BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 22-NV | Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 1963 |
Việc huấn luyện cán bộ chính quyền xã là một trong những công tác quan trọng để kiện toàn bộ máy Nhà nước ở xã.
Công tác này đã được tiến hành ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong kháng chiến và sau khi hòa bình lập lại. Trong những năm qua, các trường Hành chính địa phương đã huấn luyện được hàng vạn cán bộ chính quyền xã có trình độ nhận thức về lý luận, chính trị và nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính quyền cấp xã trong thời kỳ kháng chiến và trong thời kỳ khôi phục, cải tạo kinh tế. Đến nay, trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cán bộ xã bất cứ phụ trách công tác Đảng, chính quyền hay hợp tác xã đều phải tập trung vào nhiệm vụ trung tâm ở xã là củng cố hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Do đó, cán bộ xã phải được bồi dưỡng kiến thức cần thiết về quản lý hợp tác xã, quản lý kỹ thuật và có trình độ quản lý Nhà nước ở xã trong hoàn cảnh mới để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trung tâm đó. Nhưng hiện nay chương trình huấn luyện của trường Đảng, trường Hành chính và trường hợp tác xã nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, đang dẫm đạp về nội dung huấn luyện và đối tượng học viên. Vì vậy, Trung ương đã có chủ trương cải tiến công tác giáo dục lý luận, chính trị cho các trường Đảng và thống nhất hai trường Hành chính và hợp tác xã nông nghiệp vào trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở.
Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện chủ trương nói trên về mặt chính quyền.
I. CHỦ TRƯƠNG CẢI TIẾN CÔNG TÁC HUẤN LUYỆN CÁN BỘ CƠ SỞ
Chủ trương của Trung ương nhằm đảm bảo huấn luyện chung cho cán bộ Đảng, chính quyền và hợp tác xã những môn lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, đường lối chính sách lớn của Đảng, công tác xây dựng Đảng và những vấn đề chủ yếu về quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, đồng thời đảm bảo huấn luyện nghiệp vụ riêng cho từng loại cán bộ. Huấn luyện trước và kỹ cho cán bộ chủ chốt của xã, đồng thời huấn luyện kịp thời cho cán bộ khác của xã.
Để đạt yêu cầu ấy, việc tổ chức huấn luyện sẽ tiến hành như sau:
- Trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở ở tỉnh, thành phố phụ trách huấn luyện cho các đảng ủy viên, trước hết là những án bộ chủ chốt lãnh đạo ở xã như bí thư, phó bí thư đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban hành chính, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, bí thư đoàn thanh niên, bí thư phụ nữ và những cán bộ Đảng có trình độ cơ sở ở xí nghiệp, công trường, nông trường.
- Các lớp huấn luyện chính trị ở huyện phụ trách huấn luyện cho các chi ủy xã tổ, trưởng Đảng, ủy viên Ủy ban hành chính, ủy viên ban quản trị hợp tác xã, đội trưởng và đội phó sản xuất (kể cả cán bộ ngoài Đảng).
Ngoài các lớp huấn luyện của trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở và lớp huấn luyện chính trị ở huyện, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố sẽ tổ chức những hội nghị chuyên đề cho các ủy viên Ủy ban hành chính xã để trao đổi về nghiệp vụ, kinh nghiệp công tác và lề lối làm việc của Ủy ban hành chính xã nhằm bồi dưỡng thêm cho cán bộ qua thực tiễn công tác. Ban tổ chức và dân chính có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính về công tác này.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH CỦA TRƯỜNG ĐẢNG BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CƠ SỞ
Nội dung chương trình của trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở gồm có 2 phần:
- Phần huấn luyện chung cho tất cả các loại cán bộ xã đã quy định ở trên.
- Phần huấn luyện riêng về nghiệp vụ cho cán bộ các ngành (chính quyền, hợp tác xã),
A. CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁN BỘ XÃ:
Do ban Tuyên giáo trung ương quy định và đã gửi cho các trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở địa phương, trong đó có một số bài thuộc vấn đề Nhà nước như:
1. Nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam.
2. Pháp quyền và pháp chế xã hội chủ nghĩa.
3. Củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.
4. Trấn áp phản cách mạng.
Để phục vụ những bài trên sẽ có một số báo cáo thực tế:
- Báo cáo về hiến pháp (chú trọng phần quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân).
- Báo cáo một số luật pháp cơ bản như luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp; luật về quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân.
Thời gian học tập vấn đề này khoảng 8 ngày.
B. CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN RIÊNG VỀ NGHIỆP VỤ CHO CÁN BỘ CHÍNH QUYỀN:
Hiện nay gồm có 5 bài:
1. Nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính xã, thị trấn, thời gian 5 buổi.
2. Công tác văn phòng Ủy ban hành chính xã, thị trấn, thời gian 2 buổi.
3. Công tác tư pháp xã, thị trấn, thời gian 4 buổi.
4. Công tác tài chính và ngân sách xã, thị trấn, thời gian 3 buổi.
5. Công tác kế hoạch xã, thị trấn, thời gian 4 buổi.
Thu hoạch và tổng kết 2 buổi.
Tổng cộng thời gian: 20 buổi.
III. VỆ TỔ CHỨC TRƯỜNG ĐẢNG BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CƠ SỞ
1. Về tổ chức:
Hiện nay ban Tuyên giáo trung ương và ban Tổ chức trung ương đang nghiên cứu về tổ chức, biên chế cho trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở sau khi thống nhất.
Trong khi chờ đợi, Ủy ban hành chính cần đưa những cán bộ có khả năng và kinh nghiệm huấn luyện cán bộ chính quyền của trường Hành chính sang trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở để chuyên trách phần chính quyền. Số cán bộ còn lại sẽ đưa về ban Tổ chức dân chính để giúp Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố theo rõi cán bộ chính quyền xã học tập ở trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở, ở lớp huấn luyện chính trị ở huyện và tổ chức các hội nghị chuyên đề để bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ chính quyền xã. Ủy ban hành chính không nên điều sang công tác khác những cán bộ đã có kinh nghiệm huấn luyện cán bộ chính quyền và đã được bồi dưỡng nhiều về nghiệp vụ công tác. Địa phương nào đã trót điều anh em đi công tác khác thì nên rút về để bổ sung cho trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở hoặc để lại công tác tại ban Tổ chức dân chính.
2. Về chỉ đạo trường: Bộ đã thống nhất ý kiến với ban Tuyên giáo trung ương như sau:
a) Ở trung ương.
Ban Tuyên giáo trung ương được Trung ương ủy nhiệm chỉ đạo toàn diện và thống nhất các trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở, bộ Nội vụ không chỉ đạo các trường mà chỉ phụ trách phần chính quyền vê các mặt sau đây:
- Đề ra nội dung chương trình huấn luyện và biên soạn tài liệu cho phần huấn luyện riêng về nghiệp vụ cho cán bộ chính quyền xã (qua ban Tuyên giáo trung ương để gửi cho các trường Đảng ở địa phương).
- Tùy theo từng thời gian tham gia với ban Tuyên giáo trung ương tổ chức hội nghị bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách phần chính quyền ở trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở.
- Theo dõi cán bộ chính quyền xã trong khi học tập phần chính quyền ở trường và sau khi trở về cơ sở công tác.
Để giúp Bộ nắm vững tình hình học tập của cán bộ chính quyền xã về mọi mặt, các trường Đảng khi báo cáo mở lớp, báo cáo sơ kết, tổng kết về ban Tuyên giáo trung ương, sẽ gửi cả cho bộ Nội vụ. Tùy heo yêu cầu từng lúc, Bộ sẽ cử cán bộ về các trường Đảng để theo dõi phần chính quyền.
b) Ở địa phương:
Ở tỉnh, thành phố:
Trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở ở tỉnh, thành phố do cấp ủy Đảng trực tiếp lãnh đạo. Ban Tuyên huấn tỉnh giúp cấp ủy Đảng chỉ đạo trường về mọi mặt.
Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố không trực tiếp chỉ đạo trường mà chỉ phụ trách theo dõi phần chính quyền về các mặt sau đây:
- Cùng với cấp ủy Đảng bàn bạc về kế hoạch và nội dung chương trình huấn luyện về nghiệp vụ chính quyền ở trường Đảng do Bộ đã đề ra cho sát với tình hình và nhiệm vụ của địa phương.
- Theo dõi cán bộ chính quyền xã trong khi học tập ở trường và sau khi trở về cơ sở công tác.
Ngoài ra, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố còn có nhiệm vụ tổ chức các hội nghị chuyên đề để bồi dưỡng về nghiệp vụ chính quyền cho cán bộ xã. Đối tượng bồi dưỡng gồm các ủy viên Ủy ban hành chính xã, thị trấn trong bộ phận thường trực và không thường trực, cán bộ văn phòng xã, thị trấn và các đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Trước mắt cần bồi dưỡng cho các ủy viên thư ký, các ủy viên không thường trực và cán bộ văn phòng xã. Nội dung hội nghị chuyên đề để bồi dưỡng về nghiệp vụ cho các ủy viên thư ký, ủy viên không thường trực và cán bộ văn phòng căn cứ vào nội dung chương trình huấn luyện về nghiệp vụ ở trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở để vận dụng vào từng hội nghị cho thích hợp. Nếu hội nghị đa số là ủy viên thư ký thì nên bồi dưỡng cả 5 vấn đề, nhưng đi sâu vào nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính xã và công tác văn phòng Ủy ban hành chính xã, thị trấn. Nếu hội nghị đa số là ủy viên không thường trực thì chỉ nên bồi dưỡng sâu về nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính xã và công tác tư pháp xã, thị trấn. Còn những vấn đề về tài chính ngân sách và kế hoạch xã chỉ cần báo cáo những điểm chính để anh trường biết không nên đi sâu. Riêng công tác văn phòng Ủy ban hành chính xã không cần thiết phải bồi dưỡng cho anh em.
Ở huyện:
Lớp huấn luyện chính trị ở huyện do cấp ủy huyện trực tiếp chỉ đạo.
Ủy ban hành chính huyện theo dõi cán bộ chính quyền xã trong khi học tập ở lớp và sau khi trở về xã công tác.
Ngoài ra Ủy ban hành chính huyện có thể được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ tổ chức các hội nghị chuyên để để bồi dưỡng về nghiệp vụ chính quyền cho cán bộ xã (theo kế hoạch của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố).
Hiện nay huyện chưa có điều kiện ở lớp huấn luyện chính thị thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nên giao cho Ủy ban hành chính huyện tranh thủ tổ chức các hội nghị chuyên đề để bồi dưỡng và nghiệp vụ cho các ủy viên không thường trực. Nội dung hội nghị chuyên đề ở huyện cũng giống như nội dung hội nghị chuyên đề ở tỉnh, thành phố, nhưng thời gian nên rút ngắn hơn.
IV. MẤY ĐIỂM CẦN CHÚ Ý KHI TIẾN HÀNH THỐNG NHẤT TRƯỜNG
Việc thống nhất trường là một bước cải tiến mới trong công tác huấn luyện cán bộ cơ sở nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng số lượng cán bộ xã, nhưng có nơi chưa thấy hết ý nghĩa đó nên hoặc băn khoan về việc thống nhất hoặc xem nhẹ việc thống nhất. Vì nhận thức chưa được đầy đủ nên hiện nay có một số trường Hành chính đã thống nhất vào trường Đảng nhưng chỉ mới thống nhất về tổ chức mà chưa thống nhất về chương trình và có nhiều trường chưa thống nhất. Vì vậy Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần chú ý lãnh đạo tư tưởng cán bộ và bàn bạc với cấp ủy Đảng để có kế hoạch tiến hành, nơi nào thống nhất trường rồi nhưng chưa đúng với kế hoạch thì kịp thời bổ sung ngay, nơi nào chưa tiến hành thống nhất trường thì xúc tiến để kịp mở lớp.
Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần tổng kết công tác huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ chính quyền (theo công văn số 418-CQĐP ngày 13-02-1963 của Bộ) để rút kinh nghiệm về mọi mặt công tác huấn luyện cán bộ Nhà nước cho trường thống nhất và cho việc tổ chức hội nghị chuyên đề sau này.
Đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố đặt nhiệm vụ theo dõi công tác huấn luyện cán bộ chính quyền ở trường Đảng và tổ chức hội nghị chuyên đề cho ban Tổ chức dân chính và bố trí đủ cán bộ phụ trách công việc trên. Hiện nay có một số nơi, Ủy ban hành chính đang giao cho trường Hành chính mở lớp huấn luyện cho ủy viên Ủy ban hành chính xã và bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân thì nên tiếp tục làm cho xong lớp rồi bàn giao sang trường thống nhất và ban Tổ chức dân chính tùy theo từng đối tượng. Không nên vì thống nhất trường mà bỏ dở các lớp và các hội nghị đã chuẩn bị, nhưng cũng không vì vệc đó mà làm chậm việc thống nhất trường.
Trong khi tiến hành, nếu gặp khó khăn trở ngại, các địa phương kịp thời báo cáo cho Bộ biết để Bộ góp ý kiến giải quyết.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư 22-NV năm 1963 hướng dẫn việc thống nhất trường Hành chính vào trường Đảng bồi dưỡng cán bộ cơ sở ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 22-NV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 12/09/1963
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Tô Quang Đẩu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 35
- Ngày hiệu lực: 27/09/1963
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định