Mục 2 Chương 2 Thông tư 36/2016/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Điều 15. Công bố quyết định thanh tra
1. Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra.
2. Trưởng đoàn thanh tra chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra, đọc toàn văn quyết định thanh tra, nêu rõ mục đích, yêu cầu, cách thức và phương thức làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra, thời hạn thanh tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, chương trình làm việc cụ thể và những công việc khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.
3. Đối tượng thanh tra báo cáo về những nội dung thanh tra theo đề cương Đoàn thanh tra đã yêu cầu.
4. Các thành viên khác tham dự buổi công bố quyết định thanh tra phát biểu ý kiến liên quan đến nội dung thanh tra (nếu có).
5. Trưởng đoàn thanh tra phân công thành viên Đoàn thanh tra ghi biên bản về việc công bố quyết định thanh tra. Biên bản được ký giữa Trưởng đoàn thanh tra và người đại diện hợp pháp của đối tượng thanh tra.
Biên bản công bố quyết định thanh tra thực hiện theo Mẫu số 06-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 16. Trình tự tiến hành thanh tra
Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra theo trình tự sau:
1. Yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra.
Việc yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu thực hiện theo Mẫu số 07-TTr ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản giao nhận thông tin, tài liệu thực hiện theo Mẫu số 08-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Nghiên cứu các thông tin, tài liệu đã thu thập được để làm rõ nội dung thanh tra; đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra được phân công; xem xét, đánh giá mức độ rủi ro và các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của đối tượng thanh tra; xác định những nội dung liên quan nhưng chưa có hồ sơ để yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp bổ sung hồ sơ; xác định những vấn đề chưa rõ để yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình và cung cấp bổ sung hồ sơ.
Trường hợp cần đối tượng thanh tra báo cáo những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra có văn bản yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo. Văn bản yêu cầu báo cáo được thực hiện theo Mẫu số 09-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Trường hợp cần thiết để xác minh thông tin, tài liệu, hoặc làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra:
a) Người ra quyết định thanh tra hoặc Trưởng đoàn thanh tra mời người đại diện hợp pháp của đối tượng thanh tra, đại diện cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân có liên quan đến làm việc. Giấy mời được thực hiện theo Mẫu số 10-TTr ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Trường hợp cần xác minh thông tin, tài liệu tại cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra quyết định nội dung cần xác minh, thông báo trước thời gian, địa điểm, nội dung làm việc và yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác minh.
Trưởng đoàn thanh tra trực tiếp hoặc cử thành viên Đoàn thanh tra thực hiện xác minh. Khi tiến hành xác minh phải có từ hai (02) thành viên Đoàn thanh tra trở lên.
Khi làm việc với tổ chức, cá nhân được xác minh, thành viên Đoàn thanh tra phải xuất trình quyết định thanh tra, giấy giới thiệu của cơ quan quản lý trực tiếp người ra quyết định thanh tra, thẻ thanh tra viên (hoặc thẻ công chức đối với thành viên Đoàn thanh tra chưa phải là thanh tra viên);
c) Kết quả xác minh phải được thể hiện bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác minh hoặc lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh thực hiện theo Mẫu số 11-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp tổ chức, cá nhân được xác minh từ chối ký biên bản thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung ghi trong biên bản. Tổ chức, cá nhân được xác minh chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, đúng đắn và chính xác của hồ sơ, tài liệu, thông tin cung cấp.
4. Kết quả làm việc liên quan đến nội dung thanh tra giữa Đoàn thanh tra, Tổ thanh tra, nhóm thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra và cá nhân, đơn vị, người đại diện hợp pháp của đối tượng thanh tra phải được lập thành biên bản làm việc.
Biên bản làm việc thực hiện theo Mẫu số 12-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Quá trình thanh tra, nếu phát hiện vi phạm đến mức phải xử lý ngay thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phải lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra để làm cơ sở cho việc xử lý.
Việc xử lý vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan.
6. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo với người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra.
8. Việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan.
Điều 17. Báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ thanh tra
1. Theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt hoặc theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao cho Trưởng đoàn thanh tra. Trường hợp phát hiện những vấn đề vượt quá thẩm quyền cần phải xử lý ngay thì kịp thời báo cáo Trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định.
Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xem xét, có ý kiến chỉ đạo cụ thể, trực tiếp về các báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ, xử lý kịp thời kiến nghị của thành viên Đoàn thanh tra; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.
2. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo với người ra quyết định thanh tra về tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ thanh tra của Đoàn thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt hoặc theo yêu cầu đột xuất của người ra quyết định thanh tra.
Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản về báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ, xử lý kịp thời kiến nghị của Trưởng đoàn thanh tra. Trường hợp phát hiện những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì người ra quyết định thanh tra kịp thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp xem xét, quyết định. Trường hợp vượt quá thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thì người ra quyết định thanh tra kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.
3. Báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra được thể hiện bằng văn bản, gồm các nội dung: tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra đến ngày báo cáo so với kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt; nội dung thanh tra đã hoàn thành, kết quả phần việc đã thanh tra, nội dung thanh tra đang tiến hành; dự kiến công việc thực hiện trong thời gian tới; khó khăn, vướng mắc và đề xuất (nếu có); trường hợp chậm tiến độ hoặc nội dung thanh tra chưa hoàn thành theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt thì phải báo cáo lý do và đề xuất xử lý.
Điều 18. Sửa đổi, bổ sung quyết định thanh tra liên quan đến đối tượng thanh tra, nội dung thanh tra
1. Người ra quyết định thanh tra là người ra quyết định thanh tra sửa đổi, bổ sung quyết định thanh tra.
2. Việc sửa đổi, bổ sung nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra của quyết định thanh tra được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:
a) Yêu cầu quản lý của Ngân hàng Nhà nước;
b) Yêu cầu, đề nghị của các cơ quan chức năng có liên quan;
c) Thực tế phát sinh trong quá trình Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quyết định thanh tra.
3. Sửa đổi, bổ sung quyết định thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra:
a) Khi có căn cứ sửa đổi, bổ sung nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra của quyết định thanh tra quy định tại khoản 2 Điều này, người ra quyết định thanh tra xem xét ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thanh tra và yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra thực hiện theo quyết định thanh tra sửa đổi, bổ sung;
b) Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo nội dung sửa đổi, bổ sung quyết định thanh tra cho các thành viên Đoàn thanh tra; xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra sửa đổi, bổ sung và tổ chức triển khai thực hiện.
4. Sửa đổi, bổ sung quyết định thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra theo đề nghị của Đoàn thanh tra:
a) Khi có căn cứ sửa đổi, bổ sung nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra của quyết định thanh tra quy định tại khoản 2 Điều này, Đoàn thanh tra thảo luận về đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung quyết định thanh tra, đối tượng thanh tra. Các ý kiến khác nhau phải được Trưởng đoàn thanh tra báo cáo đầy đủ với người ra quyết định thanh tra;
b) Trưởng đoàn thanh tra thay mặt Đoàn thanh tra có văn bản đề nghị người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung nội dung quyết định thanh tra. Văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung quyết định thanh tra phải nêu rõ lý do, nội dung sửa đổi, bổ sung và những nội dung khác có liên quan để người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định. Ý kiến của người ra quyết định thanh tra phải thể hiện bằng văn bản;
c) Trường hợp người ra quyết định thanh tra phê duyệt việc sửa đổi, bổ sung nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra của quyết định thanh tra thì người ra quyết định thanh tra có quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thanh tra yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra thực hiện theo quyết định thanh tra sửa đổi, bổ sung.
Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo nội dung sửa đổi, bổ sung quyết định thanh tra cho các thành viên Đoàn thanh tra; xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra sửa đổi, bổ sung và tổ chức triển khai thực hiện.
5. Trường hợp nội dung quyết định thanh tra cần sửa đổi, bổ sung làm thay đổi nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra của kế hoạch thanh tra hằng năm đã được phê duyệt thì người ra quyết định thanh tra báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp xem xét, quyết định và phải báo cáo người phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm đó.
6. Quyết định thanh tra sửa đổi, bổ sung phải được gửi cho các đối tượng đã nhận quyết định thanh tra ban đầu và đối tượng thanh tra bổ sung. Quyết định thanh tra sửa đổi, bổ sung thực hiện theo Mẫu số 13-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.
7. Kế hoạch tiến hành thanh tra sửa đổi, bổ sung phải được gửi cho các đối tượng đã nhận kế hoạch tiến hành thanh tra ban đầu.
Điều 19. Gia hạn thời gian thanh tra
1. Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra do Thanh tra, giám sát Ngân hàng tiến hành không quá 45 ngày. Trường hợp nội dung thanh tra phức tạp, liên quan đến trách nhiệm nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cần gia hạn thời gian thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có văn bản đề nghị người ra quyết định thanh tra gia hạn thời gian thanh tra. Văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do, thời gian kéo dài; ý kiến khác nhau của các thành viên Đoàn thanh tra về việc đề nghị gia hạn thời gian thanh tra (nếu có).
2. Trường hợp gia hạn thời gian thanh tra đến 70 ngày, căn cứ đề nghị của Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định và báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp.
3. Trường hợp gia hạn thời gian thanh tra trên 70 ngày:
a) Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thì Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
b) Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thì Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng để báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
c) Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thì Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
d) Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thì Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trình Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
đ) Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, người ra quyết định thanh tra ra quyết định gia hạn thời gian thanh tra;
e) Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chưa quyết định gia hạn thời gian thanh tra mà thời hạn thanh tra đã hết thì Đoàn thanh tra tạm dừng việc thanh tra tại nơi được thanh tra; thời gian tạm dừng việc thanh tra không tính vào thời gian thanh tra được gia hạn. Khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định gia hạn thời gian thanh tra, Đoàn thanh tra tiếp tục việc thanh tra tại nơi được thanh tra; trường hợp Thủ tướng Chính phủ không đồng ý gia hạn thời gian thanh tra thì Đoàn thanh tra phải kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra và thực hiện các công việc tiếp theo của việc kết thúc thanh tra theo quy trình tiến hành một cuộc thanh tra theo quy định của pháp luật.
4. Quyết định gia hạn thời gian thanh tra được gửi cho Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quyết định gia hạn thời gian thanh tra thực hiện theo Mẫu số 14-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 20. Kết thúc việc tiến hành thanh tra
1. Chuẩn bị kết thúc việc tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, tổ chức họp Đoàn thanh tra thống nhất các nội dung công việc cần thực hiện cho đến ngày kết thúc thanh tra.
2. Trưởng đoàn thanh tra báo cáo với người ra quyết định thanh tra về dự kiến kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra.
3. Trưởng đoàn thanh tra thông báo bằng văn bản về thời gian kết thúc thanh tra gửi cho đối tượng thanh tra biết hoặc nếu cần thiết có thể tổ chức buổi làm việc với đối tượng thanh tra để thông báo việc kết thúc thanh tra; buổi làm việc được lập thành biên bản và được ký giữa người đại diện hợp pháp của đối tượng thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra.
4. Văn bản thông báo kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra thực hiện theo Mẫu số 15-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư 36/2016/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 36/2016/TT-NHNN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/12/2016
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
- Ngày công báo: 21/01/2017
- Số công báo: Từ số 75 đến số 76
- Ngày hiệu lực: 18/02/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra và thanh tra lại
- Điều 5. Tổ chức Đoàn thanh tra
- Điều 6. Tiêu chuẩn của Trưởng đoàn thanh tra
- Điều 7. Thay đổi Trưởng đoàn thanh tra
- Điều 8. Thay đổi, bổ sung thành viên Đoàn thanh tra
- Điều 9. Thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình trước khi ra quyết định thanh tra
- Điều 10. Báo cáo kết quả thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình
- Điều 11. Ra quyết định thanh tra
- Điều 12. Xây dựng, phê duyệt và phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra
- Điều 13. Xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo
- Điều 14. Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra
- Điều 15. Công bố quyết định thanh tra
- Điều 16. Trình tự tiến hành thanh tra
- Điều 17. Báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ thanh tra
- Điều 18. Sửa đổi, bổ sung quyết định thanh tra liên quan đến đối tượng thanh tra, nội dung thanh tra
- Điều 19. Gia hạn thời gian thanh tra
- Điều 20. Kết thúc việc tiến hành thanh tra
- Điều 21. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra
- Điều 22. Xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra
- Điều 23. Xem xét báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra
- Điều 24. Xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra
- Điều 25. Ký và ban hành kết luận thanh tra
- Điều 26. Căn cứ thanh tra đột xuất
- Điều 27. Ra quyết định thanh tra đột xuất
- Điều 28. Xây dựng, phê duyệt và phổ biến kế hoạch thanh tra đột xuất tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
- Điều 29. Xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo
- Điều 30. Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra đột xuất
- Điều 31. Trình tự, thủ tục cuộc thanh tra đột xuất tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài