Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23-NV

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 1964

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 65-TTG-NC NGÀY 01-07-1964 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC MẤT SỨC LAO ĐỘNG Ở CÁC XÍ NGHIỆP, CÔNG TRƯỜNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi: Các ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.

Ngày 01-07-1964, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 65-TTg-NC quy định các chính sách, chế độ và kế hoạch để giải quyết vấn đề công nhân, viên chức mất sức lao động ở các xí nghiệp, công trường, kể cả các xí nghiệp, công trường thuộc Bộ Quốc phòng.

Sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ, các ngành quản lý sản xuất và các ngành có liên quan ở trung ương, Bộ Nội vụ có thông tư này gửi các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh, hướng dẫn thêm một số điểm về tinh thần và nội dung chính sách như sau:

I. MỘT SỐ ĐIỂM HƯỚNG DẪN THÊM VỀ NỘI DUNG CHÍNH SÁCH

1. Việc tổ chức các Hội đồng giám định sức khỏe.

Để giải quyết cho công nhân mất sức lao động được đi điều dưỡng hoặc được nghỉ việc thì cần tiến hành phân loại công nhân viên chức theo tình hình sức khỏe. Để công việc này làm được nhanh chónh hơn, từ nay không tập trung lên Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố như trước nữa, vì số người quá đông, không giải quyết được kịp thời, mà ở mỗi xí nghiệp, công trường được phép tổ chức một Hội đồng giám định sức khỏe. Những thành viên của Hội đồng đã được quy định ở Thông tư 65-TTg-NC là đại biểu của các tổ chức ở ngay cơ sở, thường xuyên nắm vững tình hình công nhân, viên chức nên có điều kiện thuận lợi để xét và quyết định cho công nhân viên chức được đi điều dưỡng hoặc cho nghỉ việc. Cán bộ phụ trách y tế của đơn vị nói trong thông tư có thể là bác sĩ, y sĩ đối với những nơi không coóbác sĩ, y sĩ. Đối với những đơn vvị mà ngành dọc có bác sĩ, y sĩ, nếu có điều kiện, có thể tăng cường cán bộ y tế cho Hội đồng giám định sức khỏe của cơ sở.

Sau khi Hội đồng giám định sức khỏe ở các xí nghiệp, công trường đã xét, nếu có những trường hợp khó khăn không giải quyết được hoặc có công nhân, viên chức khiếu nại thì Hội đồng phải gửi hồ sơ của những người đó lên Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố để xin khám lại. Hội đồng giám định y khoa, theo chức năng của mình đã được Nhà nước quy định, sẽ báo cho đương sự đến để khám lại và báo cáo kết quả việc khám nghiệm của Hội đồng lên Ủy ban hành chính tỉnh, thành quyết định.

Để giúp Ủy ban hành chính tỉnh, thành giải quyết việc này được tốt, Thủ tướng Chính phủ đã cho thành lập ở các tỉnh, thành phố một Hội đồng xét duyệt, thành phần gồm có đại biểu cơ quan Lao động, đại biểu Liên hiệp công đoàn, Chủ tịch Hội đồng giám định y khoa và do một ủy viên Ủy ban hành chính làm chủ tịch. Hội đồng có trách nhiệm căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, cân nhắc từng trường hợp về mọi mặt (sức khỏe, quá trình cống hiến và đời sống của công nhân, viên chức) để giải quyết cho thỏa đáng và đảm bảo đúng chính sách. Để kết hợp giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức được về nghỉ việc, Ủy ban hành chính nên cử ủy viên Ủy ban phụ trách tổ chức dân chính làm chủ tịch Hội đồng xét duyệt. Nếu không có điều kiện kết hợp mà Ủy ban phải cử ủy viên khác thì Ủy ban nên cử thêm một đại biểu là trưởng hay phó ban Tổ chức dân chính tham gia Hội đồng.

Về cơ quan thường trực của Hội đồng, tùy theo tình hình từng địa phương, Ủy ban hành chính tỉnh, thành sẽ quyết định đặt ở Ban Tổ chức dân chính của Ủy ban, ở Sở, Ty Lao động hoặc Sở, Ty Y tế. Bộ phận thường trực có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, tập hợp tình hình, đề nghị Ủy ban triệu tập các cuộc họp của Hội đồng, chuẩn bị cho các cuộc hợp và làm thư ký theo dõi cuộc họp.

Các Hội đồng giám định sức khỏe ở xí nghiệp, công trường, do cơ sở cử ra, giới thiệu danh sách lên Ủy ban hành chính để Ủy ban ra quyết định công nhận. Còn Hội đồng xét duyệt ở tỉnh thì do Ủy ban chỉ định và ra quyết định.

Về lề lối làm việc của Hội đồng ở cơ sở cũng như ở tỉnh, thành, các đại biểu đã được chỉ định vào Hội đồng cần làm việc chuyên trách, thường xuyên có mặt ở các cuộc họp, mà không nên thay đổi nay người này mai người khác để việc giải quyết vừa nhanh vừa đúng chính sách. Hội đồng xét duyệt của tỉnh, thành cần phân công cán bộ đôn đốc, kiểm tra, xem xét cách làm việc của các Hội đồng cơ sở, giúp đỡ Hội đồng cơ sở giải quyết đúng chính sách, giảm bớt những trường hợp khiếu nại của anh chị em.

2. Việc tổ chức điều dưỡng.

Việc tổ chức cho công nhân, viên chức đi điều dưỡng, như Thông tư 65-TTg-NC đã quy định, là nhiệm vụ của các Bộ, ngành chủ quản ở trung ương và do xí nghiệp, công trường phụ trách. Tùy theo tình hình cụ thể về số người cần đi điều dưỡng và khả năng tổ chức củ từng ngành, từng đơn vị mà tổ chức điều dưỡng tập trung hay tại chỗ, làm một đợt hay nhiều đợt.

Kinh phí thuốc men bồi dưỡng cho công nhân, viên chức đi điều dưỡng do các Bộ, ngành ở trung ương phải làm dự trù và đề nghị Bộ Y tế cấp phát. Ủy ban hành chính địa phương không phải dự trù các khoản này.

Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ quan y tế, các Hội đồng giám định y khoa địan phương để có kế hoạch hướng dẫn, giúp đỡ xí nghiệp, công trường trong việc tổ chức khám sức khỏe và điều dưỡng cho công nhân, viên chức mất sức lao động.

3. Việc giải quyết cho công nhân, viên chức nghỉ việc.

Sau khi Hội đồng xét duyệt của tỉnh, thành đã quyết định cho công nhân, viên chức về hưu hay thôi việc vì mất sức lao động thì Ban Tổ chức dân chính của Ủy ban hướng dẫn cơ sở làm các thủ tục cần thiết để cho họ về nghỉ và được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo chế độ hiện hành. Riêng những công nhân, viên chức do các Hội đồng giám định sức khỏe của cơ sở quyết định cho về nghỉ, dù họ không có khiếu nại gì, Ủy ban cũng cần xem lại để đảm bảo chính sách. Việc xét duyệt và cấp phát trợ cấp cho người được về nghỉ việc cần tiến hành nhanh chóng, kịp thời để anh chị em không phải chờ đợi lâu.

Việc ký quyết định cho công nhân, viên chức ở các xí nghiệp, công trường của trung ương về nghỉ việc do Bộ chủ quản hay giám đốc xí nghiệp, công trường phụ trách (nếu đơn vị đó đã được Bộ, ngành chủ quản phân cấp quản lý công nhân, viên chức).

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH CỦA THÔNG TƯ 65-TTg-NC

Phạm vi thi hành của Thông tư 65-TTg-NC chủ yếu là ở các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường của trung ương có nhiều công nhân, viên chức mất sức lao động. Ở các nông trường trước đây đã thi hành Thông tư 92-TTg nhưng chưa tổ chức các Hội đồng giám định sức khỏe thì nay cần tổ chức ngay Hội đồng này để việc giải quyết cho công nhân, viên chức mất sức lao động đi điều dưỡng hay nghỉ việc được kịp thời.

Đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, vì số người mất sức lao động không nhiều lắm nên không áp dụng Thông tư 65-TTg-NC. Nếu có công nhân, viên chức mất sức lao động thì vẫn giải quyết như bấy lâu nay đã làm: Người ốm đau thì cho đi điều trị, điều dưỡng theo đề nghị của y sĩ, bác sĩ khám bệnh, người mất sức lao động từ 60% trở lên thì Hội đồng giám định y khoa sẽ cho nghỉ việc và hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo chế độ hiện hành. Ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp không cần tổ chức Hội đồng giám định sức khỏe.

Ở các xí nghiệp, công trường của địa phương, nếu có nhiều công nhân, viên chức mất sức lao động thì tùy theo tình hình cụ thể, Ủy ban hành chính tỉnh, thành căn cứ tinh thần Thông tư 65-TTg-NC có thể cho tổ chức Hội đồng giám định sức khỏe ở cơ sở để giải quyết cho anh chị em đi điều dưỡng hay cho nghỉ việc. Những chi phí về thuốc men, bồi dưỡng cho công nhân, viên chức đi điều dưỡng do xí nghiệp, công trường chịu. Nếu thiếu, tùy theo khả năng của địa phương, Ủy ban sẽ quyết định trợ cấp thêm và do ngân sách địa phương đài thọ.

Trong khi thi hành thông tư, cần nắm vững đối tượng, không giải quyết tràn lan; những người chây lười, không tôn trọng kỷ luật lao động, những phần tử xấu có hành động chống chính sách, những người phải thôi việc vì những lý do khác v.v... thì cần giải quyết theo những chính sách, chế độ đã được quy định đối với họ mà không gộp vào số người mất sức lao động nói trong thông tư này.

III. NHIỆM VỤ CỦA ỦY BAN HÀNH CHÍNH TỈNH, THÀNH

Việc giải quyết cho công nhân, viên chức mất sức lao động đi điều dưỡng và nghỉ việc tuy phạm vi chủ yếu là ở các xí nghiệp, công trường của trung ương, nhưng Ủy ban hành chính địa phương vẫn có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đó làm tốt công tác này. Nhiệm vụ của Ủy ban là:

- Truyền đạt tinh thần và nội dung chính sách cho tất cả các xí nghiệp, công trường đóng tại địa phương và có kế hoạch chung chỉ đạo thực hiện chính sách trong địa phương;

- Hướng dẫn, đôn đốc các xí nghiệp, công trường tổ chức các Hội đồng giám định sức khỏe, ra quyết định công nhận các Hội đồng đó kiểm tra, theo dõi sự làm việc của các tổ chức đó;

- Thành lập Hội đồng xét duyệt của tỉnh, thành, chủ trì các phiên họp của Hội đồng; quyết định các trường hợp mắc mứu do Hội đồng giám định y khoa và các Hội đồng giám định sức khỏe báo cáo lên;

- Xét duyệt cho công nhân, viên chức được nghỉ việc (về hưu hay thôi việc vì mất sức lao động) và cấp phát trợ cấp bảo hiểm xã hội theo chế độ hiện hành;

- Theo dõi, nhắc nhở các cơ quan, xí nghiệp và các cơ quan ở địa phương bảo đảm cho công nhân, viên chức về nghỉ việc được hưởng đầy đủ các quyền lợi mà Nhà nước đã quy định cho họ, và có kế hoạch giải quyết công việc làm để tăng thêm thu nhập cho những người hưởng mức trợ cấp thấp, đời sống có khó khăn;

- Đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức điều dưỡng cho công nhân, viên chức của các xí nghiệp, công trường và có ý kiến với các ngành ở địa phương để giúp đỡ các xí nghiệp, công trường giải quyết những trường hợp khó khăn mắc mứu;

- Thường xuyên theo dõi tình hình, sơ kết, đúc rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm cho các đơn vị trong địa phương; hàng tháng báo cáo tình hình thi hành chính sách về Bộ Nội vụ để Bộ có tài liệu báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Hội đồng xét duyệt của tỉnh, thành sẽ giúp Ủy ban để làm tốt công tác này. Các cơ quan là thành viên của Hội đồng cần cử cán bộ chuyên trách thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình để báo cáo cho Hội đồng. Mỗi địa phương cần chọn một số cơ sở để làm nơi chỉ đạo trọng điểm, lấy kinh nghiệm lãnh đạo chung.

Việc giải quyết vấn đề công nhân, viên chức mất sức lao động ở các xí nghiệp, công trường là một công tác quan trọng có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội cũng như về mặt kinh tế. Nội dung công tác có nhiều khó khăn, phức tạp, lại đòi hỏi phải tiến hành thật khẩn trương, cố gắng hoàn thành trong năm nay, nhưng lại phải thận trọng, đảm bảo chính sách, quan tâm đầy đủ đến đời sống công nhân, viên chức.

Do đó, các Ủy ban cần làm cho các cơ quan, xí nghiệp, công trường và các ngành có trách nhiệm nắm vững tinh thần và nội dung của thông tư là một chủ trương lớn nhằm giải quyết vấn đề công nhân, viên chức mất sức lao động một cách toàn diện để mọi người thấy rõ trách nhiệm của mình trong khi tiến hành công tác. Mặt khác cần hết sức coi trọng công tác tư tưởng, làm cho mọi công nhân, viên chức thật thông suốt chính sách để yên tâm, phấn khởi đi điều dưỡng hoặc về nghỉ việc, tránh lối làm việc mệnh lệnh, gò ép, làm cho anh chị em thắc mắc, khiếu nại gây thêm khó khăn cho các cơ quan có trách nhiệm.

Trên đây là một số điểm, Bộ thấy cần nói rõ thêm về tinh thần và nội dung chính sách để giúp các Ủy ban lãnh đạo các ngành, các cấp thực hiện được tốt. Trong khi thi hành, nếu còn gặp trở ngại gì, đề nghị các Ủy ban phản ánh kịp thời cho Bộ biết để góp ý kiến giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngọc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 23-NV-1964 hướng dẫn thi hành Thông tư 65-TTg-NC-1964 về việc giải quyết vấn đề công nhân, viên chức mất sức lao động ở các Xí nghiệp, Công trường do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 23-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/09/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Nguyễn Văn Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 34
  • Ngày hiệu lực: 09/10/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản