Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2003

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 31/2003/TT-BTC NGÀY 16 THÁNG 4 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2002 - 2005

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 20/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kinh phí Chương trình hành động Quốc gia về du lịch giai đoạn 2002-2005; Công văn số 289/CP-KTTH ngày 21/3/2002 của Chính phủ về Chương trình hành động Quốc gia về du lịch giai đoạn 2002-2005.
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về du lịch giai đoạn 2002-2005 như sau:

Phần 1:

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

- Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về du lịch giai đoạn 2002-2005 bao gồm: vốn đầu tư xây dựng cơ bản và nguồn kinh phí sự nghiệp do ngân sách Nhà nước bố trí (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương); nguồn đóng góp của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; nguồn viện trợ của các tổ chức du lịch trong và ngoài nước; nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

- Tổng cục Du lịch là cơ quan chủ trì điều phối thực hiện Chương trình, chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo, đánh giá tình hình, hiệu quả sử dụng kinh phí toàn bộ Chương trình.

Phần 2:

NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ

I/ LẬP DỰ TOÁN, PHÂN BỔ, CẤP PHÁT KINH PHÍ:

1/ Lập dự toán:

- Hàng năm, căn cứ nội dung, mục tiêu Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tổng cục Du lịch chịu trách nhiệm đánh giá tình hình thực hiện Chương trình năm báo cáo, đề xuất nhu cầu nguồn lực năm kế hoạch của Chương trình, bao gồm: vốn ngân sách Nhà nước (vốn trong nước, vốn vay và viện trợ nước ngoài, đồng thời phân chia theo nguồn vốn đầu tư và vốn sự nghiệp); vốn huy động từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; vốn khác (nếu có) gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đề xuất mức kinh phí bố trí từ ngân sách trung ương để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong kỳ kế hoạch trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

2/ Phân bổ, giao kế hoạch, cấp phát kinh phí thực hiện Chương trình:

2.1/ Phân bổ vốn của Chương trình:

a/ Đối với kinh phí do ngân sách trung ương bảo đảm để thực hiện Chương trình:

- Đối với vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng du lịch các địa phương: Căn cứ tổng mức kinh phí được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Du lịch dự kiến phương án phân bổ cho các địa phương.

- Đối với kinh phí sự nghiệp: Tổng cục Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phương án phân bổ kinh phí cho Tổng cục Du lịch (bao gồm cả phần do các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện) và phân bổ kinh phí cho địa phương đối với những nhiệm vụ do Tổng cục Du lịch uỷ quyền cho địa phương thực hiện, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đã được duyệt.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp trình cấp có thẩm quyền giao trong dự toán ngân sách đầu năm cho Tổng cục Du lịch và các địa phương.

b/ Đối với kinh phí do ngân sách địa phương đảm bảo: Căn cứ vào mục tiêu Chương trình hàng năm, Tổng cục Du lịch hướng dẫn các địa phương về nội dung công việc thực hiện Chương trình tại địa phương để địa phương bố trí vào dự toán ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác theo luật định cho việc thực hiện Chương trình. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ kinh phí cho từng mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện trên địa bàn (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp), trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt cùng với việc phê duyệt phân bổ dự toán ngân sách địa phương hàng năm.

2.2/ Cấp phát kinh phí Chương trình:

a/ Đối với kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo để thực hiện Chương trình:

- Kinh phí Chương trình thuộc nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hỗ trợ xây dựng hạ tầng du lịch các địa phương, được cấp phát theo hình thức "bổ sung có mục tiêu" cho các địa phương theo quy trình cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành.

- Kinh phí Chương trình thuộc nguồn vốn sự nghiệp:

+ Đối với những khối lượng công việc do Tổng cục Du lịch trực tiếp tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính cấp phát kinh phí về Tổng cục Du lịch theo quy định hiện hành.

+ Đối với khối lượng công việc do nguồn ngân sách trung ương bảo đảm được Tổng cục Du lịch uỷ quyền cho địa phương thực hiện, Bộ Tài chính thực hiện cấp phát kinh phí uỷ quyền về Sở Tài chính - Vật giá để cấp phát cho chủ dự án căn cứ theo dự toán được giao và quyết định phê duyệt thực hiện dự án của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Đối với kinh phí viện trợ của Chương trình (nếu có) thực hiện theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các văn bản liên quan.

- Đối với khoản vốn huy động được từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, nguồn thu khác (nếu có), Tổng cục Du lịch được sử dụng vào các công việc thuộc nội dung Chương trình, nhưng phải tổng hợp vào báo cáo gửi Bộ Tài chính.

b/ Đối với nguồn vốn do ngân sách địa phương bảo đảm: Căn cứ vào dự toán được cấp có thẩm quyền giao, dự toán chi tiết sử dụng kinh phí của các đơn vị, Sở Tài chính- Vật giá thực hiện cấp phát kinh phí về các đơn vị thực hiện theo quy định hiện hành.

II/ NỘI DUNG VÀ CHẾ ĐỘ CHI TIÊU TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:

1/ Nội dung chi:

a/ Nội dung chi từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản:

Chi đầu tư, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu du lịch, vùng du lịch, điểm du lịch.

b/ Nội dung chi từ nguồn vốn sự nghiệp:

- Chi làm và vận chuyển sản phẩm tuyên truyền, quảng bá về du lịch Việt Nam trong nước và nước ngoài;

- Chi tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước; xây dựng hệ thống thông tin du lịch.

- Chi xúc tiến quảng bá Du lịch Việt Nam trên các hệ thống thông tin, báo chí nước ngoài về đất nước, con người, tiềm năng và cơ chế chính sách đối với Du lịch Việt Nam; mời các nhà báo và các hãng lữ hành nước ngoài vào tham quan, khảo sát để viết bài tuyên truyền về Du lịch Việt Nam.

- Chi hỗ trợ tổ chức các lễ hội, sự kiện du lịch trong nước nhằm xây dựng các lễ hội trở thành sản phẩm du lịch;

- Chi khảo sát xây dựng các chương trình du lịch mới, chương trình du lịch sinh thái, chương trình du lịch làng nghề truyền thống...

- Chi tổ chức các khoá bồi dưỡng đào tạo lại nâng cao năng lực lao động trong ngành Du lịch; chi tổ chức các hội thi: Hướng dẫn viên du lịch, nghiệp vụ khách sạn, nấu ăn dân tộc và các hội thi chuyên ngành khác.

- Chi tham gia hội nghị, hội chợ, tổ chức các sự kiện du lịch tại nước ngoài.

- Chi quản lý Chương trình: mua văn phòng phẩm và công cụ tài sản, chi trả tiền xăng xe, công tác phí, thông tin liên lạc và các khoản chi hành chính khác phục vụ Chương trình.

- Chi hội nghị sơ kết, tổng kết, kiểm tra đánh giá Chương trình.

2/ Mức chi:

Các nội dung chi nêu trên phải thực hiện theo đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức chi tiêu hiện hành, cụ thể:

- Đối với các khoản chi thuộc nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện theo định mức, đơn giá xây dựng cơ bản hiện hành.

- Đối với khoản chi thanh toán công tác phí cho những cán bộ đi công tác trong nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 94/1998/TT-BTC ngày 30/6/1998 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước.

- Đối với các khoản chi hội nghị, hội thảo được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 93/1998/TT-BTC ngày 30/6/1998 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu hội nghị các cấp trong cả nước.

- Đối với khoản chi thanh toán công tác phí cho những cán bộ đi công tác nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 45/1999/TT-BTC ngày 4/5/1999 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài và Thông tư số 108/1999/TT-BTC hướng dẫn bổ sung Thông tư số 45/1999/TT-BTC ngày 4/5/1999.

- Đối với khoản chi tiếp khách nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 100/2000/TT/BTC ngày 16/10/2000 của Bộ Tài chính quy định chế độ tiêu tiếp khách nước ngoài và chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

- Đối với khoản chi trả thù lao cho giáo viên tham gia các khoá giảng dạy nâng cao tay nghề được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 105/2001/TT-BTC ngày 27/12/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức nhà nước.

- Các khoản chi của Chương trình có tính chất đặc thù như chi in ấn các ấn phẩm, sách, tranh, ảnh; chi làm phim; chi làm biển quảng cáo; chi khảo sát; chi hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng trong nước và ngoài nước; chi tổ chức hoặc hỗ trợ tổ chức các sự kiện du lịch trong nước và nước ngoài...thì căn cứ để xây dựng dự toán và quản lý là các chế độ, định mức, đơn giá Nhà nước đã quy định của các ngành có công việc tương tự. Những nội dung chi này phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện làm căn cứ cấp phát và quyết toán kinh phí.

- Đối với những phần việc phải thực hiện đấu thầu thì áp dụng theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu thầu, Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Đối với các khoản chi khác, căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành.

III/ ĐIỀU CHỈNH NỘI DUNG VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

Đối với kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo để thực hiện Chương trình, trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh làm thay đổi nội dung và dự toán của các Dự án trong Chương trình, thì Tổng cục Du lịch thực hiện điều chỉnh sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính (đối với vốn sự nghiệp) và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với vốn xây dựng cơ bản).

IV/ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, KIỂM TRA VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ:

1/ Chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, năm: Các đơn vị và địa phương thực hiện Chương trình có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Du lịch về tình hình thực hiện Chương trình. Tổng cục Du lịch báo cáo phần công việc do Tổng cục trực tiếp triển khai và tổng hợp báo cáo của các địa phương về tình hình thực hiện Chương trình gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2/ Chế độ kiểm tra: Tổng cục du lịch phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất về việc quản lý sử dụng kinh phí Chương trình.

3/ Quyết toán kinh phí: cuối quý, cuối năm các đơn vị phải báo cáo quyết toán kinh phí Chương trình đã thực hiện cùng với quyết toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm của các đơn vị. Báo cáo quyết toán kèm theo các thuyết minh cụ thể về kết quả thực hiện Chương trình như khối lượng thực hiện, mục tiêu thực hiện tương ứng với mức kinh phí đã thực hiện.

- Tổng cục Du lịch báo cáo quyết toán số kinh phí Chương trình được cấp về Tổng cục với Bộ Tài chính.

- Đối với kinh phí thực hiện Chương trình được cấp uỷ quyền về địa phương, các đơn vị quyết toán kinh phí đã sử dụng với Sở Tài chính - Vật giá. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm xét duyệt báo cáo quyết toán kinh phí uỷ quyền theo quy định hiện hành, gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Du lịch.

Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Du lịch thẩm tra, xem xét quyết toán kinh phí uỷ quyền của các Sở Tài chính Vật giá và tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện chương trình cùng với quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Chính phủ để trình Quốc hội phê chuẩn.

Tổng cục Du lịch có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo, đánh giá tình hình sử dụng, quyết toán kinh phí của toàn bộ Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng giai đoạn.

Phần 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng trên công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Nguyễn Công Nghiệp

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 31/2003/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2002-2005 do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 31/2003/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/04/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Công Nghiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: 28/05/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản