Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 22-CP NGÀY 22-5-1993 VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG.

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Bộ Khoa học, Cộng nghệ và môi trường là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tiêu chuẩn hoá, sở hữu công nghiệp và bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước.

Điều 2. - Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước đã ghi ở Chương II Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể dưới đây:

1. Về nghiên cứu khoa học:

a) Xây dựng trình Chính phủ các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học trọng điểm của Nhà nước, các kế hoạch 5 năm và hàng năm về nghiên cứu khoa học; hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch và dự án đó sau khi được phê duyệt;

b) Ban hành quy chế quản lý các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học;

c) Hướng dẫn, định hướng cho các ngành, các địa phương, các tổ chức khoa học xây dựng các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học của ngành, địa phương và đơn vị;

d) Tổ chức nghiên cứu về công tác quản lý khoa học, công nghệ, môi trường và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ.

2. Về phát triển công nghệ:

a) Xây dựng và trình Chính phủ các dự án phát triển công nghệ trọng điểm Nhà nước, các kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển công nghệ;

b) Kiến nghị với Chính phủ danh mục các công nghệ ưu tiên phát triển, nhập, hạn chế hoặc đình chỉ nhập;

c) Xây dựng và trình Chính phủ quy chế hoạt động chuyển giao công nghệ; kiểm tra việc thực hiện quy chế đó trong phạm vi cả nước.

Tổ chức giám định Nhà nước về công nghệ đối với dự án đầu tư quan trọng theo quy định của Chính phủ. Hướng dẫn các ngành, địa phương trong công tác này.

Hướng dẫn các ngành, các địa phương đánh giá trình độ công nghệ;

d) Tham gia việc đánh giá, xét duyệt các quy hoạch phát triển của ngành, địa phương, luận chứng kinh kế - kỹ thuật của những công trình quan trọng;

đ) Xây dựng và ban hành quy chế về quản lý kỹ thuật trong các ngành, các địa phương; kiểm tra việc thực hiện quy chế đó.

3. Về bảo vệ môi trường:

a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách, quy phạm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Tổ chức thực hiện kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển lâu bền đã được Chính phủ phê duyệt;

b) Tổ chức giám định về yêu cầu bảo vệ môi trường của các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trước khi trình Chính phủ quyết định;

c) Hướng dẫn các ngành, địa phương về nghiệp vụ quản lý bảo vệ môi trường. Phối hợp với các đoàn thể nhân dân tổ chức và hướng dẫn các hoạt động quần chúng bảo vệ môi trường.

4. Về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng:

a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam, hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng tiêu chuẩn ngành và địa phương;

b) Xây dựng và phát triển hệ thống chuẩn đo lường của Việt Nam, quản lý các chuẩn đo lường quốc gia;

c) Hướng dẫn các ngành, địa phương về nghiệp vụ đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá cho các ngành, địa phương và cơ sở. Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng;

d) Tổ chức hệ thống kiểm định đo lường Nhà nước. Thực hiện và hướng dẫn thực hiện việc kiểm định chuẩn đơn vị đo lường và phương tiện đo lường. Công nhận khả năng kiểm định về đo lường của các cơ quan đo lường các cấp, duyệt mẫu trước khi cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất nhập khẩu phương tiện đo lường;

đ) Tổ chức đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký chất lượng hàng hoá, chứng nhận chất lượng hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam, công nhận phòng thử nghiệm chất lượng hàng hoá, tổ chức việc kiểm tra Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu theo quy định của Chính phủ.

5. Về sở hữu công nghiệp:

a) Thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

b) Tiếp nhận, xem xét đơn yêu cầu bảo hộ các đối tượng sỡ hữu công nghiệp, cấp văn bằng bảo hộ, giấy phép hoạt động cho người đại diện sở hữu công nghiệp;

c) Xây dựng và tổ chức khai thác có hiệu quả trung tâm thông tin tư liệu về sở hữu công nghiệp. Chọn lọc các sáng kiến, giải pháp hữu ích, sáng chế để kiến nghị áp dụng;

d) Chỉ đạo nghiệp vụ sở hữu công nghiệp cho các ngành, địa phương và cơ sở.

6. Về quản lý các nguồn lực khoa học, công nghệ.

a) Quản lý Nhà nước đối với các tổ chức khoa học - công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế.

Chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ đối với các cơ quan quản lý khoa học, công nghệ và môi trường của các địa phương.

b) Kiến nghị với Chính phủ các chính sách, phương hướng đào tạo cán bộ khoa học có trình độ trên đại học, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả trí thức Việt kiều.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ khoa học - công nghệ của cả nước. Định kỳ phân tích, đánh giá trình độ cán bộ khoa học trong cả nước và đề xuất các chính sách, giải pháp cần thiết.

Tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ quản lý khoa học, công nghệ và môi trường;

c) Kiến nghị với Chính phủ các chính sách, biện pháp khuyến khích tài trợ của các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và cá nhân cho khoa học, công nghệ và môi trường;

d) Xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thông tin tư liệu khoa học, công nghệ và môi trường.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động hội nghị, hội thảo, trao đổi tư liệu thông tin khoa học, công nghệ và môi trường.

7. Thực hiện chức năng cơ quan thường trực của Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, Hội đồng xét duyệt trữ lượng khoáng sản.

Điều 3. - Tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường:

I. CÁC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC.

1. Vụ nghiên cứu - triển khai.

2. Vụ phát triển công nghệ.

3. Vụ Kế hoạch và tài chính.

4. Vụ Quan hệ quốc tế.

5. Vụ Tổ chức và cán bộ khoa học.

6. Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng.

7. Cục Sở hữu công nghiệp.

8. Cục Môi trường.

9. Thanh tra Bộ.

10. Văn phòng Bộ.

II. CÁC TỔ CHỨC SỰ NGHIỆP

1. Viện Nghiên cứu dự báo và chiến lược khoa học và công nghệ.

2. Viện nghiên cứu quản lý khoa học và công nghệ.

3. Trung tâm thông tin - tư liệu khoa học và công nghệ quốc gia.

4. Tạp chí hoạt động khoa học.

Điều 4. - Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành. Bãi bỏ Nghị định số 192-CP ngày 13-10-1975 của Hội đồng Chính phủ và những quy định khác trước đây trái với Nghị định này.

Điều 5. - Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 22-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường

  • Số hiệu: 22-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 22/05/1993
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 22/05/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản