Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2016/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2016

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ THUẾ ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TIẾN HÀNH HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM THĂM DÒ VÀ KHAI THÁC DẦU KHÍ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT DẦU KHÍ

Căn cứ Luật Dầu khí ngày 06/07/1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí số 19/2000/QH10 ngày 09/06/2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí số 10/2008/QH12 ngày 03/06/2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ các Luật thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành;

Căn cứ Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ Ban hành hợp đồng mẫu của Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn các quy định về thuế đối với: các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là nhà thầu) tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu thô, condensate (sau đây gọi chung là dầu thô) và khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than (sau đây gọi chung là khí thiên nhiên) tại Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí; và các bên có quan hệ liên kết với nhà thầu tham gia trong hợp đồng dầu khí.

Các bên có quan hệ liên kết nêu trên là các bên có mối quan hệ như một trong các trường hợp dưới đây:

- Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào bên kia;

- Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức của một bên khác;

- Các bên cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào một bên khác.

2. Thông tư này không áp dụng đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí của Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” từ lô 09-1 theo quy định tại Hiệp định 2010 và Nghị định thư 2013 giữa Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga trừ quy định về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí quy định tại Mục 4 Thông tư này.

Điều 2. Người nộp thuế

1. Người nộp thuế là các bên nhà thầu tham gia trong hợp đồng dầu khí.

Người nộp thuế ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai thuế và người nộp thuế tự thực hiện nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định; hoặc Người nộp thuế ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai, nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định.

2. Trường hợp hợp đồng dầu khí có thoả thuận Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay mặt các nhà thầu nộp các loại thuế thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai thuế và Tập đoàn tự thực hiện nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định; hoặc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai, nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định.

3. Người nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 23 Mục 4 Chương II Thông tư này.

Điều 3. Đồng tiền khai, nộp thuế

1. Đồng tiền khai, nộp các loại thuế hướng dẫn tại Thông tư này gồm thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí là đô la Mỹ.

2. Trường hợp dầu thô, khí thiên nhiên được bán tại thị trường Việt Nam, giá bán được xác định trên cơ sở đô la Mỹ thì đồng tiền nộp thuế là đồng Việt Nam.

Việc quy đổi từ đô la Mỹ sang đồng Việt Nam để tính thuế, nộp thuế được thực hiện theo tỷ giá mua vào theo hình thức chuyển khoản của Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm lập hóa đơn.

3. Trường hợp dầu thô, khí thiên nhiên được bán và thu bằng đô la Mỹ nhưng người nộp thuế nộp thuế bằng đồng Việt Nam theo quy định của Chính phủ thì đồng tiền nộp thuế là đồng Việt Nam.

Việc quy đổi từ đô la Mỹ sang đồng Việt Nam để thanh toán cho khoản nghĩa vụ phải nộp bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Điều 4. Địa điểm đăng ký thuế, khai, nộp thuế

1. Địa điểm đăng ký thuế, khai, nộp thuế (trừ thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu) là Cục Thuế địa phương nơi người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung đặt trụ sở, văn phòng điều hành chính.

2. Đối với các hợp đồng dầu khí đã tiến hành khai thác trước khi ban hành Thông tư này, địa điểm khai, nộp thuế thực hiện theo các hướng dẫn trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 5. Nguyên tắc xác định giá tính thuế

1. Đối với dầu thô, giá tính thuế theo quy định tại Thông tư này là giá bán dầu thô tại điểm giao nhận được xác định theo giao dịch sòng phẳng.

“Giao dịch sòng phẳng” là việc bán tại thị trường Việt Nam và trên thị trường quốc tế bằng đồng tiền tự do chuyển đổi giữa người bán và người mua tự nguyện và không có liên quan, nhưng không bao gồm việc bán bởi một bên cho một chi nhánh của họ, bán giữa các chính phủ hoặc các tổ chức do chính phủ sở hữu hoặc giao dịch trao đổi hoặc đổi hàng và các lần bán không theo giá thị trường tự do quốc tế.

“Điểm giao nhận” là điểm mà tại đó dầu khí chạm mặt bích ngoài của tàu dầu hoặc phương tiện tàng chứa dùng để lấy hoặc tiêu thụ dầu khí hoặc những điểm khác theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng dầu khí mà ở đó dầu khí được chuyển giao quyền sở hữu cho các bên tham gia hợp đồng dầu khí.

Trường hợp dầu thô được bán không theo giao dịch sòng phẳng thì giá tính thuế đối với dầu thô là giá bán trung bình cộng của tháng xuất bán dầu thô của dầu thô cùng loại hoặc tương đương trên thị trường quốc tế. Người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế các thông tin về thành phần, chất lượng của dầu thô đang khai thác. Khi cần thiết, cơ quan thuế tham khảo giá bán trên thị trường Mỹ (WTI), thị trường Anh (Brent) hay thị trường Singapore (Plátt’s) hoặc tham khảo ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định giá dầu thô đang khai thác của người nộp thuế.

2. Đối với khí thiên nhiên, giá tính thuế là giá bán khí thiên nhiên tại điểm giao nhận, được xác định theo hợp đồng mua bán khí thiên nhiên, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với thỏa thuận tại hợp đồng dầu khí, có tính đến thời điểm tính giá, thị trường và các yếu tố liên quan khác (nếu có). Khi cần thiết, cơ quan thuế sẽ tham khảo ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định giá khí thiên nhiên đang khai thác của người nộp thuế.

Điều 6. Các quy định chung khác

1. Trường hợp một tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo nhiều hợp đồng dầu khí khác nhau thì việc thực hiện quy định về thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện riêng rẽ theo từng hợp đồng dầu khí.

2. Các hướng dẫn về quản lý thuế không hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương II

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ THUẾ

Mục 1. THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 7. Đối tượng chịu thuế tài nguyên

1. Đối tượng chịu thuế tài nguyên là toàn bộ sản lượng dầu thô và khí thiên nhiên thực tế khai thác và thu được từ diện tích hợp đồng dầu khí, được đo tại điểm giao nhận (sản lượng dầu thực, sản lượng khí thực).

2. Trường hợp Chính phủ Việt Nam sử dụng lượng khí đồng hành của người nộp thuế, không trao đổi, không bán thu tiền thì người nộp thuế không phải nộp thuế tài nguyên đối với lượng khí đồng hành này.

3. Trường hợp trong quá trình khai thác dầu thô và khí thiên nhiên, người nộp thuế được phép khai thác tài nguyên khác, thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên thì thực hiện nộp thuế tài nguyên đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định tại Luật thuế Tài nguyên và văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 8. Kỳ tính thuế tài nguyên

- Trường hợp hợp đồng dầu khí không có thỏa thuận hoặc có thỏa thuận thực hiện theo quy định hiện hành hoặc có thỏa thuận phân bổ sản lượng dầu, khí thực thành dầu, khí thuế tài nguyên được thực hiện theo quý, được tạm tính vào thời điểm lấy dầu khí và được điều chỉnh cuối cùng sau khi kết thúc năm thì kỳ tính thuế là năm dương lịch.

- Trường hợp hợp đồng dầu khí có thỏa thuận việc phân bổ sản lượng dầu, khí thực thành dầu, khí thuế tài nguyên để nộp thuế được thực hiện theo từng quý, được tạm tính vào thời điểm lấy dầu, khí và được điều chỉnh cuối cùng sau khi kết thúc quý thì thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng dầu khí (kỳ tính thuế theo quý).

- Kỳ tính thuế tài nguyên đầu tiên bắt đầu từ ngày khai thác dầu thô, khí thiên nhiên đầu tiên cho đến ngày kết thúc năm dương lịch hoặc ngày kết thúc quý.

- Kỳ tính thuế tài nguyên cuối cùng bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm dương lịch hoặc ngày đầu tiên của quý đến ngày kết thúc khai thác dầu thô, khí thiên nhiên.

Điều 9. Xác định số thuế tài nguyên phải nộp

1. Thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên được xác định trên cơ sở luỹ tiến từng phần của sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên bình quân mỗi ngày khai thác được của tổng sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên thực khai thác trong mỗi kỳ nộp thuế từ diện tích hợp đồng dầu khí, thuế suất thuế tài nguyên và số ngày khai thác thực trong kỳ tính thuế.

2. Xác định thuế tài nguyên bằng dầu thô hoặc khí thiên nhiên phải nộp:

Thuế tài nguyên bằng dầu thô hoặc khí thiên nhiên phải nộp

=

Sản lượng dầu thô, hoặc khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên bình quân ngày trong kỳ tính thuế

x

Thuế suất thuế tài nguyên

x

Số ngày khai thác dầu thô, hoặc khí thiên nhiên thực trong kỳ tính thuế

Trong đó:

+ Sản lượng dầu thô hoặc khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên bình quân ngày trong kỳ tính thuế là toàn bộ sản lượng dầu thô hoặc khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên khai thác trong kỳ tính thuế chia cho số ngày khai thác thực trong kỳ tính thuế.

+ Thuế suất thuế tài nguyên: thực hiện theo quy định của pháp luật thuế tài nguyên. Trường hợp hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 có thỏa thuận cụ thể về thuế suất thuế tài nguyên thì thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng dầu khí đã ký kết.

Việc xác định dự án khuyến khích đầu tư dầu khí để làm căn cứ áp dụng thuế suất thuế tài nguyên căn cứ vào danh mục các dự án khuyến khích đầu tư dầu khí do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

+ Số ngày khai thác dầu thô hoặc khí thiên nhiên thực trong kỳ tính thuế là số ngày tiến hành hoạt động khai thác dầu thô hoặc khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế, trừ các ngày ngừng sản xuất trên toàn bộ diện tích hợp đồng do mọi nguyên nhân.

Ví dụ 1: Xác định thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp đối với trường hợp khai thác dầu thô (giả sử theo quý):

Giả sử:

+ Tổng sản lượng dầu thô chịu thuế tài nguyên, khai thác trong kỳ nộp thuế: 12.000.000 thùng.

+ Số ngày sản xuất trong kỳ nộp thuế: 75 ngày.

+ Sản lượng dầu thô chịu thuế tài nguyên bình quân ngày trong kỳ nộp thuế: 160.000 thùng/ngày (12.000.000 thùng:75 ngày).

+ Dầu thô được khai thác từ hợp đồng không thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư (trường hợp dầu thô được khai thác từ hợp đồng thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư thì tính tương tự với thuế suất thuế tài nguyên áp dụng đối với dự án khuyến khích đầu tư).

Thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp trong kỳ nộp thuế được xác định như sau:

{(20.000 x 10%) + (30.000 x 12%) + (25.000 x 14%) + (25.000 x 19%) + (50.000 x 24%) + (10.000 x 29%)} x 75 ngày = 2.156.250 thùng.

Ví dụ 2: Xác định thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên, phải nộp đối với trường hợp khai thác khí thiên nhiên (giả sử theo quý):

Giả sử:

+ Tổng sản lượng khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên, khai thác trong kỳ nộp thuế: 855.000.000 m3.

+ Số ngày sản xuất trong kỳ tính thuế: 75 ngày.

+ Sản lượng khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên bình quân ngày trong kỳ nộp thuế: 11.400.000 m3/ngày (= 855.000.000 m3 : 75 ngày).

+ Khí thiên nhiên được khai thác từ hợp đồng không thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư.

Thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên phải nộp trong kỳ nộp thuế được xác định như sau:

{(5.000.000 x 2%) + (5.000.000 x 5%) + (1.400.000 x 10%)} x 75 ngày = 36.750.000 m3.

Điều 10. Xác định thuế tài nguyên tạm tính

1. Thuế tài nguyên được nộp: toàn bộ bằng dầu thô, khí thiên nhiên; hoặc toàn bộ bằng tiền; hoặc một phần bằng tiền và một phần bằng dầu thô, khí thiên nhiên.

Trường hợp thuế tài nguyên được nộp bằng dầu thô, khí thiên nhiên, cơ quan thuế sẽ thông báo cho người nộp thuế bằng văn bản trước 6 tháng và hướng dẫn cụ thể về khai, nộp thuế tài nguyên bằng dầu thô, khí thiên nhiên.

2. Xác định số tiền thuế tài nguyên tạm tính:

Số tiền thuế tài nguyên tạm tính

=

Sản lượng dầu thô hoặc khí thiên nhiên thực tế bán

x

Giá tính thuế tài nguyên

x

Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính

Trong đó:

+ Sản lượng dầu thô thực tế bán là sản lượng dầu thô chịu thuế tài nguyên theo từng lần xuất bán;

+ Sản lượng khí thiên nhiên thực tế bán là sản lượng khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên đã bán theo từng tháng;

+ Giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô là giá bán tại điểm giao nhận theo giao dịch sòng phẳng từng lần xuất bán không bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có);

+ Giá tính thuế tài nguyên đối với đối với khí thiên nhiên là giá bán tại điểm giao nhận theo từng tháng xuất bán, không bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có).

Trường hợp người nộp thuế tách riêng được chi phí vận chuyển khí thiên nhiên trên hóa đơn thì giá tính thuế tài nguyên đối với khí thiên nhiên là giá bán tại điểm giao nhận theo từng tháng xuất bán, không bao gồm chi phí vận chuyển, thuế giá trị gia tăng (nếu có).

Trường hợp dầu thô được bán không theo giao dịch sòng phẳng thì giá tính thuế tài nguyên xác định như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

+ Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính được xác định như hướng dẫn dưới đây:

Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính

=

Thuế tài nguyên bằng dầu thô, khí thiên nhiên dự kiến phải nộp trong kỳ tính thuế

x 100%

Sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên dự kiến khai thác trong kỳ tính thuế

+ Thuế tài nguyên bằng dầu thô, khí thiên nhiên dự kiến phải nộp trong kỳ tính thuế được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này, trên cơ sở sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên dự kiến khai thác trong kỳ tính thuế, số ngày dự kiến khai thác;

+ Sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên dự kiến khai thác trong kỳ tính thuế là sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên dự kiến khai thác trong kỳ tính thuế.

3. Thời hạn người nộp thuế nộp thông báo tỷ lệ tạm nộp thuế theo mẫu Báo cáo dự kiến sản lượng dầu khí khai thác và tỷ lệ tạm nộp thuế số 01/BCTL-DK ban hành kèm theo Thông tư này như sau:

- Trường hợp hợp đồng dầu khí có thỏa thuận kỳ tính thuế tài nguyên theo năm thì căn cứ sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên dự kiến khai thác năm tiếp theo, người nộp thuế xác định tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính thông báo cho cơ quan thuế địa phương nơi đăng ký thuế biết chậm nhất là ngày 01 tháng 12 của kỳ tính thuế năm trước.

Trong kỳ tính thuế, trường hợp dự kiến sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên khai thác, dự kiến số ngày khai thác dầu khí 6 tháng cuối năm thay đổi dẫn đến tăng hoặc giảm tỷ lệ tạm nộp thuế tài nguyên từ 15% trở lên so với tỷ lệ tạm nộp thuế tài nguyên tạm tính đã thông báo với cơ quan thuế thì người nộp thuế có trách nhiệm xác định và thông báo tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính mới cho cơ quan thuế biết chậm nhất là ngày 01 tháng 5 năm đó.

- Trường hợp hợp đồng dầu khí có thỏa thuận kỳ tính thuế tài nguyên theo quý thì căn cứ sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên dự kiến khai thác quý tiếp theo, người nộp thuế xác định tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính thông báo cho cơ quan thuế địa phương nơi đăng ký thuế biết chậm nhất là ngày 01 của tháng liền kề trước quý tiếp theo.

- Trường hợp hợp đồng dầu khí bắt đầu được đưa vào khai thác thương mại, người nộp thuế có trách nhiệm xác định và thông báo tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính cho cơ quan thuế khi khai nộp thuế tài nguyên tạm tính đối với các chuyến dầu thô, khí thiên nhiên đầu tiên được khai thác và xuất bán trong diện tích hợp đồng.

Ví dụ 3: Xác định tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính (theo kỳ tính thuế năm):

- Xác định tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính đối với dầu thô:

Giả sử:

+ Tổng sản lượng dầu thô chịu thuế tài nguyên, dự kiến khai thác trong năm: 72.000.000 thùng.

+ Số ngày dự kiến khai thác trong năm: 360 ngày.

+ Sản lượng dầu thô chịu thuế tài nguyên bình quân ngày trong năm: 200.000 thùng/ngày (72.000.000 thùng : 360 ngày).

+ Thuế tài nguyên dự kiến phải nộp trong năm (xác định như hướng dẫn tại Điều 9, Thông tư này): 14.526.000 thùng.

Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính từ khai thác dầu thô là:

14.526.000

x 100% = 20,1750%

72.000.000

- Xác định tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính đối với khí thiên nhiên:

Giả sử:

+ Tổng sản lượng khí thiên chịu thuế tài nguyên, dự kiến khai thác trong năm: 3.960.000.000 m3.

+ Số ngày dự kiến khai thác trong năm: 360 ngày.

+ Sản lượng khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên bình quân ngày năm: 11.000.000 m3/ ngày (3.960.000.000 m3: 360 ngày).

+ Thuế tài nguyên dự kiến phải nộp trong năm (xác định như hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư này): 162.000.000 m3.

Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính từ khai thác khí thiên nhiên là:

162.000.000

x 100% = 4,0909%

3.960.000.000

Điều 11. Quyết toán thuế tài nguyên

1. Đối với khai thác dầu thô:

a) Xác định số tiền thuế tài nguyên phải nộp:

a.1) Xác định thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp trong kỳ tính thuế:

Thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp trong kỳ tính thuế

=

Sản lượng dầu thô chịu thuế tài nguyên bình quân ngày trong kỳ tính thuế

x

Thuế suất thuế tài nguyên

x

Số ngày khai thác dầu thô thực trong kỳ tính thuế

a.2) Xác định tỷ lệ thuế tài nguyên bằng dầu thô so với sản lượng dầu thô khai thác trong kỳ tính thuế:

Tỷ lệ thuế tài nguyên bằng dầu thô trong kỳ tính thuế

=

Thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp trong kỳ tính thuế

x

100%

Sản lượng dầu thô khai thác trong kỳ tính thuế

a.3) Xác định thuế tài nguyên bằng dầu thô bán trong kỳ tính thuế:

Thuế tài nguyên bằng dầu thô bán trong kỳ tính thuế

=

Sản lượng dầu thô bán

x

Tỷ lệ thuế tài nguyên bằng dầu thô trong kỳ tính thuế

a.4) Xác định số tiền phải nộp từ bán thuế tài nguyên bằng dầu thô trong kỳ tính thuế:

Số tiền phải nộp từ bán thuế tài nguyên bằng dầu thô trong kỳ tính thuế

=

Thuế tài nguyên bằng dầu thô bán trong kỳ tính thuế

x

Giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô

Trong đó:

+ Thuế tài nguyên bằng dầu thô bán trong kỳ tính thuế xác định như hướng dẫn tại điểm a.3, khoản 1, Điều này;

+ Giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô: là giá bình quân gia quyền của dầu thô được bán tại điểm giao nhận theo giao dịch sòng phẳng trong kỳ tính thuế, không bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có).

Trường hợp dầu thô được bán không theo giao dịch sòng phẳng thì giá tính thuế tài nguyên xác định như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

a.5) Xác định thuế tài nguyên bằng dầu thô chưa bán trong kỳ tính thuế để làm cơ sở quyết toán thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp cho kỳ tính thuế tiếp theo:

Thuế tài nguyên bằng dầu thô chưa bán trong kỳ tính thuế

=

Thuế tài nguyên bằng dầu thô chưa bán trong kỳ tính thuế trước

+

Thuế tài nguyên bằng dầu thô phải nộp trong kỳ tính thuế

-

Thuế tài nguyên bằng dầu thô bán trong kỳ tính thuế

Ví dụ 4: Xác định giá tính thuế tài nguyên:

Giả sử: sản lượng dầu thô được bán trong kỳ tính thuế là (4.000.000 thùng) được bán thành 3 lô: lô 1 có sản lượng là 2.000.000 thùng, bán với giá 108 USD/ thùng; lô 2 có sản lượng là 1.000.000 thùng, bán với giá 120 USD/ thùng; lô 3 có sản lượng là 1.000.000 thùng, bán với giá 100 USD/ thùng.

Giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô

=

(2.000.0000 x 108) + (1.000.0000 x 120) + (1.000.0000 x 100)

=

109 USD/ thùng

4.000.000

2. Đối với khai thác khí thiên nhiên:

a) Xác định số tiền thuế tài nguyên phải nộp:

a.1) Xác định thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên phải nộp trong kỳ tính thuế:

Thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên phải nộp trong kỳ tính thuế

=

Sản lượng khí thiên nhiên chịu thuế tài nguyên bình quân ngày trong kỳ tính thuế

x

Thuế suất thuế tài nguyên

x

Số ngày khai thác khí thiên nhiên thực trong kỳ tính thuế

a.2) Xác định số tiền phải nộp từ bán thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế:

Số tiền phải nộp từ bán thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế

=

Thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên phải nộp trong kỳ tính thuế

x

Giá tính thuế tài nguyên đối với khí thiên nhiên

Trong đó:

+ Thuế tài nguyên bằng khí thiên nhiên phải nộp trong kỳ tính thuế: xác định như hướng dẫn tại điểm a.1, khoản 2, Điều này;

+ Giá tính thuế tài nguyên đối với khí thiên nhiên: là giá bình quân gia quyền của khí thiên nhiên tại điểm giao nhận trong kỳ tính thuế, không bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp người nộp thuế tách riêng được chi phí vận chuyển khí thiên nhiên trên hóa đơn thì giá tính thuế tài nguyên đối với khí thiên nhiên là giá bình quân gia quyền của khí thiên nhiên tại điểm giao nhận trong kỳ tính thuế, không bao gồm chi phí vận chuyển, thuế giá trị gia tăng (nếu có).

Điều 12. Khai, nộp thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô, khí thiên nhiên

1. Khai, nộp thuế tài nguyên tạm tính:

a) Hồ sơ khai thuế tài nguyên tạm tính:

- Hồ sơ khai thuế tài nguyên là Tờ khai thuế tài nguyên tạm tính đối với dầu khí theo mẫu số 01/TAIN - DK ban hành kèm theo Thông tư này.

- Phụ lục chi tiết nghĩa vụ thuế của các nhà thầu dầu khí theo mẫu số 01/PL-DK ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Thời hạn khai, nộp thuế tài nguyên tạm tính:

- Khai thuế tài nguyên tạm tính đối với hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô thực hiện theo từng lần xuất bán.

Thời hạn nộp hồ sơ khai, nộp thuế tài nguyên tạm tính đối với dầu thô theo từng lần xuất bán chậm nhất là ngày thứ 35 kể từ ngày xuất bán dầu thô (đối với cả dầu thô xuất bán trong nước và dầu thô xuất khẩu). Ngày xuất bán là ngày hoàn thành việc xuất dầu thô tại điểm giao nhận.

- Khai thuế tài nguyên tạm tính đối với hoạt động khai thác, xuất bán khí thiên nhiên thực hiện theo tháng.

Thời hạn nộp hồ sơ khai, nộp thuế tài nguyên tạm tính đối với khai thác khí thiên nhiên theo tháng: chậm nhất là ngày thứ 20 (hai mươi) của tháng tiếp theo tháng xuất hóa đơn bán khí.

2. Khai quyết toán thuế tài nguyên:

a) Hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô, khí thiên nhiên:

- Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên đối với dầu khí theo mẫu số 02/TAIN - DK ban hành kèm theo Thông tư này.

- Phụ lục chi tiết nghĩa vụ thuế của các nhà thầu dầu khí theo mẫu số 01/PL-DK ban hành kèm theo Thông tư này.

- Phụ lục sản lượng và doanh thu xuất bán dầu khí theo mẫu số 02-1/PL-DK ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác xuất bán, dầu thô, khí thiên nhiên:

- Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi) của kỳ tiếp theo kỳ phát sinh nghĩa vụ thuế.

- Chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) kể từ ngày kết thúc hợp đồng dầu khí.

3. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn khai, nộp thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó.

Mục 2. THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

Người nộp thuế thực hiện khai, nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và pháp luật về quản lý thuế hiện hành. Ngoài ra, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:

Điều 13. Thuế xuất khẩu

1. Xác định số thuế xuất khẩu tạm tính:

Số thuế xuất khẩu tạm tính

=

Sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên xuất khẩu

x

Giá tính thuế xuất khẩu

x

Tỷ lệ thuế xuất khẩu tạm tính

Trong đó:

+ Sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên xuất khẩu là sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên thực tế xuất khẩu.

+ Giá tính thuế là giá bán dầu thô, khí thiên nhiên theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này.

- Tỷ lệ thuế xuất khẩu tạm tính được xác định như sau:

Tỷ lệ thuế xuất khẩu tạm tính

=

100%

-

Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính trong kỳ tính thuế

x

Thuế suất thuế xuất khẩu đối với dầu thô, khí thiên nhiên

Trong đó:

+ Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính trong kỳ tính thuế xác định như hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư này.

+ Thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô, khí thiên nhiên theo Biểu thuế xuất khẩu hiện hành. Trường hợp tại hợp đồng dầu khí có thỏa thuận cụ thể về mức thuế suất thuế xuất khẩu thì thực hiện theo mức thuế suất thuế xuất khẩu theo thỏa thuận tại hợp đồng dầu khí đó.

Ví dụ 5: Xác định tỷ lệ thuế xuất khẩu dầu thô tạm tính:

Giả sử:

+ Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính theo ví dụ tại Điều 10 nêu trên: 20,1750%.

+ Thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô theo Biểu thuế xuất nhập khẩu hiện hành: 10%.

+ Tỷ lệ thuế xuất khẩu dầu thô tạm tính: 7,9825% = (100% - 20,175%) x 10%

Căn cứ tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính, thuế suất thuế xuất khẩu đối với dầu thô, người nộp thuế xác định tỷ lệ thuế xuất khẩu tạm tính đối với từng hợp đồng dầu khí và thông báo với cơ quan hải quan nơi xuất khẩu dầu thô và cơ quan thuế nơi đăng ký thuế cùng với thời hạn thông báo tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính, tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính.

2. Trường hợp quyết toán thuế tài nguyên, sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên thực tế khai thác, xuất bán thay đổi so với sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên dự kiến khai thác trong kỳ tính thuế, dẫn đến tỷ lệ thuế tài nguyên thay đổi thì người nộp thuế căn cứ tỷ lệ thuế tài nguyên theo quyết toán để xác định lại tỷ lệ thuế xuất khẩu theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này và kê khai điều chỉnh theo hướng dẫn tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và pháp luật quản lý thuế hiện hành.

Trường hợp số tiền thuế xuất khẩu đã tạm nộp nhỏ hơn số tiền thuế xuất khẩu phải nộp thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế chênh lệch giữa tiền thuế xuất khẩu phải nộp theo tỷ lệ thuế xuất khẩu xác định lại và tỷ lệ thuế xuất khẩu tạm tính tại thời điểm quyết toán thuế tài nguyên, không phải nộp tiền chậm nộp trên số tiền thuế chênh lệch phải nộp này.

Thời hạn nộp hồ sơ khai điều chỉnh thuế xuất khẩu cùng với thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế tài nguyên.

Điều 14. Miễn thuế nhập khẩu

Việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu phục vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và pháp luật về quản lý thuế hiện hành.

Mục 3. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (TNDN)

Điều 15. Đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Thu nhập từ hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên và thu nhập khác liên quan trực tiếp đến hoạt động dầu khí là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác và thu nhập khác ngoài thu nhập quy định tại khoản 1 Điều này (sau đây gọi là thu nhập khác) là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn tại văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

Điều 16. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp là năm dương lịch. Trường hợp người nộp thuế áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch đã được Bộ Tài chính chấp thuận thì kỳ tính thuế là năm tài chính.

2. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tiên được tính từ ngày tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí đầu tiên cho đến ngày kết thúc năm dương lịch hoặc ngày kết thúc năm tài chính.

3. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp cuối cùng được tính từ ngày bắt đầu của năm dương lịch hoặc ngày bắt đầu của năm tài chính đến ngày kết thúc hợp đồng dầu khí.

4. Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên và kỳ tính thuế năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo hoặc kỳ tính thuế năm trước đó để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu tiên hoặc kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm cuối cùng không được vượt quá 15 tháng.

Điều 17. Xác định thu nhập chịu thuế

1. Đối với thu nhập từ hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên:

Thu nhập chịu thuế từ hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế

=

Doanh thu từ hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế

-

Chi phí được trừ trong kỳ tính thuế

+

Thu nhập khác liên quan trực tiếp đến hoạt động dầu khí trong kỳ tính thuế

a) Doanh thu từ hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên là toàn bộ giá trị của sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên thực được bán tại điểm giao nhận theo giao dịch sòng phẳng đối với dầu thô, theo hợp đồng mua bán khí đối với khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế (không bao gồm thuế GTGT).

Trường hợp dầu thô được bán không theo giao dịch sòng phẳng thì doanh thu từ hoạt động khai thác dầu thô được xác định bằng cách lấy khối lượng phần dầu thô nhân với giá bán như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

b) Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

b.1) Các khoản chi được trừ: Người nộp thuế được trừ vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN (trừ các khoản chi quy định tại điểm b.2, khoản 1 Điều này) nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

b.1.1) Khoản chi thực tế liên quan đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và tiêu thụ sản phẩm dầu thô, khí thiên nhiên, bao gồm các khoản chi sau:

- Thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, phụ thu khi giá dầu thô biến động tăng, phí bảo vệ môi trường (trường hợp hợp đồng dầu khí có thỏa thuận chi phí thu hồi không bao gồm phí bảo vệ môi trường).

- Khoản chi phí được phép thu hồi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu thô, khí thiên nhiên nhưng không vượt quá số chi phí được xác định bằng doanh thu bán dầu thô, khí thiên nhiên nhân (x) tỷ lệ chi phí thu hồi tương ứng thoả thuận tại hợp đồng dầu khí. Trường hợp tại hợp đồng dầu khí không có thỏa thuận về tỷ lệ chi phí thu hồi thì tỷ lệ chi phí thu hồi để làm căn cứ xác định chi phí được trừ tối đa là 35%.

Trường hợp theo thỏa thuận tại hợp đồng dầu khí, từng nhà thầu trực tiếp chi trả chi phí mua hàng hoá, dịch vụ liên quan đến hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu thô, khí thiên nhiên thì nhà thầu lập bảng kê kèm theo bản sao các hóa đơn chứng từ hợp pháp chuyển cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung để xác nhận chi phí được tính là chi phí được trừ và thực hiện khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

b.1.2) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

b.1.3) Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định tại pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b.2) Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

b.2.1) Phần chi phí được phép thu hồi vượt quá tỷ lệ chi phí thu hồi thỏa thuận tại hợp đồng dầu khí. Trường hợp tại hợp đồng dầu khí không có thỏa thuận về tỷ lệ chi phí thu hồi thì phần chi phí được phép thu hồi vượt trên 35% không được tính vào chi phí được trừ.

b.2.2) Các khoản chi không được tính vào chi phí được phép thu hồi theo quy định của hợp đồng dầu khí gồm:

- Chi phí phát sinh trước khi hợp đồng dầu khí có hiệu lực, trừ trường hợp đã được thỏa thuận trong hợp đồng dầu khí hoặc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Các loại hoa hồng dầu khí, tiền đọc và sử dụng tài liệu và các khoản chi khác không tính vào chi phí thu hồi theo hợp đồng dầu khí;

- Chi lãi tiền vay đối với khoản vay vốn để đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí;

- Tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại;

- Các khoản chi khác không được trừ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

c) Đối với các khoản thu nhập phát sinh từ quỹ đảm bảo tài chính cho việc thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện (sau đây gọi là quỹ thu dọn mỏ):

c.1) Thu nhập phát sinh từ lãi tiền gửi ngân hàng của quỹ thu dọn mỏ áp dụng theo mức thuế suất của thu nhập khác quy định tại Luật thuế TNDN và văn bản hướng dẫn thi hành.

c.2) Trường hợp nhà thầu dầu khí sử dụng không hết quỹ thu dọn mỏ, số dư còn lại của quỹ thu dọn mỏ được xử lý theo quy định tại Luật dầu khí và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phần thu nhập phân phối cho các bên tham gia trong hợp đồng dầu khí được xử lý như sau:

+ Trường hợp tách riêng được thu nhập thì thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng đã nộp thuế TNDN theo mức thuế suất của thu nhập khác không phải nộp thuế TNDN. Thu nhập hình thành từ quỹ thu dọn mỏ còn lại ghi giảm chi phí được phép thu hồi nếu hợp đồng dầu khí chưa thu hồi hết chi phí, hoặc áp dụng thuế suất của hợp đồng dầu khí nếu hợp đồng dầu khí đã thu hồi hết chi phí.

+ Trường hợp không tách riêng được thì ghi giảm chi phí được phép thu hồi nếu hợp đồng dầu khí chưa thu hồi hết chi phí, hoặc áp dụng thuế suất của hợp đồng dầu khí nếu hợp đồng dầu khí đã thu hồi hết chi phí.

d) Các khoản thu nhập khác liên quan trực tiếp đến hoạt động dầu khí như thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng, thu nhập từ tiền bồi thường bảo hiểm, thu nhập từ việc sử dụng tài sản hoặc thực hiện quyền sở hữu tài sản (thu từ thu phí sử dụng cầu cảng, thanh lý tài sản) ghi giảm trừ chi phí được phép thu hồi của hoạt động dầu khí.

2. Đối với thu nhập khác ngoài thu nhập từ hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên: thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 18. Xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp

1. Xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp:

Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế

=

Thu nhập chịu thuế từ hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên trong kỳ tính thuế

x

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động dầu khí

+

Thu nhập khác trong kỳ tính thuế

x

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Trong đó :

+ Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế từ hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên và thu nhập khác được xác định như hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư này.

+ Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật thuế TNDN. Thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động dầu khí từ 32% đến 50%; căn cứ vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ, Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể phù hợp với từng hợp đồng dầu khí theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trường hợp hợp đồng dầu khí có thỏa thuận cụ thể về mức thuế suất thuế TNDN thì thực hiện theo mức thuế suất thuế TNDN theo thỏa thuận tại hợp đồng dầu khí đó. Trường hợp chính sách thuế TNDN thay đổi thuế suất ưu đãi hơn thuế suất thoả thuận tại hợp đồng dầu khí, nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì áp dụng thuế suất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Trường hợp hợp đồng dầu khí có thoả thuận từng bên nhà thầu xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp riêng thì số thuế thu nhập doanh nghiệp mỗi bên nhà thầu phải nộp bằng tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (xác định như hướng dẫn trên đây) nhân (x) với tỷ lệ dầu khí lãi của mỗi bên nhà thầu trong hợp đồng dầu khí.

Điều 19. Xác định số thuế TNDN tạm tính phải nộp

Xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính:

Số thuế TNDN tạm tính

=

Doanh thu bán dầu thô, khí thiên nhiên

x

Tỷ lệ thuế TNDN tạm tính

Trong đó:

+ Doanh thu bán dầu thô, khí thiên nhiên là toàn bộ giá trị của sản lượng dầu khí thực, được bán tại điểm giao nhận theo giao dịch sòng phẳng của từng lần bán đối với dầu thô hoặc theo hợp đồng mua bán khí thiên nhiên của từng tháng đối với khí thiên nhiên (không bao gồm thuế GTGT).

Trường hợp dầu thô được bán không theo giao dịch sòng phẳng thì doanh thu bán dầu thô được xác định bằng cách lấy khối lượng phần dầu thô nhân (x) với giá bán xác định như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5, Thông tư này.

+ Tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính xác định như hướng dẫn dưới đây:

Tỷ lệ thuế TNDN tạm tính

=

100%

-

Tỷ lệ chi phí thu hồi

-

Tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính

-

Tỷ lệ thuế xuất khẩu tạm tính

x

Thuế suất thuế TNDN

Người nộp thuế tự xác định ra tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính và thông báo cho cơ quan thuế địa phương nơi đăng ký thuế biết cùng với thời hạn thông báo tỷ lệ thuế tài nguyên tạm tính nêu tại Điều 10, Mục 1, Chương II Thông tư này.

Ví dụ 6: Xác định tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính đối với khai thác dầu thô:

Giả sử:

+ Tỷ lệ chi phí thu hồi: 35%

+ Tỷ lệ tạm nộp thuế tài nguyên (theo ví dụ tại Điều 10 nêu trên): 20,1750%

+ Tỷ lệ tạm nộp thuế xuất khẩu (theo ví dụ tại Điều 10 nêu trên): 7,9825%

+ Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp: 50%

Tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính là:

(100% - 35% - 20,1750% - 7,9825% ) x 50% = 18,1413%

Trường hợp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính từ khai thác khí thiên nhiên, tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính được xác định tương tự như trên.

Điều 20. Khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô, khí thiên nhiên

1. Khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính:

a) Khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính đối với hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô thực hiện theo từng lần xuất bán.

Thời hạn nộp hồ sơ khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính đối với dầu thô theo từng lần xuất bán chậm nhất là ngày thứ 35 kể từ ngày xuất bán dầu thô (đối với cả dầu thô xuất bán trong nước và dầu thô xuất khẩu). Ngày xuất bán là ngày hoàn thành việc xuất dầu thô tại điểm giao nhận.

b) Khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính đối với hoạt động khai thác, xuất bán khí thiên nhiên thực hiện theo tháng.

Thời hạn nộp hồ sơ khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính từ khai thác khí thiên nhiên theo tháng: chậm nhất là ngày thứ 20 (hai mươi) của tháng tiếp theo tháng xuất hóa đơn bán khí.

c) Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính đối với hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô, khí thiên nhiên:

- Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính là Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính đối với dầu khí theo mẫu số 01/TNDN-DK ban hành kèm theo Thông tư này.

- Phụ lục chi tiết nghĩa vụ thuế của các nhà thầu dầu khí theo mẫu số 01/PL-DK ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp:

a) Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô, khí thiên nhiên

- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dầu khí theo mẫu số 02/TNDN - DK ban hành kèm theo Thông tư này.

- Phụ lục chi tiết nghĩa vụ thuế của các nhà thầu dầu khí theo mẫu số 01/PL-DK ban hành kèm theo Thông tư này.

- Báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính đến thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí.

b) Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô, khí thiên nhiên:

- Chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi) kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

- Chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) kể từ ngày kết thúc hợp đồng dầu khí.

Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn khai, nộp thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó.

Mục 4. THUẾ ĐỐI VỚI THU NHẬP TỪ CHUYỂN NHƯỢNG PHẦN QUYỀN LỢI THAM GIA HỢP ĐỒNG DẦU KHÍ

Điều 21. Đối tượng chịu thuế

1. Chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí là việc tổ chức, cá nhân bán, chuyển nhượng phần vốn đầu tư của mình (bao gồm cả tài sản, tiền) tại các hợp đồng dầu khí, doanh nghiệp, xí nghiệp liên doanh dầu khí ở Việt Nam, sang tên, thay đổi quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát của một bên nhà thầu hoặc định đoạt bằng cách khác toàn bộ hoặc một phần quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng dầu khí, doanh nghiệp, xí nghiệp liên doanh dầu khí (bên chuyển nhượng) cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác (bên nhận chuyển nhượng), trừ trường hợp tái cơ cấu, dàn xếp tài chính nội bộ của bên chuyển nhượng hoặc hợp nhất của công ty mẹ của bên chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng có nghĩa vụ và quyền lợi của nhà thầu tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.

Trường hợp doanh nghiệp được thành lập ở nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) chuyển nhượng cổ phần, vốn đầu tư (bao gồm cả tài sản, tiền) hay các lợi ích tương tự khác trong một doanh nghiệp được thành lập ở nước ngoài mà doanh nghiệp có phần vốn bị chuyển nhượng này nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp các tài sản, quyền lợi tham gia trong các dự án dầu khí tại Việt Nam, làm thay đổi chủ sở hữu của nhà thầu đang nắm giữ quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí tại Việt Nam thì cũng được coi là chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí. Doanh nghiệp nước ngoài thực hiện chuyển nhượng nêu trên được xem như là bên chuyển nhượng.

Ví dụ: Công ty A (là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Anh) có công ty con là doanh nghiệp B (được thành lập theo pháp luật Pháp). Để thực hiện quản lý các dự án dầu khí, doanh nghiệp B thành lập công ty con là doanh nghiệp C tại Hà Lan và doanh nghiệp C trực tiếp đứng tên tham gia dự án dầu khí tại Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp A chuyển nhượng vốn đầu tư của mình trong doanh nghiệp B, giao dịch chuyển nhượng được thực hiện tại Pháp. Khi đó, giao dịch chuyển nhượng nêu trên của doanh nghiệp A là chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí tại Việt Nam và thu nhập phát sinh từ giao dịch chuyển nhượng này tương ứng với phần quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí tại Việt Nam là thu nhập chịu thuế TNDN.

2. Thu nhập từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí của bên chuyển nhượng cho bên nhận chuyển nhượng thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Mục 4, Chương II Thông tư này.

Điều 22. Xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp

1. Xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp:

Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí được xác định như sau:

Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp

=

Thu nhập chịu thuế

x

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

a) Xác định thu nhập chịu thuế:

Thu nhập chịu thuế

=

Giá chuyển nhượng

-

Giá mua của phần quyền lợi chuyển nhượng

-

Chi phí chuyển nhượng

Trong đó:

+ Giá chuyển nhượng được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí quy định việc thanh toán theo hình thức trả góp, trả chậm thì giá chuyển nhượng không bao gồm lãi trả góp, lãi trả chậm theo thời hạn quy định trong hợp đồng chuyển nhượng.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán không được xác định theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra, yêu cầu các bên tham gia chuyển nhượng cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định giá trị hiện tại và tương lai của phần quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí chuyển nhượng trước khi các bên quyết định việc chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng và ấn định giá trị thanh toán của hợp đồng trên cơ sở tham khảo giá thị trường, giá được phép bán cho bên thứ ba, giá bán các hợp đồng chuyển nhượng tương tự, giá thẩm định của các tổ chức định giá chuyên nghiệp có thẩm quyền xác định tại thời điểm chuyển nhượng (nếu có) hoặc ấn định lại toàn bộ giá trị của hợp đồng dầu khí tại thời điểm chuyển nhượng để xác định lại giá chuyển nhượng tương ứng với tỷ lệ phần quyền lợi chuyển nhượng.

Trường hợp việc chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí được thực hiện thông qua việc bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thì giá chuyển nhượng được xác định là giá thực tế bán chứng khoán (là giá khớp lệnh hoặc giá thoả thuận) theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.

+ Giá mua của phần quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí chuyển nhượng (giá vốn): được xác định trên cơ sở sổ sách, chứng từ kế toán về chi phí được phép thu hồi của bên chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí, được thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng, sau khi trừ đi các chi phí đã được thu hồi, giảm trừ (nếu có), được các bên tham gia hợp đồng dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công nhận và chi phí khác liên quan đến giá mua của phần quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí chuyển nhượng nhưng chưa được tính là chi phí được phép thu hồi.

Trường hợp nhà thầu tiếp tục chuyển nhượng lại phần quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí nhận chuyển nhượng, giá mua của phần quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí chuyển nhượng từng lần sau đó được xác định bằng giá trị chuyển nhượng của hợp đồng chuyển nhượng ngay trước đó cộng với chi phí phát sinh được tính là chi phí thu hồi mà nhà thầu phải bổ sung thêm (nếu có chứng từ chứng minh), trừ đi các chi phí đã được thu hồi (nếu có).

Trường hợp đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán của người điều hành, công ty điều hành chung hoặc doanh nghiệp liên doanh là đô la Mỹ theo thỏa thuận của hợp đồng dầu khí, nhà thầu chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng và giá mua của phần quyền lợi chuyển nhượng được xác định bằng đô la Mỹ.

Trường hợp đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán người điều hành, công ty điều hành chung hoặc doanh nghiệp liên doanh là đồng Việt Nam thì giá chuyển nhượng được xác định bằng đô la Mỹ và giá mua của phần quyền lợi chuyển nhượng được xác định bằng đô la Mỹ. Tỷ giá quy đổi sang đô la Mỹ để xác định giá chuyển nhượng và giá mua của phần quyền lợi chuyển nhượng thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

+ Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, theo chứng từ gốc được cơ quan thuế công nhận. Trường hợp chi phí chuyển nhượng phát sinh ở nước ngoài thì các chứng từ gốc đó phải được một cơ quan công chứng hoặc kiểm toán độc lập của nước có chi phí phát sinh xác nhận và chứng từ phải được dịch ra tiếng Việt (có xác nhận của đại diện có thẩm quyền).

Chi phí chuyển nhượng bao gồm: chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.

b) Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp:

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ thu nhập chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí thực hiện theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

c) Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí (trừ trường hợp hợp đồng dầu khí có thoả thuận khác).

2. Trường hợp người nộp thuế có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí mà người nộp thuế xác định không đúng hoặc không tự tính được số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì cơ quan quản lý thuế ấn định số tiền thuế phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Ví dụ 7: Doanh nghiệp A (là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật nước ngoài) đầu tư vốn tham gia vào một dự án dầu khí tại Việt Nam, sau đó doanh nghiệp A chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia dự án dầu khí này cho Doanh nghiệp B (là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc nước ngoài) với giá trị chuyển nhượng là 600 triệu USD, việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài. Giá mua của phần quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí của doanh nghiệp A (giá vốn) tại thời điểm chuyển nhượng được nhà điều hành xác nhận là 400 triệu USD, chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng là 50 triệu USD. Thuế suất thuế TNDN là 22%. Khi đó:

- Thu nhập để tính thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí trong trường hợp này là 150 triệu USD (= 600 - 400 - 50).

- Số thuế TNDN phải nộp của Doanh nghiệp A là 33 triệu USD (= 150 x 22%).

3. Việc xác định, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí được thực hiện theo quy định của pháp luật thuế có liên quan và các cam kết, điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết.

Điều 23. Khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí

1. Bên chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí có trách nhiệm kê khai, nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí.

Đối với trường hợp chuyển nhượng làm thay đổi chủ sở hữu của nhà thầu đang nắm giữ quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí tại Việt Nam, nhà thầu đứng tên trong hợp đồng dầu khí tại Việt Nam có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế khi phát sinh hoạt động chuyển nhượng và kê khai, nộp thuế thay cho bên chuyển nhượng đối với phần thu nhập phát sinh có liên quan đến hợp đồng dầu khí ở Việt Nam theo quy định.

2. Hồ sơ khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí:

- Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp về chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí theo Mẫu số 03/TNDN-DK ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao hợp đồng chuyển nhượng (bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt);

- Giấy xác nhận của nhà điều hành, công ty điều hành chung, các bên tham gia doanh nghiệp liên doanh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về tổng số chi phí mà bên chuyển nhượng gánh chịu tương ứng với giá vốn của phần quyền lợi chuyển nhượng của bên chuyển nhượng và các tài liệu chứng minh;

- Chứng từ gốc của các khoản chi phí liên quan đến giao dịch chuyển nhượng;

- Đối với trường hợp chuyển nhượng làm thay đổi chủ sở hữu của nhà thầu đang nắm giữ quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí tại Việt Nam, nhà thầu nước ngoài tham gia trực tiếp vào hợp đồng dầu khí tại Việt Nam có trách nhiệm báo cáo và cung cấp thêm các tài liệu sau:

+ Cơ cấu cổ phần của công ty trước và sau khi chuyển nhượng.

+ Báo cáo tài chính 02 năm của doanh nghiệp nước ngoài và các công ty con/chi nhánh nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí tại Việt Nam.

+ Báo cáo đánh giá tài sản và các tài liệu định giá khác sử dụng để xác định giá trị chuyển nhượng của cổ phiếu, vốn đầu tư ở nước ngoài theo hợp đồng.

+ Báo cáo tình hình nộp thuế thu nhập của doanh nghiệp nước ngoài liên quan đến việc chuyển nhượng làm thay đổi chủ sở hữu của nhà thầu đang nắm giữ quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí tại Việt Nam.

+ Báo cáo mối quan hệ giữa doanh nghiệp nước ngoài chuyển nhượng và các chi nhánh/công ty con nắm giữ trực tiếp hay gián tiếp quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí tại Việt Nam về: vốn góp, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu, chi phí, các tài khoản, tài sản, nhân sự, ...

Trường hợp cần bổ sung hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo cho người nộp thuế trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là mười (10) ngày kể từ thời điểm các bên ký hợp đồng chuyển nhượng liên quan đến quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí, là sáu (06) tháng kể từ ngày thay đổi chủ sở hữu của nhà thầu đang nắm giữ quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí tại Việt Nam.

Trong vòng 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan thuế có trách nhiệm xem xét, thẩm định và thông báo cho người nộp thuế biết kết quả kiểm tra xác định hồ sơ.

4. Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày thứ mười (10) kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí.

5. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế: tại cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Điều 4 Chương I Thông tư này. Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ khai thuế có trách nhiệm sao gửi 01 bộ hồ sơ khai thuế đến Tổng cục Thuế.

Mục 5. CÁC LOẠI THUẾ, PHÍ VÀ LỆ PHÍ KHÁC

Điều 24. Các loại thuế, phí, lệ phí khác

Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh người nộp thuế phải nộp các loại thuế, phí, lệ phí khác không hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này theo các quy định tại các văn bản pháp luật về thuế, phí, lệ phí hiện hành.

Riêng việc hoàn thuế giá trị gia tăng trong giai đoạn tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ dầu khí, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau: Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên được khấu trừ toàn bộ. Trường hợp hợp đồng dầu khí không phát hiện dầu khí thương mại và chấm dứt hiệu lực theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì không thực hiện truy thu số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ dầu khí nếu đã được hoàn.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/04/2016, và áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2016 trở đi và áp dụng đối với các chuyến dầu thô, khí thiên nhiên xuất bán kể từ ngày 01/01/2016.

Thay thế Thông tư số 32/2009/TT-BTC ngày 19/2/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí.

Bãi bỏ hướng dẫn về khai thuế tài nguyên, thuế TNDN đối với hoạt động khai thác, bán dầu thô, khí thiên nhiên tại Điều 24 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ.

Kể từ ngày Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành đến ngày 01/1/2016, việc xác định số thuế tài nguyên phải nộp đối với dầu thô, khí thiên nhiên khai thác phát sinh tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Phần V Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính.

2. Các hợp đồng dầu khí đã được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày Luật Dầu khí số 10/2008/QH12, Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12, Luật thuế TNDN sửa đổi số 32/2013/QH13 có hiệu lực thi hành đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo Giấy phép đầu tư đã được cấp tiếp tục được hưởng các ưu đãi thuế (thuế suất ưu đãi và thời gian miễn, giảm) cho thời gian còn lại.

Người nộp thuế căn cứ vào quy định tại giấy phép đầu tư hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức, thời hạn miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để xác định số thuế được miễn, giảm; số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp khi tạm tính và khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế là kỳ tính thuế đầu tiên phát sinh thu nhập chịu thuế.

Thu nhập được miễn, giảm thuế TNDN không bao gồm khoản thu nhập khác nêu tại khoản 2, Điều 15 Thông tư này.

3. Trường hợp tại các điều ước quốc tế, hiệp định liên Chính phủ, Chính phủ Việt Nam tham gia ký kết, các hợp đồng có cam kết bảo lãnh của Chính phủ có quy định về thuế đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu thô, khí thiên nhiên khác với quy định về thuế tại Thông tư này thì việc nộp thuế của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu thô, khí thiên nhiên thực hiện theo các điều ước quốc tế, hiệp định liên Chính phủ, cam kết bảo lãnh của Chính phủ đã ký kết.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để được giải quyết kịp thời./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Văn phòng BCĐ phòng chống tham nhũng trung ương;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính; Website Tổng cục Thuế;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCT (VT, DNL).Lhchau

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 36/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 36/2016/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/02/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: 20/03/2016
  • Số công báo: Từ số 237 đến số 238
  • Ngày hiệu lực: 12/04/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản