Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2018/TT-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA THEO CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI THUẾ QUAN PHỔ CẬP CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU, NA UY, THỤY SỸ VÀ THỔ NHĨ KỲ

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (sau đây gọi là GSP) của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Thương nhân;

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP là việc thương nhân khai báo và cam kết về xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu đi Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

2. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP là chứng từ thương mại do thương nhân phát hành thể hiện nội dung khai báo và cam kết xuất xứ hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ theo GSP.

3. Mã số REX là mã số chứng nhận thương nhân đăng ký để thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP.

4. Tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX là cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền hoặc giao thực hiện việc tiếp nhận và đăng ký mã số REX.

Chương II

ĐĂNG KÝ, THU HỒI MÃ SỐ REX

Điều 4. Đăng ký mã số REX

1. Thương nhân muốn được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phải đăng ký mã số REX tại tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX và phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ theo quy định GSP.

2. Hồ sơ thương nhân để đăng ký mã số REX thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (sau đây gọi là Nghị định số 31/2018/NĐ-CP) và theo hướng dẫn của tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX.

3. Đối với thương nhân đã đăng ký hồ sơ thương nhân theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và sẽ đăng ký mã số REX tại cùng tổ chức đã đăng ký hồ sơ thương nhân, thương nhân không phải nộp lại hồ sơ thương nhân quy định tại khoản 2 Điều này khi đăng ký mã số REX.

4. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX công bố địa chỉ trang điện tử để thương nhân lựa chọn đăng ký mã số REX theo hình thức trực tuyến hoặc gửi hồ sơ đăng ký về tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX. Sau 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, việc đăng ký mã số REX được thực hiện hoàn toàn theo hình thức trực tuyến.

5. Thương nhân nhận ủy thác thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa cho thương nhân khác sang Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không được sử dụng mã số REX của mình để phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ theo GSP cho hàng hóa xuất khẩu của thương nhân ủy thác.

6. Cấu trúc mã số REX thực hiện theo quy định GSP và theo hướng dẫn của tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX.

7. Đối với lô hàng xuất khẩu theo GSP có tổng trị giá không vượt quá 6.000 (sáu nghìn) EUR (tính theo giá xuất xưởng), thương nhân được chứng nhận xuất xứ cho lô hàng đó mà không phải đăng ký mã số REX theo quy định tại Điều này.

Điều 5. Thu hồi mã số REX

1. Thương nhân bị thu hồi mã số REX khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đã giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật;

b) Thông báo không tiếp tục xuất khẩu hàng hóa để được hưởng GSP;

c) Không đáp ứng quy định GSP;

d) Khai báo xuất xứ hàng hóa không chính xác;

đ) Giả mạo chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

e) Không cập nhật thông tin theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư này;

g) Tái phạm việc không khai báo đầy đủ các thông tin theo quy định hoặc không đăng tải chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Thông tư này sau khi được tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX nhắc nhở bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương;

h) Vi phạm quy định khác hoặc gian lận về xuất xứ hàng hóa.

2. Việc thu hồi mã số REX do tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX thực hiện. Tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX lưu trữ thông tin thu hồi mã số REX trong vòng 10 năm kể từ ngày kết thúc của năm thu hồi mã số REX.

3. Trường hợp mã số REX bị thu hồi không đúng quy định, tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX thông báo cho thương nhân việc được tiếp tục sử dụng mã số REX ban đầu và được phép phát hành sau chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với lô hàng xuất khẩu đi Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian bị thu hồi mã số REX.

4. Trong trường hợp thương nhân vi phạm quy định từ điểm c đến điểm g khoản 1 Điều này, ngoài việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, thương nhân chỉ được xem xét cấp lại mã số REX mới tối thiểu sau 30 ngày kể từ ngày bị thu hồi.

5. Trong trường hợp thương nhân vi phạm quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, ngoài việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, thương nhân chỉ được xem xét cấp lại mã số REX mới tối thiểu sau 180 ngày kể từ ngày bị thu hồi.

6. Việc đăng ký lại mã số REX quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này sau khi thương nhân khắc phục và gửi văn bản cam kết không tái phạm về tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX. Thương nhân sử dụng mã số REX mới để chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu đi Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, không được phép phát hành sau chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với lô hàng xuất khẩu trong thời gian bị thu hồi mã số REX.

Chương III

CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA THEO GSP

Điều 6. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP

1. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP do thương nhân phát hành cho từng lô hàng và có giá trị hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành.

2. Trong trường hợp không được phát hành tại thời điểm xuất khẩu, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP được phép phát hành sau và ghi “retrospective statement”. Chứng từ phát hành sau phải được nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu trong vòng 2 năm kể từ ngày nhập khẩu.

3. Chứng từ nhập xuất xứ hàng hóa theo GSP được phát hành cho nhiều lô hàng xuất khẩu trong trường hợp hàng hóa đáp ứng điều kiện sau:

a) Chưa được lắp ráp hoặc tháo rời theo quy tắc 2a của Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa quy định tại Phụ lục 2 Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (sau đây gọi là Thông tư số 65/2017/TT-BTC); hoặc

b) Thuộc Phần XVI hoặc XVII hoặc nhóm 7308 hoặc 9406 của Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa quy định tại Phụ lục 2 Thông tư số 65/2017/TT-BTC; hoặc

c) Được xuất khẩu để lắp ráp.

4. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP phải có thông tin về mã số REX, thương nhân, hàng hóa và nội dung khai báo, cam kết xuất xứ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày phát hành, thương nhân khai báo, đăng tải chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu theo quy định từ điểm c đến điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP trên trang điện tử của tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX.

6. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP bị thu hồi hoặc hủy bỏ trong các trường hợp quy định từ điểm c đến điểm h khoản 1 Điều 5 Thông tư này. Tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX thông báo cho cơ quan, tổ chức liên quan về việc thu hồi hoặc hủy bỏ chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP trong trường hợp này.

Điều 7. Các trường hợp được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP

1. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP được miễn khi hàng hóa đóng gói nhỏ có tổng trị giá không vượt quá 500 (năm trăm) EUR hoặc hàng hóa là hành lý cá nhân có tổng trị giá không vượt quá 1.200 (một nghìn hai trăm) EUR.

2. Hàng hóa nêu tại khoản 1 Điều này không được nhập khẩu với mục đích thương mại, chỉ với mục đích sử dụng cá nhân và việc nhập khẩu diễn ra không thường xuyên.

Điều 8. Kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa

1. Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.

b) Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

c) Cơ quan chức năng khác trong nước đề nghị phối hợp khi có lý do nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa.

2. Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa của GSP và theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC LIÊN QUAN VÀ THƯƠNG NHÂN

Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương

1. Trách nhiệm của Cục Xuất nhập khẩu

a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản triển khai chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP.

b) Trình Bộ Công Thương ban hành văn bản ủy quyền hoặc giao cho các cơ quan, tổ chức thực hiện việc tiếp nhận đăng ký mã số REX.

c) Là đầu mối liên hệ với cơ quan, tổ chức thuộc Ủy ban châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP.

d) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan kiểm tra việc thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP.

2. Trách nhiệm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

a) Phối hợp với tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX triển khai hệ thống thu thập dữ liệu điện tử về chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP nhằm phục vụ công tác quản lý của Bộ Công Thương.

b) Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xử lý vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình thực hiện.

Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX

1. Tổ chức triển khai việc đăng ký và thu hồi mã số REX theo quy định tại Thông tư này và pháp luật về xuất xứ hàng hóa; phổ biến việc thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP; đôn đốc, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của thương nhân, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thuận lợi.

2. Báo cáo Cục Xuất nhập khẩu định kỳ hàng quý, hàng năm về việc thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP; báo cáo đột xuất khi có phát sinh hoặc theo yêu cầu của Cục Xuất nhập khẩu.

3. Chủ động theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP của thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan.

4. Tổ chức quản lý, bảo quản, lưu trữ tài liệu, hồ sơ, dữ liệu điện tử tối thiểu 5 năm kể từ ngày kết thúc của năm phát hành đối với chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP.

Điều 11. Trách nhiệm của thương nhân

1. Thực hiện quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Thông tư này và pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với thông tin khai báo.

3. Báo cáo tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP bị cơ quan hải quan nước nhập khẩu từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan.

4. Thông báo cho tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX khi có thay đổi về thông tin đã khai báo tại khoản 1 Điều 4 hoặc điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này. Trong trường hợp không có thay đổi, thông tin được thương nhân xác nhận 2 năm một lần.

5. Lưu trữ hồ sơ lô hàng xuất khẩu được chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP tối thiểu 5 năm kể từ ngày kết thúc của năm phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 12 năm 2018.

2. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Thương nhân chưa có mã số REX vẫn được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A cho hàng hóa xuất khẩu đi Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian chuyển tiếp theo quy định của Ủy ban châu Âu.

3. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP tự động không áp dụng khi Việt Nam không được các nước thuộc Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho hưởng GSP./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 38/2018/TT-BCT quy định về thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 38/2018/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/10/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1067 đến số 1068
  • Ngày hiệu lực: 14/12/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản