Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2021/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 40/2011/TT-NHNN NGÀY 15 THÁNG 12 NĂM 2011 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP VÀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG NƯỚC NGOÀI, TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI KHÁC CÓ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN

1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 10 như sau:

“b) Có kinh nghiệm hoạt động quốc tế, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng như sau:

(i) Triển vọng từ mức ổn định trở lên;

(ii) Thứ hạng tín nhiệm từ mức AA- trở lên (theo Standard & Poor’s hoặc Fitch Ratings) hoặc từ mức Aa3 trở lên (theo Moody’s). Trường hợp tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có thang thứ hạng tín nhiệm khác thang thứ hạng tín nhiệm của Standard & Poor’s hoặc Moody’s hoặc Fitch Ratings thì tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đó phải chuyển đổi thứ hạng tín nhiệm tương ứng, phù hợp với thang thứ hạng tín nhiệm của Standard & Poor’s hoặc Moody’s hoặc Fitch Ratings.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 18a (đã được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư số 17/2017/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN) như sau:

“3. Đối với các nội dung hoạt động quy định tại khoản 26 Điều 4 Mẫu Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại (Phụ lục 01a) và khoản 24 Điều 4 Mẫu Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Phụ lục 01b), ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước; thủ tục, cấp bổ sung các nội dung hoạt động này vào Giấy phép thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

3. Bổ sung Điều 19a vào sau Điều 19 như sau:

“Điều 19a. Hoạt động theo pháp luật về chứng khoán

1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và hoạt động đại lý quản lý tài sản bảo đảm trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước khi Giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, quản lý tài sản. Trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước cam kết với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì phải ký hợp đồng với nhà đầu tư (trong đó nêu rõ điều kiện, điều khoản về việc mua lại trái phiếu) và phải tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng khi thực hiện các cam kết này.

2. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động mua, bán trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán khi Giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung mua, bán trái phiếu Chính phủ.

3. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 56 Luật Chứng khoán, hoạt động ngân hàng giám sát, hoạt động lưu ký chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán khi Giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động này và ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán như sau:

a) Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 56 Luật Chứng khoán: ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán và được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên bù trừ;

b) Đối với hoạt động ngân hàng giám sát theo pháp luật về chứng khoán: ngân hàng thương mại được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán;

c) Đối với hoạt động lưu ký chứng khoán: ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán và được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên lưu ký.

4. Việc cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 56 Luật Chứng khoán là văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 152 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

5. Đối với các hoạt động liên quan đến chứng khoán, thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán, thị trường chứng khoán và quy định của pháp luật có liên quan.”

4. Bổ sung điểm m vào khoản 8 Điều 36 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư số 25/2019/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN) như sau:

“m) Có văn bản kèm hồ sơ lấy ý kiến các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước về đề nghị cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép đối với các nội dung hoạt động phái sinh lãi suất, cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa và hoạt động lưu ký chứng khoán.”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 36 (đã được bổ sung bởi điểm c khoản 4 Điều 1 Thông tư số 17/2017/TT-NHNN) như sau:

“11. Trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh về đề nghị cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép đối với các nội dung hoạt động phái sinh lãi suất, cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa và hoạt động lưu ký chứng khoán, các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước phải có ý kiến cụ thể bằng văn bản và nêu rõ ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý đối với hồ sơ đề nghị của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”

Điều 2. Thay thế Phụ lục 01a và Phụ lục 01b của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN (đã được thay thế bởi khoản 6 Điều 2 Thông tư số 25/2019/TT-NHNN) bằng Phụ lục 01a và Phụ lục 01b ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 4. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 03 năm 2022./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 28/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 40/2011/TT-NHNN quy định về cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 28/2021/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/2021
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • Người ký: Đoàn Thái Sơn
  • Ngày công báo: 25/01/2022
  • Số công báo: Từ số 143 đến số 144
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản