Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 10-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 1959 |
THÔNG TƯ
CẤM ĐÀO ĐẤT THEO KIỂU “HÀM ẾCH”
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | - Các Bộ; |
Từ mấy năm nay, do áp dụng phương pháp đào đất theo kiểu hàm ếch, một số công, nông, lâm trường đã để xẩy ra những tai nạn nghiêm trọng; đất đá sụt bất thình lình đã làm chết hoặc bị thương nặng khá nhiều người. Lẻ tẻ có một vài ngành, sau khi nhận thấy tính chất nguy hiểm của phương pháp này đã chỉ thị cho các đơn vị trực thuộc không đào đất theo cách nói trên. Một vài địa phương thấy những tai nạn thuộc loại này xẩy ra liên tiếp, cũng đã có thông cáo ngăn cấm việc đào đất theo kiểu hàm ếch trong địa phương mình.
Tuy nhiên, vì chưa nhận thấy đầy đủ những thiệt hại nghiêm trọng về người và của do những tai nạn về đào hàm ếch gây ra, vì đơn thuần muốn tăng năng suất mà không chú ý đúng mức đến an toàn lao động, một số công trường còn để cho công nhân hoặc dân công tiếp tục đào đất theo kiểu trên. Phương pháp này nếu có nhất thời nâng được năng suất đào đất lên nhưng đã có ảnh hưởng không tốt đến việc sản xuất lâu dài: mỗi khi tai nạn đào hàm ếch xẩy ra ở một đơn vị nào thời lập tức tinh thần của anh em trong đơn vị dao động và trong một thời gian năng suất của đơn vị sụt xuống rõ rệt. Lối đào đất kiểu hàm ếch hay được áp dụng nhiều nhất ở những chỗ có lao động hay dân công làm khóan. Tại đây, cán bộ phụ trách sản xuất thường để anh chị em muốn làm cách nào thì làm, không thấy trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để bảo đảm an toàn lao động. Hàng chục tai nạn vì đào hàm ếch làm chết và làm tàn phế hàng chục bộ đội, công nhân và dân công đã xẩy ra trong năm 1958. Riêng 3 tháng đầu năm 1959 cũng đã xẩy ra tới 10 vụ làm chết 5 người và làm bị thương nặng 7 người. Chỉ một công trường “105” ở Đáp Cầu, trong thời gian chưa đầy 1 năm đã để xẩy ra tới 6 vụ và 2 vụ cuối cùng đã liên tiếp xẩy ra cách nhau có 8 ngày cùng trong tháng 3 năm 1959. Sau mỗi tai nạn xẩy ra, công trường thường cũng có kiểm điểm, nhưng chỉ làm qua loa chiếu lệ rồi ít ngày sau, cách đào đất theo kiểu hàm ếch lại tái diễn và lại gây ra những tai nạn đáng tiếc như đã nói ở trên.
Tình trạng như trên sỡ dĩ tồn tại là vì trên nhận thức, tư tưởng, một số cán bộ lãnh đạo sản xuất còn chưa thấm nhuần tính chất quan trọng của công tác bảo hộ lao động, chưa thấy đó là một nhiệm vụ của mỗi cán bộ lãnh đạo sản xuất. An toàn để sản xuất và sản xuất phải được an toàn là hai mặt của một vấn đề. Có bảo đảm được an toàn cho công nhân thì mới đảm bảo được sản xuất, và ngược lại, muốn đẩy mạnh sản xuất thì trước hết phải bảo đảm an toàn lao động. Nhưng khi nghiệm về những tai nạn vừa qua trên các công trường đã chứng minh rằng phương pháp đào đất kiểu hàm ếch là một phương pháp không bảo đảm an toàn lao động. Các ngành có sử dụng nhiều nhân lực như Thủy lợi, Kiến trúc, Giao thông bưu điện, Công nghiệp, Quốc phòng, Nông lâm cũng như Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Văn phòng công nghiệp Phủ Thủ tướng đều nhận thấy cần chấm dứt cách làm việc nguy hiểm này.
Để bảo vệ sinh mạng của bộ đội, công nhân và dân công, để làm cho những tai nạn như trên không xẩy ra nữa, từ nay, tuyệt đối sẽ không được dùng phương pháp đào đất theo lối đào “hàm ếch” (moi đất ở phía dưới để đánh sập đất ở phía trên xuống).
Cán bộ quản lý xí nghiệp, công trường, nông trường và lâm trường nếu xẩy ra tai nạn lao động vì đào đất kiểu hàm ếch sẽ phải chịu trách nhiệm theo điều 2 của nghị định số 703-TTg ngày 29/2/1956 của Phủ Thủ tướng;
“Giám đốc xí nghiệp, cán bộ được ủy nhiệm phụ trách giữ an toàn lao động ở xí nghiệp, người điều khiển hoặc ra lệnh công tác phải có trách nhiệm thi hành thể lệ của Chính phủ về việc bảo đảm an toàn cho người làm việc và đề phòng tai nạn lao động. Nếu vì thiếu tinh thần trách nhiệm, không thi hành đúng thể lệ của Chính phủ để xẩy ra tai nạn, làm cho người làm công bị thương, bị cố tật hoặc bị chết thì người có trách nhiệm có thể bị truy tố trước tòa án theo pháp luật”.
Bộ Lao động đề nghị các Bộ tăng cường giáo dục ý thức bảo hộ lao động, trong cán bộ và công nhân viên, phổ biến rộng rãi thông tư này tới các cơ sở sản xuất, và có thái độ xử lý thích đáng đối với những trường hợp không thi hành những chỉ thị về bảo hộ lao động để xẩy ra tai nạn.
Đề nghị các Ủy ban hành chính khu, tỉnh và thành phố, bằng những hình thức sẵn có như báo, loa phóng thanh, v.v… phổ biến thông tư này đến các đơn vị sản xuất trong địa phương, chủ yếu là đến các công trường, có nhiều lao động làm khoán và làm công nhật, để mọi người đều nắm được tinh thần của văn bản nói trên; lãnh đạo và kiểm tra các đơn vị thi hành nghiêm chỉnh điều đã quy định.
Các cơ quan Lao động có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc, theo dõi việc thi hành, giúp Ủy ban hành chính địa phương phổ biến rộng rãi thông tư để những người đang làm việc tại công trường và những người sắp được đưa đến làm việc ở công trường cũng đều biết rõ, nắm tình hình thi hành ở các đơn vị và can thiệp khi cần thiết.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
Thông tư 10-LĐ/TT năm 1959 về việc cấm đào đất theo kiểu hàm ếch do Bộ Lao Động ban hành.
- Số hiệu: 10-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 18/06/1959
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Văn Tạo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 24
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra