Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-NV

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 1967

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 13-NV NGÀY 23-6-1965 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VỀ HƯU VÀ THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh,

Ngày 23-6-1965, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 13-NV về việc giải quyết cho công nhân, viên chức về hưu và thôi việc vì mất sức lao động để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới. Qua theo dõi việc thi hành thông tư nói trên ở các địa phương, Bộ thấy có một số mắc mứu như sau:

Có một số công nhân, viên chức đến tuổi về hưu hoặc đã về hưu, mặc dù yêu cầu công tác không cần thiết, cũng xin ở lại làm việc hoặc xin được tái tuyển;

Có cơ quan, xí nghiệp đã tái tuyển công nhân, viên chức đã về hưu trở lại làm việc, nhưng không trao đổi trước với Ủy ban hành chính địa phương và sau khi những người này được trở lại làm việc, đơn vị cũng không thu hồi sổ trợ cấp hưu trí, gửi trả lại Ủy ban;

Có người đã nghỉ việc vì mất sức lao động; nay sức khỏe phục hồi, xin trở lại làm việc, nhưng Ủy ban chưa có cách giải quyết; cũng có người đã được trở lại làm việc, có lương rồi, nhưng vẫn tiếp tục lĩnh trợ cấp mất sức lao động mà Ủy ban không biết.

Để giúp các Ủy ban hành chính và các cơ quan, xí nghiệp giải quyết những mắc mứu trên đây, Bộ xin nói rõ thêm về Thông tư số 13-NV như sau:

1. Việc lưu công nhân, viên chức đến tuổi về hưu và gọi công nhân, viên chức đã về hưu trở lại làm việc.

Việc lưu công nhân, viên chức đến tuổi về hưu và gọi công nhân, viên chức đã về hưu còn khỏe mạnh trở lại làm việc là xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, của công tác; đối tượng là những cán bộ khoa học, kỹ thuật, những cán bộ nghiệp vụ, thợ chuyên môn lành nghề và cá biệt một số cán bộ chính trị còn khỏe mạnh mà đơn vị thực cần thiết. Như vậy, không phải bất cứ người nào đến tuổi về hưu hoặc đã về hưu đều có thể được lưu lại hoặc được gọi trở lại làm việc.

Thời gian công nhân, viên chức được lưu lại làm việc hoặc được gọi trở lại làm việc dài hay ngắn là do yêu cầu cần thiết của cơ quan, xí nghiệp là do yêu cầu cần thiết của cơ quan, xí nghiệp, nhưng trong khi lưu công nhân, viên chức đến tuổi về hưu ở lại làm việc, hoặc gọi công nhân, viên chức đã về hưu trở lại làm việc, thì đơn vị cần chú ý bố trí hoặc đào tạo người thay thế, khi có người làm việc rồi thì sẽ để công nhân, viên chức về nghỉ, đảm bảo quyền nghỉ ngơi của công nhân, viên chức đã có tuổi già.

Về thủ tục, khi xét cần lưu công nhân, viên chức đã đến tuổi về hưu ở lại làm việc, các cơ quan, xí nghiệp ở địa phương cần báo cáo với Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh nơi đó; các bộ và ngành ở trung ương thì cần trao đổi với Bộ Nội vụ (Vụ thương binh và hưu trí). Đối với công nhân, viên chức đã về hưu, nếu xét cần gọi ra làm việc, thì trước khi ra quyết định tái tuyển đương sự, các cơ quan, xí nghiệp cũng phải báo cáo với Ủy ban hành chính thành, tỉnh nơi vẫn cấp phát trợ cấp cho đương sự để giúp Ủy ban quản lý được tốt việc cấp phát trợ cấp. Công nhân, viên chức đã về hưu có thể do cơ quan, xí nghiệp cũ gọi trở lại làm việc, nhưng cũng có thể do một ơ quan, xí nghiệp khác gọi, nếu đơn vị đó cần người. Việc ký quyết định tái tuyển công nhân viên chức đã về hưu trở lại làm việc cũng theo đúng các quy định về tuyển dụng công nhân, viên chức (công nhân, viên chức tuyển trở lại các cơ quan, xí nghiệp của địa phương thì do Ủy ban hành chính ký quyết định; công nhân, viên chức tuyển trở lại các cơ quan, xí nghiệp của trung ương thì tùy theo sự phân cấp quản lý cán bộ của các bộ và ngành chủ quản mà đơn vị giải quyết).

Sau khi công nhân, viên chức đã về hưu được tuyển trở lại làm việc thì không hưởng trợ cấp hưu trí nữa, mà lại hưởng lương và các khoản phụ cấp như trước khi về nghỉ, nếu vẫn được giao việc cũ. Cơ quan, xí nghiệp cần thu hồi sổ trợ cấp hưu trí, gửi trả lại Ủy ban hành chính nơi vẫn cấp phát trợ cấp hưu trí cho đương sự,

Công nhân, viên chức trước khi về hưu, nếu đã được điều chỉnh lương theo Thông tư số 84-TTg ngày 20-8-1963 của Hội đồng Chính phủ, sau được tái tuyển trở lại làm việc thì lại hưởng mức lương chức vụ hay cấp bậc cũ trước khi về hưu mà không hưởng mức lương vừa được điều chỉnh, vì mức lương này chỉ dùng để tính trợ cấp hưu trí do quỹ bảo hiểm xã hội (phần hưu trí, mất sức lao động) đài thọ. Trường hợp đặc biệt cơ quan, xí nghiệp thấy cần thiết phải cho đương sự hưởng mức lương mới được điều chỉnh (vì mức lương cũ quá bất hợp lý) thì phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý cán bộ đã quyết định mức lương đó. Nếu có trường hợp cá biệt đương sự đã được điều chỉnh lương mà mức trợ cấp hưu trí cao hơn tổng số tiền lương và phụ cấp của người đó trước khi về hưu thì đương sự được hưởng khoản chênh lệch do quỹ bảo hiểm xã hội (phần hưu trí, mất sức lao động) đài thọ và do Ủy ban hành chính tỉnh, thành (nơi đương sự trở lại làm việc) giải quyết, như đã hướng dẫn tại công văn số 3814-TBHT ngày 11-11-1965 của Bộ Nội vụ.

2. Công nhân, viên chức đã về hưu làm việc theo hợp đồng.

Đối vối công nhân, viên chức đã về hưu lại được sử dụng làm theo hợp đồng ngắn hạn (như đã nói ở điểm 3 của Thông tư số 13-NV) thì điều kiện làm việc của họ không bắt buộc phải giống như người đã về hưu được tái tuyển trở lại làm việc, mà sẽ căn cứ vào hợp đồng đã ký kết giữa cơ quan sử dụng với đương sự, có thể làm việc theo lương giờ, lương ngày, lương tháng, hoặc lương khoán việc. Do đó, nếu có trường hợp theo hợp đồng cộng với trợ cấp hưu trí cao hơn tổng số lương và phụ cấp của người đó trước khi về hưu thì cũng được, vì đây chỉ là làm công việc tạm thời.

Nhưng nếu cơ quan sử dụng người làm hợp đồng vào một công việc có tính chất thường xuyên, lâu dài quá một năm và người đó còn khỏe mạnh, vẫn đảm bảo công tác, thì không nên để đương sự làm việc theo hợp đồng mà cần tái tuyển cho trở lại làm việc và hưởng mức lương cũ trước khi về hưu để sau này người đó được cộng thêm thời gian công tác liên tục và tăng thêm tỷ lệ trợ cấp hưu trí.

Các cơ quan, xí nghiệp sử dụng công nhân, viên chức đã về hưu làm việc theo hợp đồng ngắn hạn cũng phải báo cho Ủy ban hành chính thành, tỉnh (nơi vẫn cấp phát trợ cấp cho đương sự) và Bộ Nội vụ (nếu là cơ quan trung ương) biết để giúp cho việc quản lý công nhân, viên chức đã về hưu được chặt chẽ.

3. Công nhân, viên chức mất sức lao động, sức khỏe đã phục hồi, xin trở lại làm việc.

Những công nhân, viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động đã quá hai năm, nay sức khỏe đã phục hồi, muốn được trở lại làm việc thì cũng phải do yêu cầu cần thiết của cơ quan, xí nghiệp và phải có đủ điều kiện để được tuyển dụng, nghĩa là phải được hội đồng giám định y khoa chứng nhận về sức khỏe và cũng phải đảm bảo về lý lịch, chính trị và khả năng chuyên môn, như Điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức đã được Hội đồng Chính phủ ban hành.

Theo Chỉ thị số 135-CP ngày 20-7-1966 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường giữ gìn sức khỏe cho công nhân, viên chức và sắp xếp công việc làm cho những công nhân, viên chức mất sức lao động, Bộ Lao động đang cùng với Bộ Nội vụ và Bộ Y tế nghiên cứu các chính sách cụ thể đối với việc tuyển dụng những công nhân, viên chức mất sức lao động đã thôi việc quá hai năm mà nay sức khỏe đã phục hồi, và sẽ có văn bản hướng dẫn sau.

Sau khi công nhân, viên chức mất sức lao động đã được trở lại làm việc thì cơ quan, xí nghiệp cần thu hồi sổ trợ cấp gửi trả Ủy ban hành chính tỉnh, thành để đình chỉ việc cấp phát trợ cấp. Những người được thu nhận vào các hợp tác xã, nếu đã có công việc làm chắc chắn, thu nhập hàng tháng đã đảm bảo đời sống rồi thì cũng giải quyết như trên.

Nhưng nếu công việc làm chỉ là tạm thời, thu nhập có tính chất bổ sung cho trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thì vẫn để đương sự được tiếp tục hưởng trợ cấp.

Những công nhân, viên chức đã về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động, sau khi trở lại làm việc, đã hưởng lương rồi mà vẫn tiếp tục lĩnh trợ cấp hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động thì sẽ phải hoàn lại quỹ bảo hiểm xã hội (phần hưu trí, mất sức lao động) số tiền đã lĩnh, do Ủy ban hành chính tỉnh, thành ra lệnh thu lại và trừ vào lương tháng của đương sự như đã hướng dẫn tại công văn số 3814-TBHT ngày 11-11-1965 của Bộ Nội vụ.

Hàng quý, Ủy ban cần báo cáo cho Bộ biết số công nhân, viên chức đến tuổi về hưu được lưu lại làm việc, số người đã về hưu và thôi việc vì mất sức lao động được trở lại làm việc ở địa phương mình.

Trên đây là một số điểm Bộ nói rõ thêm về Thông tư số 13-NV để Ủy ban hành chính nghiên cứu và hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp thi hành được tốt. Đề nghị Ủy ban phổ biến văn bản này cho tất cả các cơ quan, xí nghiệp (kể cả xí nghiệp của trung ương đóng ở địa phương) và có kế hoạch theo dõi việc thi hành để việc quản lý công nhân, viên chức đã về hưu và thôi việc vì mất sức lao động được chặt chẽ hơn.

Trong khi thi hành, nếu còn có gì mắc mứu, xin phản ánh cho Bộ biết để nghiên cứu, góp ý kiến giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03-NV-1967 hướng dẫn thi hành Thông tư 13-NV-1965 về việc giải quyết một số vấn đề đối với công nhân, viên chức về hưu và thôi việc vì mất sức lao động do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 03-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/01/1967
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản