Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2016/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH VÀ HẠCH TOÁN THU, TRẢ LÃI TRONG HOẠT ĐỘNG NHẬN TIỀN GỬI VÀ CHO VAY GIỮA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ CÁC TỔ CHỨC KHÁC

Căn cứ Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 08/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ kế toán áp dụng đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tổ chức tín dụng và các tổ chức khác.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về:

1. Phương pháp tính và hạch toán các khoản trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tiền gửi của các tổ chức khác tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Phương pháp tính và hạch toán các khoản thu lãi cho vay giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước).

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tín dụng).

3. Các tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng được gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tổ chức khác).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tiền gửi của tổ chức tín dụng bao gồm tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước.

2. Tiền gửi của tổ chức khác là tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước của tổ chức khác.

3. Số tiền lãi là số tiền tổ chức tín dụng trả cho Ngân hàng Nhà nước về việc sử dụng số tiền đã vay hoặc số tiền Ngân hàng Nhà nước trả cho tổ chức tín dụng, tổ chức khác về việc nhận số tiền đã gửi.

4. Số dư tính lãi tiền gửi của tổ chức tín dụng là số dư tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc hoặc là số dư tiền gửi dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc được tính theo quy định về dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

5. Số dư tiền gửi của tổ chức khác là số tiền thực tế mà tổ chức khác gửi tại Ngân hàng Nhà nước.

6. Thời hạn tính lãi là khoảng thời gian được tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân khoản vay đến ngày thu hết nợ gốc và lãi hoặc từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước nhận tiền đến ngày trả hết nợ gốc và lãi.

7. Kỳ tính lãi là khoảng thời gian trong thời hạn tính lãi mà Ngân hàng Nhà nước dùng để tính số tiền lãi tiền gửi, tiền vay đối với tổ chức tín dụng và tổ chức khác.

8. Số dư thực tế tiền vay bao gồm số dư Nợ gốc trong hạn, số dư Nợ gốc quá hạn, số lãi chậm trả sử dụng để tính lãi theo thỏa thuận tại hợp đồng vay và theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. NGHIỆP VỤ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC NHẬN TIỀN GỬI CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Điều 4. Phương pháp tính lãi tiền gửi của tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng tính số tiền lãi của từng kỳ tính lãi như sau:

Số tiền lãi tiền gửi

=

∑(Số dư tính lãi tiền gửi của tổ chức tín dụng x Số ngày duy trì dự trữ bắt buộc x Lãi suất)

365

Trong đó:

+ Số ngày duy trì dự trữ bắt buộc: là số ngày áp dụng cùng một mức lãi suất của kỳ duy trì dự trữ bắt buộc trong kỳ tính lãi.

+ Lãi suất: là mức lãi suất tiền gửi của tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ (được tính theo tỷ lệ %/năm).

Điều 5. Ngân hàng Nhà nước trả lãi tiền gửi của tổ chức tín dụng

Việc trả lãi tiền gửi dự trữ bắt buộc hoặc lãi tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng.

Mục 2. NGHIỆP VỤ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC NHẬN TIỀN GỬI CỦA TỔ CHỨC KHÁC

Điều 6. Phương pháp tính lãi tiền gửi của tổ chức khác

Ngân hàng Nhà nước và tổ chức khác tính số tiền lãi của từng kỳ tính lãi như sau:

1. Số tiền lãi của một ngày được tính theo công thức như sau:

Số tiền lãi ngày

=

Số dư tiền gửi của tổ chức khác đầu ngày x Lãi suất

365

Số tiền lãi trong kỳ tính lãi bằng (=) tổng số tiền lãi ngày của toàn bộ các ngày trong kỳ tính lãi.

2. Đối với trường hợp có số ngày duy trì số dư tiền gửi nhiều hơn một (01) ngày trong kỳ tính lãi, Ngân hàng Nhà nước và tổ chức khác tính lãi theo công thức rút gọn sau:

Số tiền lãi

=

∑(Số dư tiền gửi của tổ chức khác đầu ngày duy trì x Số ngày duy trì số dư tiền gửi x Lãi suất)

365

Trong đó: Số ngày duy trì số dư tiền gửi là số ngày mà số dư tiền gửi của tổ chức khác không thay đổi.

3. Lãi suất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là mức lãi suất tiền gửi của tổ chức khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ (được tính theo tỷ lệ %/năm).

Điều 7. Ngân hàng Nhà nước trả lãi tiền gửi của tổ chức khác

Việc trả lãi tiền gửi của tổ chức khác thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Mục 3. NGHIỆP VỤ CHO VAY

Điều 8. Thời điểm chuyển sang nợ quá hạn

Đến cuối ngày đến hạn phải trả một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi theo thỏa thuận trên hợp đồng mà tổ chức tín dụng chưa trả hết nợ gốc và/hoặc lãi cho Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chuyển sang theo dõi quá hạn số tiền gốc và/hoặc lãi đến hạn chưa trả của tổ chức tín dụng.

Điều 9. Phương pháp tính lãi tiền vay

1. Lãi tiền vay bao gồm lãi tính trên số dư Nợ gốc trong hạn, số dư Nợ gốc quá hạn, số lãi chậm trả.

2. Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng tính số tiền lãi của từng kỳ tính lãi như sau:

a) Số tiền lãi của một ngày được tính theo công thức như sau:

Số tiền lãi ngày

=

∑(Số dư thực tế tiền vay đầu ngày x Lãi suất)

365

Số tiền lãi trong kỳ tính lãi bằng (=) tổng số tiền lãi ngày của toàn bộ các ngày trong kỳ tính lãi.

b) Đối với các khoản vay có số ngày duy trì số dư thực tế tiền vay nhiều hơn một (01) ngày trong kỳ tính lãi, Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng tính lãi theo công thức rút gọn sau:

Số tiền lãi

=

∑(Số dư thực tế tiền vay đầu ngày duy trì x Số ngày duy trì số dư thực tế tiền vay x Lãi suất)

365

Trong đó: Số ngày duy trì số dư thực tế tiền vay là số ngày mà số dư thực tế tiền vay không đổi trong kỳ tính lãi.

3. Lãi suất quy định tại khoản 2 Điều này là mức lãi suất áp dụng cho số dư Nợ gốc trong hạn, số dư Nợ gốc quá hạn, số lãi chậm trả theo thỏa thuận và phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước (được tính theo tỷ lệ %/năm).

Điều 10. Thu nợ gốc và lãi tiền vay

1. Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc thu lãi tiền vay theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng.

Trường hợp tổ chức tín dụng phải trả nợ gốc và lãi tiền vay cùng một kỳ hạn mà không có thỏa thuận về thứ tự trả gốc và lãi trong kỳ hạn đó, khi tổ chức tín dụng không trả nợ đầy đủ, đúng hạn cả gốc, lãi tiền vay theo thỏa thuận thì Ngân hàng Nhà nước thu hồi nợ gốc trước, nợ lãi tiền vay sau.

Trường hợp tổ chức tín dụng trả nợ trước hạn mà không có thỏa thuận về thứ tự trả gốc, lãi thì Ngân hàng Nhà nước thực hiện thu nợ gốc, lãi theo đề nghị của tổ chức tín dụng.

2. Đối với các khoản cho vay bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thu lãi theo loại ngoại tệ đã cho vay. Trường hợp thu lãi bằng loại ngoại tệ khác hoặc bằng Đồng Việt Nam thì thực hiện theo thỏa thuận giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

3. Trường hợp ngày thu lãi trùng vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.

Mục 4. CÔNG TÁC KẾ TOÁN

Điều 11. Nguyên tắc hạch toán

1. Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng hạch toán kế toán lãi nghiệp vụ tiền gửi, cho vay và đi vay theo nguyên tắc kế toán “cơ sở dồn tích” và chế độ tài chính.

2. Các khoản thu, trả lãi bằng ngoại tệ được chuyển đổi ra Đồng Việt Nam/đồng tiền kế toán để hạch toán vào thu nhập, chi phí.

3. Đối với Ngân hàng Nhà nước:

a) Lãi dự thu, dự trả được tính đến hết ngày cuối tháng và hạch toán vào ngày làm việc cuối cùng của tháng;

b) Các khoản thu nhập phải thu từ nghiệp vụ cho vay đã hạch toán thu nhập nhưng đến kỳ hạn thu không thu được, Ngân hàng Nhà nước hạch toán giảm thu nhập (nếu cùng kỳ kế toán) hoặc hạch toán vào chi phí (nếu khác kỳ kế toán) và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập;

c) Số lãi phải thu của các khoản cho vay quá hạn không phải hạch toán thu nhập. Ngân hàng Nhà nước theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập;

d) Người có thẩm quyền thực hiện cài đặt quy tắc tính và hạch toán lãi trên hệ thống ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống của Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi tắt là hệ thống phần mềm kế toán) tuân thủ theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật kế toán. Việc tính và hạch toán lãi được thực hiện trên hệ thống phần mềm kế toán trên cơ sở quy tắc đã được cài đặt.

4. Đối với tổ chức tín dụng: thực hiện tính toán và kiểm tra tính chính xác của số tiền lãi.

Điều 12. Hạch toán kế toán

1. Nghiệp vụ nhận tiền gửi

a) Ngân hàng Nhà nước:

(i) Hạch toán lãi dự trả: Tại ngày cuối cùng của tháng, hạch toán lãi vào tài khoản chi trả lãi tiền gửi, tài khoản lãi phải trả số tiền lãi của kỳ tính lãi dự trả trên hệ thống phần mềm kế toán theo các quy tắc kế toán đã được cài đặt sẵn theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 Thông tư này. Người được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra tính chính xác các giao dịch được ghi nhận trên hệ thống; in chứng từ kế toán và thực hiện lưu trữ theo quy định.

Trường hợp ngày cuối cùng của tháng là ngày nghỉ, ngày lễ thì số lãi dự trả được tính cho đến hết tháng và được hạch toán vào ngày làm việc cuối cùng của tháng,

(ii) Hạch toán trả lãi: Tại thời điểm trả lãi, người được giao nhiệm vụ thực hiện nhập thông tin, số liệu vào hệ thống phần mềm kế toán theo đúng quy trình hướng dẫn vận hành nghiệp vụ tiền gửi, Người được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra tính chính xác của giao dịch đã xử lý, hạch toán trên hệ thống và in chứng từ kế toán, lưu trữ theo quy định;

b) Tổ chức tín dụng:

Hạch toán kế toán nghiệp vụ gửi tiền theo quy định tại chế độ kế toán và chế độ tài chính áp dụng đối với tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Nghiệp vụ cho vay

a) Ngân hàng Nhà nước:

(i) Hạch toán lãi dự thu: Tại ngày cuối cùng của tháng, hạch toán vào tài khoản thu lãi cho vay, tài khoản lãi phải thu số tiền lãi của kỳ tính lãi dự thu trên hệ thống phần mềm kế toán theo các quy tắc kế toán đã được cài đặt sẵn theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 Thông tư này. Người được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra tính chính xác các giao dịch được ghi nhận trên hệ thống; in chứng từ kế toán và thực hiện lưu trữ theo quy định.

Trường hợp ngày cuối cùng của tháng là ngày nghỉ, ngày lễ thì số tiền lãi dự thu được tính cho đến hết tháng và được hạch toán vào ngày làm việc cuối cùng của tháng;

(ii) Hạch toán thu gốc và lãi: Tại thời điểm thu gốc và/hoặc lãi, căn cứ vào thỏa thuận trên hợp đồng và quy định tại Thông tư này, người được giao nhiệm vụ thực hiện nhập thông tin, số liệu vào hệ thống phần mềm kế toán theo đúng quy trình hướng dẫn vận hành nghiệp vụ cho vay. Người được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra tính chính xác của giao dịch đã xử lý, hạch toán trên hệ thống và in chứng từ kế toán, lưu trữ theo quy định;

b) Tổ chức tín dụng:

Hạch toán kế toán nghiệp vụ đi vay theo quy định tại chế độ kế toán và chế độ tài chính áp dụng đối với tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 13. Lập, luân chuyển, kiểm soát và lưu trữ chứng từ

Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng phải lập đầy đủ chứng từ hợp lệ, hợp pháp, thực hiện kiểm tra, kiểm soát, luân chuyển chứng từ và lưu trữ chứng từ kế toán theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật có liên quan.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của các đơn vị Ngân hàng Nhà nước

Các đơn vị Ngân hàng Nhà nước thực hiện hoạt động nhận tiền gửi và cho vay có trách nhiệm tính và hạch toán kịp thời, chính xác các khoản thu, trả lãi và báo Nợ, báo Có cho tổ chức tín dụng và tổ chức khác theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 15. Quyền và trách nhiệm của tổ chức tín dụng

1. Tổ chức tín dụng có quyền đề nghị Ngân hàng Nhà nước cung cấp báo Nợ, báo Có theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm tính và hạch toán theo quy định tại Thông tư này.

Điều 16. Quyền và trách nhiệm của tổ chức khác

Tổ chức khác có quyền đề nghị Ngân hàng Nhà nước cung cấp báo Nợ, báo Có và có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đối chiếu số tiền lãi theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Điều khoản chuyển tiếp

Việc tính lãi của các hợp đồng cho vay, tiền gửi ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước số 652/2001/QĐ-NHNN ngày 17 tháng 5 năm 2001 về việc ban hành quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng. Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung về phương pháp tính lãi trong hợp đồng cho vay, tiền gửi sau ngày Thông tư này có hiệu lực phải phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Sau ngày Thông tư này có hiệu lực, đối với những hợp đồng có điều khoản gia hạn tự động, việc tính lãi sau khi gia hạn phải được thực hiện theo quy định tại Thông tư này. Các đơn vị Ngân hàng Nhà nước thực hiện hoạt động nhận tiền gửi và cho vay có trách nhiệm thông báo với tổ chức tín dụng, tổ chức khác về việc thay đổi phương pháp tính, thu và trả lãi.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, việc tính và hạch toán thu trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tổ chức tín dụng, tổ chức khác thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 18;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Bộ Tài chính;
- Công báo;
- Lưu: VP, PC, TCKT (10 bản).

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đào Minh Tú

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 38/2016/TT-NHNN quy định về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tổ chức tín dụng và các tổ chức khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 38/2016/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2016
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Đào Minh Tú
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 77 đến số 78
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản