Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23-LĐ/TT

Hà Nội , ngày 15 tháng 11 năm 1961

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH THÊM VỀ TIÊU CHUẨN AN DƯỠNG CHO CÁN BỘ, ĐỒNG BÀO MIỀN NAM TẬP KẾT

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi: Ủy ban hành chính khu, thành tỉnh, Sở, Ty, Phòng Lao động.

Thi hành Chỉ thị 1000-TTg ngày 09-8-1956 của Phủ Thủ tướng về chế độ an dưỡng đối với cán bộ, và đồng bào miền Nam tập kết mất sức lao động, các Bộ Lao động, Nội vụ, Y tế, Tài chính, và Ủy ban thống nhất Trung ương trước đây đã thống nhất quy định những người được hưởng chế độ an dưỡng như sau:

1. Những cán bộ, công nhân viên miền Nam và bộ đội phục viên (ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường) hiện già yếu mất sức lao động không còn công tác được nữa.

2. Các gia đình liệt sĩ quân nhân cách mạng, gia đình cán bộ già yếu, tàn tật, không còn khả năng tự giải quyết đời sống.

3. Những người trao trả và vượt tuyến có đủ hai tiêu chuẩn trên, trừ những người hiện mắc những bệnh truyền nhiễm như lao, hủi…

Trong Thông tư số 13-TTg ngày 07-01-1960 có nói: Đối với cán bộ, công nhân, viên chức già yếu, mất sức lao động, trước hết các cơ quan, xí nghiệp cần cố gắng sắp xếp để sử dụng vào những công việc nhẹ, hợp với khả năng của mỗi người và được hưởng lương theo công việc mới.

“Nếu không còn sức lao động, không thể tiếp tục công tác và không sắp xếp vào việc gì được nữa thì mới cho thôi việc”.

Như vậy đối với cán bộ, công nhân, viên chức nói chung và đối với cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết nói riêng, được hưởng chế độ an dưỡng phải là những người già yếu, tàn tật bị mất sức lao động, không còn khả năng lao động để tự giải quyết được đời sống. Nhưng qua quá trình thi hành các tiêu chuẩn đã được quy định nói trên, Bộ nhận thấy có những thiếu sót như sau :

- Tiêu chuẩn an dưỡng quy định không cụ thể và chưa có sự giải thích hướng dẫn một cách rõ ràng, để cơ quan địa phương thi hành được thống nhất. Do đó nhiều cơ quan xí nghiệp, công trường, nông trường và một số Ủy ban hành chính địa phương chưa nắm vững tiêu chuẩn và nội dung an dưỡng, nên trong lúc giải quyết có cả những người tuổi còn ít, sức khỏe kém sút, lao động nặng không được, hoặc có những chị em đang thời kỳ sinh đẻ, nhưng vì đau yếu, mất máu xanh xao mà không lao động được liên tục, hay lao động nặng. Hoặc những cụ già, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu trí còn khỏe mạnh, còn muốn hoạt động trong công tác. Do đó mà những anh chị em này sinh ra thắc mắc.

Để chỉnh đốn lại cách lệch lạc nói trên, đảm bảo thi hành đúng chính sách, sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ Nông trường quốc doanh, y tế, Ủy ban thống nhất Trung ương, Bộ giải thích lại tiêu chuẩn an dưỡng cụ thể như sau :

Cán bộ, bộ đội phục viên và đồng bào miền Nam tập kết được hưởng chế độ an dưỡng theo Chỉ thị số 1000-TTg ngày 09-8-1956 phải là:

a) Những người đến tuổi già yếu, nam từ 60 tuổi trở lên, nữ 55 tuổi trở lên, mất sức lao động không còn lao động sản xuất và công tác được nữa (kể cả những công việc nhẹ).

b) Những người chưa đến tuổi già yếu nói trên, nhưng vì ốm đau nặng, hoặc bị tai nạn mà mất hoàn toàn sức lao động, không còn lao động được nữa, dù là lao động nhẹ và sức khỏe cũng không có triển vọng phục hồi lại được (phải có giấy chứng nhận của Hội đồng Giám định Y khoa từ cấp tỉnh trở lên).

Đối với những người nam chưa đủ 60 tuổi, nữ chưa đủ 55 tuổi nhưng sức khỏe còn tốt, thì cần sắp xếp vào những công việc thích hợp, để tiếp tục công tác hoặc tham gia sản xuất.

Những người tuổi còn ít, nhưng vì ốm đau, bệnh tật,v.v… tạm thời mất sức lao động, nếu nghỉ ngơi bồi dưỡng, một thời gian, sức khỏe có thể phục hồi và tiếp tục công tác hay sản xuất được, thì cho đi điều dưỡng, không giải quyết đi an dưỡng.

Từ nay về sau các Ủy ban hành chính địa phương, các cơ quan các công trường, nông trường, lâm trường, xí nghiệp cần căn cứ vào các tiêu chuẩn được giải thích trên đây mà xét, hoặc đề nghị xét giải quyết người đi an dưỡng.

Đối với các Liên đoàn sản xuất miền Nam: Quý Cao (Kiến An), Chí Linh (Hải Dương), Thống Nhất (Hưng Yên), Quyết Tiến (Sơn Tây), Cửu Long (Hòa Bình), Thống Nhất Hà Trung và Sao Vàng (Thanh Hóa), Nghĩa Đàn, Bải Phủ (Nghệ An), Lệ Ninh, Nhật Lệ (Quảng Bình), đã chuyển thành nông trường quốc doanh, vừa qua Ủy ban hành chính tỉnh đã xét và quyết định cho một số anh chị em miền Nam tập kết đi an dưỡng. Qua kiểm tra Bộ xét thấy trong đó có một số người chưa đủ tiêu chuẩn nói trên, Bộ yêu cầu Ủy ban hành chính các tỉnh sở quan cho khám lại sức khỏe của từng người. Người nào đủ tiêu chuẩn đi diều dưỡng thì đề nghị Bộ Y tế thu nhận vào các Khu điều dưỡng, người nào không đủ tiêu chuẩn đi an dưỡng, hoặc điều dưỡng thì để lại nông trường bố trí công việc thích hợp với sức khỏe của của họ.

Việc điều chỉnh này cần phải tiến hành gấp và báo cáo số người đúng tiêu chuẩn an dưỡng về Bộ để căn cứ vào đó xét duyệt kinh phí dự trù và nghiên cứu việc xây nhà cửa, quy định chế độ người phục vụ các người an dưỡng.

Tiếp được Thông tư này, đề nghị Ủy ban hành chính các địa phương nghiên cứu phổ biến và hướng dẫn chu đáo để các cơ sở thi hành cho đúng. Trong quá trình thực hiện có khó khăn mắc mứu gì, phản ảnh cho Bộ biết để nghiên cứu giải quyết.

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Đăng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 23-LĐ/TT năm 1961 giải thích thêm về tiêu chuẩn an dưỡng cho cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết do Bộ Lao Động ban hành.

  • Số hiệu: 23-LĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/11/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Đăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: 30/11/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản