Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 30-NV | Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 1964 |
Kính gửi: - Ủy ban hành chính các thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh và khu vực vĩnh linh
Năm 1962, Bộ Nội vụ đã ban hành thông tư số 30-NV ngày 25-05-1962 hướng dẫn việc thi hành nghị quyết số 35 ngày 11-01-1962 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và thông tư số 51-TTg ngày 09-05-1962 của Thủ tướng Chính phủ về việc cải tiến tổ chức, lề lối làm việc và sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã.
Ở những địa phương thực hiện tốt chủ trương này, đã có tác dụng nâng cao trách nhiệm cho cán bộ xã, tăng cường được sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng ủy, Chi ủy, Ủy ban hành chính xã, thiết thực củng cố hợp tác xã và cải thiện thêm một bước đời sống của cán bộ xã.
Đến nay, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trước mắt, nhất là yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, tăng cường bảo vệ trật tự trị an, củng cố quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ đã ra thông tư số 85-TTg ngày 11-09-1964, quyết định tăng thêm cho mỗi xã một cán bộ chuyên trách để phụ trách công tác của xã đội trưởng và ủy nhiệm cho Bộ Nội vụ xét duyệt cho một số xã ở miền núi, diện tích quá rộng, có nhiều dân tộc, trình độ cán bộ còn yếu, và một số xã ở đồng bằng dân số quá đông, có thể được tăng thêm một cán bộ chuyên trách nữa; đồng thời giao cho các Bộ có liên quan quy định thêm số tiền dự trù trong ngân sách xã để trả thù lao cho cán bộ không chuyên trách, và bổ sung chế độ ốm đau, sinh đẻ, chết, đối với cán bộ xã cho được cụ thể và hợp lý hơn.
Để hướng dẫn thi hành Thông tư số 85-TTg nói trên của Thủ tướng Chính phủ, và để bổ sung cho Thông tư số 30-NV ngày 25-05-1962 của Bộ Nội vụ, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc kiện toàn tổ chức và cải tiến lề lối làm việc ở cấp xã, thông tư này quy định và hướng dẫn một số điểm cần thiết sau đây:
I. VỀ VIỆC BỐ TRÍ VÀ PHÂN CÔNG SỐ CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH XÃ
1. Việc bố trí số cán bộ chuyên trách ở mỗi xã: Căn cứ vào đặc điểm tình hình cụ thể ở địa phương, mỗi xã có thể được bố trí từ 4 đến 6 cán bộ chuyên trách (không kể số cán bộ trong biên chế được tăng cường về xã); ở thị trấn có thể được bố trí từ 3 đến 5 cán bộ chuyên trách; trong số cán bộ chuyên trách bố trí cho xã và thị trấn, có cả thư ký văn phòng Ủy ban hành chính xã và xã đội trưởng. Trong việc quyết định số lượng cụ thể cán bộ chuyên trách ở mỗi xã, Ủy ban hành chính tỉnh, thành cần có sự nghiên cứu để bố trí cho thỏa đáng, tránh quyết định một cách bình quân giữa các xã, nhất là đối với những xã và thị trấn nhỏ, có ít hợp tác xã, thôn, xóm, nhân khẩu, thì số lượng cán bộ chuyên trách phải ít hơn những xã lớn. Những quyết định của tỉnh về số lượng cụ thể cán bộ chuyên trách ở mỗi xã cần sao gửi Bộ Nội vụ để theo dõi.
Những xã cần phải bố trí 7 cán bộ chuyên trách chỉ là những trường hợp cá biệt; Ủy ban hành chính các tỉnh, thành cần nghiên cứu kỹ và báo cáo cụ thể về Bộ Nội vụ danh sách những xã này và lý do cần tăng thêm một cán bộ chuyên trách trước ngày 30-12-1964 để Bộ Nội vụ xét và ra quyết định chung cho các tỉnh, nhằm bảo đảm cân đối giữa các địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước. Trong khi chờ quyết định của Bộ Nội vụ thì những xã đó vẫn bố trí 6 cán bộ chuyên trách.
2. Việc phân công các cán bộ chuyên trách ở xã cần chú ý những trường hợp sau đây:
Để bảo đảm làm tốt công tác duy trì trật tự trị an, củng cố quốc phòng ở xã, phó chủ tịch phụ trách khối nội chính, trực tiếp làm trưởng công an xã chỉ nên kiêm thêm công tác tư pháp xã; xã đội trưởng chỉ nên kiêm thêm những công tác của trưởng ban các ban thể dụng thể thao; phòng không nhân dân, phòng và chống cháy, lụt, bão, bảo vệ rừng, chống thú rừng (các xã miền núi).
Xã đội trưởng có thể không phải là ủy viên Ủy ban hành chính xã, nhưng vẫn ở trong diện cán bộ chuyên trách ở xã. Đối với những xã mà xã đội trưởng lâu nay công tác không tốt, không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, thì cần lựa chọn người tốt và có khả năng để thay thế, trước khi đưa xã đội trưởng vào trong diện cán bộ chuyên trách ở xã.
Đối với chính trị viên xã đội, thì tùy điều kiện cụ thể và khả năng cán bộ của mỗi xã, mà phân công một người trong số cán bộ chuyên trách phụ trách.
Ủy viên thư ý kiêm thư ký văn phòng, hoặc thư ký văn phòng ở những xã không kiêm ủy viên thư ký có thể được phân công giúp chủ tịch và phó chủ tịch theo dõi thêm công tác của khối văn hóa, xã hội (nếu không có cán bộ chuyên trách khác phụ trách) nhưng không trực tiếp làm trưởng ban thống kê và không phụ trách công tác kế toán, ngân sách xã, như hướng dẫn trước đây của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, đối với những xã miền núi, vùng giữa hoặc vùng cao, chưa có cán bộ phụ trách công tác thống kê, kế toán, thì thư ký văn phòng có thể tạm thời kiêm các công tác trên.
Những xã cá biệt được bố trí 7 cán bộ chuyên trách, thì nên có 5 cán bộ chuyên trách các công tác của chính quyền xã. Những xã này, tùy theo tình hình cụ thể của mỗi xã, có thể có thêm 1 phó chủ tịch để giúp chủ tịch chỉ đạo khối kinh tế tài chính hoặc trực tiếp phụ trách khối văn hóa xã hội và các công tác tài chính; thương nghiệp, thủ công nghiệp của xã.
II. VỀ VIỆC BỐ TRÍ CÁN BỘ PHỤ TRÁCH CÁC BAN CHUYÊN MÔN VÀ CÁC CÁN BỘ KHÔNG CHUYÊN TRÁCH KHÁC CỦA XÃ
1. Trưởng các ban chuyên môn của xã nói chung, nên do các cán bộ không chuyên trách phụ trách. Cán bộ chuyên trách ở xã cần nắm chắc các khối công tác và nắm chắc các thôn, hợp tác xã được phân công phụ trách, không nên trực tiếp làm trưởng nhiều ban chuyên môn của xã.
2. Đối với ban y tế xã, nơi nào có y sĩ hoặc y tá phụ trách trạm xá, thì cần cử y sĩ, hoặc y tá đó làm trưởng hoặc phó ban y tế xã.
Đối với các cán bộ phụ trách các ban hoặc các công tác chuyên môn của xã, như trưởng các ban thống kê, giáo dục; các cán bộ tài chính; văn hóa; thông tin; thủy lợi v.v..., cần cử những cán bộ đã được đào tạo về nghiệp vụ và có kinh nghiệm trong công tác chuyên môn phụ trách.
Đối với số cán bộ chuyên môn, kỹ thuật này, cần có kế hoạch bồi dưỡng và quản lý chặt chẽ để chuyên môn hóa cán bộ, không nên tùy tiện thay đổi luôn; trường hợp cần thiết phải thay đổi, phải báo cáo cấp trên trước khi thi hành.
III. VỀ VIỆC TRẢ PHỤ CẤP CHO CÁN BỘ KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở XÃ
1. Hiện nay liên Bộ Nội vụ - Tài chính đang nghiên cứu việc tăng thêm số tiền được dự trù trong ngân sách xã để trả phụ cấp cho các cán bộ không chuyên trách ở xã, khi phải bỏ sản xuất để làm công tác chung của xã. Trong khi chờ đợi sự quy định mới của liên Bộ, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố căn cứ vào mức tiền hiện nay được dự trù trong ngân sách xã để chỉ tiêu vào khoản này, mà có kế hoạch hướng dẫn các huyện lãnh đạo các xã thực hiện cho tốt.
2. Việc trả phụ cấp cho những cán bộ không chuyên trách ở xã phải bảo đảm tính chất thiết thực tiết kiệm, không trở thành chế độ phụ cấp cố định, thường xuyên, đồng thời hết sức tránh tính toán chi ly, phức tạp. Ủy ban hành chính huyện cần hướng dẫn các xã chi tiêu khoản tiền này cho hợp lý để bảo đảm cho các công tác của xã được chạy đều, không nên dùng khoản tiền này để chi tiêu các việc khác.
Trong việc xét trả phụ cấp, cần chú ý đúng mức đến những cán bộ phải thường xuyên làm việc nhiều cho xã, nhất là các trưởng ban thống kê, xã đội phó, công an phó, cán bộ tài chính, bí thư thanh niên, bí thư phụ nữ... Đối với những xã mà trưởng ban thống kê xã phải thường xuyên mất nhiều thì giờ, công sức để làm việc cho xã, thì tùy theo khối lượng công tác thống kê của mỗi tháng mà Ủy ban hành chính tỉnh hướng dẫn các xã trả phụ cấp cho trưởng ban thống kê một số tiền thích đánh, nói chung là vào khoảng từ 8đ đến 12đ một tháng.
IV. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN CHÚ Ý TRONG LÚC THI HÀNH
1. Đối với những tỉnh đã hoàn thành việc thực hiện nghị quyết số 35 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và thông tư số 51-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cần kết hợp việc thực hiện những quy định mới được bổ sung như đã nói ở trong thông tư này với việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại hiện nay ở các xã (Thông tư liên Bộ Nội vụ - Tài chính – Y tế bổ sung về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã sẽ hướng dẫn sau). Trước hết cần tiến hành hướng dẫn các xã xây dựng chế độ chức trách công tác cho cán bộ chính quyền xã (Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính, các ban chuyên môn của Ủy ban hành chính xã), nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, tinh thần tôn trọng pháp chế xã hội chủ nghĩa và cải tiến hơn nữa lề lối làm việc của cán bộ xã để đẩy mạnh hoạt động của bộ máy chính quyền xã. Đồng thời cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo tỉnh để đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưõng cán bộ xã và tích cực mở những hội nghị bồi dưỡng về chuyên đề nghiệp vụ chính quyền cho cán bộ xã, theo như kế hoạch hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
2. Đối với những tỉnh đang làm thí điểm việc xây dựng chế độ chức trách công tác ở một số xã, theo bản dự thảo điều lệ tạm thời của Bộ Nội vụ, cần cấn cứ vào nội dung thông tư này mà bổ sung thêm một số điểm mới.
3. Đối với một số tỉnh chưa hoàn thành việc cải tiến tổ chức, lề lối làm việc và sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã, cần có kế hoạch và biện pháp tích cực thực hiện để có thể hoàn thành công tác này trong năm nay.
Để bảo đảm đẩy mạnh hơn nữa việc kiện toàn tổ chức ở cấp xã, Bộ đề nghị Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú ý tăng cường sự lãnh đạo và tăng cường cán bộ phụ trách công tác kiện toàn tổ chức cấp xã, đồng thời thường xuyên báo cáo về Bộ tình hình và kết quả việc thực hiện. Khi gặp trở ngại gì, các địa phương cần trao đổi với Bộ để kịp thời nghiên cứu giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư 30-NV-1964 bổ sung về cải tiến tổ chức, lề lối làm việc ở cấp xã và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã do Bộ Nội Vụ ban hành
- Số hiệu: 30-NV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 16/11/1964
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Lê Tất Đắc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 48
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra