Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THỦY LỢI Số: 31-TL | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******* Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1963 |
Bản điều lệ quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy nông vừa được Hội đồng Chính phủ ban hành, là văn bản của Nhà nước, có tính chất pháp lý, tương đối toàn diện, trong đó quy định những điểm căn bản về công tác quản lý và khai thác các công trình thủy nông.
Trong khuôn khổ một bản điều lệ của Chính phủ không thể nói lên và quy định các điểm chi tiết, vậy chiều theo điều 2 của nghị định số 141-CP ngày 26-09-1963 nói trên, bộ Thủy lợi giải thích rõ để Ủy ban hành chính tỉnh, thành, các ty thủy lợi, các ban quản trị nông giang nghiên cứu thi hành đúng với tinh thần của bản điều lệ của Chính phủ về mọi mặt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy nông, và về các điểm có liên quan đến các ngành Nông nghiệp, Công an, Giao thông v.v…
Điều 1 của bản điều lệ đã nêu rõ mục đích ý nghĩa ở đây, cần nói rõ thêm:
1. Nói thủy lợi là biện pháp hàng đầu trong nông nghiệp không những chỉ có nghĩa là công trình thủy lợi cần có để bảo đảm kế hoạch sản xuất nông nghiệp, mà còn bao gồm ý nghĩa chế độ và kỹ thuật tưới tiêu, đúng lúc, đúng tiền lương là biện pháp hàng đầu trong các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp liên hoàn, và từ đó, thấy sự cần thiết có màng lưới kênh mương và công trình nhỏ phụ thuộc để thực hiện được các chế độ tưới đó, nhằm tăng sản lượng cây trồng kết hợp với việc cải tạo chất đất từng bước.
2. Chỗ nào chưa có công trình, thì tất nhiên việc đầu tiên là phải nghĩ tới việc xây dựng công trình. Nhưng khi đã có công trình, thì cần phải thấy hết các vấn đề cần thiết để sử dụng tốt các công trình đó, nghĩa là:
a) Tùy nhu cầu mỗi lúc và của mỗi loại cây trồng của mỗi vụ, của mỗi chất đất, mà áp dụng các chế độ và kỹ thuật tưới tiêu hợp lý nhất;
b) Đồng thời, giữ được công trình luôn luôn tốt, phòng ngừa và hạn chế được các hư hỏng có thể xẩy ra, thường xuyên nghiên cứu cải tiến và phát huy tác dụng công trình.
3. Sau Đại hội lần thứ III của Đảng, hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc họp ở Hưng Yên tháng 08-1961, đã đề ra đường lối công tác thủy lợi của ta trong giai đoạn này: “Phát triển đi đôi với củng cố, xây dựng đi đôi với quản lý”. Đường lối đó đúng, nhưng hiện nay, công tác quản lý và khai thác các công trình đã có chưa được coi trọng đúng mức và chưa đuổi kịp đã xây dựng công trình mới. Đó là một việc không hợp lý, ảnh hưởng không tốt đến các kế hoạch sản xuất nông nghiệp của ta.
4. Việc Chính phủ ban hành bản điều lệ này nói lên sự quan tâm rất đúng mức của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tốt các cơ sở vật chất và kỹ thuật thủy lợi đã xây dựng, để góp phần đưa nông nghiệp tiến lên nhanh chóng, mạnh mẽ và vững chắc, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
A. PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA BẢN ĐIỀU LỆ
Điều 2 quy định rõ: “Điều lệ này áp dụng cho tất cả các loại hệ thống thủy nông có liên quan đến nhiều địa phương hay nhiều hợp tác xã, bao gồm từ công trình đầu mối như cống, đập, hồ nước, trạm bơm, v.v… đến màng lưới kênh mương và công trình phụ thuộc”.
1. Các loại hệ thống thủy nông nói ở đây gồm cả các hệ thống đại thủy nông, các hệ thống và các công trình trung thủy nông, tiểu thủy nông.
Phạm vi áp dụng của bản điều lệ của Chính phủ rất rộng, và việc quản lý, khai thác các công trình thủy nông loại lớn, loại vừa, loại nhỏ, đều phải theo các quy định cơ bản của điều lệ; nhưng khi vận dụng vào từng hệ thống từng công trình cần phải có mức độ khác nhau. Ví dụ: đối với một hệ thống đại thủy nông thì cần phải có đủ quy định kỹ thuật về quản lý và khai thác chung cho toàn bộ hệ thống và các quy định kỹ thuật áp dụng riêng cho từng công trình quan trọng trong hệ thống; việc quan trắc lún, xê dịch nghiêng v.v… có phần làm bằng mắt, nhưng có nhiều phần phải tiến hành bằng máy v.v… đối với một công trình trung thủy nông chỉ cần có một bản quy định kỹ thuật đơn giản; còn đối với một công trình tiểu thủy nông chỉ cần một nội quy quản lý và bảo vệ công trình gọn, dễ hiểu và việc quan trắc thường xuyên có thể làm bằng mắt v.v…
2. Riêng đối với các công trình (cống nhỏ, đập nhỏ, mương máng) chỉ liên quan đến một hợp tác xã, thì việc quản lý và khai thác sẽ do hợp tác xã hoàn toàn phụ trách; các cơ quan thủy lợi nhất là các cán bộ thủy lợi huyện, xã có nhiệm vụ tích cực giúp đỡ.
Điều 4 của bản điều lệ quy định 4 điểm rất quan trọng về công tác quản lý công trình.
a) “Trong quá trình xây dựng công trình, cơ quan quản lý phải cử người chuyên trách theo dõi thi công để nghiệm thu, đồng thời chuẩn bị bộ máy quản lý để khai thác được tốt khả năng của công trình ngay sau khi hoàn thành”.
1. Cử người theo dõi thi công để nghiệm thu: Đối với các công trình bổ sung cho các hệ thống đang khai thác (như việc xây dựng âu thuyền Neo trong hệ thống Bắc Hưng Hải, hay cống Lân thuộc hệ thống Thái Bình Nam, v.v… thì cán bộ theo dõi là cán bộ kỹ thuật chuyên trách về công tác quản lý công trình của các quản trị hệ thống nông giang sở quan; đối với các công trình mới xây dựng, chưa có ban quản trị nông giang thì cán bộ theo dõi sẽ do ty thủy lợi sở tại cử và lấy trong số cán bộ kỹ thuật sẽ bố trí vào bộ máy quản lý sau khi công trình hoàn thành (như hệ thống Đan hoài ở Hà Đông, hệ thống Nam sông mã ở Thanh Hóa v.v…).
Người cán bộ theo dõi này phải tham gia nghiệm thu từng bộ phận công trình, có sổ riêng ghi chép các quyết định về thay đổi đồ án thiết kế và các biến chuyển công trình trong từng thời gian thi công, đồng thời chuẩn bị từng bước hồ sơ lý lịch công trình đó để đến lúc công trình hoàn thành thì hồ sơ lý lịch cũng đã căn bản xong.
2. Về chuẩn bị bộ máy quản lý: Đối với các công trình bổ sung cho các hệ thống đại thủy nông đang khai thác, thì việc chuẩn bị bộ máy quản lý sẽ do các ban quản trị nông giang trực thuộc Bộ (Bắc Hưng Hải, Hà Đông, Hà Nam) hay trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh, phụ trách. Đối với các hệ thống khác trực thuộc ty thủy lợi hay các hệ thống công trình mới xây dựng thì việc chuẩn bị bộ máy quản lý sẽ do ty thủy lợi sợ tại phụ trách. Riêng các hệ thống lớn mới xây dựng thì do Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn bị bộ máy quản lý.
Bộ máy quản lý chuẩn bị đây không cần phải đầy đủ ngay trước khi hoàn thành công trình, nhưng điểm quan trọng là trước khi tiếp thu công trình ít nhất là ba tháng, Hội đồng quản trị liên tỉnh hay Ủy ban hành chính tỉnh, thành, phải quy định hay đề nghị Bộ quy định số biên chế mới cần thiết, và trên cơ sở đó, tuyển dụng hay xin chuyển dần số cán bộ và công nhân đã được duyệt để chậm nhất là 15 ngày trước khi tiếp thu toàn bộ công trình, bộ máy quản lý căn bản có đủ số người cần thiết và đã phải chuẩn bị xong các mặt để có thể sử dụng tốt công trình.
b) và c) - Điều b và c quy định thời gian phải xây dựng xong lý lịch công trình và các quy định kỹ thuật về quản lý và khai thác; đối với các công trình mới 3 tháng sau khi nghiệm thu toàn bộ công trình; đối với các công trình cũ, ba tháng sau khi ban hành điều lệ này:
1. Về lý lịch công trình: Lý lịch một hệ thống nông giang hay công trình thủy nông là một hồ sơ tổng hợp các tài liệu dưới đây:
- Tài liệu về thiết kế: Các bản nhiệm vụ thiết kế, các tài liệu cơ bản về thủy văn, về địa chất, về diện tích, về yêu cầu tưới tiêu, yêu cầu giao thông vận tải v.v… đã sử dụng trong khi xây dựng đồ án, các bản thuyết minh kỹ thuật và các bản đồ 1/25.0000 hay 1/100.000 ghi rõ vị trí các công trình, các kênh mương, diện tích tưới, tiêu từng khu vực v.v…
- Tài liệu về thi công: Các bản về chi tiết các bộ phận công trình, lập thêm trong quá trình thi công như khớp nối bộ máy đóng mở v.v… các sổ ghi chép, các biểu đồ chỉ rõ các biến chuyển trong khi thi công và các bản vẽ bổ sung hay thay đổi đồ án thiết kế; các biên bản nghiệm thu từng bộ phận và toàn bộ công trình cùng các bản phụ lục v.v…
- Tài liệu về quá trình quản lý công trình: Đối với các công trình đã khai thác, ngoài các tài liệu về thiết kế và thi công nói trên, hồ sơ lý lịch còn gồm cả các tài liệu về quá trình quản lý. Các tài liệu này là: các hồ sơ và đồ án tu sửa công trình; các biên bản, các tờ trình về kiểm tra công trình kèm theo các bản vẽ và các phụ bản khác; các tài liệu về quan trắc theo dõi công trình, các tài liệu tổng hợp về thủy văn và về khí tượng (Mức nước lưu lượng, lượng mưa, cao nhất, thấp nhất, bình quân từng thời gian, v.v…) Các kế hoạch phân phối nước; các bản đồ công trình, bản đồ phân khu tưới tiêu, bản đồ hành chính có địa giới huyện, xã, sông ngòi, đường giao thông địa phương v.v… các bản sơ kết công tác hàng quý và tổng kết hàng năm v.v…
2. Về quy định kỹ thuật.
Bộ đã ban hành các quy định kỹ thuật sau đây:
- Quy phạm kỹ thuật tạm thời về quản lý về khai thác chung cho các hệ thống nông giang (quyết định số 611-TL-TN ngày 16-05-1962);
- Quy trình kỹ thuật tạm thời về quản lý và khai thác chung cho các cống dập trên các hệ thống nông giang (quyết định số 1145-TLĐL-TN ngày 29-09-1962);
- Quy trình kỹ thuật tạm thời về quản lý và khai thác chung cho các trạm bơm lớn (cố định) (quyết định số 854-TLĐL ngày 18-07-1962);
- Quy trình kỹ thuật tạm thời về quản lý và khai thác chung cho các công trình trên hồ nước của các hệ thống nông giang (quyết định số 549-TL-TN ngày 09-09-1963).
Dựa vào các bản quy phạm và quy trình tạm thời đó (từ nay thống nhất gọi là quy định kỹ thuật), các ty thủy lợi và các ban quản trị nông giang sẽ xây dựng các bản quy định kỹ thuật áp dụng riêng cho từng hệ thống và từng công trình đơn vị mình phụ trách. Các bản quy định kỹ thuật của từng hệ thống phải quy định cụ thể: những công trình quan trọng cần có quy định kỹ thuật riêng (như công trình đầu mối, đập điều tiết trên kênh chính, cống tiêu lớn v.v…) các công trình loại vừa (như cống lấy nước các kênh nhánh, đập điều tiết nhỏ v.v…) cần một nội quy đóng mở và bảo vệ công trình; còn các công trình nhỏ khác chỉ cần một nội quy quản lý giản đơn. Các bản quy định kỹ thuật này sẽ do các hội đồng quản trị duyệt và ban hành đối với các hệ thống liên tỉnh và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, duyệt và ban hành đối với các hệ thống nằm trong một địa phương, theo như quy định ở điều 8 và 14 của điều lệ.
3. Muốn xây dựng tốt các quy định kỹ thuật về quản lý và khai thác các hệ thống nông giang, các công trình thủy nông, cần quán triệt các điểm xuất phát sau này:
- Phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, cụ thể là thực hiện được các kế hoạch tưới, tiêu từng vụ của mỗi địa phương nhằm bảo đảm các chỉ tiêu về sản lượng và về diện tích;
- Bảo đảm an toàn của công trình, quy định các chế độ đóng mở, kiểm tra, theo dõi, tu sửa, để công trình luôn luôn được tốt, sử dụng được lâu dài;
- Góp phần vào việc nghiên cứu khoa học để cải tiến thêm công tác quản lý và khai thác công trình; đồng thời góp thêm tài liệu về thủy học, về thủy văn v.v… bổ sung cho công tác thiết kế.
Lệch về bảo đảm tưới tiêu, mà không dựa trên cơ sở tính toán khả năng thực tế của từng công trình, của từng đoạn kênh mương, là chỉ thấy nhiệm vụ bảo đảm sản xuất mà không thấy nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình; nhưng ngược lại, áp dụng máy móc các bản tính toán kỹ thuật mà không nghĩ đến việc phát huy tác dụng công trình, để có thể vừa phục vụ sản xuất tốt hơn, vừa bảo đảm không xảy ra hư hỏng, tác hại cho công trình, thì cũng là một sai lầm cần tránh.
Phải tìm cách lợi dụng hiệu ích tối đa nhưng không được vượt quá giới hạn bảo đảm an toàn, muốn vậy phải làm chủ được kỹ thuật, phải nắm chắc được thực trạng thì quản lý mới tốt, quản lý có nghĩa là sử dụng sao cho hợp lý chứ không phải chỉ có nghĩa là làm thế nào không hỏng là được.
4. Trong khi nghiên cứu các bản quy định kỹ thuật chung mà Bộ đã ban hành để xây dựng các bản quy định kỹ thuật áp dụng cho từng hệ thống, từng công trình, cần chú ý vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo, nhưng tuyệt đối phải tôn trọng các quy định kỹ thuật có tính chất cơ bản; đồng thời phải cụ thể hóa vào từng hệ thống, từng công trình các quy định chung của Bộ. Ví dụ:
- Quy định thời gian quan trắc lún, xê dịch, nghiêng phải tùy theo tình hình cụ thể từng công trình: có hiện tượng lún, xê dịch, nghiêng hay không; hiện tượng nặng hay nhẹ: mà quy định cụ thể 15 ngày, một tháng, ba tháng hay một năm quan trắc một lần. Điểm quy định cơ bản có tính chất nguyên tắc mà phải tôn trọng ở đây là: phải quan trắc lún, xê dịch, nghiêng; và dù công trình đã được ổn định rồi, một năm cũng cần quan trắc một lần (mục 28, bản quy định kỹ thuật tạm thời về quản lý và khai thác chung cho các hệ thống nông giang của Bộ). Cần nhận rõ đây là một kỷ luật bắt buộc, là một trọng trách của các ty thủy lợi, các bản quản trị nông giang, không thể coi thường và làm tùy tiện như trước được. Đến thời hạn kiểm tra mà ty thủy lợi hoặc ban quản trị không kiểm tra thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
5. Trong quá trình nghiên cứu các bản quy định kỹ thuật chung của Bộ để vận dụng và xây dựng các bản quy định áp dụng riêng cho từng hệ thống, từng công trình, các ty và ban quản trị nông giang thấy có điểm nào có tính chất nguyên tắc cơ bản mà xét không áp dụng được thì cần phải thinh thị Bộ theo tinh thần mục “quy định chung của bản quy định kỹ thuật của Bộ ban hành ngày 16-05-1962”.
6. Riêng đối với các hệ thống nông giang cũ xây dựng trước cách mạng tháng 8, mà hiện nay phần lớn các hồ sơ thiết kế, thi công và một phần tài liệu về quản lý còn đang bị phân tán, thì trước mắt cần kiên quyết tập trung một số cán bộ sưu tầm gấp các tài liệu cơ bản về tình hình và đặc điểm hệ thống nông giang hay công trình, cần có để xây dựng các quy định kỹ thuật về quản lý và khai thác như: yêu cầu về mức nước, về lưu lượng qua từng công trình, từng đoạn kênh mương để bảo đảm tưới tiêu; các bản đồ và các bản vẽ chủ yếu các tài liệu về tính toán an toàn công trình, về kiểm tra về quan trắc và theo dõi công trình v.v… Các tài liệu khác sẽ tiếp tục thu thập sau để hồ sơ lý lịch được đầy đủ.
7. Việc xây dựng xong hồ sơ lý lịch công trình và các quy định kỹ thuật về quản lý và khai thác trong thời hạn quy định trên đây là một khó khăn cần phải hết sức tích cực mới khác phục được. Trong công tác khẩn trương này, cần tránh hai loại tư tưởng không đúng: “tư tưởng làm qua loa cho xong và tư tưởng cầu toàn”.
Yêu cầu chính là cố gắng làm cho tốt, cho xong các bản quy định kỹ thuật, tổ chức học tập cho cán bộ và công nhân hiểu rõ ý nghĩa và nội dung để nghiêm chỉnh thi hành; rồi trong quá trình thực hiện chú ý nghiên cứu thêm, bổ sung dần để các quy định đó ngày càng hoàn chỉnh. Trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy định kỹ thuật, thấy có điểm gì khó khăn, cần phản ảnh và thỉnh thị kịp thời cấp trên.
8. Cũng cần chú ý rằng, mặc dầu chưa có các quy định áp dụng riêng cho từng hệ thống, từng công trình; nhưng các quy định kỹ thuật chung của Bộ đã ban hành có đầy đủ giá trị thi hành đối với tất cả các hệ thống, tất cả các công trình. Ví dụ: không thể vì chưa có quy định quản lý một hệ thống mà không chấp hành chế độ kiểm tra, chế độ quan trắc, hoặc không thể vì chưa có quy định quản lý một công trình mà đóng; mở cửa cống không theo nguyên tắc đối xứng v.v…
9. Một việc nữa cần chú ý là: xây dựng các quy định kỹ thuật về quản lý và khai thác là việc rất cần thiết, nhưng nếu không thường xuyên kiểm tra thực hiện, uốn nắn kịp thời các thiếu sót thì kết quả của việc xây dựng quy định kỹ thuật không thể gọi là tốt được. Việc kiểm tra này cần chủ yếu phải do trưởng, phó ty thủy lợi, trưởng phó ban quản trị nông giang trực tiếp phụ trách, mỗi lần kiểm tra phải có nhận xét ghi vào sổ theo dõi công trình.
d) Ngoài việc thường xuyên theo dõi và tu bổ công trình, hàng năm phải tiến hành 2 đợt kiểm tra trước và sau mùa lũ, kịp thời đặt kế hoạch bảo quản sửa chữa.
1. Nội dung và yêu cầu là kiểm tra toàn bộ hệ thống (công trình kênh mương). Kiểm tra tất cả các bộ phận héton, bằng đá, bằng đất, các cánh cống, các thiết bị máy móc của công trình v.v…, các đoạn đê xung quanh công trình, các kênh chính, kênh nhánh v.v… trong hệ thống.
2. Thời gian tiến hành kiểm tra quy định cụ thể như sau:
- Kiểm tra trước mùa lũ: đối với các hệ thống và công trình thuộc các tỉnh ở Bắc bộ; từ 16-04 đến 15-05; đối với các hệ thống và công trình thuộc các tỉnh ở liên khu 4 cũ từ 01-05-đến 31-05 hàng năm.
- Kiểm tra sau mùa lũ: Đối với các hệ thống và công trình thuộc các tỉnh ở Bắc bộ: từ 01-10 đến 30-10; đối với các hệ thống và công trình thuộc các tỉnh ở liên khu 4 cũ: từ 16-10 đến 15-11 hàng năm.
3. Trưởng đoàn kiểm tra là đại diện Hội đồng quản trị đối với các hệ thống nông giang liên tỉnh; hoặc là đại diện của Ủy ban hành chính tỉnh đối với các hệ thống đại thủy nông nằm trong một tỉnh.
Tham gia đoàn kiểm tra còn có các cán bộ và nhân viên kỹ thuật sau này: Trưởng ban quản trị nông giang, cán bộ kỹ thuật chủ chốt về công tác quản lý công trình ở ban quản trị và khi tới một địa phương, mỗi công trình, các trưởng hạt; các cán bộ và công nhân kỹ thuật phụ trách quản lý công trình.
4. Ngoài các thành phần trên, và tùy yêu cầu của từng đợt kiểm tra, bộ Thủy lợi sẽ cử thêm đại diện của cục Thủy nông và của viện Thiết kế tham gia kiểm tra các công trình mấu chốt quan trọng, thuộc các hệ thống đại thủy nông lớn, bị hư hỏng tương đối nặng, cần theo dõi thật sát các biến chuyển, để kịp thời đề ra các biện pháp quan trắc, xử lý.
5. Để các đoàn kiểm tra có tài liệu chính xác nhận xét công trình, các công tác quan trắc lún, xê dịch, nghiêng, quan trắc bồi lấp, xói lở v.v… phải làm xong trước khi đoàn kiểm tra tới.
Sau khi kiểm tra mỗi công trình, ty thủy lợi hoặc ban quản trị nông giang sở quan cần lập ngay biên bản có ghi rõ những nhận xét và đề nghị của đoàn, có kèm theo các bản quan trắc; các bản đồ, bản vẽ, bản sơ họa cần thiết.
a) Xây dựng màng lưới kênh mương, bờ vùng và các công trình phụ thuộc.
Điểm a) - Điểm 5 quy định: “Ủy ban hành chính các cấp địa phương phải khẩn trương lãnh đạo xây dựng màng lưới kênh mương, bờ vùng và các công trình phụ thuộc theo quy hoạch phát huy tác dụng hệ thống của địa phương. Thời hạn hoàn thành màng lưới này chậm nhất là một năm, kể từ khi xây dựng xong các công trình mấu chốt, đối với các công trình cũ thì kể từ ngày ban hành điều lệ này”. Muốn quán triệt được tinh thần điểm quy định rất quan trọng này của Chính phủ, cần chú ý các điểm sau đây:
1. Quản lý nước tốt trên một hệ thống nông giang có nghĩa vụ cụ thể là thực hiện được tưới tiêu theo khoa học trên phạm vi rộng lớn đồng ruộng các xã, các hợp tác xã được hưởng lợi. Muốn đạt được kết quả đó, sau khi Nhà nước, hoặc Nhà nước cùng với nhân dân đã xây dựng các công trình mấu chốt, các kênh chính, kênh nhánh, việc căn bản nhất là phải có màng lưới kênh mương tưới tiêu bờ vùng, bở thửa đầy đủ và các công trình phụ thuộc. Trên cơ sở có màng lưới kênh mương và công trình này, mới tổ chức được việc phân phối nước một cách hợp lý.
Màng lưới kênh mương và công trình nhỏ này càng hoàn chỉnh, thì càng thuận tiện cho việc tưới tiêu chủ động, càng phát huy được tác dụng của hệ thống đã xây dựng. Xây dựng được tốt màng lưới thủy lợi này, tức là thực hiện tốt phương châm kết hợp công trình loại nhỏ với công trình loại vừa và loại lớn; kết hợp các công trình do nhân dân tự làm với công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm hay do Nhà nước làm; kết hợp được giữ nước với tưới nước, tháo nước hợp lý trên phạm vi rộng lớn các đồng ruộng của xã, của hợp tác xã.
2. Muốn làm màng lưới thủy lợi này được tốt, đáp ứng được yêu cầu hiện tại, nhưng không mâu thuẫn với tương lai, tốn công ít, thu lợi nhiều, thì trước hết phải xây dựng quy hoạch phát huy tác dụng của hệ thống.
Ở một số địa phương, hiện nay đã xây dựng xong quy hoạch vùng nông giang Ủy ban hành chính các cấp, từ tỉnh xuống đến xã, cần tích cực thực hiện việc đào đắp kênh mương để hoàn thành trước thời hạn quy định là một năm, trước mắt phục vụ ngay vụ Đông xuân 1963-1964 này.
Đối với các hệ thống chưa có quy hoạch, các ty thủy lợi và ban quản trị nông giang cần hết sức tích cực xây dựng xong quy hoạch để sớm trình Hội đồng quản trị liên tỉnh hoặc Ủy ban hành chính tỉnh, thành trực thuộc Trung ương thông qua. Việc thực hiện đào đắp kênh mương theo các quy hoạch này cũng phải hoàn thành chậm nhất là một năm, như đã quy định.
3. Đối với các hệ thống đang xây dựng ví dụ như Bắc Bắc ninh, Đức thọ v.v… cũng như đối với các hệ thống sẽ xây dựng thêm về sau, các ty thủy lợi cần xúc tiến gấp việc xây dựng quy hoạch và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, lãnh đạo thực hiện dần màng lưới thủy lợi, để khi các công trình mấu chốt hoàn thành, có thể tận dụng sớm khả năng tưới, tiêu của hệ thống.
4. Các màng lưới kênh mương, bờ vùng, các công trình phụ thuộc, xây dựng theo quy hoạch vùng nông giang trên đây có tính chất liên xã, hay liên hợp tác xã, nhưng muốn thực hiện được tưới tiêu theo khoa học trên từng thửa ruộng của hợp tác xã, thì mỗi hợp tác xã cần đào đắp các mương, các máng nhỏ, các bờ vùng, bờ thửa, xây dựng các cống lấy nước, tiêu nước các đập điều nước đơn giản, trong phạm vi hợp tác xã mình. Việc xây dựng các màng lưới kênh mương nhỏ ở hợp tác xã này, cần phải tiến hành song song với việc thực hiện quy hoạch phát huy tác dụng của hệ thống nói ở các điểm trên.
b) Điểm b, Điều 5 quy định ba việc rất quan trọng:
- Thứ nhất: Xây dựng kế hoạch phân phối: “Việc xây dựng kế hoạch phân phối nước cho từng vụ gieo trồng phải dựa vào kế hoạch sản xuất có kèm theo yêu cầu về tưới, tiêu cho từng vụ từng loại cây. Kế hoạch này phải được Ủy ban hành chính các xã trong hệ thống nông giang, tham gia ý kiến và được Hội đồng quản trị hệ thống liên tỉnh hoặc Ủy ban hành chính tỉnh, thành trực thuộc Trung ương xét duyệt theo như quy định ở điều 8, 9 và 14 dưới đây. Sau khi đã xét duyệt, cần phổ biến rộng rãi cho các hợp tác xã trước khi làm đất và gieo mạ. Việc điều chỉnh kế hoạch phân phối nước do tình hình biến chuyển của thời tiết phải được cơ quan đã xét duyệt thông qua và phổ biến kịp thời”.
Các việc cụ thể cần chú ý để xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch phân phối được là:
1. Dựa vào kế hoạch sản xuất có nghĩa là dựa trên cơ sở diện tích canh tác từng vùng cây trồng khác nhau, mỗi vùng đất đai khác nhau lại có một yêu cầu về chế độ tưới, tiêu khác nhau.
Việc đề ra các yêu cầu về chế độ tưới nước cho từng vụ, từng vừng, từng loại cây trồng sẽ do ngành nông nghiệp phụ trách như quy định ở điều 10 của bản điều lệ và nói rõ thêm ở chương III bản thông tư này.
2. Dựa vào yêu cầu tưới nước của từng vùng từng thời gian, cơ quan quản lý nông giang, phải cân đối lại với khả năng cung cấp nước của hệ thống. Hiện nay, vì các hệ thống của ta chưa được hoàn chỉnh, nên yêu cầu tưới vụ chiêm thường quá khả năng nguồn nước, do đó chưa bảo đảm tưới đồng loạt, với yêu cầu đầy đủ, nên phải nghiên cứu, điều hòa bằng các biện pháp quản lý nước, như tưới luân phiên, tăng cường trữ nước đầu vụ chiêm v.v… hoặc bằng các biện pháp canh tác khác (như đổi giống cây trồng…) để có cơ sở lập một dự án kế hoạch phân phối nước tương đối vững chắc, trong những điều kiện thời tiết bình thường.
3. Để các xã xác định lại kế hoạch sản xuất của địa phương mình và cân đối các yêu cầu về giống, về mạ, về sức kéo, và nhân lực v.v… với từng thời gian cung cấp nước, bản dự án kế hoạch phân phối nước, trước khi xét duyệt nên căn cứ vào yêu cầu các xã trong hệ thống nông giang, và sau khi được xét duyệt, cần phổ biến rộng rãi xuống đến tận các hợp tác xã trước khi làm đất và gieo mạ. Việc phổ biến này càng làm sớm càng hay, nhưng chậm nhất, cũng phải trước 10 ngày hợp tác xã gieo mạ.
4. Cũng cần nhận rõ rằng mặc dù đã có cơ sở tính toán như trên, kế hoạch phân phối nước này, cũng chỉ là một phương án chỉ đúng với những điều kiện thời tiết đã tính. Trong thực tế, các điều kiện nắng mưa, nóng lạnh, luôn luôn thay đổi, do đó, cho nên việc theo dõi các dự báo khí tượng để điều chỉnh kịp thời các kế hoạch phân phối nước đã được xét duyệt là một việc rất quan trọng.
Một yếu tố nữa cũng có thể làm thay đổi kế hoạch phân phối nước, là khi các hợp tác xã thay đổi kế hoạch sản xuất ví dụ: vùng này trước định trồng lúa nay lại trồng mầu, vùng kia trước định cấy dấm, nay lại làm ải v.v… Trong trường hợp này, các hợp tác xã cũng phải báo cao kịp thời lên cơ quan quản lý nông giang.
Việc điều chỉnh cũng phải được cơ quan đã xét duyệt kế hoạch thông qua. Riêng đối với các hệ thống liên tỉnh, để bảo đảm điều chỉnh tưới tiêu kịp thời, khỏi ảnh hưỏng xấu đến sản xuất và nếu Hội đồng quản trị hệ thống chưa có điều kiện họp ngay thì chủ tịch Hội đồng có thể tạm duyệt rồi trình Hội đồng quản trị hệ thống sau.
- Một điểm nữa cần chú ý là: xây dựng một quan niệm mới và tác phong chỉ đạo các hệ thống nông giang. Có kế hoạch phân phối nước chưa đủ, mà điều quan trọng là phải có công tác chỉ đạo rất chặt chẽ để thực hiện kế hoạch đó một cách hợp lý. Việc đó đòi hỏi các cán bộ lãnh đạo chính trị và kỹ thuật, từ trên xuống dưới, phải đi thật sát, nắm được tình hình từng khu vực, từng công trình và phải xử lý kịp thời. Cần thay đổi quan niệm cũ về công tác quản lý nông giang, không nên cho đó là một công tác quá đơn giản mà làm theo tác phong hành chính, phải coi đó là một cuộc chiến đấu rất phức tạp, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, chịu đựng vất vả, mệt nhọc.
- Thứ nhì:
“Cần mau chóng tạo điều kiện chủ động về nước để áp dụng ngay các chế độ và kỹ thuật tưới tiêu nước khoa học”.
1. Hiện nay, nhiều tỉnh, huyện đã có các cơ sở rượng thực nghiệm tưới khoa học. nhưng muốn đẩy mạnh nền sản xuất nông nghiệp của ta lên theo tinh thần nghị quyết VIII của Trung ương không thể chỉ áp dụng tưới theo phương pháp khoa học trên các diện tích nhỏ bé của các cơ sở ruộng thực nghiệm mà phải tiến hành trên các diện tích rộng lớn của mọi hợp tác xã.
Muốn làm được, việc đầu tiên là phải có các cơ sở vật chất để chủ động được về nước.
2. Đối với các vùng, các hợp tác xã đã có màng lưới kênh mương, bờ vùng, bờ thửa và các công trình nhỏ phụ thuộc thì nhất thiết phải áp dụng rộng rãi ngay các chế độ tưới theo phương pháp khoa học. Đối với các nông giang chưa có điều kiện chủ động về nước, thì một mặt phải tích cực gấp rút thực hiện màng lưới thủy lợi, mặt khác tranh thủ tạo ngay điều kiện chủ động về nước trên vùng nhỏ một bằng cách đắp bờ, có kế hoạch dùng gầu, dùng guồng, dùng máy bơm v.v… để áp dụng ngay các chế độ tưới theo phương pháp khoa học nhằm ổn định và không ngừng nâng cao năng suất cây trồng kết hợp với việc cải tạo chất từng bước.
- Cần chú ý thêm là, việc áp dụng các chế độ tưới theo phương pháp khoa học, không những chỉ áp dụng trên các ruộng lúa, mà còn phải tiến hành ở các vùng trồng hoa màu và cây công nghiệp nữa. Đối với các vùng trọng điểm trồng hoa màu và cây công nghiệp lại càng phải được đặc biệt chú ý.
- Thứ ba: “Mỗi hệ thống nông giang phải có những khu thí nghiệm để cải tiến các chế độ và kỹ thuật tưới cho thích hợp với từng loại cây trồng, từng vụ, từng loại đất và khí hậu của địa phương”.
1. Hiện nay, viện Nghiên cứu khoa học Thủy lợi đã có một số trạm thí nghiệm tưới. Đó là các trung tâm nghiên cứu các chế độ tưới và kỹ thuật tưới cho các loại cây trồng chủ yếu và các vùng đất đai rộng lớn.
Muốn vận dụng được tốt các kết quả nghiên cứu được ở các trạm thí nghiệm của Viện, mỗi quan quản trị nông giang hoặc mỗi ty thủy lợi nơi chưa có ban quản trị nông giang, tùy theo tình tình hình thực tế của đất đai, giống cây trồng, tập quán canh tác, thời tiết v.v… của địa phương mình, mà tìm ra những công thức tưới hợp lý nhất để phổ biến cho các hợp tác xã áp dụng.
2. Các công thức tưới của các khu thí nghiệm phổ biến đó, tuy đã có một giá trị cụ thể nhất định nhưng việc vận dụng vào từng hợp tác xã cũng cần hết sức linh hoạt, và cũng tùy theo điều kiện cụ thể về đất đai, cây trồng, biện pháp canh tác của hợp tác xã, do đó mỗi hợp tác xã cần có một cơ sở thực nghiệm tưới, khoảng từ 0 ha 200 đến 0 ha 500.
Về diện tích phải bảo đảm tưới, tiêu theo phương pháp khoa học cho từng tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, bộ Thủy lợi sẽ có thông tư sau.
a) Điểm a, Điều 6 của bản điều lệ đã quy định: “Đối với các hệ thống đại thủy nông, trung thủy nông việc thu thủy lợi phí phải nhằm mục đích dùng vào việc quản lý tu bổ khai thác công trình và phải theo đúng điều lệ thu thủy lợi phí ban hành theo nghị định số 66-CP ngày 05-06-1962 của Hội đồng Chính phủ”.
Bộ không nhắc lại đây các điều đã quy định ở bản điều lệ thu thủy lợi phí của Chính phủ và thông tư hướng dẫn thi hành số 67-TT-TLĐL-TN ngày 29-10-1962 của Bộ, nhưng với tinh thần điểm quy định mới này, Bộ cụ thể mấy điểm dưới đây:
1. Phải tập trung các khoản thu thủy lợi phí vào công tác quản lý và tu bổ các hệ thống đại thủy nông, trung thủy nông, tuyệt dối không được dùng tiền thu thủy lợi phí đem làm việc khác, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương sẽ chịu trách nhiệm về các hư hỏng trong hệ thống mà không sửa chữa, trong khi đó lại sử dụng các khoản thu, hay một phần các khoản thu thủy lợi phí, vào các công tác khác của địa phương.
2. Ngoài điểm đã quy định trong thông tư thi hành nhắc trên: “Biểu thu riêng của mỗi tỉnh phải được liên bộ Tài chính và Thủy lợi duyệt trước khi thi hành…”, từ nay mỗi khi Hội đồng quản trị các hệ thống liên tỉnh hay Ủy ban hành chính các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đề nghị Bộ cấp kinh phí đại tu bổ cho các hệ thống đại thủy nông thì phải có báo cáo cụ thể về các khoản thu và chi về thủy lợi phí.
3. Cũng cần chú ý rằng hiện nay một số hệ thống còn nhiều công trình hư hỏng, chưa sữa chữa được mấy, bộ máy quản lý cũng chưa được chặt chẽ; do đó chi phí về tu bổ và về lương cán bộ công nhân tương đối còn ít. Nếu căn cứ vào các khoản chi đó quy định mức thu thì không đúng, nhất là khi mức thu quy định còn thấp nhiều hơn mức thu tối đa cho phép. Đối với các trường hợp này, cần nghiên cứu điều chỉnh hợp lý các mức thu trong phạm vi mà điều lệ cho phép để có đủ kinh phí tu sửa công trình hoàn chỉnh hệ thống.
b) Điểm b, điều 6 quy định 2 việc mới cần chú ý:
Một là: “Đối với các hệ thống đại thủy nông đã thu thủy lợi phí, sau một năm ban hành điều lệ này phải thực hiện việc quản lý theo chế độ hạch toán kinh tế”.
- Việc quản lý các hệ thống nông giang theo chế độ hạch toán kinh tế đã được đề ra trong bản điều lệ thu thủy lợi phí ban hành theo nghị định số 66-CP ngày 05-06-1962 của Hội đồng Chính phủ.
Điểm mới ở đây là thời gian quy định phải thực hiện, nhận rõ là thực hiện được quản lý theo chế độ hạch toán kinh tế là tạo điều kiện tốt để đưa công tác quản lý và khai thác các hệ thống nông giang vào nền nếp, làm đà tiến lên để phục vụ tốt hơn nữa kế hoạch sản xuất nông nghiệp, chúng ta phải coi thời gian quy định một năm là thời gian tối đa, và hết sức thực hiện được càng sớm càng hay.
Hiện nay, Bộ đang làm thí điểm ở hệ thống Sơn tây, Chương Mỹ và sẽ có chỉ thị riêng về điểm này; trong khi chờ đợi, yêu cầu các ban quản trị các hệ thống đại thủy nông tích cực chuẩn bị các tài liệu cần thiết về công tác này như: kiểm tra và đánh giá công trình, xác minh các diện tích hưởng lợi, xét lại các khoản thu chi hàng năm v.v…
Hai là; “Trong thời gian chưa thu thủy lợi phí, các chi phí về quản lý, tu bổ và khai thác đều do ngân sách địa phương đài thọ”.
- Điều 9 của điều lệ thu thủy lợi phí có quy định: “Các hệ thống nông giang mới xây dựng sẽ được miễn thủy lợi phí từ một năm đến hai năm kể từ ngày được khai thác sử dụng”.
1. Đối với các hệ thống đã khai thác trên một năm mà chưa thu thủy lợi phí, cần phải điều tra, nắm vững ngay các diện tích thực tế đã hưởng lợi để trên cơ sở đó, nghiên cứu các mức thu và biểu thu cần thiết.
Việc này cần tiến hành gấp để nếu xét có thể được, thì tiến hành thu ngay thủy lợi phí từ đầu 1964, bớt được một phần gánh vác cho ngân sách Nhà nước.
2. Đối với các hệ thống mới khai thác mà xét, đến 1964 chưa có đủ điều kiện thu thủy lợi phí, thì Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sở tại phải ghi vào ngân sách 1964 của địa phương mình mọi khoản chi phí về quản lý và tu bổ như: lương cán bộ, công nhân, các chi phí về tu sửa công trình, về dầu mỡ và điều kiện cho các trạm bơm điện v.v…
Riêng đối với các hệ thống liên tỉnh, thì sau khi Hội đồng quản trị hệ thống xét duyệt kế hoạch chỉ 1964 do Ban quản trị lập, thì Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ruộng đất nằm trong hệ thống, phải ghi vào ngân sách 1964 của địa phương mình phần của Hội đồng quản trị đã phân bổ cho.
3. Đối với các hệ thống đang xây dựng: như Bắc Ninh, trạm bơm Yên Dũng, trạm bơm Đức Thọ, v.v… Ủy ban hành chính các tỉnh cần nắm vững thời gian hoàn thành, ghi trước vào Ngân sách địa phương mình các khoản chi cần thiết để có điều kiện sử dụng ngay công trình.
c) “Đối với các hệ thống trung thủy nông loại nhỏ và tiểu thủy nông có liên quan đến nhiều hợp tác xã trở lên, các chi phí về quản lý, tu bổ, khai thác đều do các hợp tác xã và nông dân có ruộng hưởng nước cùng nhau thỏa thuận đóng góp”.
Sự đóng góp này cũng phải dựa trên cơ sở các yêu cầu về chi phí cần thiết về lương hay thù lao cho nhân viên quản lý, về tu sửa và phát triển công trình, để việc khai thác các công trình được tốt, việc tưới tiêu đồng ruộc được bảo đảm; việc phân bổ các khoản đóng góp cho mỗi đơn vị hoặc cá nhân được hưởng lợi cũng phải được công bằng hợp lý; hưởng nhiều, đóng nhiều, hưởng ít, đóng ít, tránh suy bì mất đoàn kết.
Còn đối với công trình tiểu thủy nông chỉ liên quan đến một hợp tác xã, thì các khoản chi phí sẽ do hợp tác xã đó đảm nhiệm.
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH
CÓ LIÊN QUAN VÀ CỦA NHÂN DÂN
a) Điều 10 của bản điều lệ quy định: Ngành nông nghiệp có nhiệm vụ dựa vào kế hoạch sản xuất và các biện pháp canh tác liên hoàn, đặt ra yêu cầu về chế độ tưới nước cho từng vụ, từng vùng, từng loại cây trồng và tham gia cùng ngành thủy lợi chỉ đạo việc tưới, tiêu nước theo khoa học và cải tạo đất bằng biện pháp thủy lợi”.
Đây là quy định cụ thể sự phối hợp giữa ngành thủy lợi và ngành nông nghiệp trong việc nghiên cứu các chế độ tưới và biện pháp tưới, cũng như trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch phân phối nước thích hợp nhất cho từng vụ chiêm, thu, mùa, từng vùng đất đai khác nhau, và từng loại cây trồng khác nhau. Cần phải thấy rõ rằng các yêu cầu về nước cho từng thời gian sinh trưởng của cây trồng, có liên quan mật thiết đến các biện pháp canh tác liên hoàn khác; cấy sâu hay nông, cấy đầy hay thưa, bón nhiều phân hay ít phân, thời gian nào bón phân, giống lúa này hay giống lúa khác v.v… đều có ảnh hưởng đến lượng nước cần cả.
Việc phối hợp giữa các ty thủy lợi, các ban quản trị nông giang và các ty nông nghiệp phải được rất chặt chẽ dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban hành chính các tỉnh, thành.
b) Điều 11 của bản điều lệ cũng quy định sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thủy lợi và các ngành khác có liên quan “nhằm sử dụng tổng hợp nguồn nước trong việc phát triển giao thông vận tải, làm thủy điện, nuôi cá, v.v…
Trong việc chỉ đạo sự phối hợp giữa các ngành, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương cần chú ý:
1. Lợi dụng tổng hợp nguồn nước: là một việc rất cần nhưng cũng cần nhận thức rõ là công trình thủy nông, chủ yếu để bảo đảm tưới tiêu, nhằm phục vụ tốt cho việc trồng cây. Do đó, cho nên việc làm thủy điện, nuôi cá, trồng cây v.v…, trên các hệ thống thủy nông, không được trở ngại cho các kế hoạch phân phối nước của hệ thống đồng thời không ảnh hưởng đến an toàn của công trình, bờ kênh, bờ mương.
2. Về việc phối hợp giữa ngành giao thông vận tải và thủy lợi và theo tinh thần thông tư số 68-TTg ngày 26-06-1962 của Thủ tướng Chính phủ, cần chú ý các điểm sau này:
- Những công trình giao thông phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu thủy lợi, hoặc không làm trở ngại đến công tác thủy lợi, và ngược lại.
Trường hợp ngành nào xây dựng công trình mới làm trở ngại đến tác dụng sẵn có của ngành bạn, thì phải được nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận, thống nhất ý kiến giữa hai ngành và ngành xây dựng công trình mới phải chịu trách nhiệm đài thọ số kinh phí dùng vào việc phục hồi những điều kiện sẵn có trước kia của công trình thuộc ngành bạn.
- Về việc vận tải trên các công trình và hệ thống kênh mương, cũng như về việc vận chuyển thuyền bè trong các hệ thống nông giang, sẽ nói rõ ở chương V.
3. Về việc phối hợp với ngành Công an trong việc bảo vệ công trình nông, cũng sẽ nói rõ ở chương V.
TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC HỆ THỐNG NÔNG GIANG
Các điểm quy định từ điều 13 đến điều 17 của bản điều lệ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy nông mới ban hành này, về căn bản không có chỗ nào mâu thuẫn với bản điều lệ tạm thời tổ chức bộ máy quản lý nông giang đã ban hành theo quyết định số 359-QĐ-TLĐL ngày 23-03-1962 của Bộ. Các điểm quy định trong bản điều lệ tạm thời tổ chức bộ máy quản lý nông giang nói trên vẫn hoàn toàn có giá trị thi hành trừ các điểm mới bổ sung dưới đây:
1. Đối với các hệ thống đại thủy nông loại lớn: Bắc Hưng Hải và Hà Đông, Hà Nam, Hội đồng quản trị hệ thống gồm đại diện bộ Thủy lợi làm chủ tịch và đại diện Ủy ban hành chính các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương có ruộng đất trong hệ thống, làm ủy viên.
2. Đối với các hệ thống đại thủy nông liên tỉnh loại vừa và nhỏ như: Sông Cầu, Sơn Tây, Chương Mỹ, An Kim Hải; Hội đồng quản trị hệ thống gồm đại diện Ủy ban hành chính các tỉnh, thành và đại diện Ủy ban hành chính các huyện trong hệ thống. Chủ tịch Hội đồng là đại diện Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành trực thuộc Trung ương có nhiều diện tích ruộng đất hưởng nước trong hệ thống.
Như vậy các trưởng ty thủy lợi không phải đương nhiên là chủ tịch hoặc là ủy viên Hội đồng quản trị hệ thống, theo như quy định cũ, mà chỉ có thể tham gia Hội đồng với tư cách là đại diện Ủy ban hành chính tỉnh, thành.
Một điểm nữa cần chú ý là: do thành phần Hội đồng quản trị hệ thống là các đại diện Ủy ban hành chính các tỉnh, thành cho nên nghị quyết của Hội đồng, không phải thông qua các ủy ban hành chính đó mà có ngay giá trị thi hành trong toàn bộ hệ thống.
3. Điều 15 của bản điều lệ mới ban hành này cũng quy định cụ thể:
a) Ban quản trị hệ thống đại thủy nông liên tỉnh loại lớn trực thuộc bộ Thủy lợi.
b) Ban quản trị hệ thống đại thủy nông liên tỉnh loại vừa và nhỏ trực thuộc tỉnh, hoặc thành làm chủ tịch Hội đồng quản trị nông giang.
c) Ban quản trị hệ thống đại thủy nông trong một tỉnh trực thuộc Ủy ban hành chính sở tại.
Để áp dụng dễ dàng điểm c mới quy định này, Bộ thấy cần nói rõ thêm:
- Hiện nay, chúng ta có một số hệ thống nông giang mà thông thường gọi là đại thủy nông, vì là do kinh phí trung ương đài thọ các khoản chi về xây dựng; về phương diện quản lý và khai thác, chưa có văn bản nào của Bộ quy định thế nào và hệ thống nào là đại thủy nông, hệ thống nào là trung thủy nông v.v…
- Trong khi chờ đợi có một quy định chính thức về việc này, dựa vào tình hình thực tế của các hệ thống ta hiện nay, Bộ tạm thời quy định các hệ thống sau này là hệ thống đại thủy nông trong một tỉnh trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh sở tại Liên sơn, (Vĩnh phúc); Bắc và Nam Thái bình (Thái bình); Nam định Đông và Ngô đồng (Nam định); sông Chu, Nam sông Mã (Thanh hoá); Bắc Nghệ an, Nam Nghệ an (Nghệ an).
- Đối với các hệ thống nông giang khác, tương đối bé hơn các hệ thống trên như: Cầu Sơn (Hà Bắc), Lâm Thao; Hà Mão (Phú Thọ), Đại Lãi (Vĩnh Phúc), Suối Hai (Sơn Tây), Nam Sách Chí Linh (Hải Dương), Gia Thượng (Hà Nội), Thủy Nguyên (Hải Phòng) v.v… thì mỗi hệ thống thành lập một bộ phận quản lý trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh nếu liên quan đến nhiều huyện, hoặc trực thuộc Ủy ban hành chính huyện nếu chỉ liên quan đến nhiều xã trong một huyện. Để tổ chức được gọn gàng, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành nếu xét cần, có thể ủy nhiệm cho ty thủy lợi trực tiếp chỉ đạo công tác quản lý và khai thác các hệ thống liên quan đến nhiều huyện; và kiểm tra, đôn đốc; hướng dẫn về mặt kỹ thuật; đối với các hệ thống nằm trong một huyện do Ủy ban hành chính huyện phụ trách.
4. Điều 16 cũng có quy định thêm “ở mỗi hệ thống trung thủy nông loại nhỏ hoặc tiểu thủy nông chỉ liên quan đến một vài xã hoặc nhiều hợp tác xã thì giữa các xã hoặc hợp tác xã hưởng nước thỏa thuận cử người phụ trách hoặc phân công quản lý.
Đây cũng là một điểm mới và rất quan trọng kinh nghiệm vừa qua cho thấy rõ, có nhiều công trình trung thủy nông, tiểu thủy nông, xây dựng xong, không có người chuyên trách về công tác quản lý, do đó, có nhiều hư hỏng không phát hiện và sửa chữa kịp thời, kết quả là đã xẩy ra tác hại quan trọng.
Lương hoặc thù lao người chuyên trách này, tùy theo tầm quan trọng của công trình và điều kiện sinh hoạt ở mỗi địa phương mà ấn định cho sát, và sẽ trả vào khoản chi phí về quản lý, tu bổ và khai thác công trình mà “các hợp tác xã và nông dân có ruộng hướng nước cùng nhau thỏa thuận đóng góp” (xem điểm c, mục D, chương II ở trên).
5. Một điểm nữa cần chú ý là: “Ở mỗi xã trong vùng hưởng nước của các hệ thống này (đại thủy nông, trung thủy nông loại lớn) có từ một đến hai cán bộ thủy lợi xã chịu trách nhiệm trước Ban quản trị hay bộ phận quản lý nông giang về việc thi hành và hướng dẫn thực hiện các chế độ tưới, tiêu theo phương pháp khoa học và quy định kỹ thuật về quản lý nông giang; được hưởng một khoản thù lao do quỹ thủy lợi phi đài thọ. Khoản thù lao này sẽ tùy điều kiện công tác và sinh hoạt từng nơi mà ấn định, tối thiểu là 10đ và tối đa là 20đ.
- Về tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ, thì ngoài yêu cầu là người nông dân tốt, khỏe mạnh, cần chọn các người có trình độ văn hóa lớp 3 hay lớp 4 đã có một số kinh nghiệm về đào đắp kênh mương, tưới tiêu khoa học để có điều kiện dự các lớp bổ túc nghiệp vụ sau này.
- Về thù lao, thì phải rất linh hoạt, từ mức tối thiểu là 10đ đến mức tối đa là 20đ, có thể tùy theo mức thu hoạch của nông dân địa phương, tùy theo công việc nhiều hay ít, người cán bộ cần thoát ly sản xuất nhiều hay ít v.v… mà ấn định cho sát.
a) Điểm a điều 18 của bản điều lệ quy định rõ: “Ở mỗi vị trí công trình quan trọng, Ủy ban hành chính tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, niêm yết nội quy ra vào, tham quan và cấm những việc làm có phương hại đến việc bảo vệ công trình”.
Các công trình quan trọng là: các công trình đầu mối các hệ thống nông giang, các đập điều tiết, các cống tiêu, có ảnh hưởng đến nhiều huyện. Tùy tình hình mỗi địa phương và vị trí của mỗi công trình mà quy định cụ thể các việc cấm làm có phương hại đến an toàn của công trình, ví dụ: cấm dùng thuốc nổ trong phạm vi 500m xung quanh công trình như quy định ở điều 21, cấm đánh cá hay cuốc trong phạm vi 200m đối với các công trình đặc biệt quan trọng và 100m đối với các công trình khác, v.v…
b) Điểm b, điều 18 quy định: “Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, Ban quản trị nông giang phối hợp với công an và dân quân địa phương để đặt kế hoạch bảo vệ các công trình trong toàn bộ hệ thống. Riêng đối với các công trình quan trọng ảnh hưởng đến nhiều huyện, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương phải trực tiếp tổ chức các lực lượng bảo vệ. Đối với các công trình khác, thì ở địa phận huyện, xã nào thì Ủy ban hành chính huyện xã ấy có trách nhiệm lãnh đạo các cơ quan công an và dân quân huyện, xã canh phòng, bảo vệ. Việc canh phòng, bảo vệ các công trình cần được tăng cường và đặc biệt chú trọng mùa lũ nhất là những lúc có lũ hoặc bão”.
Điểm quy định trên rất rõ, trong lúc chỉ đạo thực hiện cần chú ý:
- Bản kế hoạch bảo vệ công trình trong toàn bộ hệ thống, do Ban quản trị nông giang phối hợp với công an và dân quân địa phương lập, phải cụ thể: các công trình quan trọng do Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành trực tiếp tổ chức các lực lượng bảo vệ; các công trình nào thuộc địa phận huyện, xã nào do Ủy ban hành chính các huyện, xã đó phụ trách; lực lượng cần thiết bố trí ở mỗi công trình, ban ngày, ban đêm, thời kỳ bình thường, lúc có mưa, có bão v.v…; các chi tiết về phân công giữa các lực lượng canh phòng bảo vệ và tổ chức quản lý; các kế hoạch kiểm tra thực hiện nhất là đối với các công trình đầu mối, các hệ thống đại thủy nông như đập Bái Thượng, đập Đô Lương v.v… và các công trình lớn lấy nước hay tiêu nước dưới đê như Xuân Quan, Liên Mạc, Lương Cổ, Trà Linh v.v…
Đối với các hệ thống nằm trong một tỉnh, thì bản kế hoạch này phải được Ủy ban hành chính tỉnh thông qua; trước khi thi hành. Đối với các hệ thống liên tỉnh, thì bản kế hoạch này phải được mỗi Ủy ban hành chính tỉnh, thành sở quan thông qua, trước khi trình Hội đồng quản trị xét duyệt.
- Các bản kế hoạch bảo vệ và canh phòng này cần phải được thường xuyên (6 tháng, 1 năm) xét lại và điều chỉnh cho sát với mọi biến chuyển có thể xảy ra.
c) Về vận tải trên các công trình và hệ thống bờ kênh mương và về vận chuyển thuyền bè trong các hệ thống nông giang.
Điều 19 và 20 của bản điều lệ đã quy định cụ thể. Trong việc thực hiện, cần chú ý:
1. Ở mỗi địa phương, ty thủy lợi hoặc ban quản trị hệ thống nông giang cần bàn bạc và thống nhất ý kiến với ty giao thông về trọng tải và tốc độ cho các loại xe được phép chạy trên các bờ kênh dùng làm đường giao thông có rải đá hoặc tráng nhựa, cũng như trên các bờ kênh mương không có rải đá hoặc tráng nhựa, và trên các công trình xây dựng ở các đường đó.
Sau khi được Ủy ban hành chính tỉnh, thành thông qua, phải niêm yết các trọng tải và tốc độ cho phép ở hai đầu đoạn bờ kênh dương làm đường giao thông và ở hai bên đầu công trình. Các bảng niêm yết này phải đạt theo thể lệ giao thông.
2. Để thi hành đúng tinh thần điều 20 về việc hạn chế số lần đóng mở âu thuyền trong mùa cạn và mỗi khi cần, và để nhằm một mặt tiết kiệm nước để tưới cho đồng ruộng, mặt khác hạn chế khó khăn cho việc vận chuyển thuyền bè trong hệ thống; trong mùa cạn, các Ban quản trị nông giang cần theo dõi thật sát yêu cầu tưới của từng thời gian đối chiếu với tình hình biến chuyển của thời tiết (nắng, hạn v.v…) đề ra kịp thời với Hội đồng quản trị hệ thống liên tỉnh hoặc Ủy ban hành chính tỉnh, thành (đối với hệ thống nằm trong 1 địa phương) số lần đóng mở âu thuyền cần hạn chế mỗi ngày và thời gian hạn chế, đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị thường dùng đường vận tải thủy trong nông giang biết để điều chỉnh kế hoạch.
Điều 22 và 23 quy định cụ thể các trường hợp khen thưởng và kỷ luật. Cần chấp hành nghiêm chỉnh.
Điểm cần chú ý ở đây là: “Trưởng phó ban quản trị nông giang và cán bộ quản lý nông giang được ủy nhiệm, lập biên bản và có ý kiến đề nghị mức xử lý để Ủy ban hành chính địa phương quyết định”.
Thi hành điều này, thì ngoài các trưởng phó ban quản trị là các người đương nhiên có quyền lập biên bản, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành theo đề nghị của các ban quản trị nông giang, có thể ủy nhiệm cho một số cán bộ quyền lập biên bản. Số cán bộ được ủy nhiệm này nên hạn chế trong phạm vi các cán sự bậc 3 trở lên, hoặc cán bộ kỹ thuật cao cấp đã công tác được 2 năm trở lên, và cán bộ kỹ thuật trung cấp đã công tác được 5 năm trở lên.
Đối với các hệ thống liên tỉnh, thì cán bộ hoạt động ở địa phương nào, cần phải được ủy nhiệm của Ủy ban hành chính tỉnh, thành đó.
KẾ HOẠCH HỌC TẬP VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Thực hiện được đầy đủ bản “điều lệ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy nông” do Hội đồng Chính phủ mới ban hành đây sẽ có một tác dụng rất lớn đối với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, và trước mắt, đối với việc cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật ở các hợp tác xã nông nghiệp.
Muốn thực hiện được tốt, bước đầu là cần tổ chức học tập, phổ biến rộng rãi cho cán bộ các ngành từ tỉnh xuống đến huyện, xã, mỗi tỉnh cần có một kế hoạch học tập cụ thể riêng: học tập đối với cán bộ ngành thủy lợi và đối với các ngành có liên quan, như Nông nghiệp, Giao thông vận tải; Công an v.v… học tập từ tỉnh xuống đến các huyện; xã. Sau đợt học tập cho toàn thể cán bộ, cần có một đợt tuyên truyền cho toàn thể đảng viên và quần chúng quán triệt mục đích ý nghĩa và những quy định cơ bản của bản điều lệ.
Đối với ngành thủy lợi, các ty và ban quản trị nông giang, cần có một kế hoạch học tập riêng: học tập và phổ biến chung cho toàn thể cán bộ, nhân viên về bản điều lệ của Chính phủ và thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ. Riêng đối với các ty có hệ thống nông giang và các ban quản trị nông giang, lại cần tổ chức cho các bộ phận quản lý công trình kể cả các thủ công học tập và thảo luận về các bản quy định kỹ thuật của Bộ đã ban hành để xây dựng các bản quy định riêng cho hệ thống và cho các công trình của địa phương.
Thời gian học tập cần cố gắng làm xong với công tác chuẩn bị phục vụ Đông – Xuân 1963 – 1964.
Trong thời gian học tập và có điểm gì chưa rõ, xin cho Bộ biết ngay và sau khi học tập, Bộ yêu cầu các Ủy ban hành chính tỉnh; thành báo cáo kết quả; các ty thủy lợi và ban quản trị nông giang phải gửi báo cáo riêng về học tập ở đơn vị mình, chậm nhất là cuối tháng 12-1963 báo cáo phải gửi về tới Bộ.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI |
- 1Luật Đê điều 2006
- 2Nghị định 141-CP năm 1963 ban hành điều lệ quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thủy nông do của Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 68-TTg năm 1962 về việc phối hợp công tác giữa hai ngành Giao thông và Thủy lợi do Phủ thủ tướng ban hành
- 4Nghị định 66-CP năm 1962 ban hành điều lệ thu thủy lợi phí do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
Thông tư 31-TL năm 1963 hướng dẫn thi hành Nghị định 141-CP ban hành Điều lệ quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy nông do Bộ Thủy lợi ban hành
- Số hiệu: 31-TL
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 08/10/1963
- Nơi ban hành: Bộ Thuỷ lợi
- Người ký: Trần Quý Kiên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 36
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra