Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2262/TT-MTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 2262/TT-MTG NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG VỀ VIỆC KHẮC PHỤC SỰ CỐ TRÀN DẦU

Thi hành Luật bảo vệ môi trường do Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1993 và Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường;
Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Để đáp ứng yêu cầu khắc phục và xử lý kịp thời các sự cố tràn dầu trong cả nước đang gia tăng, phù hợp với hoàn cảnh thức tế hiện tại đồng thời chuẩn bị một bước cho các hoạt động ứng cứu tổng thể tràn dầu quốc gia;
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Thông tư này để hướng dẫn việc khắc phục và sử lý sự cố tràn dầu liên quan đến các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, phân phối và tàng trữ dầu khí và sản phẩm của dầu khí.

I. KHÁI NIỆM CHUNG:

1. Tràn dầu thường xảy ra trong các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, phân phối và tàng trữ dầu khí và các sản phẩm của chúng. Ví dụ, các hiện tượng rò rỉ, phụt dầu, vỡ đường ống, vỡ bể chứa, tai nạn đâm va gây thủng tàu, đắm tàu, sự cố tại các dàn khoan dầu khí, cơ sở lọc hoá dầu v.v... làm cho dầu và sản phẩm dầu (mà dưới đây sẽ được gọi tắt là dầu) thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh thái và thiệt hại đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động có liên quan đến khai thác và sử dụng các dạng tài nguyên thuỷ sản.

2. Số lượng dầu tràn ra ngoài tự nhiên khoảng vài trăm lít trở lên có thể coi là sự cố tràn dầu.

3. Tuỳ thuộc vào điều kiện môi trường và thời tiết ở từng địa bàn, từng thời gian cụ thể, ảnh hưởng của dầu đối với môi trường có những tác hại khác nhau. Các khu vực cần được bảo vệ trước nhất là các nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, vùng nuôi trồng thuỷ sản, ruộng lúa ven biển, ruộng muối, rừng ngập mặn, đất ngập nước, bãi rong biển, rạn san hô, các bãi biển nằm trong khu du lịch, các khu dân cư và các điểm di tích lịch sử.

4. Ngăn ngừa và khác phục sự cố tràn dầu là công việc hết sức cần thiết, nhưng phức tạp và khó khăn, đòi hỏi sự tổ chức, phối hợp mau lẹ và việc áp dụng các kỹ thuật phù hợp.

5. Sự cố tràn dầu sảy ra, thường gây hâu quả môi trường nghiêm trọng, nhất là tại các sông, vùng cửa sông, vịnh và vùng biển ven bờ. Tổ chức, cá nhân sinh sống và có các hoạt động phát triển ven sông, ven biển, như đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, du lịch biển, làm muối, nông nghiệp v.v... thường bị tác hại trực tiếp về kinh tế và đời sống.

6. Việc đòi bồi thường các thiệt hại về môi trường do tràn dầu đã là thông lệ quốc tế và đã có trong thực tế của Việt nam, nhưng đây là vấn đề phức tạp về pháp lý, nên việc đòi bồi thường thiệt hại này cần được tiến hành vừa khẩn trương vừa thận trọng.

II. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN LÀM KHI SỰ CỐ TRÀN DẦU XẢY RA:

Các hoạt động đối phó với sự cố tràn dầu nhằm mục đích ngăn ngừa và hạn chế tối đa lượng dầu loang ra môi trường, từ đó hạn chế ảnh hưởng xấu của chúng đến môi trường, đặc biệt, đến các nguồn nước, các hệ sinh thái thuỷ sinh, các hệ sinh thái biển và ven biển, giảm các thiệt hại kinh tế trước mắt và lâu dài.

Khi sự cố dầu tràn xảy ra ở bất kỳ địa điểm nào trên đất liền, ven biển hoặc trong các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, thì những công việc sau đây cần được nhanh chóng thực hiện:

1. Công tác báo cáo:

a. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện dấu hiệu xảy ra sự cố tràn dầu, cần thông báo khẩn cấp cho chính quyền địa phương, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Sở KHCN&MT).

b. Khi các cấp chính quyền địa phương, Sở KHCN&MT, được thông báo hoặc phát hiện về sự cố tràn dầu cần thông báo ngay cho các đơn vị liên quan như phòng cháy chữa cháy, lực lượng cảnh sát, quân đội đóng tại địa phương để huy động vào việc ứng cứu sự cố, và báo ngay cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ KHCN&MT) để phối hợp xử lý và/hoặc nhận hướng dẫn xử lý.

Cơ quan trực tiếp giải quyết vấn đề tràn dầu của Bộ KHCN&MT là Cục Môi trường, 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội; Điện thoại 0-4-261517 hoặc 0-4-228750 Fax: 01-4-251518 hoặc 01- 4- 252733.

c. Trường hợp sự cố vượt quá khả năng khắc phục của địa phương thì Bộ trưởng Bộ KHCN&MT sẽ phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan liên quan quyết định áp dụng biện pháp khắc phục và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

d. Khi sự cố tràn dầu xảy ra ngoài khơi, lượng dầu thất thoát ra trên 2 tấn, ngoài việc thông báo cho các nơi như điểm a, chủ phương tiện gây ô nhiễm nhất thiết phải báo cáo cho Bộ KHCN&MT.

2. Những nội dung công việc cần thực hiện khi sự cố xảy ra:

a. Trước tiên, tìm mọi biện pháp cứu người bị nạn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

b. Bằng mọi biện pháp không cho dầu từ nguồn gây ô nhiễm do sự cố tiếp tục tràn ra môi trường xung quanh.

c. Tìm mọi biện pháp ngăn, quây không cho dầu đã tràn ra tiếp tục loang rộng thêm, nhất là không cho loang vào các vùng ưu tiên bảo vệ (như đã nêu ở điểm I.3)

Việc ngăn, quây dầu tràn có thể được tiến hành bằng các công cụ kỹ thuật cao hoặc đơn giản như sử dụng phao ngăn dầu chuyên dùng hoặc dùng tre nứa kết thành phao ngăn, sau đó nhanh chóng thu gom bằng mọi cách, từ bơm hút cho đến vớt thủ công; có thể dùng rơm rạ hoặc các loại vật liệu xốp dễ ngấm dầu thả xuống nước cho dầu thấm vào, sau đó vớt lên gom giữ vào nơi an toàn.

d. Trường hợp tai nạn đâm va tàu chở dầu, hoặc vỡ kho chứa dầu, cần nhanh chóng và bằng mọi biện pháp có thể có được để san dầu và di chuyển đến nơi an toàn.

e. Trường hợp sự cố gây ra là các phương tiện nổi có chứa dầu, cần tổ chức đưa phương tiện tới khu vực an toàn neo đậu.

f. Trường hợp tràn dầu ngoài khơi, xa bờ, có thể xem xét dùng chất phân tán dầu nhằm ngăn không cho dầu có khả năng loang vào gây ô nhiệm đới bờ, bởi đới này thường là các khu vực nhậy cảm cần được ưu tiên bảo vệ. Mọi trường hợp dùng chất phân tán dầu đều phải được phép của bộ KHCN & MT. Tuyệt đối không dùng chất phân tán dầu trong sông, vùng cửa sông, vũng vịnh và vùng nước nông ven biển.

g. Khi dầu đã lan và dạt vào bờ, cần nhanh chóng và bằng mọi biện pháp, mọi phương tiện, từ thô sơ (như xẻng, xô, chậu ...) cho tới hiện đại (như xe hút nước, bơm dầu, xe ủi, ô tô tải...) tổ chức thu gom váng dầu , cặn dầu.

h. Tổ chức làm sạch bờ biển sau khi đã vớt dầu như nêu ở điểm g. Kỹ thuật xử lý và làm sạch bờ cụ thể đối với từng kiểu, dạng bờ cần được trao đổi và thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn về môi trường ở Trung ương và địa phương.

i. Váng dầu, cặn dầu và các vật liệu bám dầu (như đất, cát, cành cây, rác bám dầu v.v...) cần gom về một nơi, ngăn quây cách ly không cho thấm ra môi trường xung quanh và sẽ được cơ quan chuyên môn hướng dẫn xử lý.

3. Tổ chức thực hiện:

a. Khi phát hiện sự cố tràn dầu, các cá nhân, tổ chức cần tìm cách cấp báo như đã nêu ở điểm II.1.

b. Sự cố xảy ra do phương tiện hoặc xảy ra trên địa bàn thuộc tổ chức hoặc cá nhân nào (Các dàn khoan của các công ty dầu khí Việt Nam và nước ngoài, các tàu biển Việt Nam và nước ngoài, các khu lọc hoá dầu, cảng sông biển, kho chứa dầu, ống dẫn dầu...) thì tổ chức và cá nhân đó chịu trách nhiệm ứng cứu ngay và cấp báo với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan có trang bị kỹ thuật (như các cảng dầu, phòng cháy, chữa cháy, cảng vụ...) và được phép đề nghị địa phương và các lực lượng cảnh sát và quân đội đóng trên địa bàn phố hợp, giúp đối phó và xử lý hậu quả.

Đối với trường hợp sự cố xảy ra trong các hoạt động của Tổng công ty dầu khí Việt Nam, việc tổ chức thực hiện công tác ứng cứu sẽ được tiến hành theo kế hoạch của Tổng công ty, theo nội dung Công văn số 3054/DK của Văn phòng Chính phủ, ngày 3/6/1994.

c. Sự cố xảy ra ở địa phương nào thì do Uỷ ban Nhân dân địa phương đó chỉ đạo thực hiện. Chính quyền ở dịa phương cần huy động mọi lực lượng địa phương, các lực lượng vũ trang, cảnh sát, phòng cháy chữa cháy và các cơ quan Trung ương liên quan đóng tại địa phương tham gia trong việc đối phó và xử lý hậu quả của sự cố tràn dầu. Cơ quan đầu mối giúp Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Thành phố ở địa phương đối phó với sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả là Sở KHCN & MT tại địa phương.

d. Trường hợp sự cồ tràn vượt quá khả năng của tỉnh, thành phố thì Bộ trưởng Bộ KHCN & MT phối hợp với thủ trưởng các cơ quan liên quan quyết định áp dụng biện pháp khắc phục và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

e.Trường hợp sự cố tràn dầu ở quy mô lớn, mang tính chất và phạm vi khu vực, liên tỉnh, Bộ KHCN & MT sẽ phối hợp với các ngành liên quan, xin phép Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị, tổ chức quốc tế về ứng phó tràn dầu trong Khu vực vào Việt Nam giúp đỡ ứng phó và xử lý sự cố.

4. Biện pháp phòng ngừa:

Với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", tất cả các địa phương, các tổ chức có những hoạt động có nhiều khả năng gây sự cố tràn dầu, cần có những biện pháp phòng ngừa sự cố xảy ra, chú trọng những nội quy sau đây:

a. Xây dựng các kế hoạch, các phương án ứng cứu sự cố tràn dầu trong phạm vi hoạt động của mình, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, tại những nơi có khả năng rủi ro về sự cố cao nhất, như tại các khu vực cảng, các luồng tàu, các khu thăm dò, khai thác và tàng trữ dầu khí, bể xăng v.v ... nhằm chủ động đối phó với các tình huống sự cố có thể xảy ra. Hàng năm, các kế hoạch này cần được các bộ chủ quản hoặc các tỉnh, thành phố phê duyệt và cần gửi những kế hoạch này cho Bộ KHCN&MT để phối hợp, huy động trong các trường hợp cần thiết.

b. Xây dựng tổ chức với các trang thiết bị kỹ thuật phù hợp để đối phó tràn dầu xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của mình. Các tổ chức, trang bị kỹ thuật này được xây dựng tương ứng với kế hoạch đã được phê chuẩn, qua đây đặt cơ sở ban dầu tại địa bàn để có thể hoà nhập vào tổ chức ứng phó chung của cả nước.

c. Hàng năm, cần tổ chức tập huấn, thao diễn kỹ thuật nhằm kiểm tra, điều chỉnh và nâng cao khả năng ứng xử của hệ thống đối phó cơ sở, phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

d. Thường xuyên kiểm tra công nghệ, quy trình sản xuất, vận hành, nâng cao tính an toàn trong các hoạt động có khả năng gây sự cố tràn dầu.

III. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

1. Nguyên tắc chung:

a. Tất cả các tổ chức và cá nhân quốc tịch Việt Nam, nước ngoài hay liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài gây ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu, đều phải bồi thường các thiệt hại về môi trường theo quy định của pháp luật.

b. Căn cứ pháp lý cơ bản để đòi bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra do sự cố tràn dầu là Luật Bảo vệ môi trường, có tham khảo các luật liên quan khác của Việt Nam và Công ước quốc tế liên quan. Toà án xét xử tranh chấp là toà án của Việt Nam.

c. Quá trình khiếu nại đòi bồi thường các thiệt hại về môi trường có thể đòi hỏi tới tư vấn của cơ quan chuyên môn về pháp luật, đôi khi cần đến cả tư ván về pháp luật của quốc tế trong các trường hợp bên gây sự cố là pháp nhân nước ngoài.

d. Trước khi tiến hành hoạt động đòi bồi thường, địa phương có thể trao đổi với Cục Môi trường, Bộ KHCN & MT để có được các hướng dẫn cần thiết.

e. Sự cố tràn dầu thường gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường, do vậy khoản đền bù cho các thiệt hại về môi trường rất lớn, thường vượt quá khả năng của chủ phương tiện gây ra sự cố. Để có thể trả được số tiền bồi thường thiệt hại này, các chủ phương tiện thường xuyên tham gia bảo hiểm quốc gia hoặc quốc tế, cho nên, về nguyên tắc, thiệt hại về môi trường có thể được hoàn trả thông qua các quỹ bảo hiểm. Ngày nay, sự hoàn trả các thiệt hại về môi trường đã trở thành thông lệ quốc tế. Số tiền hoàn trả sẽ chỉ được tính cho những khoản như sau:

* Chi phí cho ứng cứu sự cố, như ngăn dầu, san dầu, gom dầu, xử lý dầu cặn, làm sạch môi trường v.v...

* Bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trực tiếp do sự cố xảy ra (Thí dụ đối với việc nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, làm muối hay các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác, v.v...)

* Bồi thường cho việc khôi phục môi trường bị suy thoái hoặc huỷ hoại do ô nhiễm.

* Chi phí cho công tác khảo sát, lập căn cứ để đánh giá thiệt hại về kinh tế và môi trường.

2. Nội dung cơ bản của thủ tục và hồ sơ pháp lý đòi bồi thường:

a. Cơ quan quản lý môi trường của địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương đóng tại địa phương (như cảng vụ, dầu khí, bảo hiểm...) và các cơ quan pháp lý của địa phương, nhanh chóng xây dựng và thu thập toàn bộ hồ sơ, mẫu vật liên quan và các khiếu nại của các cấp và nhân dân địa phương về ảnh hưởng của sự cố (ngày giờ xảy ra sự cố, địa điểm, số lượng dầu thoát ra, loại dầu, vùng dầu loang tới, mô tả về quy mô v.v...)

b. Tiến hành lập biên bản tại hiện trường giữa một bên là đại diện pháp nhân gây ra sự cố, một bên là đại diện pháo nhân bị thiệt hại-là cơ quan quản lý môi trường của địa phương (Sở KHCN & MT) nhằm ghi nhận chứng cứ ban đầu về sự cố, đặc biệt cần thu nhập các thông tin cần thiết nhất như: Tên, địa chỉ, số điện thoại, số Fax của cá nhân hay pháp nhân gây sự cố; thời gian và dịa điểm xảy ra sự cố; lý do và tính chất của sự cố; lượng dầu và loại dầu thoát ra môi trường; tên và quốc tịch của phương tiện và người điều khiển phương tiện (nếu là tàu, dàn khoan); và các thiệt hại ban đầu có thể thấy được (chết người, cháy nổ ...).

c. Thu nhập toàn bộ thông tin về chủ phương tiện gây ra sự cố (thuộc tổ chức, cá nhân nào, quốc tịch, nhật ký công tác, tham gia công ước hoặc bảo hiểm gì, hồ sơ về hàng hoá, về lượng dầu có trong tàu, biên bản về sự cố có chữ ký của chủ phương tiện, đại diện cảng vụ (nếu là sự cố đắm tàu) và đại diện của địa phương, các biên bản quy trách nhiệm dân sự của các bên gây ô nhiễm...).

d.Tổ chức ngay các nhóm chuyên gia khoa học để khảo sát tại hiện trường nhằm thu nhập số liệu, chứng cứ khoa học và thông tin về ô nhiễm; đánh giá mức độ, quy mô ô nhiễm, sự thiệt hại, suy giảm về môi trường, sinh thái; thiệt hại về kinh tế của các tổ chức và cá nhân trong hiện tại và trong tương lai, ví dụ như các thiệt hại trong môi trường trồng thuỷ sản, khai thác muối, đánh bắt tự nhiên v.v... Các thông tin về môi trường này phải mang tính trung thực và có cơ sở khoa học, cần được thể hiện dưới dạng một báo cáo hoàn chỉnh, có các sơ đồ, số liệu, mẫu vật, các kết quả phân tích cụ thể, các phim ảnh minh hoạ đi kèm.

e. Sau khi có được các loại hình thông tin cần thiết, cần xây dựng đơn khiếu nại và hồ sơ đi kèm. Nội dung chủ yếu của đơn và hồ sơ có thể bao gồm:

* Tên và địa chỉ của bên pháp nhân đòi bồi thường (Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại địa phương đứng ra làm đại diện là phù hợp nhất, trong trường hợp phạm vi là một tỉnh).

* Tên và địa chỉ của phương tiện và chủ phương tiện gây sự cố. (Nếu trường hợp sự cố do tàu gây ra thì cần biết tên tàu, quốc tịch tàu, chủ tàu, tên thuyền trưởng, quốc tịch thuyền trưởng).

* Thời gian và địa điểm xảy ra sự cố.

* Xác định các nguồn lực đã được huy động tham gia vào ứng cứu (số ngày công, số trang thiết bị, kỹ thuật, phương tiện...)

* Loại dầu, số lượng dầu, phạm vi bị ảnh hưởng.

* Các bằng chứng về dầu (mẫu dầu nguyên thuỷ, mẫu dầu vớt được, mẫu nước có dầu, mẫu bùn v.v...), các kết luận phân tích về thành phần hoá học dầu và mẫu nước, mẫu bùn chứa dầu, hoặc về mô tả của vệt dầu loang.

* Các bằng chứng và các kết luận về sự suy giảm môi trường (suy giảm năng suất sinh học sơ cấp, mẫu động thực vật bị chết hoặc bị ngấm dầu, đang chết).

* Mô tả tóm tắt về diễn biến, các công việc đã thực hiện để đối phó, các thiệt hại về tài sản...

* Bản thống kê các chi phí cho việc ứng cứu như các chi phí về sử dụng nhân lực, thiết bị, vận tải hàng ngày đã phục vụ cho việc xử lý hậu quả, làm sạch môi trường.

* Giá thành sửa chữa hoặc phải thay thế mới trang thiết bị do sự cố làm hư hỏng.

* Giá trị thiệt hại về kinh tế của các hoạt động sản xuất trực tiếp phụ thuộc vào môi trường (như nuôi trồng thuỷ sản, nông nghiệp, chăn nuôi gia cầm v.v...), có đối chứng, so sánh với thu nhập từ những vụ mùa trước đây để tính toán.

* Phim, ảnh, băng video (nếu có), sơ đồ mô tả về các điểm có liên quan như đã nêu trên.

f. Trong việc chuẩn bị và xây dựng các hồ sơ khiếu nại đòi bồi thường, ngoài các cơ quan chuyên môn pháp lý liên quan, các địa phương có thể trao đổi, phối hợp với Cục Môi trường, Bộ KHCN&MT, nhằm có được các hướng dẫn kỹ thuật cần thiết, đặc biệt, trong trường bên gây thiệt hại là pháp nhân nước ngoài.

Việc thực hiện Thông tư hướng dẫn này, Sở KHCN&MT là cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường tại địa phương, đóng vai trò quan trọng trong tổ chức giám sát việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động ứng cứu tràn dầu của các tổ chức đóng tại địa phương.

Các ngành, các địa phương cần chủ động, xem xét trích lập quỹ ứng cứu sự cố tràn dầu nhằm huy động vào các hoạt động ứng cứu và xử lý sự cố.

Uỷ ban nhân dân địa phương cần xem xét, căn cứ vào đề nghị của Sở KHCN&MT, đưa ra các biện pháp trợ cấp ban đầu cho đối tượng là nhân dân sống và hoạt động trong vùng bị gây hại trực tiếp do sự cố tràn dầu gây nên.

Những cá nhân, tập thể có công trong việc phát hiện, tham gia xử lý sự cố tràn dầu được các cấp xem xét tuyên dương khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần.

Các tổ chức cá nhân cố tình cản trở hoặc gây khó khăn cho việc ứng cứu sự cố tràn dầu hoặc lẩn tránh trách nhiệm sẽ bị xử phạt theo pháp luật, kể cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các ngành, các địa phương nghiên cứu, chủ động thực hiện Thông tư hướng dẫn này và thường xuyên thông báo cho Bộ KHCN&MT về tình hình triển khai và thực hiện của mình.

Bộ KHCN&MT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các trường hợp xảy ra sự cố tràn đầu và cách xử lý.

Thông tư hướng dẫn này thay thế cho Hướng dẫn tạm thời của Bộ trưởng Bộ KHCN&MT về xử lý sự cố dầu tràn (số 389/MTg ngày 17 tháng 6 năm 1994) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Đặng Hữu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 2262/TT-MTg-1995 về việc khắc phục sự cố tràn dầu do Bộ kế hoạch và đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 2262/TT-MTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/12/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
  • Người ký: Đặng Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/12/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản