BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 2451-TCh | Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 1970 |
Ngày 14 tháng 11 năm 1970, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp đã ra Quyết định số 2451-QĐ ban hành quy định tuyển sinh vào các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức. Để giúp các trường, lớp tại chức và các cơ quan phụ trách công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế nắm vững và thi hành đúng quy định nói trên, Bộ tôi hướng dẫn thêm một số điểm cần chú ý sau đây:
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế bằng hình thức tại chức là một phương thức đào tạo, bồi dưỡng có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là con đường tốt nhất để đào tạo cán bộ nhanh, nhiều, tốt, tiết kiệm, là biện pháp quan trọng nhằm thực hiện chính sách cán bộ và đường lối giai cấp của Đảng trong công tác bồi dưỡng và đào tạo cán bộ (Chỉ thị số 49-TTg/Vg ngày 10 tháng 5 năm 1968 của Thủ tướng Chính phủ).
Việc tuyển chọn người vào các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức là một khâu rất quan trọng, nó là tiền đề có tính chất quyết định đến việc nâng cao chất lượng và duy trì số lượng trong quá trình đào tạo tại chức. Vì vậy các cơ quan làm nhiệm vụ tuyển sinh cần quán triệt đầy đủ và công tác đào tạo tại chức, trước hết là công tác tuyển sinh, trên cơ sở đó mà có kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm đạt được những yêu cầu sau:
1. Tuyển chọn được trong cán bộ, công nhân, viên chức, xã viên hợp tác xã, v.v… nhiều người đã kinh qua thực tiễn sản xuất, công tác, chiến đấu vào các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức.
2. Trên nguyên tắc đảm bảo dân chủ mà tuyển chọn và giới thiệu những người xứng đáng, đúng đối tượng và đủ tiêu chuẩn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia dự tuyển được tốt.
3. Trong khi tuyển chọn và giới thiệu người đi học tại chức, chú ý đảm bảo sự cân đối giữa yêu cầu đào tạo, sử dụng với yêu cầu sản xuất, công tác, giữa yêu cầu trước mắt với yêu cầu lâu dài.
4. Khi tiến hành tuyển chọn phải chú ý đầy đủ cả hai mặt số lượng và chất lựơng, không thể vì số lượng mà hạ thấp chất lượng hoặc ngược lại chỉ vì chất lượng mà đi đến chỗ khe khắt, hẹp hòi kể cả đối với những người có đủ điều kiện theo học. Chất lượng tuyển chọn thể hiện bằng cách đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, văn hóa, nghề nghiệp, sức khỏe như đã quy định.
Ở đây, nói rõ thêm những điểm cần chú ý khi vận dụng các tiêu chuẩn văn hóa, nghề nghiệp, sức khỏe và tuổi.
Học theo hình thức tại chức, ngoài việc học tập trên lớp có sự hướng dẫn của giáo viên, việc tự học của học sinh, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy trước khi vào học không những học sinh tại chức phải có một trình độ tự học nhất định mà còn phải có một trình độ văn hóa nhất định. Trong quy định đã nói rõ tiêu chuẩn về văn hóa đối với từng cấp học tại thông tư này xin hướng dẫn thêm mấy điểm sau:
a) Người muốn được dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp các trường, lớp đã nói ở điều 4 trong quy định. Riêng đối với bộ đội tại ngũ, trong điều kiện hiện nay có thể dùng giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp III hay cấp II của Cục tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị để thay cho bằng tốt nghiệp. Nói chung, đối với đối tượng này chủ yếu là qua kỳ thi văn hóa để đánh giá và tuyển chọn vào học.
b) Từ nay các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức nói chung không tuyển những người chưa đủ tiêu chuẩn văn hóa. Trường hợp đặc biệt, do yêu cầu thật cấp bách của ngành hoặc địa phương chủ quản, trường lớp tại chức đó có thể tạm thời kết hợp mở lớp bổ túc văn hóa trong một vài năm với điều kiện phải được Ty, Sở giáo dục địa phương công nhận và cấp bằng tốt nghiệp. Thời gian bổ túc văn hóa không tính vào thời gian đào tạo của khóa học và không áp dụng các chế độ, chính sách đào tạo tại chức đối với lớp bổ túc văn hóa. Chỉ những người nào tốt nghiệp bổ túc văn hóa theo tiêu chuẩn quy định mới được dự thi tuyển chọn chính thức vào đại học hay trung học chuyên nghiệp tại chức.
c) Đối với những cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, nếu vì không đủ tiêu chuẩn văn hóa mà không vào được các lớp đào tạo thì có thể theo học những lớp bồi dưỡng tại chức về khoa học, kỹ thuật, quản lý kinh tế tại một số trường đại học và trung học chuyên nghiệp, để nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt nhằm làm tốt nhiệm vụ trước mắt của mình.
d) Đối với những người đã tốt nghiệp một ngành học hay học thêm một ngành học khác cùng cấp, việc xét cho miễn học một số môn và sắp xếp vào năm học thích hợp căn cứ vào việc so sánh giữa nội dung chương trình các môn học họ đã học qua với nội dung chương trình ngành đang học mà quyết định.
e) Việc thi văn hóa vào các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp là nhằm mục đích đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Phương châm thi văn hóa là nghiêm túc, công bằng và chính xác. Muốn vậy, không những đề thi phải phù hợp mà cách tổ chức thi cũng phải nghiêm chỉnh.
Mặt khác, phần đông những người xin học tại chức đều đã nghỉ học một thời gian, nên nhà trường và cơ sở có người đi học cần báo trước thời gian thi, và tạo điều kiện giúp đỡ họ ôn tập tốt trước khi thi, để đánh giá trình độ của họ được đúng đắn.
Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và người dân tộc ở vùng rẻo cao đều được vào học thẳng miễn là có bằng tốt nghiệp theo tiêu chuẩn văn hóa quy định ở điều 4. Việc thi văn hóa nhằm giúp cho họ có điều kiện ôn tập và nhà trường nắm được trình độ để có kế hoạch giúp đỡ cho họ học tốt sau này.
Đặc điểm của học tại chức là vừa làm vừa học, học tập không thoát ly sản xuất và công tác. Để cho người học vừa sản xuất, công tác tốt lại vừa học tập tốt, phát huy được những kiến thức đã học vào sản xuất và công tác ngay trong các quá trình học tập, họ phải được sắp xếp học đúng ngành, đúng nghề. Vì vậy trong công tác đào tạo tại chức phải rất coi trọng nguyên tắc “làm nghề nào học theo ngành ấy”.
Thực hiện nguyên tắc làm nghề nào học theo ngành học ấy và quy định về tuổi nghề tối thiểu trước hết là nhằm đảm bảo trình độ kiến thức nghề nghiệp đang làm (kể cả tay nghề) phù hợp với nội dung chương trình ngành học. Vì chỉ có trên cơ sở đó học sinh tại chức mới có điều kiện thuận lợi để tiếp thu và áp dụng trực tiếp những kiến thức mới học vào sản xuất và công tác ngay trong quá trình học tập. Trong thực tế, một ngành học có thể tiếp nhận những người làm những nghề khác nhau, miễn là những người đó cũng nằm trong một quy trình sản xuất hay một hệ thống hoạt động nghiệp vụ. Và ngược lại, người làm một nghề nhất định cũng có thể chọn được một vài ngành học thích hợp. Đấy là một vấn đề khá phức tạp, khi vận dụng cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà xét.
Đối với các ngành kỹ thuật, kinh tế và nghiệp vụ, trường hợp học trái ngành nghề là cá biệt và phải thật sự do yêu cầu công tác mới nhận vào học. Để khỏi ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chung, đồng thời để đảm bảo giúp đỡ cho những người học trái ngành nghề theo học được, tùy từng ngành học mà quy định tỷ lệ số học sinh này không quá 10-15% tổng số học sinh trong một lớp.
Khi tính tuổi nghề, đối với những người trước đây đã học hoặc làm một nghề nào đó, nhưng do yêu cầu công tác họ phải chuyển sang nghề khác, nay được trở lại nghề nghiệp cũ thì tuổi nghề của họ được tính cả thời gian trước đây.
Đối với những người là anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, dân tộc ít người ở các vùng rẻo cao chỉ cần trước lúc đi học họ làm nghề đúng với ngành học mà không cần có đủ tuổi nghề như quy định chung.
3. Tiêu chuẩn sức khỏe và tuổi.
Nói chung không hạn chế về tuổi, đó là tinh thần nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 101-TTg ngày 11-10-1962 về quy chế chung về tổ chức các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức. Mặt khác, cũng do đặc điểm của học tập tại chức cho phép người học ngay trong quá trình học tập phát huy tác dụng những kiến thức đã học trong sản xuất và công tác, chứ không chờ sau khi học xong như đối với học sinh tập trung.
Tuy nhiên đối với những trường hợp tuổi cao, sức yếu thì nên cho học bồi dưỡng ngắn hạn tốt hơn là học theo hệ đào tạo tại chức dài hạn.
Trên đây là một số điểm hướng dẫn thêm. Khi thực hiện, các địa phương, các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp và các cơ quan phụ trách công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế thấy có điểm nào chưa rõ đề nghị phản ảnh cho Bộ tôi biết để kịp thời nghiên cứu bổ sung.
BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 2451-QĐ năm 1970 ban hành quy định tuyển sinh vào các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp
- 2Nghị định 101-TTg năm 1962 quy chế chung về tổ chức các trường lớp trung cấp và đại học tại chức do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Giáo dục 1998
- 1Quyết định 2451-QĐ năm 1970 ban hành quy định tuyển sinh vào các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp
- 2Nghị định 101-TTg năm 1962 quy chế chung về tổ chức các trường lớp trung cấp và đại học tại chức do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Giáo dục 1998
Thông tư 2451-TCh-1970 hướng dẫn tuyển sinh vào các trường, lớp Đại học và Trung học chuyên nghiệp tại chức do Bộ Đại hoc và Trung học chuyên nghiệp ban hành
- Số hiệu: 2451-TCh
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 14/11/1970
- Nơi ban hành: Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp
- Người ký: Tạ Quang Bửu
- Ngày công báo: 15/12/1970
- Số công báo: Số 20
- Ngày hiệu lực: 29/12/1970
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định