Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2013/TT-BYT

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUAN TRẮC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TỪ HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH CỦA BỆNH VIỆN

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện,

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nội dung, thông số, địa điểm, phương pháp quan trắc, tần suất và báo cáo kết quả quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện và các trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có giường bệnh (sau đây gọi tắt là bệnh viện).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện là hoạt động theo dõi có hệ thống về diễn biến số lượng, thành phần, mức độ nguy hại của chất thải rắn y tế, khí thải lò đốt chất thải rắn y tế, nước thải y tế tại bệnh viện (sau đây gọi tắt là quan trắc môi trường bệnh viện).

2. Quan trắc môi trường không khí là hoạt động quan trắc môi trường không khí bên ngoài các khoa, phòng nhưng nằm trong khuôn viên bệnh viện.

Chương 2.

NỘI DUNG, THÔNG SỐ, ĐỊA ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP QUAN TRẮC

Điều 3. Quan trắc chất thải rắn y tế

1. Nội dung quan trắc:

a) Nguồn phát thải: Tên và số lượng các nguồn phát thải;

b) Thành phần (thông số quan trắc):

- Chất thải thông thường;

- Chất thải y tế nguy hại gồm: Chất thải lây nhiễm, chất thải hóa học nguy hại, chất thải phóng xạ;

c) Số lượng:

- Số lượng chất thải rắn y tế phát sinh trung bình một ngày (kg/ngày);

- Tổng số lượng chất thải rắn y tế phát sinh trong kỳ báo cáo (kg);

- Tổng số lượng chất thải rắn y tế phát sinh trong kỳ báo cáo theo từng thành phần chất thải quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;

d) Phương pháp thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế và xử lý, tiêu hủy chất thải rắn y tế.

2. Địa điểm quan trắc:

a) Các khoa, phòng của bệnh viện;

b) Khu vực lưu giữ tập trung chất thải rắn y tế của khoa, phòng, bệnh viện;

c) Khu vực xử lý, tiêu hủy chất thải rắn y tế của bệnh viện.

Điều 4. Quan trắc nước thải y tế

1. Nội dung quan trắc:

a) Nguồn phát thải: Tên và số lượng các nguồn phát thải;

b) Thành phần (thông số quan trắc):

Các thông số quan trắc nước thải y tế theo quy định tại QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế;

c) Số lượng:

- Lượng nước thải y tế phát sinh trung bình một ngày, đêm (m³/ngày, đêm);

- Tổng lượng nước thải y tế phát sinh trong kỳ báo cáo (m³);

d) Phương pháp thực hiện việc thu gom và xử lý nước thải y tế.

2. Địa điểm quan trắc:

a) Khu vực thu gom tập trung nước thải y tế trước xử lý;

b) Khu vực cửa xả nước thải y tế sau khi xử lý.

Điều 5. Quan trắc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế

1. Nội dung quan trắc:

a) Nguồn phát thải: Tên và số lượng các nguồn phát thải;

b) Thành phần (thông số quan trắc):

Các thông số quan trắc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế theo quy định tại QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế;

c) Phương pháp thực hiện việc xử lý khí thải lò đốt chất thải rắn y tế.

2. Địa điểm quan trắc: Lò đốt chất thải rắn y tế.

Điều 6. Quan trắc môi trường không khí

1. Thành phần (thông số quan trắc):

a) Các thông số cơ bản: Lưu huỳnh đioxit (SO2), cacbon monoxit (CO), nitơ đioxit (NO2);

b) Các chất độc hại: Hydrocacbon (CnHm), amoniac (NH3), fomaldehyt (HCHO).

2. Địa điểm quan trắc:

a) Điểm trung tâm của bệnh viện;

b) Cổng chính bệnh viện;

c) Điểm đầu và điểm cuối hướng gió chủ đạo: tại vị trí tiếp giáp phía trong hàng rào bệnh viện và nằm trên trục đường thẳng qua điểm trung tâm bệnh viện hoặc điểm tương đương.

d) Điểm đầu và điểm cuối hướng vuông góc với hướng gió chủ đạo: tại vị trí tiếp giáp phía trong hàng rào bệnh viện và nằm trên trục đường thẳng qua điểm trung tâm bệnh viện hoặc điểm tương đương.

đ) Khu vực xung quanh nơi lưu giữ, xử lý chất thải.

Điều 7. Phương pháp quan trắc

1. Chất thải rắn y tế:

a) Phương pháp quan trắc: Quan sát trực tiếp; cân, đo số lượng; thu thập số liệu từ sổ sách, chứng từ có liên quan, bảng kiểm, bộ câu hỏi;

b) Phương pháp đánh giá kết quả quan trắc về chất thải rắn y tế: Căn cứ quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế tại Quy chế quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

2. Nước thải y tế, khí thải lò đốt chất thải rắn y tế, môi trường không khí:

a) Phương pháp xác định giá trị các thông số ô nhiễm và giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải y tế theo QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế;

b) Phương pháp xác định giá trị các thông số ô nhiễm và giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải lò đốt chất thải rắn y tế theo QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế;

c) Phương pháp xác định giá trị các thông số chất lượng không khí và giá trị giới hạn của các thông số cơ bản trong không khí xung quanh theo QCVN 05:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh;

d) Phương pháp xác định giá trị các thông số chất lượng không khí và nồng độ tối đa cho phép của một số chất độc hại trong không khí xung quanh theo QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh.

Chương 3.

TẦN SUẤT VÀ BÁO CÁO KẾT QUẢ QUAN TRẮC

Điều 8. Tần suất quan trắc

1. Quan trắc chất thải rắn y tế, nước thải y tế, khí thải lò đốt chất thải rắn y tế: Thực hiện định kỳ 03 (ba) tháng một lần.

2. Quan trắc môi trường không khí: Thực hiện định kỳ 06 (sáu) tháng một lần.

Điều 9. Chế độ báo cáo

1. Biểu mẫu báo cáo:

a) Các bệnh viện báo cáo kết quả quan trắc môi trường của bệnh viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) tổng hợp báo cáo kết quả quan trắc môi trường của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Cơ quan đầu mối về y tế của Bộ, ngành tổng hợp báo cáo kết quả quan trắc môi trường của các bệnh viện thuộc Bộ, ngành quản lý theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trình tự và thời gian báo cáo:

a) Các bệnh viện gửi báo cáo lần 01 trước ngày 10 tháng 7 của năm thực hiện và báo cáo lần 02 trước ngày 10 tháng 01 của năm kế tiếp theo quy định sau:

- Các bệnh viện của Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế, các bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn tỉnh gửi báo cáo kết quả quan trắc môi trường của bệnh viện về Sở Y tế;

- Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế gửi báo cáo kết quả quan trắc môi trường của bệnh viện về Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế;

- Các bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành gửi báo cáo kết quả quan trắc môi trường của bệnh viện về cơ quan đầu mối về y tế của Bộ, ngành quản lý;

b) Các Sở Y tế, cơ quan đầu mối về y tế của các Bộ, ngành gửi báo cáo tổng hợp kết quả quan trắc môi trường bệnh viện lần 01 trước ngày 20 tháng 7 của năm thực hiện và báo cáo lần 02 trước ngày 20 tháng 01 của năm kế tiếp về Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của Cục Quản lý môi trường y tế

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết, sơ kết việc thực hiện Thông tư này.

2. Tổng hợp báo cáo kết quả quan trắc môi trường bệnh viện trên phạm vi toàn quốc để báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế.

Điều 11. Trách nhiệm của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh - Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên

1. Phối hợp kiểm tra hoạt động quan trắc môi trường bệnh viện tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện khác khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Thực hiện quan trắc môi trường bệnh viện theo quy định tại Nghị định số 27/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Y tế

1. Quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác quan trắc môi trường bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

2. Báo cáo tổng hợp kết quả quan trắc môi trường bệnh viện trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan đầu mối về y tế của Bộ, ngành

1. Kiểm tra, giám sát hoạt động quan trắc môi trường bệnh viện tại các bệnh viện do Bộ, ngành quản lý.

2. Báo cáo kết quả quan trắc môi trường bệnh viện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Điều 14. Trách nhiệm của các bệnh viện

1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quan trắc môi trường bệnh viện theo quy định tại Thông tư này.

2. Báo cáo kết quả quan trắc môi trường của bệnh viện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

3. Thực hiện các biện pháp khắc phục khi kết quả quan trắc môi trường bệnh viện không đạt yêu cầu.

4. Ngoài việc thực hiện các quy định về chế độ báo cáo kết quả quan trắc môi trường bệnh viện tại Thông tư này, các bệnh viện còn phải thực hiện chế độ báo cáo giám sát môi trường định kỳ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong văn bản này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2013.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

Cục Quản lý môi trường y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức việc hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; Vụ KGVX (Phòng Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ);
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- Bộ trưởng (để b/c);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị y tế trực thuộc các Bộ, ngành;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, PC, MT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 31/2013/TT-BYT quy định về quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 31/2013/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/10/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 723 đến số 724
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản