Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Chương III

MỨC GIỚI HẠN, PHƯƠNG PHÁP THỬ, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC KIỂM TRA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HÀM LƯỢNG FORMALDEHYT VÀ AMIN THƠM CHUYỂN HÓA TỪ THUỐC NHUỘM AZO TRONG SẢN PHẨM DỆT MAY

Điều 7. Mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may

1. Hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may không được vượt quá giới hạn quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hàm lượng mỗi amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may không được vượt quá 30 (ba mươi) mg/kg. Danh mục các amin thơm quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Phương pháp thử

1. Hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may được xác định theo một trong các tiêu chuẩn phương pháp thử sau:

a) TCVN 7421-1:2013, Vật liệu dệt - Xác định formaldehyt - Phần 1: Formaldehyt tự do và thủy phân (phương pháp chiết trong nước), hoặc;

b) ISO 14184-1:2011, Textiles - Determination of formaldehyde - Part 1: Free and hydrolized formaldehyde (water extraction method).

2. Hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trên vật liệu dệt trong sản phẩm dệt may được xác định theo các tiêu chuẩn phương pháp thử sau:

a) ISO 24362-1:2014, Vật liệu dệt - Phương pháp xác định các amin thơm chuyển hóa từ các chất màu azo - Phần 1: Phát hiện việc sử dụng các chất màu azo bằng cách chiết và không cần chiết xơ (Textiles - Methods for determination of certain aromatic amines derived from azo colorants - Part 1: Detection of the use of certain azo colorants accessible with and without extracting the fibres) ISO 24362-3:2014, Vật liệu dệt - Phương pháp xác định các amin thơm chuyển hóa từ các chất màu azo - Phần 3: Phát hiện việc sử dụng một số chất màu azo có thể giải phóng ra 4-aminoazobenzen (Textiles - Methods for determination of certain aromatic amines derived from azo colorants - Part 3: Detection of the use of certain azo colorants, which may release 4-aminoazobenzene), hoặc;

b) EN 14362-1:2012, Vật liệu dệt - Phương pháp xác định các amin thơm chuyển hóa từ các chất màu azo - Phần 1: Phát hiện việc sử dụng các chất màu azo bằng cách chiết và không cần chiết xơ (Textiles - Methods for determination of certain aromatic amines derived from azo colorants - Part 1: Detection of the use of certain azo colorants accessible with and without extracting the fibres) EN 14362-3:2012, Vật liệu dệt - Phương pháp xác định các amin thơm chuyển hóa từ các chất màu azo - phần 3: Phát hiện việc sử dụng một số chất màu azo có thể giải phóng ra 4-aminoazobenzen (Textiles - Methods for determination of certain aromatic amines derived from azo colorants - Part 3: Detection of the use of certain azo colorants, which may release 4-aminoazobenzene).

Điều 9. Lấy mẫu

1. Quy cách lấy mẫu

Mẫu được lấy phục vụ thử nghiệm hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may là mẫu không bị dính bẩn (đất, dầu, mỡ...) và được thực hiện như sau:

a) Đối với vải: Chiều dài mẫu là 0,5 (không phẩy năm) m, chiều rộng là cả khổ vải và cách đầu tấm vải ít nhất bằng chu vi của cuộn vải.

b) Đối với sản phẩm là sợi, chỉ may đã qua xử lý hóa học và các nguyên phụ liệu: Khối lượng mẫu ít nhất 50 (năm mươi) gram. Mẫu được lấy sau khi bóc bỏ lớp ngoài cùng đối với mẫu dạng côn, búp hoặc lấy mặt trong của con sợi, chỉ dạng guồng.

c) Đối với sản phẩm may, chi tiết phụ kiện, chi tiết trang trí bằng da tổng hợp trên sản phẩm may và sản phẩm đặc thù có bề mặt bằng vật liệu dệt đã gắn vào sản phẩm như thảm, rèm, đệm giường, đệm sofa, ghế: Lấy mẫu sản phẩm từ lô hàng, hoặc;

Mẫu vật liệu, chi tiết phụ kiện, chi tiết trang trí do nhà sản xuất cung cấp kèm theo văn bản xác nhận (bản chính có đóng dấu và chữ ký của đại diện nhà sản xuất hoặc bên bán hàng) các mẫu được lấy là vật liệu dùng để sản xuất các sản phẩm trên.

2. Bảo quản mẫu

Mẫu lấy xong phải được bao gói trong túi hoặc màng polyetylen có độ bền cao để tránh nhiễm bẩn. Mẫu được niêm phong theo quy định của pháp luật.

3. Số lượng mẫu

a) Phương thức kiểm tra thông thường

- Đối với vải: Mỗi màu/ mỗi loại lấy 01 (một) mẫu.

- Đối với sản phẩm là sợi,chỉ may đã qua xử lý hóa học và các nguyên phụ liệu: Mỗi màu, mỗi kiểu/loại lấy 01(một) mẫu.

- Đối với sản phẩm may, chi tiết phụ kiện, chi tiết trang trí bằng da tổng hợp trên sản phẩm may và sản phẩm đặc thù có bề mặt bằng vật liệu dệt đã gắn vào sản phẩm như thảm, rèm, đệm giường, đệm sofa, ghế: Mỗi màu/ mỗi loại lấy 01 (một) sản phẩm hoặc 01 (một) mẫu vật liệu.

- Đối với các lô hàng hóa là hàng tồn kho, hàng vét (có nhiều loại vải khác nhau, kích thước các cây vải, bao vải, kiện hàng không đồng nhất), tỷ lệ và số lượng mẫu được lấy như sau:

Trường hợp lô hàng có số lượng cây vải/ bao/ kiện hàng nhỏ hơn hoặc bằng 500 (năm trăm): lựa chọn ngẫu nhiên 3 (ba) % trong tổng số cây vải/ bao/ kiện hàng có trong lô hàng, lấy một mẫu đại diện từ mỗi cây vải/ bao/ kiện hàng đã lựa chọn;

Trường hợp lô hàng có số lượng cây vải/ bao/ kiện hàng lớn hơn 500 (năm trăm): Lựa chọn ngẫu nhiên 15 (mười lăm) trong 500 (năm trăm) cây vải/ bao/ kiện hàng và 2 (hai) % trong số cây vải/ bao/ kiện hàng còn lại (sau khi lấy 500 (năm trăm) cây vải/ bao/ kiện hàng) có trong lô hàng, lấy một mẫu đại diện từ mỗi cây vải/ bao/ kiện hàng đã lựa chọn.

- Đối với lô hàng gồm nhiều mã hàng dệt may, mỗi mã hàng không quá 5 (năm) sản phẩm và tổng lô hàng có không quá 200 (hai trăm) sản phẩm: lấy 01 (một) mẫu đại diện ngẫu nhiên cho mỗi mặt hàng trong lô hàng.

b) Phương thức lấy mẫu giảm (giảm số lượng mẫu)

- Đối với vải: Mỗi màu lấy 01(một) mẫu.

- Đối với sản phẩm là sợi, chỉ may đã qua xử lý hóa học và các nguyên phụ liệu: Mỗi màu lấy 01 (một) mẫu.

- Đối với sản phẩm may, chi tiết phụ kiện, chi tiết trang trí bằng da tổng hợp trên sản phẩm may và sản phẩm đặc thù có bề mặt bằng vật liệu dệt đã gắn vào sản phẩm như thảm, rèm, đệm giường, đệm sofa, ghế: Mỗi màu lấy 01 (một) sản phẩm hoặc 01 (một) mẫu vật liệu.

- Đối với các sản phẩm khác: vải, sợi, chỉ may đã qua xử lý hóa học, nguyên phụ liệu dùng cho sản phẩm may và hàng tồn kho, hàng vét, ... số lượng mẫu lấy từ 30 (ba mươi) % đến không quá 50 (năm mươi) % so với phương án lấy mẫu thông thường.

Điều 10. Trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm dệt may sản xuất trong nước

1. Việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may sản xuất trong nước thực hiện theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 132/2008/NĐ- CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Thông tư số 48/2011/TT-BCT.

2. Trình tự, thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may sản xuất trong nước được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 48/2011/TT-BCT.

Điều 11. Hình thức và hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu

1. Việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may nhập khẩu được thực hiện với các hình thức: kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất.

a) Kiểm tra thông thường

Các trường hợp sau đây áp dụng hình thức kiểm tra thông thường:

- Sản phẩm dệt may nhập khẩu, hoặc;

- Trong quá trình đánh giá chất lượng sản phẩm của các lô hàng nhập khẩu theo chế độ kiểm tra giảm hoặc kiểm tra hồ sơ phát hiện lô hàng không đảm bảo chất lượng thì áp dụng hình thức kiểm tra thông thường.

b) Kiểm tra giảm

Đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu cùng một mặt hàng, mã hàng do cùng một nhà sản xuất cung cấp, sau 3 (ba) lần kiểm tra chất lượng liên tiếp tại một tổ chức được ủy quyền, các lô hàng đều đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định tại Thông tư này, thì được áp dụng hình thức kiểm tra giảm, trừ trường hợp được quy định tại điểm a khoản này.

c) Kiểm tra hồ sơ

Các trường hợp sau đây được áp dụng hình thức kiểm tra hồ sơ:

- Sản phẩm dệt may nhập khẩu phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc làm hàng mẫu; hàng tham gia triển lãm, hội chợ; vải nhập khẩu phục vụ gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và vải nhập khẩu là nguyên liệu của doanh nghiệp chế xuất sau khi kết thúc hợp đồng và chuyển sang tiêu thụ nội địa: không quá 30 (ba mươi) m/mẫu vải/mầu hoặc 05 (năm) sản phẩm/mẫu;

- Sản phẩm dệt may nhập khẩu phục vụ các mục đích sử dụng đặc biệt cho an ninh, quốc phòng, y tế, nhân đạo, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, các sự kiện về văn hóa hoặc đối ngoại;

- Sản phẩm dệt may nhập khẩu đã có chứng chỉ và được dán Nhãn sinh thái của nước sản xuất hoặc xuất khẩu theo Danh mục quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Lô hàng gồm các sản phẩm dệt may hoàn chỉnh, có không quá 03 (ba) loại hàng hóa và 02 (hai) sản phẩm/mỗi loại hàng hóa (lô hàng nhỏ), có tần xuất nhập khẩu không quá 02 (hai) lần/tháng;

- Lô hàng gồm các sản phẩm nhập khẩu đã có kết quả thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm nước ngoài (không hoạt động tại Việt Nam) được Bộ Công Thương thừa nhận kết quả đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư này;

- Vải bán thành phẩm và các nguyên phụ liệu nhập khẩu từ 10 (mười) lô hàng hóa trở lên trong thời gian tối đa 06 (sáu) tháng liên tiếp thực hiện kiểm tra nhà nước tại cùng một tổ chức được ủy quyền đều đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư này;

- Các thương hiệu/ hãng/ công ty sản xuất sản phẩm dệt may có hệ thống quản lý hóa chất bị hạn chế sử dụng và quy trình đảm bảo chất lượng liên quan đến việc kiểm soát chuỗi sản xuất toàn cầu, ngoài hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều này bổ sung một số tài liệu sau:

Tài liệu liên quan đến hệ thống quản lý hóa chất bị hạn chế sử dụng;

Quy trình đảm bảo chất lượng liên quan đến việc kiểm soát chuỗi sản xuất qua các công đoạn: kiểm soát nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, các nhà thầu phụ và hệ thống phân phối toàn cầu;

Chứng chỉ công nhận liên quan đến việc công nhận các hệ thống đảm bảo chất lượng của công ty mẹ và các nhà thầu phụ trong chuỗi cung ứng do các tổ chức công nhận được thừa nhận bởi các tổ chức công nhận của khu vực và quốc tế (ví dụ: ILAC/APLAC….) cấp;

Một số kết quả đánh giá sự phù hợp điển hình để làm bằng chứng minh họa cho quá trình kiểm soát chất lượng của một vài sản phẩm cụ thể.

d) Kiểm tra xác suất

Việc kiểm tra xác suất được thực hiện đối với các lô hàng trong thời gian áp dụng hình thức kiểm tra hồ sơ với tần suất tối thiểu 06 (sáu) tháng 01 (một) lần với các trường hợp:

- Theo kế hoạch kiểm tra nhà nước hàng năm đã được Bộ Công Thương phê duyệt;

- Theo thông tin phản ánh trên thị trường, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có văn bản yêu cầu tổ chức được ủy quyền thực hiện tiến hành kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu mặt hàng tương ứng.

- Kinh phí thực hiện kiểm tra xác suất do tổ chức, cá nhân nhập khẩu được áp dụng hình thức kiểm tra xác suất chi trả theo quy định.

2. Hồ sơ đăng ký kiểm tra

a) Giấy đăng ký kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may nhập khẩu quy định tại mẫu 1 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có đóng dấu sao y bản chính hoặc xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu các giấy tờ sau: Hóa đơn (Invoice); Danh mục hàng hóa chi tiết kèm theo (Detailed Packing list); Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (tổ chức, cá nhân nhập khẩu cung cấp bổ sung Tờ khai cho tổ chức được Bộ Công Thương chỉ định và ủy quyền kiểm tra nhà nước sau khi hoàn thành thủ tục mở Tờ khai hàng hóa nhập khẩu và trước khi tiếp nhận Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước);

c) Văn bản hoặc hồ sơ minh chứng cho lô hàng thuộc đối tượng được áp dụng hình thức kiểm tra hồ sơ, kiểm tra giảm (nếu có).

Điều 12. Trình tự, thủ tục kiểm tra

1. Nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra và lấy mẫu

a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm dệt may nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra cho tổ chức kiểm tra nhà nước được ủy quyền;

b) Khi được yêu cầu lấy mẫu, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phối hợp với cơ quan Hải quan và tổ chức kiểm tra nhà nước được ủy quyền thực hiện việc lấy mẫu theo quy định tại Điều 9 thông tư này. Biên bản lấy mẫu quy định tại Mẫu 3 Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trình tự kiểm tra

a) Đối với hình thức kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm

Không quá 01 (một) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan kiểm tra được ủy quyền thông báo kế hoạch lấy mẫu cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu;

Không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được mẫu, cơ quan kiểm tra nhà nước được ủy quyền phải có thông báo bằng văn bản kết quả kiểm tra nhà nước;

Trường hợp kiểm tra giảm, tổ chức cá nhân nhập khẩu thuộc doanh nghiệp được ưu tiên theo quy định tại Điều 8 và Điều 23 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là Thông tư số 38/2015/TT-BTC) được đưa hàng về kho bảo quản. Khi có kết quả kiểm tra nhà nước sẽ tiến hành làm thủ tục thông quan chính thức.

b) Đối với hình thức kiểm tra hồ sơ

Không quá 01 (một) ngày làm việc kể từ khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan kiểm tra nhà nước được ủy quyền phải thông báo kế hoạch kiểm tra xác nhận sự phù hợp của lô hàng với hồ sơ cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu;

Không quá 01 (một) ngày làm việc kể từ khi kiểm tra sự phù hợp của hồ sơ đăng ký với lô hàng, cơ quan kiểm tra nhà nước được ủy quyền phải có thông báo bằng văn bản kết quả kiểm tra nhà nước.

Điều 13. Kết quả kiểm tra nhà nước

1. Trường hợp kết quả thử nghiệm của mẫu đại diện cho một mặt hàng đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Thông tư này thì mặt hàng đó được đánh giá là đạt yêu cầu.

2. Trường hợp kết quả thử nghiệm của tất cả các mặt hàng thuộc lô hàng đáp ứng yêu cầu quy định tại Thông tư này, thì lô hàng được đánh giá là đạt yêu cầu.

3. Trường hợp kết quả thử nghiệm mẫu đại diện cho màu/mặt hàng thuộc lô hàng không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Thông tư này thì đánh giá màu/mặt hàng tương ứng với mẫu đại diện trên không đạt yêu cầu. Màu/mặt hàng không đáp ứng yêu cầu được xử lý theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

4. Trường hợp kết quả thử nghiệm của mẫu đại diện cho lô hàng tồn kho, hàng vét (có nhiều loại vải khác nhau, kích thước các cây vải, bao vải, kiện hàng không đồng nhất) không đáp ứng yêu cầu tại Thông tư này, thì toàn bộ lô hàng được đánh giá là không đạt yêu cầu và được xử lý theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

5. Kết quả kiểm tra xác suất là căn cứ để tiếp tục thực hiện hoặc hủy bỏ việc áp dụng phương thức kiểm tra hồ sơ.

6. Trả kết quả: Kết quả kiểm tra nhà nước được thông báo qua đường bưu điện hoặc trực tiếp cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc cung cấp trực tiếp đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo quy định tại mục d, Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Điều 14. Hình thức xử lý vi phạm

1. Đối với hành vi vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước

Các hành vi vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với sản phẩm dệt may sản xuất trong nước, việc xử lý vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Đối với hành vi vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu a) Với sản phẩm dệt may áp dụng hình thức kiểm tra thông thường

Thực hiện xử lý hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 ngày 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Sau đây gọi là Nghị định số 80/2013/NĐ-CP).

b) Với sản phẩm áp dụng các hình thức kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ không đạt yêu cầu theo quy định tại thông tư này việc xử lý vi phạm thực hiện theo các hình thức sau:

- Thực hiện kiểm tra theo hình thức thông thường;

- Thực hiện xử lý vi phạm theo quy định tại mục a Khoản này.

3. Hành vi vi phạm của tổ chức được ủy quyền thực hiện kiểm tra nhà nước và tổ chức được chỉ định thực hiện hoạt động thử nghiệm được xử lý theo quy định tại Điều 20 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Điều 21 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ phạt cảnh cáo, tạm đình chỉ hoặc hủy bỏ Quyết định chỉ định.

Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 37/2015/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/10/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Cao Quốc Hưng
  • Ngày công báo: 23/11/2015
  • Số công báo: Từ số 1139 đến số 1140
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH