UỶ BANKIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 273-UB-ĐM | Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 1964 |
Kính gửi: | - uỷ ban kế hoạch nhà nước, - các bộ, |
Trong Thông tư số 307-UB-ĐM ngày 26-11-1962, Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước có quy định:
- “Quản lý phí của đơn vị có máy quy định là 7,5% của tổng số các chi phí trực tiếp của một kíp máy làm việc. Phí tổn quản lý chỉ bao gồm phí tổn quản lý hành chính và các phí tổn gián tiếp khác, mà đơn vị có máy phải chi tiêu để bảo quản và quản lý máy tại đơn vị mình.
- “Công trường thuê máy, ngoài việc trả giá thuê máy (trong đó có quản lý phí) cho đơn vị có máy cho thuê, còn phải chi cho công nhân điều khiển máy mọi khoản gián tiếp phí mà Thông tư số 3209-UB-CQL ngày 27-12-1959 đã quy định.
- “Trường hợp đơn vị có máy bao thầu xây dựng công trình, thì ngoài tỷ lệ quản lý phí 7,5% đã tính vào trong giá thuê máy, tạm thời còn được hưởng hoàn toàn các tỷ lệ gián tiếp phí quy định cho loại công trình đó theo Thông tư số 3209-UB-CQL”.
Đối với các quy định trên đây, có nhiều nơi hiểu khác nhau, nên đã gặp khó khăn trong các việc xây dựng đơn giá, lập dự trù kinh phí và thanh toán quyết toán. Vì vậy Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước giải thích để thống nhất áp dụng và quy định rõ thêm một số điểm để bổ sung cho Thông tư 307-UB-ĐM.
Quản lý phí 7,5% của đơn vị có máy bao gồm các khoản chi cần thiết để đơn vị này chi cho bộ máy chỉ đạo của mình về việc quản lý các máy thi công tại đơn vị mình.
Đơn vị có máy nói ở đây là chỉ các Công ty thi công cơ giới hoặc các tổ chức tương tự trực thuộc Bộ hoặc Tổng cục, đã được xác định là một đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, đi bao thầu lại, hoặc cho thuê máy; còn các tổ chức khác, không có điều kiện tổ chức như trên, thì không được phép vận dụng định mức tỷ lệ quản lý phí này.
Các công trường được Nhà nước trực tiếp giao cho máy thi công để thi công ở công trường của mình thì không được tính 7,5% quản lý phí vào đơn giá để thanh toán quyết toán. Quy định như vậy là vì các chi phí quản lý máy đã nằm trong gián tiếp phí chung của toàn công trường rồi.
II. VỀ CHI TIÊU MÀ ĐƠN VỊ CÓ MÁY ĐI BAO THẦU ĐƯỢC TÍNH NGOÀI 7,5% NHƯ THÔNG TƯ 307-UB-ĐM ĐÃ QUY ĐỊNH
Thông tư 307-UB-ĐM có nói:
“Trường hợp đơn vị có máy đi bao thầu xây dựng công trình, thì ngoài tỷ lệ quản lý phí 7,5% đã tính vào trong giá thuê máy, tạm thời còn được hưởng hoàn toàn các tỷ lệ gián tiếp phí quy định cho loại công trình đó, theo Thông tư 3209-UB-CQL” nay giải thích rõ như sau:
- Đối với các đơn vị có máy đi nhận thầu lại, thì ngoài phần được trả quản lý phí 7,5% vào giá cho thuê máy rồi, còn được trả thêm khoản gián tiếp phí theo nội dung sau đây:
1. Lương chính, lương phụ và các phụ cấp ngoài lương của cán bộ làm việc quản lý máy đang thi công ở công trường, không kể những công nhân điều khiển máy.
2. Lương phụ của công nhân điều khiển máy trong những ngày giờ nghỉ đi dự hội nghị của công trường, nghỉ bồi dưỡng ngắn hạn ngay tại công trường không quá 15 ngày.
3. Các phụ cấp ngoài lương của công nhân điều khiển máy thi công như tiền bảo hiểm xã hội, công tác phí, tiền bồi dưỡng vì ốm, viện phí, chi phí phòng bệnh và chữa bệnh thông thường tại y tế của công trường, tiền nước uống, tiền điện nước hoặc dầu đèn cho sinh hoạt, tiền vệ sinh.
4. Các chi phí quản lý hành chính của đơn vị có máy ở công trường như văn phòng phí, bưu phí, tiền khấu hao và sửa chữa các tài sản dùng trong công tác và sinh hoạt như bàn ghế, giường phản, máy tính, máy chữ, máy điện thoại, tiền sửa chữa nhỏ các lán trại, kho tàng.
5. Phí tổn bảo vệ, phòng chống bão lụt, cháy.
6. Phí tổn tu sửa thường xuyên đường sá, lót đường cần thiết cho máy thi công.
7. Phí tổn huấn luyện quân sự cho dân quân tự vệ ngay tại công trường.
8. Phí tổn sơ tổng kết công tác và các chi phí khánh tiết nhỏ, tiếp đón trà nước thông thường tổ chức tại công trường.
9. Chi phí kiểm kê.
Căn cứ vào nội dung trên, đơn vị có máy đi nhận thầu lại lập thành dự toán phí tổn gián tiếp của mình, cùng thống nhất với bên giao thầu. Nếu một hay hai khoản nào của nội dung trên đã được bên giao thầu đảm nhận thì sẽ không được tính.
Sau khi nghiên cứu thống nhất với dự toán ấy, đơn vị giao thầu sẽ thanh toán cho bên có máy đi nhận thầu lại theo thủ tục hiện hành, bằng cách tính một phần trong phí tổn gián tiếp chung (8,5% hay 9,5%) của công trường, nhưng số tiền này không được tính vào đơn giá của máy thi công.
Từ trước đến nay, một số Công ty thi công cơ giới, khi đi nhận thầu lại một khối lượng công trình của công trường nào đó, đã tính vào trong giá phí tổn sử dụng máy của mình, thêm cả tỷ lệ gián tiếp phí (8,5% hay 9,5%), làm cho đơn giá sử dụng máy cao vọt lên; như thế là không đúng tinh thần của Thông tư 307 và làm cho công trình ấy phải chịu hai lần gián tiếp phí.
- Còn đối với các công trường có máy tự làm, không những không được tính quản lý phí 7,5% vào giá phí tổn máy, mà cả gián tiếp phí cũng không được tính thêm, là vì tất cả các cán bộ, nhân viên của công trường đều có trong gián tiếp phí chung của công trường như Thông tư 3209-UB-CQL đã quy định.
III. CÁC KHOẢN CHI KHÁC VỀ MÁY THI CÔNG NHƯ:
1. Từ trước tới nay, vì các công trường chưa xây dựng được đơn giá sử dụng máy thi công, cho nên khi lập dự toán sử dụng máy vẫn phải dùng tỷ lệ 5% (công nghiệp) và 2,5% (dân dụng) để dự trù chi phí sử dụng máy thi công.
Hiện nay, căn cứ Thông tư 307-UB-ĐM, là đã có cơ sở để xây dựng được đơn giá sử dụng máy thi công rồi; do đó việc lập dự toán sử dụng máy thi công phải căn cứ vào đơn giá sử dụng máy để tính toán lập nên dự toán khối lượng sử dụng máy mà không áp dụng tỷ lệ 5% và 2,5% để ghi trong dự toán như trước nữa. Tỷ lệ 5% và 2,5% chỉ dùng để làm kế hoạch mà thôi.
Do đó, từ nay, khi lập dự toán, tạm thời dùng tỷ lệ 2% cho công trình kiến trúc công nghiệp và 1% cho công trình kiến trúc dân dụng. Tỷ lệ này được gọi là chi phí khác cho máy thi công, để thay cho tỷ lệ 5% và 2,5% sử dụng máy như đã quy định trong Thông tư 3209-UB-CQL và 1008-UB-ĐM.
Khoản chi phí khác cho máy thi công 2% và 1% này dùng chi cho ba khoản sau:
- Các chi phí về vận chuyển máy tới công trường và khi trả máy về nơi thuê và di chuyển máy trong nội bộ công trường.
- Các chi phí về tháo lắp máy cũng như chạy thử máy sau khi lắp lại vì phải vận chuyển.
- Các chi phí làm công trình tạm loại nhỏ như lán che máy, bệ để máy v.v…
Trường hợp đặc biệt đối với công trình nào đó, chưa có điều kiện lập dự toán sử dụng máy thi công theo đơn giá máy thì vẫn được dùng tỷ lệ 5% (công nghiệp) và 2,5% (dân dụng) để làm dự toán sử dụng máy; nhưng khi thanh toán phải thanh toán theo giá trong đơn giá máy và các phí tổn đó chi vào khoản 5% hay 2,5% đã ghi trong dự toán. Trường hợp 5% hày 2,5% không đủ sẽ báo cáo Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước điều chỉnh.
2. Về chi phí máy nghỉ vì mưa như Thông tư 809-UB-ĐM có quy định là do “đơn vị giao thầu trả”, nay đính chính lại là: Số ngày máy nghỉ việc vì mưa, do thời tiết gây nên, đã có trù tính vào số kíp hoạt động hàng năm của máy rồi, do đó bên có máy cũng như bên giao thầu đều không phải chi khoản này.
3. Đối với các đơn vị có máy, hạch toán kinh tế độc lập, khi tính giá cho thuê máy, hoặc tính đơn giá bao thầu lại, được tính thêm vào giá phí tổn một ca máy hoạt động phần thuế và lãi như Thông tư 15-TC-TQD ngày 07-06-1963 của Bộ Tài chính quy định.
4. Hiện nay, một số đơn vị có máy đi bao thầu lại đã tính vào trong đơn giá máy thi công, thêm tỷ lệ trực tiếp phí khác 2% hay 3%, như thế là không đúng. Trong quá trình làm việc, nếu có một khoản chi tiêu cần thiết khác cho máy thì sẽ:
a) Chi vào 5% dự toán sử dụng máy thi công.
b) Chi vào trực tiếp phí khác như Thông tư 880-UB-CQL quy định, nhưng do bên B hoặc bên A trả, tuỳ theo bên nào quản lý khoản trực tiếp phí khác này.
c) Chi vào khoản chi phí khác cho máy thi công như quy định trong thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký, và trong khi áp dụng thông tư này, nếu các Bộ, các ngành, các địa phương gặp khó khăn gì, thì báo cáo lên Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước để giải quyết và nghiên cứu bổ sung.
K.T. CHỦ NHIỆM |
- 1Thông tư 15-TC-TQD năm 1963 thi hành Quyết định 40-CP về việc bãi bỏ việc thu thuế doanh nghiệp vào các công trình kiến thiết cơ bản Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư 307-UB-ĐM năm 1962 ban hành định mức về năng suất giá phí tổn sử dụng các loại máy thi công do Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành
- 1Thông tư 15-TC-TQD năm 1963 thi hành Quyết định 40-CP về việc bãi bỏ việc thu thuế doanh nghiệp vào các công trình kiến thiết cơ bản Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư 307-UB-ĐM năm 1962 ban hành định mức về năng suất giá phí tổn sử dụng các loại máy thi công do Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành
Thông tư 273-UB-ĐM-1964 giải thích về các chỉ tiêu quản lý phí 7,5% và gián tiếp phí của đơn vị có máy thi công quy định trong Thông tư 307-UB-ĐM-1962 do Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 273-UB-ĐM
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 21/04/1964
- Nơi ban hành: Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước
- Người ký: Trần Đại Nghĩa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 21/04/1964
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định