Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24-TT/BTVH

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 1966

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THÀNH LẬP TRƯỜNG SƯ PHẠM BỔ TÚC VĂN HÓA CẤP II

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh
- Các sở, ty giáo dục

Ngày 08/4/1966, Bộ đã có công văn số 595-BTVH cho các sở, ty giáo dục về việc mở trường sư phạm bổ túc văn hóa cấp II để đào tạo giáo viên giảng dạy ở các trường bổ túc văn hóa và kỹ thuật cấp II nông thôn. Ngày 28/7/1966, Bộ lại có công căn số 1359-BTVH hướng dẫn thêm việc chiêu sinh, thời gianvà kế hoạch đào tạo.

Thông tư này chính thức quy định hiện việc thành lập trường sư phạm bổ túc văn hóa cấp II ở các tỉnh, thành phố trực thuộc và các khu tự trị Việt Bắc, Tây Bắc; đồng thời quy định rõ rệt một số điểm cụ thể về tổ chức trường sư phạm bổ túc văn hóa cấp II để các tỉnh, thành phố và các khu tự trị nghiên cứu thi hành.

1. Bắt đầu từ năm học 1966-1967, mỗi tỉnh, thành phố sẽ thành lập một trường sư phạm bổ túc văn hóa cấp II để đào tạo và bồi dưỡng giáo viên bổ túc văn hóa và kỹ thuật cấp II nông thôn và giáo viên bổ túc văn hoá cấp II cho các xí nghiệp, công nông, lâm trường. Riêng các khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc sẽ mở trường sư phạm bổ túc văn hóa cấp II ở khu để đào tạo giáo viên chung cho các tỉnh. Ở những nơi chưa có điều kiện mở trường riêng thì giao cho cho trường sư phạm cấp II đảm nhiệm bằng cách thành lập một phân hiệu sư phạm bổ túc văn hóa do một hiệu phó phụ trách. Các Ủy ban hành chỉnh tỉnh, thành, khu căn cứ vào chủ trương của Bộ Giáo dục và yêu cầu phát triển bổ túc văn hóa ở địa phương, ra quyết định thành lập trường và đăng ký theo thủ tục hiện hành, quyết định và đề nghị chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bổ túc văn hóa cấp II hàng năm cho trường. Kinh phí mở trường do ngân sách địa phương đài thọ.

2. Nhiệm vụ chung của trường là giúp đỡ các sở, ty giáo dục đào tạo giáo viên bổ túc văn hóa cấp II chuyên trách và nửa chuyên trách cho các xã và hợp tác xã, cho các xí nghiệp công, nông lâm trường; bồi dưỡng giáo viên chuyên trách và nửa chuyên trách chưa toàn cấp lên toàn cấp theo yêu cầu nâng cao chất lượng bổ túc văn hóa. Tùy tình hình và yêu cầu từng nơi, trường có thể giúp sở, ty luân phiên bồi dưỡng cả giáo viên, cán bộ bổ túc văn hóa khác ở cơ sở về văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ để giúp họ công tác giảng dạy được tốt hơn, nhưng trọng tâm vẫn là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bổ túc văn hóa cấp II.

Đồng thời còn có nhiệm vụ nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm từng bước để giúp sở, ty lãnh đạo về nội dung và phương pháp học tập, giảng dạy ở các trường bổ túc văn hóa và kỹ thuật cấp II được tốt, đúc rút kinh nghiệm về nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bổ túc văn hóa cấp II.

3. Cán bộ lãnh đạo và giáo viên của trường cần chọn trong số cán bộ giáo viên tốt, có khả năng tổ chức lãnh đạo và giảng dạy ở các trường sư phạm, có khả năng đúc rút kinh nghiệm, biên soạn tài liệu và nên chọn những anh chị em đã có kinh nghiệm qua công tác bổ túc văn hóa.

Số lượng cán bộ giáo viên của trường cần bố trí thích đáng như các trường sư phạm khác để có thể vừa làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lại vừa có thể nghiên cứu biên soạn, đúc rút kinh nghiệm trong hoàn cảnh công tác còn rất mới mẻ.

4. Tổ chức chuyên môn của trường có thể tuỳ tình hình và yêu cầu từng nơi mà chia thành bộ phận đào tạo, bồi dưỡng riêng hoặc phối hợp cùng làm; tiến hành đào tạo trước rồi bồi dưỡng hoặc song song cả hai việc cùng một lúc. Đối với các phân hiệu sư phạm cấp II làm công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bổ túc văn hóa thì các giáo viên dạy ở phân hiệu này sẽ hợp thành một tổ riêng để đi sâu vào việc rút kinh nghiệm và biên soạn giảng dạy cho sát.

5. Đối tượng chiêu sinh của trường trước hết là những cán bộ, giáo viên bổ túc văn hóa, những thương binh, cán bộ khác của hợp tác xã, của xã (nhưng chưa phải là cán bộ chủ chốt). Với học sinh phổ thông đã về sản xuất địa phương thì chủ yếu cũng nhằm vào những người có hoàn cảnh gắn bó với hợp tác xã và nữ thanh niên có điều kiện ở nông thôn lâu dài. Trình độ văn hóa đã tốt nghiệp lớp 7 phổ thông hoặc bổ túc văn hóa, tuổi từ 17 đến 35, đủ sức khoẻ để giảng dạy, công tác, lý lịch rõ ràng. Trong trường hợp không tuyển đủ số người đã tốt nghiệp lớp 7 vào học, các địa phương có thể lấy thấp hơn một lớp (chủ yếu chọn trong số giáo viên bổ túc văn hóa nghiệp dư) và có kế hoạch bồi dưỡng thêm để có trình độ lớp 7 trước khi bước vào học tậo chưong trình sư phạm bổ túc văn hóa; hoặc số giáosinh này sẽ ra dạy các lớp đầu cấp II và được tiếp tục bồi dưỡng để trở thành giáo viên toàn cấp.

Những giáo sinh vào học trường sư phạm bổ túc văn hóa cấp II nhất thiết phải được Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất khác chính thức chọn cử đi để phục vụ cho xã, cho hợp tác xã và các xí nghiệp, công, nông, lâm trường.

6. Thời gian đào tạo là 2 năm. Trong thời gian học ở trường, giáo sinh được cấp học bổng 100% như các trường sư phạm khác. Khi ra trường sẽ được sử dụng dạy các lớp bổ túc văn hóa và kỹ thuật cấp II. Những giáo sinh tốt nghiệp, có trình độ và khả năng công tác, có tinh thần đạo đức tốt sẽ được chọn làm giáo viên chuyên trách bổ túc văn hóa cấp II. Số còn lại cũng được sử dụng và do địa phương đài thọ theo như chế độ đối với cán bộ trung cấp kỹ thuật của xã và hợp tác xã.

7. Cơ sở vật chất của trường (như trường lớp, dụng cụ,…) do Nhà nước trang bị như đối với các trường sư phạm khác (một phần dựa vào dân và thầy trò tự làm lấy). Cần tận dụng các cơ sở sản xuất sẵn có của xã và hợp tác xã nơi trường đóng (như ruộng thí nghiệm, trại chăn nuôi…), các tài liệu tham khảo của các trường sư phạm và phổ thông gần nhất, của các ngành liên quan như nông nghiệp, công nghiệp; đồng thời tăng cường thiết bị cho phù hợp với yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nhất là về đồ dùng thí nghiệm, giảng dạy và học tập, tủ sách giáo viên và giáo sinh…

Cần giúp các xã gần trường xây dựng trường lớp bổ túc văn hóa và kỹ thuật tốt làm nơi thực hành, thực tập cho giáo sinh.

Cần lãnh đạo và xây dựng tốt việc ăn ở tập thể, bố trí thời gian lao động để rèn luyện tư tưởng kỹ năng kỹ thuật lao động, kết hợp học với hành và giải quyết một phần lương thực, thực phẩm, cải thiện sinh hoạt cho trường.

Dựa vào chủ trương, phương hướng của Bộ đã nêu trong thông tư này và những công văn hướng dẫn trước đây, các tỉnh, thành, khu nghiên cứu, xúc tiến ngay việc mở trường sư phạm bổ túc văn hóa cấp II trong năm học này để kịp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cung cấp cho nhu cầu học tập văn hóa và kỹ thuật cấp II ngày càng lớn ở nông thôn và xí nghiệp, công, nông, lâm trường… Chỉ tiêu đào tạo giáo viên bổ túc văn hóa cấp II mà các sở, ty giáo dục đề nghị đã được Bộ Giáo dục và Ủy ban kế hoạch nhà nước tạm ghi. Nay các Ủy banh hành chính tỉnh, thành phố và khu vực tự trị cần chính thức quyết định về các chỉ tiêu đó và báo cáo lên Bộ Giáo dục và Ủy ban kế hoạch nhà nước cùng với dự trù ngân sách ở địa phương mình.

Vụ tổ chức văn hoá và kỹ thuật, Vụ sư phạm, Vụ tổ chức cán bộ, Vụ kế hoạch tài vụ, Vụ thiết bị trường học của Bộ có nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện thông tư này.

Các sở, ty giáo dục có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh thực hiện và báo cáo kết qủa về Bộ.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 24-TT/BTVH-1966 về việc thành lập trường Sư phạm Bổ túc văn hóa cấp II do Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 24-TT/BTVH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/11/1966
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 17/11/1966
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản