Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2022/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2022

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về tuyển dụng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; sử dụng, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

2. Thông tư này áp dụng đối với nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

3. Thông tư này không áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không áp dụng các quy định về tuyển dụng, sử dụng tại Thông tư này đối với nhà giáo giảng dạy ở các trường cao đẳng, trường trung cấp thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:

“2. Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được cử đi bồi dưỡng được hưởng nguyên lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

“Điều 3. Kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng

1. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng được đảm bảo từ các nguồn sau:

a) Nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Nguồn thu từ học phí, thu hoạt động sự nghiệp;

c) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng được đảm bảo từ nguồn tài chính của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

“Điều 4. Tuyển dụng nhà giáo

Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.”

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

“Điều 5. Sử dụng nhà giáo

1. Người được tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phải sử dụng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định, phù hợp với ngành nghề được đào tạo, đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.”

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý thực hiện các quy định tại Thông tư này.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý; báo cáo định kỳ hằng năm, đột xuất tình hình thực hiện công tác bồi dưỡng đối với nhà giáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định tại Thông tư này.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý; sử dụng, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Báo cáo định kỳ hằng năm, đột xuất tình hình thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều 15 như sau:

“Điều 15. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; kế hoạch sử dụng, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo từng giai đoạn, hằng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.”

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

2. Thông tư này áp dụng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, viên chức quản lý, viên chức tham gia giảng dạy trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 40 Luật Giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

3. Thông tư này không áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhà giáo đang giảng dạy ở các trường cao đẳng, trường trung cấp được quy định tại Thông tư số 96/2017/TT-BQP ngày 27 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về định mức giờ chuẩn giảng dạy và nghiên cứu khoa học đối với nhà giáo trong Quân đội nhân dân Việt Nam.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:

“Điều 2. Giờ chuẩn, thời gian giảng dạy, định mức giờ giảng

1. Giờ chuẩn là đơn vị thời gian quy đổi từ số giờ lao động cần thiết trước, trong và sau giờ giảng để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến. Một giờ chuẩn giảng dạy trực tuyến được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp.

Một giờ chuẩn được tính đối với giảng dạy lý thuyết không quá 35 học viên, học sinh, sinh viên; đối với giảng dạy thực hành, tích hợp không quá 18 học viên, học sinh, sinh viên; đối với giảng dạy các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành không quá 10 học viên, học sinh, sinh viên. Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên căn cứ số học viên, học sinh, sinh viên cụ thể của lớp học để quy đổi giờ chuẩn đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm của từng ngành, nghề.

2. Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn, trong đó:

a) Một giờ dạy lý thuyết là 45 phút được tính bằng 01 giờ chuẩn;

b) Một giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành) là 60 phút được tính bằng 01 giờ chuẩn;

c) Một giờ dạy thực hành là 60 phút được tính bằng 01 giờ chuẩn.

3. Định mức giờ giảng được xác định là số giờ chuẩn cho mỗi nhà giáo phải giảng dạy, được quy định theo năm học.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 12 Điều 3 như sau:

“12. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:

“b) Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học: 08 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp. Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng ngành, nghề đào tạo để quy định về nghiên cứu khoa học đối với nhà giáo và quyết định số giờ nghiên cứu khoa học tối thiểu mà nhà giáo phải thực hiện trong năm học;”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Thời gian nghỉ hè hằng năm của nhà giáo là 06 tuần; của viên chức quản lý, viên chức đang giữ chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp có tham gia giảng dạy được quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này là 04 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Trong thời gian nghỉ hè nhà giáo được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có). Ngoài thời gian nghỉ hè nhà giáo được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc nghỉ hè của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Căn cứ kế hoạch năm học và điều kiện thực tế, Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bố trí cho nhà giáo nghỉ hè vào thời gian thích hợp.”

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm học: Từ 350 đến 450 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; từ 400 đến 510 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp.

Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng ngành, nghề đào tạo để quyết định định mức giờ giảng và số giờ tối thiểu mà nhà giáo phải giảng dạy cho phù hợp trong năm học.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4khoản 5 như sau:

“4. Định mức giờ giảng của nhà giáo tham gia giảng dạy nhiều cấp trình độ trong một năm học được tính quy đổi và áp dụng theo định mức giờ giảng ở cấp trình độ cao nhất. Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quy định hệ số quy đổi giờ chuẩn đối với các cấp trình độ thấp hơn để tính định mức giờ chuẩn trong một năm học cho nhà giáo phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm của từng ngành, nghề đào tạo.

5. Định mức giờ giảng đối với viên chức quản lý; viên chức đang giữ chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

a) Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng: 8% định mức giờ giảng/năm;

b) Phó hiệu trưởng: 10% định mức giờ giảng/năm;

c) Trưởng phòng và tương đương: 14% định mức giờ giảng/năm;

d) Phó trưởng phòng và tương đương: 18% định mức giờ giảng/năm;

đ) Đối với viên chức khác: 20% định mức giờ giảng/năm.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 6 như sau:

“10. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 như sau:

“d) Trường hợp nhà giáo sử dụng không hết thời gian để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định thì Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quy đổi thời gian còn lại chuyển sang làm công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng, Giám đốc giao. Số giờ quy đổi được tính thêm vào định mức giờ giảng trong năm học của nhà giáo. Tính số giờ quy đổi theo tỷ lệ tương ứng giữa thời gian không sử dụng để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, dự giờ trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ với thời gian thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh được quy định tại điểm a khoản này. Trường hợp nhà giáo tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao vượt quá 02 tuần được giảm giờ giảng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Thông tư này.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Thời gian nghỉ hè hằng năm của nhà giáo là 04 tuần; của viên chức quản lý, viên chức đang giữ chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp có tham gia giảng dạy được quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này là 03 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Trong thời gian nghỉ hè nhà giáo được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có). Ngoài thời gian nghỉ hè nhà giáo được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc nghỉ hè của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Căn cứ kế hoạch năm học và điều kiện thực tế, Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên bố trí cho nhà giáo nghỉ hè vào thời gian thích hợp.”

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Định mức giờ giảng

1. Định mức giờ giảng trong một năm học của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, nhà giáo dạy các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 40 Luật Giáo dục nghề nghiệp: Từ 450 đến 580 giờ chuẩn.

Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng ngành, nghề đào tạo để quyết định định mức giờ giảng và số giờ tối thiểu mà nhà giáo phải giảng dạy cho phù hợp trong năm học.

2. Định mức giờ giảng đối với viên chức quản lý; viên chức đang giữ chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

a) Giám đốc: 8% định mức giờ giảng/năm;

b) Phó Giám đốc: 10% định mức giờ giảng/năm;

c) Trưởng phòng hoặc tương đương: 14% định mức giờ giảng/năm;

d) Phó trưởng phòng hoặc tương đương: 18% định mức giờ giảng/năm;

đ) Đối với viên chức khác: 20% định mức giờ giảng/năm.”

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Trong năm học, nhà giáo, viên chức quản lý; viên chức đang giữ chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy có số giờ giảng dạy vượt định mức giờ giảng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 5 và Điều 8 của Thông tư này thì được tính dạy thêm giờ.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Đối với viên chức quản lý; viên chức đang giữ chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp có tham gia giảng dạy: Số giờ dạy thêm không vượt quá 50% định mức giờ giảng quy định tại khoản 5 Điều 5 và khoản 2 Điều 8 Thông tư này.”

10. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Nhà giáo được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm công tác quản lý:

a) Nhà giáo làm công tác chủ nhiệm lớp hoặc cố vấn học tập: Được giảm 15% định mức giờ giảng/1 lớp;

b) Nhà giáo phụ trách phòng học chuyên môn/xưởng thực hành: Có nhân viên chuyên trách được giảm 10% định mức giờ giảng/1 phòng, xưởng; không có nhân viên chuyên trách được giảm 15% định mức giờ giảng/1 phòng, xưởng;

c) Nhà giáo là trưởng khoa, trưởng trạm, trại và tương đương; phó trưởng khoa, phó trưởng trạm, trại và tương đương; trưởng bộ môn và tương đương; kiêm phụ trách thư viện: Được giảm từ 15% đến 30% định mức giờ giảng;

Nhà giáo kiêm nhiều nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b, c khoản này được tính tổng định mức giảm giờ giảng nhưng không vượt quá 50% định mức giờ giảng. Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên căn cứ vào điều kiện thực tế, số lượng nhà giáo, số lượng học viên, học sinh, sinh viên để quyết định tỷ lệ giờ giảm cho từng trường hợp cụ thể.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Không giảm trừ giờ giảng được quy định tại điểm a, b, c khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với viên chức quản lý; viên chức đang giữ chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp quy định tại khoản 5 Điều 5 và khoản 2 Điều 8 Thông tư này.”

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

“Điều 11. Quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra giờ chuẩn

1. Giảng dạy:

a) Một giờ giảng bằng tiếng nước ngoài đối với các môn học, mô-đun không phải là môn ngoại ngữ được tính bằng 1,5 đến 2,0 giờ chuẩn;

b) Một giờ giảng dạy lý thuyết đối với lớp học có số lượng học viên, học sinh, sinh viên vượt quá quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này được nhân hệ số quy đổi nhưng không quá 1,5 giờ chuẩn;

c) Một giờ giảng dạy, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo khác được tính bằng 1,5 giờ chuẩn;

d) Thời gian thiết kế, cải tiến, tự làm các trang thiết bị giáo dục nghề nghiệp (cấp tổ môn trở lên phê duyệt) được tính quy đổi ra giờ chuẩn;

đ) Đối với nhà giáo giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, thời gian làm công tác phong trào thể dục thể thao, huấn luyện quân sự cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được tính là thời gian giảng dạy.

Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quy định việc quy đổi ra giờ chuẩn để tính khối lượng giảng dạy cho nhà giáo đối với các điểm a, b, d, đ khoản này.

2. Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên căn cứ vào điều kiện thực tế quy định việc quy đổi các hoạt động: soạn đề thi, coi thi, chấm thi kết thúc mô-đun, môn học; soạn đề thi, coi thi, chấm thi tốt nghiệp; hướng dẫn chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có); chấm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có); hướng dẫn thực tập, thực tập kết hợp với lao động sản xuất; bồi dưỡng cho nhà giáo tham gia Hội giảng các cấp; bồi dưỡng cho học viên, học sinh, sinh viên tham gia kỳ thi tay nghề các cấp và các nội dung chuyên môn, nghiệp vụ khác ra giờ chuẩn để tính khối lượng giảng dạy hằng năm cho nhà giáo.”

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

“Điều 13. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định tại Thông tư này đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý.”

13. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 14 như sau:

“2. Thanh tra, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất việc thực hiện chế độ làm việc đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”

14. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều 15 như sau:

“Điều 15. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Quy định chi tiết chế độ làm việc của nhà giáo giảng dạy các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo quy định tại Thông tư này.”

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.

2. Bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 12 Thông tư số 06/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; khoản 1 Điều 3 Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định về đào tạo trình độ sơ cấp, Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định về đào tạo thường xuyên, Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2017 quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc
và các Ủy ban của Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phtrực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ;
- Bộ LĐTBXH: Lãnh đạo Bộ, Vụ Pháp chế,
Vụ TCCB, Cng TTĐT;
- Lưu: VT, TCGDNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 28/2022/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/12/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản