đề nổ tiếp.

+ Nếu máy khởi động không chạy kiểm tra lại ắc quy và hệ thống điện.

+ Không đề tiếp khi động cơ đang chạy.

+ Không được cho máy hoạt động ở tốc độ thấp quá 30 min để tránh làm hỏng máy.

- Đối với loại động cơ được làm mát trực tiếp bằng nước: Không để bơm nước làm việc ở áp suất dưới 294 199,5 Pa (3 kg/cm2) nhằm đảm bảo nước làm mát động cơ.

- Đối với loại bơm chân không kiểu cánh gạt: Không tăng ga quá cao (tốc độ trên 1 400 r/min) khi kéo cần gây chân không.

4.3.5. Niêm cất

Niêm cất áp dụng với các máy sau khi bảo quản nổ máy định kỳ 3 tháng một lần. Các bước tiến hành như sau:

- Lau chùi sạch dầu mỡ, dùng máy nén khí thổi và lau chùi làm khô máy;

- Tháo bugi, làm sạch bugi bằng giẻ mềm sau đó tra dầu bôi trơn vào phần ren bugi từ 2 giọt đến 3 giọt; nhỏ từ 5 giọt đến 7 giọt dầu bôi trơn qua lỗ chân bugi (hoặc vòi phun) vào trong buồng đốt rồi lắp trả bugi (hoặc vòi phun) và vặn chặt lại (chú ý không làm cháy ren để lắp bugi (hoặc vòi phun) trên thân máy); sau đó dùng dây khởi động giật quay máy vài vòng;

- Tra dầu mỡ vào các vị trí cần thiết: Vú mỡ; đầu nối ống trên thân máy…

- Kê xếp máy lại vào kho như vị trí ban đầu.

4.3.6. Tái niêm cất

Toàn bộ số máy không trong diện phát động nổ bảo quản định kỳ, quy định bảo quản tái niêm cất, bao gồm các việc như sau:

- Tháo máy ra khỏi bao bì, kiểm tra toàn diện bằng ngoại quan;

- Tháo bugi (hoặc vòi phun) ra khỏi máy, tra dầu nhờn vào buồng đốt rồi dùng dây khởi động giật quay máy vài vòng;

- Nhỏ từ 2 giọt đến 3 giọt dầu nhờn vào phần ren bugi máy sau đo vặn chặt lại như cũ;

- Kiểm tra, thay mới dầu các te (nếu cần thiết);

- Kiểm tra, thay mới dầu bộ phận hút chân không (nếu cần thiết);

- Vệ sinh toàn bộ máy, vỏ hòm, đóng gói lại và cất xếp vào vị trí ban đầu.

4.4. Xuất hàng

- Bảo đảm nguyên tắc hàng nhập trước xuất trước, hàng nhập sau xuất sau; xuất gọn từng lô hàng đúng số lượng và chủng loại. Trong những trường hợp khác phải có ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý.

- Trong cùng một lô máy tiến hành xuất trước số máy thường xuyên được nổ máy bảo quản định kỳ tại mỗi điểm kho, nếu thiếu tiếp tục xuất tới số máy được niêm cất dài hạn cùng điểm kho đó.

- Bảo đảm chất lượng toàn bộ số lượng máy và các hồ sơ liên quan trước khi xuất cấp.

4.5. Chế độ ghi chép sổ sách theo dõi hàng hóa

4.5.1. Lập thẻ kho

- Mỗi lô hàng nhập kho phải được lập một thẻ kho, trong đó ghi rõ số lượng, chủng loại, nguồn gốc máy và ngày tháng năm nhập kho.

- Thẻ kho phải bảo đảm đúng các quy định về chế độ kế toán, thống kê và được cập nhật đầy đủ các biến động về số lượng hàng hóa khi xuất, nhập.

4.5.2. Sổ theo dõi công tác bảo quản

- Dùng để ghi chép hàng ngày hoặc đột xuất về tình hình công tác bảo quản hàng hóa, diễn biến về số lượng, chất lượng. Sổ phải đóng dấu giáp lai, ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu, có đầy đủ các thành phần ký tên và đóng dấu đơn vị.

- Thủ kho bảo quản máy phải ghi chép đầy đủ các diễn biến về chất lượng, công việc, bảo quản, các hư hỏng phát sinh và kết quả xử lý cho từng máy trong quá trình lưu kho. Định kỳ ba tháng một lần, thủ trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước phải kiểm tra và ghi nhận xét đánh giá công tác bảo quản vào sổ theo dõi công tác bảo quản.

5. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

5.1. Máy bơm nước chữa cháy nhập kho dự trữ nhà nước phải có chất lượng phù hợp với quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này.

5.2. Thời gian từ khi sản xuất máy bơm nước chữa cháy đến khi nhập kho dự trữ nhà nước

Không lớn hơn 9 tháng (kể từ thời gian vận chuyển).

5.3. Thời gian lưu kho

Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm bình thường (nhiệt độ Tmax ≤ 350C, độ ẩm RHmax ≤ 85%) thời gian bảo quản máy bơm nước chữa cháy nhập kho dự trữ nhà nước không lớn hơn 6 năm.

6. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

6.1. Các tổ chức, cá nhân cung cấp máy bơm nước chữa cháy cho dự trữ nhà nước có trách nhiệm cung cấp sản phẩm có chất lượng phù hợp với quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này.

6.2. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc giao nhận và bảo quản máy bơm nước chữa cháy theo đúng quy định tại mục 4 của Quy chuẩn này.

7. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

7.1. Tổng cục Dự trữ Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Quy chuẩn này.

7.2. Trong trường hợp các tiêu chuẩn, hướng dẫn quy định tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 41/2010/TT-BTC ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với máy bơm nước chữa cháy do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 41/2010/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/03/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Hữu Chí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 157 đến số 158
  • Ngày hiệu lực: 25/09/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 10/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản