Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1961

THÔNG TƯ

BAN HÀNH BẢN QUY TẮC AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG VIỆC ĐÀO ĐẤT

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các Bộ
- Các Tổng cục Lâm nghiệp, Thủy sản, Địa chất và Bưu điện
- Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh
- Các Sở, Ty, Phòng Lao động

Để ngăn chặn những tai nạn về sập đất xảy ra trên các công trường, ngày 18-06-1959 Bộ Lao động đã ban hành thông tư số 10/LĐ-TT cấm đào đất theo kiểu hàm ếch. Đến nay những tai nạn này đã giảm đi rõ rệt, nhưng nhìn chung tai nạn vì đào đất không đúng kỹ thuật còn xảy ra nhiều. Ngoài những tai nạn vì sập hàm ếch lẻ tẻ vẫn còn xảy ra ở những nơi chưa nghiêm chỉnh chấp hành thông tư trên, lối đào “thành vại”, việc cắt ta-luy quá dốc v.v… cũng đã gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc.

Hiện nay các công trường kiến thiết cơ bản phát triển nhiều, để những tai nạn như trên không xảy ra nữa, Bộ Lao động thấy chỉ cấm đào đất theo kiểu hàm ếch chưa đủ, mà cần phải quy định đầy đủ hơn về kỹ thuật an toàn trong việc đào đất để đảm bảo an toàn cho lao động. Bản quy tắc “an toàn lao động trong việc đào đất” ban hành theo thông tư này nhằm mục đích trên, nó không đi sâu vào chi tiết của kỹ thuật đào đất mà chỉ quy định những nguyên tắc cơ bản và tối thiểu mà tất cả các công trường thuộc tất cả các ngành đều phải thực hiện để đảm bảo an toàn lao động. Mỗi ngành, mỗi công trường, tùy theo tính chất công tác và điều kiện làm việc của mình sẽ đề ra những biện pháp cụ thể và thích hợp để áp dụng đúng đắn các nguyên tắc trên.

Bộ Lao động đề nghị các Bộ, Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh phổ biến rộng rãi bản quy tắc này và chỉ thị cho các công trường trực thuộc tổ chức cho cán bộ và công nhân học tập kỹ, để thấy được tính chất phức tạp của việc làm đất, không chủ quan coi thường, và phải thực hiện nghiêm chỉnh những điều đã quy định.

Riêng đối với công trường mới mở, nhất là các công trường có nhiều anh chị em mới ở nông thôn ra làm, hoặc có nhiều dân công, việc tổ chức cho anh chị em học tập bản quy tắc phải tiến hành trước khi đưa anh chị em ra hiện trường làm việc.

Các cơ quan Lao động địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Công đoàn để kiểm tra, đôn đốc các công trường thực hiện đúng đắn văn bản này, kịp thời ngăn chặn những vụ vi phạm và báo cáo cho Bộ biết những khó khăn mắc mứu để nghiên cứu giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng

QUY TẮC

AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG VIỆC ĐÀO ĐẤT

I. ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. – Để đảm bảo an toàn lao động trong việc đào đất, Bộ Lao động ban hành bản quy tắc này (kèm theo thông tư số: 27/LĐ-TT ngày 20-12-1961).

Điều 2. – Trước khi giao cho công nhân đào đất, công trường phải tổ chức cho anh chị em học tập kỹ bản quy tắc để hiểu rõ và chấp hành đầu đủ những điều đã quy định.

Trong quá trình làm việc nếu có những tình hình hoặc yêu cầu về kỹ thuật khác cần phải giải quyết mà bản quy tắc này chưa đề cập tới thì phải do cán bộ phụ trách về kỹ thuật của công trường giải quyết.

Điều 3. – Cần đào đất ở nơi nào, cán bộ phụ trách về kỹ thuật của công trường, phải thăm dò trước nơi đó để biết rõ chất đất, đặt phương pháp đào thích hợp, bố trí mọi phương tiện cần thiết như dụng cụ làm việc, thiết bị an toàn, trang bị bảo hộ lao động và phải hướng dẫn kỹ cho công nhân đào để đảm bảo an toàn lao động. Khi đào ở chỗ nguy hiểm cán bộ kỹ thuật phải có mặt thường xuyên tại đó.

Điều 4. – Trước khi đào đất công nhân phải kiểm tra và sửa chữa lại dụng cụ làm việc tránh để những bộ phận bị long hoặc sắp gẫy văng ra gây nên tai nạn.

Điều. 5. – Ở những chỗ cần đào đất công trường phải có biện pháp làm thoát nước trên mặt để tránh cho đất khỏi bị sụt, lở.

Điều 6. – Tuyệt đối cấm đào đất theo kiểu hàm ếch.

Điều 7. – Đào đất ở những nơi có dây điện ngầm, ban chỉ huy công trường phải nghiên cứu kỹ trước bản vẽ các đường dây để đặt kế hoạch đào an toàn. Khi đào phải có sự hướng dẫn tại chỗ của cán bộ hoặc công nhân kỹ thuật về điện.

Điều 8. – Đang đào đất nếu phát hiện thấy có các công trình ngầm như đường ống, dây cáp điện v.v… công trường phải đình chỉ ngay việc đào đất để điều tra cho rõ, báo cho cơ quan quản lý công trình đó biết và chỉ được tiếp tục đào khi người phụ trách có thẩm quyền của cơ quan nói trên đồng ý.

Điều 9. – Đang đào đất nếu gặp phải mồ mả hoặc hố than, công nhân phải đình chỉ ngay việc đào và báo cho cán bộ phụ trách trực tiếp biết để bố trí đủ dụng cụ làm việc mà trang bị bảo hộ lao động cần thiết trước khi tiếp tục đào. Tuyệt đối không ai được tự tiện mở nắp quan tài ra hoặc chui vào bố than để đề phòng hít phải hơi độc.

Điều 10. – Ở những nơi có người đi lại, các hào, hố, đào, dỡ, nếu nông thì về ban đêm phải đặt ván hoặc rào che miệng hố lại trước khi ngừng việc. Đối với những hố sâu (từ 1m50 trở lên) thì ban ngày phải đặt biển báo hiệu và ban đêm ngoài việc rào xung quanh còn phải đặt đèn đỏ báo hiệu.

Điều 11. – Phải tránh làm cầu qua lại trên các hố sâu đang đào dở dang. Nếu bắt buộc phải làm thì cầu phải có tay vịn vững chắc, phần ván cầu gối lên mép hố phải dài ít nhất 0m50. Ván làm cầu phải dàu ít nhất 0m025 và không được để dài quá 1m50 nếu không có cột hay vì đỡ ở dưới. Cầu để đi một chiều phải rộng 0m60, cầu đi hai chiều phải rộng từ 1m trở lên. Trong khi dưới hào, hố còn đang có người làm việc tuyệt đối không ai được chuyên cở nguyên vật liệu qua cầu.

Điều 12. – Đất đào lên phải đổ xa miệng hố từ 0m60 trở lên và nếu có nhiều đất thì phải đổ thành dốc thoai thoải lớn nhất là 45 độ. Đối với những hố sâu, bộ phận thiết kế phải nghiên cứu để định cự ly độ đất xa hơn, đảm bảo cho việc đi lại được thuận tiện và không làm cho miệng hào, hố bị tụt lở. Khi đào bên sườn núi phải có biện pháp ngăn cho đất khỏi lăn xuống dốc.

Điều 13. – Tuyệt đối cấm đứng hoặc ngồi trên miệng hoặc sát dưới chân thành hào, hố có vách thẳng đứng đang đào dở, để nghỉ giải lao hoặc chờ đợi công tác. Trường hợp dưới chân thành hào, hố nói trên ở khoản đất rộng thì có thể đứng hoặc ngồi ở dưới chân thành hào được. Nhưng phải đảm bảo một cự ly cách xa chân thành hào, hố một quãng ít nhất bằng chiều cao của thành cộng thêm 1m (Ví dụ: thành cao 3m, phải đứng hoặc ngồi cách xa chân thành 4m).

Điều 14. – Khi hào, hố đã đào tới độ sâu từ 2m trở lên thì không được để công nhân làm một mình. Phải bố trí để ít nhất có hai người cùng làm.

Điều 15. – Trong mỗi tổ làm việc cần bố trí đào và xúc xen kẽ nhau. Khi có người đang đào ở trên thì không được bố trí người xúc ở dưới mà phải bố trí đào một bên xúc một bên rồi luôn chuyển để tránh tai nạn đá đất rơi phải người xúc.

Điều 16. – Trong quá trình đào hào, hố… người đào phải thường xuyên xem xét, vách đất và mặt đất phía trên. Nếu thấy có kẽ nứt hoặc hiện tượng đe dọa sụt lở khác thì phải đình chỉ việc đào, người phải lên hết hoặc tránh ra xa. Cán bộ kỹ thuật sẽ nghiên cứu kỹ các hiện tượng trên để đề ra những biện pháp giải quyết thích hợp. Đặc biệt sau mỗi trận mưa, cán bộ phụ trách trực tiếp việc đào đất phải kiểm tra lại các vách hào, hố trước khi để công nhân xuống đào tiếp.

Điều 17. – Phải làm bậc thang hoặc đặt thang chắc chắn có tay vịn để công nhân lên xuống khi đào hào, hố. Công nhân đi, lại phải nhẹ nhàng, tránh làm đất sụt lở.

Điều 18. – Các vách giữa thùng đấu máng nước và dòng sông phải dày ít nhất là 2m và vách phía sông phải lát gỗ để tránh nước sông xói thẳng vào đất làm lở vách. Trường hợp nước sông chảy mạnh mà vách giữa thùng đấu máng nước và dòng sông lại cao thì cán bộ kỹ thuật phải tính toán để vách được đủ dày và đủ vững, đảm bảo an toàn lao động.

Điều 19. – Trong khi đang làm việc nếu thấy có nguy cơ xảy ra tai nạn thì cán bộ phụ trách trực tiếp việc đào đất phải tạm thời đình chỉ việc đào và báo cáo ngay với ban chỉ huy công trường để quyết định biện pháp giải quyết.

II. KỸ THUẬT, AN TOÀN VỀ ĐÀO ĐẤT

A. ĐÀO THẲNG VÁCH (HÌNH 1)

Điều 20. – Khi đào thẳng vách cần phải có ván để chống dỡ vách hào, hố trong những trường hợp sau đây:

a) Đào sâu quá 1m trong những loại đất mềm có thể đào bằng cuốc bàn.

b) Đào sâu quá 2m trong loại đất cứng mà phải dùng cuốc chim mới đào được.

c) Đào các chỗ thường xuyên có xe cộ qua lại hoặc ở những nơi mà xung quanh có máy chạy làm rung động.

d) Đào móng giáp móng của các công trình khác (Trong trường hợp này bộ phận thiết kế phải tính toán để chống đỡ chắc chắn móng của công trình cũ).

Khi đã đào được một khoảng sâu như đã quy định ở các điểm a và b mà muốn đào thêm nữa thì phải chống đỡ phên ván xong rồi mới được đào tiếp.

Đường đi lại để vận chuyển đất phải cách mép hồ ít nhất 0m60.

Điều 21. – Nếu đất ở chỗ cần đào là một loại mềm hay là cát khô hạt nhỏ thì khi đóng ván chống phải đóng khít vao nhau và đóng khắp cả bề mặt của vách (có thể dùng phên nứa thay ván, trong trường hợp này cán bộ kỹ thuật phải tính toán để tăng cường đúng mức cột và ván chống). Ván phải cao hơn mặt đất 0m20.

Điều 22. – Nếu trên bờ hố cần xếp nguyên vật liệu thì khi làm ván chống phải tính toán để ván có đủ súc chịu thêm lực nén của vật ấy.

Điều 23. – Mặc dù đã có ván chống nhưng nếu hố sâu quá 3m thì khi vận chuyển nguyên vật liệu xuống hố phải làm nhẹ nhàng, sỏi và bê-tông phải đưa xuống bằng máng hay phễu. Phải có hiệu còi hoặc hiệu lệnh thống nhất khác để báo trước cho những người làm việc dưới hào, hố biết khi chuyển nguyên vật liệu xuống và cán bộ kỹ thuật của đổi sản xuất phải trực tiếp điều khiển việc này. Người phải lên xuống bằng thang hay cầu giốc có bậc và tay vịn.

Điều 24. – Khi dỡ các cây chống ra để lấp hố lại, phải dỡ từ dưới lên. Dỡ đến mức nào phải lấp ngay đến mức ấy và không được dỡ quá kích thước cho mỗi lần như đã quy định ở các điểm a, b, điều 20 cho mỗi loại đất. Phải giao cho người quen việc, biết lối tiến, thoái khi đất trụt lở, làm công việc tháo dỡ ván chống. Đặc biệt đối với những nơi có đất cát dễ lở, cán bộ kỹ thuật phải có mặt tại nơi làm việc để hướng dẫn cho công nhân tháo dỡ ván chống.

Điều 25. – Không được để vật nặng lên cây chống hoặc dùng cây chống làm thang lên xuống.

B. ĐÀO THEO LỐI ĐỂ THÀNH NGHIÊNG (TA LUY) (HÌNH 2)

Điều 26. – Muốn cho đất không trụt, lở, thành hào, hố, đào theo kiểu nằm nghiêng phải có góc nghiêng như sau:

Loại đất

Sâu dưới 3 mét

Sâu trên 3 mét

Độ góc vách hố

Tỷ lệ chiều cao so với chiều rộng

Độ góc vách hố

Tỷ lệ chiều cao so với chiều rộng

Đất rời rạc, cát, sỏi

Đất cát pha sét

Đất sét pha cát

Đất sét

39 độ

56

56

63

1/1, 25

1/0, 67

1/0, 67

1/0, 50

34 độ

45

53

56

1/1, 50

1/1

1/0, 75

1/0, 67

C. ĐÀO THEO HÌNH BẬC THANG (HÌNH 3)

Điều 27. – Khi cần đào theo hình bậc thang, mỗi bậc không được cao quá 0m25 và mặt bậc phải rộng từ 0m35 trở lên để công nhân lên xuống được thuận tiện.

D. ĐÀO GIẾNG VÀ HẦM:

Điều 28. – Những hố khoan và giếng sâu quá 2m phải có ván chống liền chung quanh thành và văng ngang hay có ống bê-tông (ống lù) cho dần xuống. Chưa có ván chống hay ống bê-tông không được đào sâu quá mức độ như đã quy định ở điều 20 cho từng loại đất.

Điều 29. – Cấm hút thuốc lào và thuốc lá khi làm dưới giếng.

Điều 30. – Nhất thiết phải đặt thang hoặc làm bậc thang gắn liền vào thành giếng để công nhân xuống giếng hoặc từ đáy giếng lên bờ. Trường hợp đặc biệt phải dùng dây để đưa công nhân xuống giếng hay lên bờ thì dây phải có sức chịu đựng bằng 6 lần sức nặng của công nhân (cán bộ kỹ thuật phải kiểm tra lại chất lượng của dây trước khi để công nhân dùng).

Khi kéo dây phải dùng “tời” không được kéo bằng tay không. Đầu dâu ở trên, khi dây thả xuống tới đáy giếng, còn phải cuộn ít nhất 5 hoặc 6 vòng vào trục “tời”. Để trục “tời” không thể tự động quay ngược trở lại được, “tời” phải có chốt an toàn.

Điều 31. – Khi có việc phải làm ở lưng chừng giếng công nhân phải đeo dây an toàn móc vào thang hay buộc từ miệng giếng thả xuống.

Công nhân đào giếng phải có mũ cứng đề phòng đất đá từ trên rơi xuống đầu.

Trong lúc công nhân làm việc dưới giếng phải có người canh gác ở miệng giếng để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra.

Điều 32. – Đào giếng sâu quá 6m đối với đất rắn và 4m đối với đất mềm hay đào hầm lò phải có cán bộ kỹ thuật trung cấp trở lên phụ trách.

III. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

Điều 33. – Bản quy tắc này thi hành cho tất cả các công trường có sử dụng công nhân và lao động đào đất thuộc tất cả các ngành. Tùy theo yêu cầu về kỹ thuật, về tính chất của những công việc đào đất khác nhau, các công trường sẽ dựa vào bản quy tắc này mà xây dựng những nội quy an toàn lao động cụ thể cho từng bộ phận, từng việc cho thích hợp với đơn vị mình.

Đối với những công trình nhỏ như đào móng, đào mương sâu không quá 1m thì có thể tùy theo tình hình thực tế chất đất của mỗi nơi mà nghiên cứu áp dụng không nhất thiết phải thi hành đầy đủ các điều khoản trong bản quy tắc này.

Điều 34. – Tất cả cán bộ quản lý, hướng dẫn sản xuất và công nhân, viên chức làm việc ở công trường đều phải học tập và thi hành nghiêm chỉnh bản quy tắc này.

Những người do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố tình vi phạm các điều khoản quy định trong bản quy tắc để xảy ra tai nạn lao động sẽ bị thi hành kỷ luật hoặc truy tố trước tòa án theo luật pháp của Nhà nước.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 27-LĐ/TT năm 1961 về bản quy tắc an toàn lao động trong việc đào đất do Bộ Lao Động ban hành.

  • Số hiệu: 27-LĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/12/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Đăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 51
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản