Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/2004/TT-BQP

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2004

THÔNG TƯ

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 34/2004/TT-BQP NGÀY 24 THÁNG 3 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG VÀ LAO ĐỘNG HỢP ĐỒNG TRONG QUÂN ĐỘI

Thực hiện Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ; căn cứ Thông tư số 07/2003/TT-BLĐTBXH ngày 12/3/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hướng dẫn số 994/BHXH-CĐCS ngày 01/4/2003 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ;
căn cứ tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội trong quân đội, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Các đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội theo loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc tronh quân đội gồm:

1. Công nhân viên chức quốc phòng.

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn (gọi chung là lao động hợp đồng) trong các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cụ thể như sau:

a) Lao động hợp đồng có chỉ tiêu của Bộ Tổng Tham mưu trong các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp.

b) Lao động hợp đồng khác (được phân cấp quyền hạn tuyển dụng) trong các doanh nghiệp quân đội, công ty cổ phần và các đơn vị sự nghiệp có thu.

3. Lao động hợp đồng làm việc trong các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp nêu tại điểm 2 trên, làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 3 tháng, khi hết hạn hợp đồng lao đồng mà người lao động tiếp tục làm việc hoặc giao kết hợp đồng mới đối với đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đó thì phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

4. Công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng quy định tại các điểm 1, 2, 3 nói trên, nếu được đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp cho đi học, thực tập, công tác, điều dưỡng trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc tiền công do đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trả hoặc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài do các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp quân đội tổ chức đi và quản lý thì cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

II. CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc đối tượng nêu tại Mục I trên được thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ ban hành kèm theo Điều lệ Bảo hiểm xã hội và Thông tư số 06/LĐ-TBXH-TT ngày 04/4/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ và Thông tư số 07/2003/TT-BLĐTBXH ngày 12/3/2003, Thông tư số 08/2003/TT-BLĐTBXH ngày 08/4/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

III. THU BẢO HIỂM XÃ HỘI

Thực hiện thu bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng theo quy định tại Thông tư số 58/TC-HCSN ngày 24/7/1995 của Bộ Tài chính.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thực hiện truy thu bảo hiểm xã hội cho đối tượng quy định tại điểm 2, 3 Mục I trên, như sau:

1.1. Thời điểm truy thu bảo hiểm xã hội:

Căn cứ Nghị định số 165/HĐBT ngày 12/5/1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng lao động; Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ; Thông tư số 06/LĐ-TBXH-TT ngày 04/4/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ và Thông tư số 07/2003/TT-BLĐTBXH ngày 12/3/2003, thời điểm truy thu và các đối tượng truy thu bảo hiểm xã hội để tính hưởng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Từ ngày 01/4/1993: Những người đang làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và lao động hợp đồng xác định thời hạn từ 1 năm trở lên.

b) Từ ngày 01/01/1995: Những người đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên.

c) Từ ngày 01/01/2003: Những người đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng, khi hết hạn hợp đồng lao động mà người lao động tiếp tục làm việc hoặc giao kết hợp đồng lao động mới với đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đó.

d) Thời điểm, đối tượng truy thu bảo hiểm xã hội được căn cứ trên hợp đồng lao động đã ký với đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đang làm việc tại thời điểm truy thu và những quy định tại các tiết a, b, c nêu trên.

1.2. Mức truy thu bảo hiểm xã hội bằng 20% tiền lương tháng, trong đó đơn vị sử dụng lao động đóng 15%, người lao động đóng 5% tiền lương tháng bao gồm: lương theo ngạch, bậc; phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp chênh lệch bảo lưu (nếu có) tính trên mức tiền lương tối thiểu từng giai đoạn theo quy định của Chính phủ hoặc lương theo hợp đồng lao động. Những trường hợp lao động hợp đồng có mức tiền công, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động thấp hơn lương tối thiểu thì tiền lương làm căn cứ để truy thu bảo hiểm xã hội thấp nhất cũng phải bằng tiền lương tối thiểu tại từng thời điểm.

1.3. Căn cứ để truy thu bảo hiểm xã hội là quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động, các hồ sơ khác có liên quan và danh sách đã đăng ký nộp bảo hiểm xã hội của đơn vị với cơ quan tài chính cấp trên. Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội được tính từ thời điểm truy thu bảo hiểm xã hội.

1.4. Những trường hợp đã đăng ký nộp bảo hiểm xã hội với cơ quan thuế tại địa phương (từ ngày 31/12/1994) trở về trước nhưng chưa nộp đủ theo quy định thì nay căn cứ vào giấy báo nợ của cơ quan thuế để truy thu bảo hiểm xã hội; nếu trước đây đã nộp bảo hiểm xã hội cho cơ quan thuế hoặc bảo hiểm xã hội của địa phương thì có chứng từ để làm căn cứ cấp sổ bảo hiểm xã hội cho các đối tượng (có danh sách và chứng từ kèm theo).

2. Trách nhiệm của đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp:

2.1. Trách nhiệm của đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên:

a) Đối với công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng có chỉ tiêu của Bộ Tổng Tham mưu: tiến hành ký kết hợp đồng lao động, lập sổ bảo hiểm xã hội và thực hiện các chế độ thu, chi bảo hiểm xã hội theo đúng quy định hiện hành.

b) Đối với lao động hợp đồng quy định tại tiết b điểm 2 Mục I trên như sau:

b.1) Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch công tác được giao, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp có thu và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động hợp đồng, báo cáo Thủ trưởng cấp trên trực tiếp về số lượng, danh sách, tiêu chuẩn đối tượng lao động hợp đồng đáp ứng yêu cầu công việc. Khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, có trách nhiệm ký kết hợp đồng lao động, lập sổ bảo hiểm xã hội và thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội bao gồm thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.

b.2) Căn cứ vào danh sách đề nghị truy thu bảo hiểm xã hội, Thủ trưởng đơn vị làm công văn giải trình nêu rõ lý do nộp chậm, nộp thiếu bảo hiểm xã hội và đề nghị cấp trên xem xét giải quyết, đồng thời lập danh sách truy thu bảo hiểm xã hội có xác nhận của cơ quan Quân lực, Tài chính cấp trên một cấp (Mẫu số 01/TrT-BHXH).

c) Hàng quí, đơn vị sự nghiệp có thu và doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo danh sách thu bảo hiểm xã hội của số lao động hợp đồng gửi Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị để làm cơ sở giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.

2.2. Trách nhiệm của đơn vị đầu mối Bộ Quốc p4hòng:

a) Chỉ huy đơn vị đầu mối Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với Công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng trong đơn vị mình theo đúng quy định hiện hành; chỉ đạo việc tổ chức kiểm tra thực hiện bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

b) Cơ quan Chính sách chủ trì, kết hợp với cơ quan tài chính, quân lực, tổ chức lao động tiền lương (nếu có) hướng dẫn thực hiện ký hợp đồng lao động, cấp sổ bảo hiểm xã hội và thu nộp bảo hiểm xã hội cho đối tượng. Đồng thời, lập báo cáo tổng hợp danh sách truy thu bảo hiểm xã hội (nếu có) về số người tham gia bảo hiểm xã hội và số tiền đã truy thu gửi về Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị, Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu xác nhận (Mẫu số 02/TrT-BHXH). Cơ quan tài chính đảm nhiệm thu nộp, truy thu bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội quân đội (qua Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng) đầy đủ và đúng thời gian theo quy định.

2.3. Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị đầu mối Bộ Quốc phòng có các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động hợp đồng thực hiện nghiêm túc việc ký kết hợp đồng lao động và các chế độ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng lao động hợp đồng của các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp để đảm bảo người lao động có đủ tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

2.4. Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng:

a) Hướng dẫn các đơn vị thu nộp, truy thu và chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội đúng thời gian và đầy đủ theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị chỉ đạo thực hiện thu nộp, truy thu bảo hiểm xã hội và quyết toán tài chính bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng theo đúng nguyên tắc, chế độ và thời gian quy định của Nhà nước; bảo đảm kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người được hưởng.

2.5. Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị:

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng, hướng dẫn các đơn vị đầu mối Bộ Quốc phòng thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng theo đúng quy định của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

b) Cấp sổ bảo hiểm xã hội cho công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng theo quy định hiện hành. Những trường hợp phải truy thu bảo hiểm xã hội, sau khi có xác nhận truy thu của Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng, tiến hành cấp sổ bảo hiểm xã hội và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

c) Hàng năm, căn cứ vào việc cấp sổ bảo hiểm xã hội của các đơn vị đầu mối Bộ Quốc phòng, thông báo cho Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng để Cục Tài chính làm căn cứ quyết toán việc thu bảo hiểm xã hội của các đơn vị.

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội của các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong toàn quân.

V. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Quốc phòng để nghiên cứu, giải quyết.

Nguyễn Văn Rinh

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 34/2004/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng trong quân đội do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 34/2004/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/03/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Rinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản