Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30-TT/LB

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 1974 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ CHỈ TIÊU CHO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC Ở MIỀN NÚI

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20-TTg/VG ngày 10-3-1969 về việc phát triển sự nghiệp giáo dục miền núi và Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã có Nghị quyết số 109 ngày 19-6-1973 về một số chính sách cụ thể đối với vùng cao.

Để thực hiện các chỉ thị và nghị quyết nói trên và để góp phần đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục miền núi nói chung và ở vùng cao nói riêng; liên Bộ Giáo dục – Tài chính hướng dẫn thi hành như sau:

I. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG Ở VÙNG CAO VÀ VÙNG XA XÔI HẺO LÁNH

Trong khi đợi trung ương quy định chính thức, tạm thời hiểu vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh như từ trước đến nay các địa phương vẫn hiểu: bản hoặc xã nằm trên các sườn núi đá hay núi đất có độ cao khá lớn (trên dưới 1000 mét so với mặt biển) và thời tiết rét kéo dài; dân cư thưa thớt chuyên sống về nương rẫy, ruộng bậc thanh, sản xuất còn lạc hậu, mức sống thấp, đường xá đi lại khó khăn, văn hóa và giáo dục chậm phát triển … là thuộc vùng cao

Bản hoặc xã tuy ở vùng thấp nhưng dân cư thưa thớt, xa các trung tâm văn hóa và kinh tế, các mặt sản xuất, giao thông, văn hóa, giáo dục cũng có nhiều khó khăn… là thuộc vùng xa xôi hẻo lánh.

Ủy ban hành chánh tỉnh cần ấn định cụ thể, bản nào thuộc vùng cao và vùng xa xôi hẻo lánh để các ngành, các cấp thi hành đúng chính sách, chế độ đối với giáo  viên và học sinh ở các vùng này.

1. Về vỡ lòng: các lờp vỡ lòng đều do giáo viên phổ thông trong biên chế dạy.

2. Về các trường phổ thông có nội trú: Ở mỗi bản, nhân dân sống tương đối tập trung thì mở các lớp vỡ lòng, lớp 1 và lớp 2 phổ thông không có nội trú.

Trường phổ thông cấp I và Cấp II ở xã mở nội trú để thu nhận hoc sinh từ lớp 3 trở lên, nhà ở xa trường, cần ngủ và ăn ở trường thì mới có thể học được.

Tùy hoàn cảnh của từng địa phương, có thể cho phép các em được ở nội trú hoặc nửa nội trú. Ở nửa nội trú tức là ăn một bữa tối (hoặc không ăn) và ngủ tại trường để sáng hôm sau lên lớp đúng giờ. Ở nội trú tức là ăn và ngủ hoàn toàn tại trường.

Ở huyện, nên mở trường phổ thông cấp III hoặc cấp II – III có nội trú.

Việc mở các trường phổ thông có nội trú do Ty giáo dục đề nghị, Ủy ban hành chính tỉnh quyết định.

Học sinh ở nội trú hoặc nửa nội trú được cấp:

- Tiền vệ sinh phí 0,50đ một tháng học cho học sinh gái nội trú đến tuổi hành kinh;

- 1 chiếc khăn  dùng trong 1 năm.

Những em có gia đình khó khăn, được Ủy ban hành chính chứng nhận, Ủy ban hành chính huyện xét duyệt thì được mượn chăn, màn, áo rét trong những tháng học. Nhà trường cần nhắc nhở các em giữ gìn cẩn thận để có thể sử dụng tối thiểu 3 năm trở năm.

Trường phổ thông có nội trú được cấp:

- Tiền tập thể phí tính theo đầu học sinh (nội trú và nửa nội trú) 0,50đ một tháng học để mua dầu, đèn, sắm dụng cụ văn nghệ, thể dục thể thao;

- Tiền thuốc tính theo đầu học sinh 0,30đ một tháng học;

- Tiền mua dụng cụ nấu ăn và chia thức ăn theo tiêu chuẩn 5đ một người thực tế có ăn ở trường. Năm sau cấp bổ sung để mua những thứ đã hỏng;

- Tiền thuê cấp dưỡng để phục vụ cho cán bộ, giáo viên và học sinh thực tế có ăn ở trường (tỷ lệ cấp dưỡng phục vụ bao nhiêu người theo Thông tư số 14-TTg/TN ngày 08-02-1969 của Thủ tướng chính phủ).

- Kinh phí mắc loa truyền hình và chi phí thường xuyên; nếu trường ở xa hệ thống truyền thanh thì được cấp một đài bán dẫn có thêm loa và tiền mua pin hàng tháng.

II. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG Ở VÙNG THẤP.

1. Về lớp vỡ lòng: Nơi nào chưa có giáo viên vỡ lòng thì trường phổ thông cấp I có trách nhiệm tổ chức và phân công giáo viên dạy thêm lớp vỡ lòng. Giáo viên dạy thêm lớp này được hưởng phụ cấp theo chế độ hiện hành (13đ một tháng học) do quỹ học phí của lớp vỡ lòng và ngân sách xã đài thọ. Nếu ngân sách xã không đủ thì ngân sách tỉnh sẽ trợ cấp.

2. Trường phổ thông có nội trú: Ở các huyện, trường phổ thông cấp III được mở nội trú để thu nhận học sinh ở xa cần ở nội trú. Nơi nào hai, ba xã có một trường phổ thông cấp II, điều kiện đi lại khó khăn thì trường được mở nội trú để việc học của các em được thuận tiện. Nhà trường nội trú được cấp tiền tập thể phí 0,50đ một tháng học, tiền mua dụng cụ nấu ăn, chia thức ăn, được thuê cấp dưỡng và được cấp kinh phí mắc loa truyền thanh hay mua đài bán dẫn và pin như trường phổ thông có nội trú.

III. CHẾ ĐỘ HỌC BỔNG CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG

1. Đối với vùng cao và vùng xa xôi hẻo lánh:

- Học sinh phổ thông cấp I được cấp 0,70đ tiền học phẩm một tháng. Ngoài con liệt sĩ, cứ 10 học sinh được dự trù một suất học bổng, mỗi suất 9đ một tháng học, để xét duyệt cho những học sinh ở gia đình có nhiều khó khăn.

- Học sinh cấp II và cấp III được cấp 1đ tiền học phẩm và 9đ tiền học bổng một tháng học; những em ở nội trú, gia đình có nhiều khó khăn thì có thể được xét cấp học bổng loại đặc biệt 18đ một tháng học.

2. Đối với vùng thấp:

Ngoài con liệt sĩ, đã được cấp học bổng, mỗi lớp cấp II hay cấp III được cấp hai suất học phẩm (mỗi suất 1đ) và hai suất học bổng (mỗi suất 9đ/ tháng học) cho những em học giỏi, đạo đức tốt, gia đình có khó khăn.

IV. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI TRƯỜNG THIẾU NHI VÙNG CAO

Trước đây do vùng cao có ít trường phổ thông có nội trú và nói chung trường chưa được củng cố cho nên phải mở trường thiếu nhi ở khu, tỉnh, huyện để mau chóng đào tạo cán bộ cho vùng cao.

Hiện nay trường phổ thông có nội trú mới đang dần dần được thành lập và từng bước củng cố. Vì vậy địa phương nào đã củng cố được vững chắc các trường phổ thông có nội trú thì có thể sát nhập trường thiếu nhi vùng cao vào.

Nơi nào chưa mở trường phổ thông có nội tú hoặc trường chưa được củng cố thì vẫn duy trì và củng cố trường thiếu nhi vùng cao hiện có ở tỉnh và huyện. Việc tuyển sinh vào các trường này phải chặt chẽ, chỉ tuyển học sinh các xã vùng cao và vùng xa xôi hẻo lánh chưa mở được trường phổ thông có nội trú, ưu tiên nhận con liệt sĩ, thương binh, gia đình có công cách mạng.

Học sinh vẫn được cấp học bổng như hiện nay tức là 25đ một tháng bao gồm 18đ tiền ăn, 1đ tiền học phẩm, 3,50đ tiền trang phục và 2,50đ tiền tiêu vặt, được cấp tiền tập thể phí, y dược phí, vệ sinh phí, được mượn chiếu, chăn, màn, áo rét và tiền tầu xe đi tham quan như học sinh phổ thông ở nội trú. Ngoài ra học sinh còn được cấp tiền tầu xe về thăm gia đình trong dịp hè hoặc dịp Tết nguyên đán.

Những em đang học ở trường thiếu nhi vùng cao xin về học ở trường phổ thông có nội trú ở gần nhà thì được cấp 22,50đ (không có tiền tiêu vặt) cho đến khi học hết cấp đó.

Nhà trường cũng được cấp các khoản kinh phí như trường phổ thông có nội trú ở vùng cao.

V. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI TRƯỜNG THANH NIÊN DÂN TỘC

Trường có nhiệm vụ tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện những thanh niên dân tộc miền núi tích cực từ 16 tuổi trở lên theo phương thức vừa học, vừa làm, thành những lực lượng lao động mới có trình độ văn hóa, theo chương trình bổ túc văn hóa hết cấp II hoặc cấp III và có một trình độ kỹ thuật sản xuất, quản lý kinh tế nhất định về làm nòng cốt cho các hợp tác xã; một số học sinh giỏi và khá sẽ được vào học ở các trường đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế cho miền núi.

Trường được mở theo vùng kinh tế ở miền núi; nếu chưa quy được vùng kinh tế thì mở ở liên huyện hay ở huyện. Trường thanh niên dân tộc cần đặt gần các nông lâm trường quốc doanh (nếu ở địa phương có) để có thể dựa vào sự giúp đỡ của công nông lâm trường về mặt quản lý và sử dụng lao động sản xuất và qua thực hành để học tập khoa học kỹ thuật.

Những trường ở huyện đã có cơ sở học tập và sản xuất ổn định vững chắc thì vẫn giữ nguyên và phải được củng cố cho tốt hơn. Những trường học sinh quá ít, cơ sở học tập và sản xuất không ổn định thì nên sắp xếp lại theo từng vùng kinh tế và quy mô thích hợp.

Trường được cấp vốn xây dựng cơ bản để xây dựng phòng học, nhà ở nửa kiên cố và kiên cố trang bị bàn ghế, bảng, tủ, giường nằm dụng cụ nhà bếp và đồ dùng dạy học. Học viên tham gia lao động, khai thác vật liệu và xây dựng trường sở.

Trường được cấp vốn ban đầu để xây dựng cơ sở sản xuất tùy theo hình thức tổ chức sản xuất của từng trường. Do đó, trường phải có phương hướng sản xuất lâu dài phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế ở địa phương và phù hợp với kế hoạch học tập. Hàng năm trường có kế hoạch sản suất và xin vốn cụ thể. Kế hoạch phải thiết thực, có tính toán chặt chẽ, đảm bảo thu được kết quả  kinh tế cụ thể. Kế hoạch sản xuất và xin vốn phải được Ty giáo dục thông qua và được Ủy ban hành chính tỉnh xét duyệt.

Ban giám hiệu phải tổ chức quản lý tốt các tài sản, vốn được cấp và thành phẩm làm ra, không để mất và hụt vốn; sản xuất phải có thu nhập để cải thiện điều kiện ăn, ở và mở rộng sản xuất.

Học viên được cấp học bổng và các khoản khác như ở trường bổ túc văn hóa công nông trong 6 tháng đầu mỗi khóa học. Sau 6 tháng, tuỳ theo tình hình cụ thể, ngoài phần cố gắng tự túc được xét trợ cấp phần còn thiếu. Học viên ở vùng cao và vùng xa xôi hẻo lánh cũng được mượn chăn màn, áo rét trong thời gian học.

Việc cấp vốn kiến thiết cơ bản, trang bị ban đầu cũng như việc xét trợ cấp phần học bổng còn thiếu và thời hạn trợ cấp do Uỷ ban hành chính tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, kế hoạch tổ chức sản xuất và khả năng của địa phương mà quy định cho thích hợp.

VI. MỘT SỐ CHẾ ĐỘ KHÁC.

1. Ở các xã vùng cao và vùng xa xôi hẻo lánh, cần mở các lớp bổ túc văn hóa tại chức cho cán bộ và thanh niên và giao trách nhiệm cho giáo viên trường phổ thông ở xã dạy. Nơi nào chưa có điều kiện mở lớp bổ túc văn hóa tại chức và cán bộ xã cũng không có điều kiện về học tập trung ở trường phổ thông lao động huyện thì Phòng giáo dục huyện được tổ chức lớp bổ túc văn hóa nửa tập trung ở liên xã hay ở xã. Trong những ngày tập trung học, học viên được cấp học phẩm, được mượn sách giáo khoa và được thanh toán tiền ăn (0,60đ một người một ngày) theo chế độ hiện hành.

2. Ở các trường sư phạm, học sinh được cấp hẳn sách giáo khoa sư phạm để học tập ở trường và để tự bồi dưỡng sau khi tốt nghiệp ra công tác. Học sinh gia đình túng thiếu có Ủy ban hành chính xã chứng nhận thì được mượn chăn, màn, áo rét trong thời gian học tập. Nếu học sinh tự ý xin thôi học hoặc buộc phải thôi học thì phải trả lại nhà trường sách giáo khoa, chăn, màn, áo rét đã mượn.

3. Để giáo viên có điều kiện tự bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, mỗi trường phổ thông, bổ túc văn hóa tập trung sư phạm, bồi dưỡng giáo viên được cấp kinh phí để mua một tờ báo Người giáo viên nhân dân, 1 tờ Tạp chí nghiên cứu giáo dục và 1 tờ chuyên san của cấp học, ngành học.

4. Các trường phổ thông và bổ túc văn hóa không có đủ số người để sử dụng 1 cấp dưỡng thì cán bộ, giáo viên được cấp tiền dưỡng phí để tự tổ chức nấu ăn lấy và mua sắm thêm dụng cụ sinh hoạt cần thiết cho tập thể.

Để đưa sự nghiệp giáo dục ở miền núi phát triển một cách vững chắc, sớm tiến hành kịp miền xuôi, Liên Bộ đề nghị Ủy ban hành chính các tỉnh giao trách nhiệm cho các ngành giáo dục, tài chính, Ủy ban kế hoạch căn cứ vào thực tế của địa phương mà có kế hoạch từng bước tổ chức các trường lớp cho vững chắc, bảo đảm chất lượng và quy định các vấn đề cụ thể cho thích hợp với địa phương.

Trong quá trình thực hiện, gặp khó khăn gì, đề nghị các địa phương phản ánh cho liên bộ biết để nghiên cứu giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

 
 

Hoàng Văn Diệm

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
THỨ TRƯỞNG


 
 
 
Võ Thuần Nho

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 30-TT/LB năm 1974 hướng dẫn chế độ chỉ tiêu cho sự nghiệp giáo dục ở miền núi do Bộ Giáo dục - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 30-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 28/08/1974
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính
  • Người ký: Hoàng Văn Diệm, Võ Thuần Nho
  • Ngày công báo: 31/08/1974
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 12/09/1974
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản