TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 32-TT/3A | Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 1965 |
Kính gửi | - Các bộ, cơ quan ngang bộ, |
Ngày 30-10-1964, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 161-CP ban hành điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết, nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ, quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự.
Thi hành điều 67 của Điều lệ này và sau khi đã thống nhất ý kiến với các Bộ Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tổng công đoàn Việt Nam hướng dẫn việc thi hành một số các chế độ nói trên với công nhân, viên chức là quân nhân dự bị, tự vệ của cơ quan, xí nghiệp ốm đau, bị thương trong khi làm nhiệm vụ quân sự như sau:
Theo Thông tư Liên Bộ Quốc phòng - Công an - Nội vụ số 104-LB/QP ngày 12-4-1965 về phần giải thích điều 5 của điều lệ thì những hạ sĩ quan, binh sĩ làm nghĩa vụ quân sự mà ốm đau, nếu điều trị tại bệnh viện quân đội quá một năm chưa khỏi thì chuyển sang điều trị tại các cơ sở y tế Nhà nước và nếu trước khi nhập ngũ là công nhân, viên chức thì được xuất ngũ về cơ quan, xí nghiệp cũ để hưởng trở cấp theo chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước. Trợ cấp tính trên cơ sở tiền lương và phụ cấp (nếu có) trước ngày nhập ngũ, hoặc tính trên mức sinh hoạt phí trước ngày xuất ngũ (nếu sinh hoạt phí cao hơn lương cũ).
Về điểm này, Tổng công đoàn hướng dẫn thêm:
a) Ngày bắt đầu hưởng trợ cấp ốm đau do quỹ bảo hiểm xã hội trả.
Những quân nhân trước đây là công nhân, viên chức Nhà nước, khi xuất ngũ, không kể ngày nào trong tháng, đơn vị quân đội đã thanh toán mọi quyền lợi cho đến hết tháng, vì vậy, kể từ đầu tháng sau trở đi công nhân, viên chức đó sẽ được hưởng trợ cấp ốm đau quy định tại điều 7 của điều lệ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức nhà nước và do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ.
b) Mức trợ cấp.
Khi đã chuyển sang cơ sở y tế Nhà nước để tiếp tục điều trị, công nhân, viên chức được hưởng mức trợ cấp ốm đau quy định cho tháng thứ tư trở đi, không hưởng mức trợ cấp của ba tháng đầu, vì đã ốm liên tục trên một năm rồi, thí dụ: một quân nhân trước khi nhập ngũ là công nhân, viên chức ốm đau quá một năm, được xuất ngũ về cơ quan, xí nghiệp cũ tiếp tục điều trị, có thời gian công tác liên tục trên 12 năm thì hưởng mức trợ cấp ốm đau bằng 90% tiền lương (hoặc 90% sinh hoạt phí) chứ không hưởng mức trợ cấp 100% tiền lương của ba tháng đầu nữa.
c) Tiền lương để tính trợ cấp ốm đau.
Tiền lương làm cơ sở tính trợ cấp ốm đau trong đợt này là lương cấp bậc trước khi nhập ngũ cộng với phụ cấp khu vực của nơi đang điều trị (nếu có), không kể các khoản phụ cấp khác, nếu sinh hoạt phí (hoặc lương) trước khi xuất ngũ cao hơn mức lương nói trên thì được lấy mức sinh hoạt phí (hoặc lương) trước khi xuất ngũ để tính trợ cấp.
d) Thời gian công tác liên tục để tính trợ cấp
Thời gian công tác liên tục để tính trợ cấp ốm đau đối với số công nhân, viên chức nói trên vẫn căn cứ vào quy định của Thông tư số 9-TT/LB ngày 17-2-1962 của Liên Bộ Nội vụ - Lao động và Thông tư số 50-TTg ngày 28-4-1962 của Thủ tướng Chính phủ. Nghĩa là thời gian công nhân, viên chức phục vụ tại ngũ đều được tính là thời gian công tác liên tục để hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội.
Riêng đối với quân nhân khi nhập ngũ là công nhân, viên chức, bị ốm đau quá một năm trong quân đội và được chuyển sang điều trị ở cơ sở y tế Nhà nước, thì trong đợt ốm này, thời gian công tác liên tục để tính trợ cấp ốm đau được kể từ ngày xuất ngũ đã có 4 năm công tác liên tục và tính đến ngày xuất ngũ có 3 năm 2 tháng tại ngũ (kể cả thời gian ốm đau trong quân đội), nay vẫn tiếp tục điều trị thì thời gian công tác liên tục được tính là 7 năm 2 tháng và được hưởng mức trợ cấp ốm đau bằng 80% lương (hoặc sinh hoạt phí) là mức trợ cấp từ tháng thứ tư trở đi đối với người ốm đau có thời gian công tác liên tục trên 7 năm đến hết 12 năm.
e) Việc thanh toán trợ cấp.
Những quân nhân khi nhập ngũ là công nhân, viên chức ốm đau quá một năm được xuất ngũ, chuyển sang điều trị ở các cơ sở y tế Nhà nước, việc trả trợ cấp cho công nhân, viên chức trong đợt ốm đau này sẽ giải quyết như sau:
Nếu được chuyển sang điều trị ở bệnh viện thuộc địa phương (tỉnh, thành phố) nơi làm việc của cơ quan, xí nghiệp cũ thì ban bảo hiểm xã hội cơ quan, xí nghiệp đó có trách nhiệm trả trợ cấp cho công nhân, viên chức.
Nếu được chuyển sang điều trị ở bệnh viện thuộc địa phương khác xa nơi làm việc của cơ quan, xí nghiệp cũ hoặc cơ quan, xí nghiệp cũ của công nhân, viên chức đã giải thể thì ban bảo hiểm xã hội của bệnh viện nơi công nhân viên chức điều trị có trách nhiệm trả trợ cấp cho công nhân, viên chức. Trong trường hợp này, cơ quan, xí nghiệp cũ hoặc Bộ, ngành, Ủy ban hành chính chủ quản, cơ quan, xí nghiệp cũ của công nhân, viên chức có trách nhiệm cung cấp tài liệu về thời gian công tác liên tục và mức lương trước ngày công nhân, viên chức nhập ngũ để ban bảo hiểm xã hội của bệnh viện trả trợ cấp cho công nhân, viên chức được chính xác.
g) Tiều tàu, xe khi chuyển viện, về cơ quan xí nghiệp.
Quân nhân khi chuyển viện và sau khi điều trị trở về cơ quan, xí nghiệp cũ được hưởng tiền tàu xe theo chế độ hiện hành (quỹ bảo hiểm xã hội không đài thọ).
2. Đối với công nhân viên chức là quân nhân dự bị, tự vệ ốm đau trong khi làm nhiệm vụ quân sự.
Theo điều 60 của điều lệ, công nhân viên chức là quân nhân dự bị, tự vệ ốm đau trong khi làm nhiệm vụ quân sự, được khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế quân y hoặc dân y nơi gần nhất và được hưởng các quyền lợi sau đây:
a) Trợ cấp thay tiền lương khi nghỉ việc vì ốm đau.
Suốt trong thời gian nghỉ việc vì ốm đau khi làm các nhiệm vụ quân sự, công nhân, viên chức được hưởng trợ cấp quy định ở điều 7 của điều lệ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước và do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ.
b) Chế độ thuốc men, bồi dưỡng.
Nếu điều trị ở cơ sở quân y, công nhân, viên chức được hưởng tiêu chuẩn thuốc men, bồi dưỡng như quân nhân thường trực và do quỹ quốc phòng đài thọ theo hướng dẫn trong Thông tư số 104-LB/QP ngày 12-4-1965 của Liên Bộ Quốc phòng - Công an - Nội vụ, nếu điều trị ở các cơ sở quân y, công nhân, viên chức đựơc hưởng tiêu chuẩn thuốc men, bồi dưỡng theo chế độ hiện hành đối với công nhân, viên chức nhà nước (quỹ bảo hiểm xã hội không đài thọ).
c) Tiền tàu xe đi và về khi khám và chữa bệnh.
Tiền tàu xe cho công nhân, viên chức đi và về khi khám bệnh và chữa bệnh được thanh toán theo chế độ hiện hành (quỹ bảo hiểm xã hội không đài thọ).
d) Thủ tục chứng nhận để thanh toán trợ cấp ốm đau.
Việc chứng nhận những ngày nghỉ việc vì ốm đau đối với quân nhân dự bị, tự vệ làm nhiệm vụ quân sự, vẫn căn cứ vào các quy định hiện hành như đối với công nhân, viên chức Nhà nước ốm đau. Cụ thể là công nhân, viên chức là quân nhân dự bị, tự vệ ốm đau trong khi làm các nhiệm vụ quân sự, được y, bác sĩ Nhà nước (kể cả y, bác sĩ quân y) chứng nhận (nơi không có y, bác sỹ thì y tá chứng nhận và thủ trưởng cơ quan xí nghiệp xác nhận) cho nghỉ việc đều được hưởng trợ cấp ốm đau.
II. CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ KHI BỊ THƯƠNG
Công nhân, viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ bị thương khi làm các nhiệm vụ quân sự sau đây đều được xác nhận là bị thương trong chiến đấu:
- Bị thương khi chiến đấu với địch, tiễu phỉ, trừ gian, trấn áp bọn phản cách mạng (kể từ khi đến vị trí tập kết để triển khai chiến đấu)
- Trong khi làm nhiệm vụ quân sự bị địch bắt, tra tấn thành thương tật, nhưng vẫn biểu thị trung thành, dũng cảm;
- Bị thương do địch gây nên trong lúc đang làm nhịêm vụ quân sự theo kế hoạch của huyện đội, tỉnh đội hoặc cấp quân sự tương đương.
Công nhân, viên chức là quân nhân dự bị, tự vệ bị thương trong chiến đấu được hưởng các quyền lợi sau đây:
- Được điều trị tại các cơ sở quân y hoặc dân y nơi gần nhất và được hưởng các chế độ, thuốc men, bồi dưỡng, tiền tàu xe như đã hướng dẫn ở điểm 2, mục I thông tư này.
- Suốt thời gian nghỉ việc để điều trị, được hưởng trợ cấp bằng 100% tiền lương và phụ cấp như trường hợp công nhân, viên chức bị tai nạn lao động và do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ.
Sau khi điều trị, nếu được xếp hạng thương tật, công nhân, viên chức được hưởng trợ cấp thương tật như thương binh loại A quy định tại điều 9 của điều lệ và do quỹ thương binh đài thọ.
2. Bị thương trong tập luyện quân sự.
Công nhân, viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ bị thương khi làm nhiệm vụ quân sự sau đây đều được xác nhận là bị thương trong tập luyện quân sự:
- Trong khi tập luyện quân sự tại cơ quan, xí nghiệp theo kế hoạch của tỉnh đội, thành đội ấn định (kể cả thời gian ôn tập);
- Trong thời gian tập trung huấn luyện hàng năm theo luật nghĩa vụ quân sự, do các đơn vị quân đội trực tiếp phụ trách (kể cả thời gian được tập trung thực tập);
- Kể từ lúc nhận được lệnh của huyện đội, tỉnh đội hoặc các đơn vị có thẩm quyền tập trung đi chiến đấu cho đến địa điểm tập kết để triển khai chiến đấu mà bị tai nạn cũng coi như bị thương trong tập luyện;
- Trong thời gian chuẩn bị dụng cụ, khí tài hoặc đào công sự để luyện tập theo kế hoạch học tập quân sự của tỉnh đội, thành đội và đàocông sự đặt súng bảo vệ cơ quan, xí nghiệp mà bị thương cũng coi như bị thương trong tập luyện quân sự.
Công nhân, viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ bị thương trong tập luyện quân sự được hưởng các quyền lợi như sau:
- Suốt thời gian điều trị vết thương, kể cả thời gian điều trị vết thương tái phát, được trợ cấp bằng 100% tiền lương và phụ cấp (nếu có) như công nhân, viên chức Nhà nước bị tai nạn lao động;
- Sau khi điều trị, nếu được xếp hạng thương tật thì hưởng trợ cấp thương tật như công nhân viên chức nhà nước bị tai nạn lao động.
Hai khoản trợ cấp trên đều do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ.
- Tiêu chuẩn thuốc men, bồi dưỡng và tiền tàu xe đi và về khi đi khám bệnh và điều trị vết thương thi hành như quy định ở điểm 2, mục I Thông tư này.
Công nhân viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ bị thương trong tập luyện quân sự nếu có những hành động dũng cảm thì được hưởng chế độ ưu đãi quy định trong điều 28 của điều lệ bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức Nhà nước.
3. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thanh toán trợ cấp.
a) Trợ cấp thay tiền lương khi điều trị.
Khoản trợ cấp bằng 100% tiền lương trong thời gian điều trị đối với công nhân, viên chức là quân nhân dự bị, tự vệ bị thương trong khi làm nhiệm vụ quân sự được thi hành kể từ ngày 03-10-1964 trở đi.
Trường hợp bị thương từ trước ngày 03-10-1964 và sau ngày đó vẫn còn tiếp tục điều trị, hưởng mức trợ cấp thấp hơn 100% tiền lương thì được điều chỉnh lại và được truy lĩnh khoản tiền chênh lệch cho bằng 100% tiền lương kể từ ngày 03-10-1964.
Trường hợp bị thương sau ngày 03-10-1964 và đã hưởng mức trợ cấp thấp hơn 100% tiền lương, nay được điều chỉnh lại và truy lĩnh khoản tiền chênh lệch cho bằng 100% tiền lương kể từ ngày điều trị.
b) Trợ cấp thương tật.
Khoản trợ cấp thương tật một lần hoặc hàng tháng theo tỷ lệ phần trăm tiền lương thi hành kể từ 03-10-1964 trở đi.
Đối với những công nhân viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ bị thương trong chiến đấu và tập luyện quân sự từ ngày 01-01-1962 (là ngày điều lệ bảo hiểm xã hội bắt đầu có hiệu lực thi hành) trở đi mà chưa được xét để xếp hạng thương tật thì nay cũng được cơ quan, xí nghiệp giới thiệu đến Hội đồng khám xét thương tật ở địa phương để xếp hạng thương tật và hưởng trợ cấp thương tật như công nhân, viên chức Nhà nước bị tai nạn lao động hoặc trợ cấp thương binh loại A kể từ tháng 10-1964 trở đi.
Việc trả trợ cấp thương tật cho những công nhân, viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ bị thương trong tập luyện quân sự sẽ do quỹ bảo hiểm xã hội Tổng công đoàn hoặc Bộ Nội vụ phụ trách thanh toán như đã quy định tại mục I, Thông tư số 13 ngày 23-4-1964 của Liên Bộ Nội vụ - Tổng công đoàn Việt nam.
Công nhân, viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ bị thương trong tập luyện quân sự được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng thuộc quỹ bảo hiểm xã hội do Tổng công đoàn trả, nếu được nhập ngũ, tái ngũ thì công nhân viên chức vẫn tiếp tục hưởng khoản trợ cấp đó do đơn vị quân đội hoặc công an nhân dân vũ trang trả và hàng năm Bộ Quốc phòng và Bộ công an sẽ thanh toán lại với Tổng công đoàn Việt Nam (sẽ có một văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này).
Những công nhân, viên chức nói trên, nếu trong thời gian tái ngũ lại bị thương lần nữa sẽ được xác định lại thương tật và hưởng trợ cấp thương tật của thương binh loại A hoặc loại B kể từ ngày ra viện (sau thời gian điều trị vết thương lần sau). Ngược lại thương binh chuyển ngành mà lại bị thương tật trong khi làm nhiệm vụ quân sự cũng được xác định lại tỷ lệ thương tật để hưởng trợ cấp theo mức mới.
Khi cấp sổ trợ cấp thương tật cho thương binh đã có sổ trợ cấp thương tật về tai nạn lao động, thì đơn vị quân đội hoặc công an nhân dân vũ trang sẽ thu hồi sổ trợ cấp thương tật về tai nạn lao động để trả lại và thanh toán với Tổng công đoàn (sẽ có một văn bản như đã nói trên để hướng dẫn cụ thể vấn đề này).
Đối tượng thi hành các chế độ đãi ngộ đối với công nhân, viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ ốm đau, bị thương trong khi làm các nhiệm vụ quân sự nói trong Thông tư này gồm có:
- Công nhân, viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường, lâm trường, kể cả xí nghiệp địa phương ghi trong kế hoạch lao động tiền lương như công nhân, viên chức Nhà nước, được tổ chức thành đơn vị tiểu đội (hoặc tổ), trung đội, đại đội.. theo sự hướng dẫn của huyện đội, tỉnh đội, thành đội và đã đăng ký trong danh sách quân nhân dự bị, tự vệ, được thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp nơi công nhân, viên chức công tác xét duyệt;
- Công nhân, viên chức Nhà nước được cử đi học tại các trường văn hóa, nghiệp vụ hưởng sinh hoạt phí theo tỷ lệ phần trăm tiền lương và được tổ chức vào các đơn vị tự vệ của nhà trường cũng thuộc đối tượng thi hành các chế độ đãi ngộ nói trên;
- Công nhân, viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ thuộc cơ quan, xí nghiệp nay tham gia chiến đấu trong đội tự vệ của một cơ quan, xí nghiệp khác mà bị thương và được thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp đó xác nhận cũng thuộc đối tượng thi hành các chế độ đãi ngộ nói trên.
Để chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của chính phủ về các chế độ đãi ngộ đối với công nhân, viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ ốm đau, bị thương khi làm các nhiệm vụ quân sự, Tổng công đoàn Việt Nam yêu cầu các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh căn cứ vào các chức năng, quyền hạn của mình để đôn đốc, kiểm tra việc thi hành các chế độ nói trên đối với các đơn vị cơ sở trực thuộc.
Các Liên hiệp công đoàn, công đoàn dọc, có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các cơ sở thi hành nghiêm chỉnh các chế độ nói trên đối với công nhân, viên chức nhà nước.
Các công đoàn cơ sở có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên môn phổ biến thông tư này trong công nhân, viên chức và thanh toán các khoản trợ cấp đã quy định trong Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, có điểm gì mắc mứu, đề nghị các cơ quan và công đoàn các cấp phản ảnh cho Tổng công đoàn để nghiên cứu giải quyết.
KT. CHỦ TỊCH TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM |
- 1Thông tư 50-TTg năm 1962 quy định tạm thời quyền lợi thuộc về chế độ đãi ngộ đối với công nhân, viên chức làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước được tuyển vào quân đội thường trực do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 104-LB/QP năm 1965 giải thích và hướng dẫn thi hành Điều lệ tạm thời về chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết; nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ; quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự do Liên bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Nội vụ ban hành
- 1Thông tư 50-TTg năm 1962 quy định tạm thời quyền lợi thuộc về chế độ đãi ngộ đối với công nhân, viên chức làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước được tuyển vào quân đội thường trực do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 104-LB/QP năm 1965 giải thích và hướng dẫn thi hành Điều lệ tạm thời về chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết; nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ; quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự do Liên bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Nội vụ ban hành
Thông tư 32-TT/3a-1965 hướng dẫn thi hành chế độ đãi ngộ công nhân, viên chức Nhà nước là quân nhân dự bị, tự vệ bị ốm, bị thương trong khi làm nhiệm vụ quân sự do Tổng Công đoàn Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 32-TT/3a
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 27/08/1965
- Nơi ban hành: Tổng Công đoàn Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Công Hòa
- Ngày công báo: 16/09/1965
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: 11/09/1965
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định