Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2010/TT-BTP | Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2010 |
BAN HÀNH QUY CHẾ TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
Căn cứ Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Sau khi thống nhất ý kiến với Liên đoàn luật sư Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định:
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tập sự hành nghề luật sư.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2011 và thay thế Quy chế kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư ban hành kèm theo Quyết định số 667/2004/QĐ-BTP ngày 08/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BTP ngày 01/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về việc tập sự hành nghề luật sư, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tập sự hành nghề luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
2. Quy chế này áp dụng đối với người tập sự hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn, tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự, người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.
Điều 2. Trách nhiệm giám sát việc tập sự hành nghề luật sư
1. Đoàn luật sư có trách nhiệm giám sát người tập sự hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự trong việc thực hiện Quy chế tập sự hành nghề luật sư.
2. Căn cứ vào quy định của Quy chế tập sự hành nghề luật sư và Điều lệ của mình, Liên đoàn luật sư Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn các Đoàn luật sư giám sát việc tập sự hành nghề luật sư.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế tập sự hành nghề luật sư.
Điều 3. Người tập sự hành nghề luật sư
1. Những người sau đây được đăng ký tập sự hành nghề luật sư:
a) Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư;
b) Người được miễn đào tạo nghề luật sư nhưng phải tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Luật sư.
2. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được đăng ký tập sự hành nghề luật sư:
a) Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
b) Không còn thường trú tại Việt Nam;
c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý (kể cả trong trường hợp được xoá án tích);
d) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục hoặc quản chế hành chính;
đ) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
e) Những người quy định tại điểm a khoản này bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.
Điều 4. Nhận tập sự hành nghề luật sư
1. Người muốn tập sự hành nghề luật sư lựa chọn và thoả thuận với một tổ chức hành nghề luật sư để tập sự hành nghề luật sư. Tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự cấp cho người muốn tập sự hành nghề luật sư Giấy xác nhận về việc nhận tập sự tại tổ chức mình và cử luật sư đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này hướng dẫn người đó.
Giấy xác nhận về việc nhận tập sự gồm những nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự;
b) Họ, tên, địa chỉ cư trú của người được nhận tập sự hành nghề luật sư;
c) Họ, tên, địa chỉ cư trú và số Thẻ luật sư của luật sư hướng dẫn;
d) Trách nhiệm của tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn, quyền và nghĩa vụ của người tập sự hành nghề luật sư trong quá trình tập sự.
Giấy xác nhận có chữ ký của người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn và người tập sự hành nghề luật sư.
Người muốn tập sự hành nghề luật sư và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự có thể ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật. Hợp đồng có giá trị tương đương Giấy xác nhận về việc nhận tập sự.
2. Trong trường hợp người muốn tập sự hành nghề luật sư không thoả thuận được với một tổ chức hành nghề luật sư về việc nhận tập sự thì có thể đề nghị Ban Chủ nhiệm một Đoàn luật sư giới thiệu một tổ chức hành nghề luật sư để tập sự. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm xem xét, phân công một tổ chức hành nghề luật sư nhận người đó vào tập sự; trong trường hợp tổ chức hành nghề luật sư từ chối phải thông báo bằng văn bản cho Đoàn luật sư và nêu rõ lý do.
Tổ chức hành nghề luật sư được phân công có Giấy xác nhận về việc nhận tập sự hoặc ký hợp đồng với người muốn tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 1 Điều này và cử luật sư hướng dẫn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này.
3. Tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự bao gồm:
a) Văn phòng luật sư, công ty luật; chi nhánh của văn phòng luật sư, công ty luật;
b) Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam; chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.
Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam được nhận người tập sự hành nghề luật sư khi được sự ủy quyền bằng văn bản của người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư hoặc Giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 5. Đăng ký tập sự hành nghề luật sư
1. Việc đăng ký tập sự được thực hiện tại Đoàn luật sư nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự.
2. Hồ sơ đăng ký tập sự gồm có:
a) Giấy đề nghị đăng ký tập sự hành nghề luật sư;
b) Giấy xác nhận của tổ chức hành nghề luật sư về việc nhận tập sự hoặc hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy chế này;
c) Bản sao Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 của Luật Luật sư.
Trong trường hợp người tập sự được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật Luật sư thì phải gửi kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.
3. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư ra Quyết định về việc đăng ký tập sự hành nghề luật sư và ghi tên người tập sự vào danh sách người tập sự của Đoàn luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 36 của Quy chế này.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định về việc đăng ký tập sự hành nghề luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi Quyết định cho tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự và Liên đoàn luật sư Việt Nam.
4. Người được ghi tên vào danh sách người tập sự của Đoàn luật sư được gọi là người tập sự hành nghề luật sư (sau đây gọi tắt là người tập sự). Người tập sự có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Quy chế này.
Điều 6. Thời gian tập sự hành nghề luật sư
1. Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười tám tháng; người được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Luật sư thì thời gian tập sự hành nghề luật sư là sáu tháng; người được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật Luật sư thì thời gian tập sự hành nghề luật sư là chín tháng.
Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính kể từ ngày có Quyết định của Đoàn luật sư về việc đăng ký tập sự hành nghề luật sư.
2. Trong trường hợp người tập sự thay đổi nơi tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này thì thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính bằng tổng thời gian tập sự của người đó tại các tổ chức hành nghề luật sư.
3. Tổng thời gian tập sự được tính theo quy định tại khoản 2 của Điều này khi người tập sự có thời gian tập sự tại mỗi tổ chức hành nghề luật sư ít nhất là sáu tháng và phải có xác nhận bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự, nhận xét bằng văn bản của luật sư hướng dẫn theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Quy chế này.
4. Người tập sự tập sự tại một tổ chức hành nghề luật sư có thời gian tập sự từ một tháng đến dưới sáu tháng thì chỉ được tính thời gian này vào tổng thời gian tập sự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự tạm ngừng hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định của Luật Luật sư;
b) Luật sư hướng dẫn chết hoặc vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khách quan khác mà không thể tiếp tục hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư;
c) Luật sư hướng dẫn không còn đủ một trong các điều kiện hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này;
d) Luật sư hướng dẫn không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được quy định tại Điều 14 của Quy chế này;
đ) Người tập sự thay đổi nơi cư trú;
e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Thay đổi nơi tập sự hành nghề luật sư
1. Người tập sự thay đổi việc tập sự hành nghề luật sư từ tổ chức hành nghề luật sư này sang tổ chức hành nghề luật sư khác trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải báo cáo bằng văn bản về việc thay đổi đó cho Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự. Báo cáo phải có nhận xét và chữ ký của luật sư hướng dẫn, xác nhận của tổ chức hành nghề luật sư mà người tập sự đã tập sự và tổ chức hành nghề luật sư mà người tập sự xin chuyển đến.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của người tập sự, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư ra Quyết định về việc thay đổi nơi tập sự; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 36 của Quy chế này.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định về việc thay đổi nơi tập sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi Quyết định cho tổ chức hành nghề luật sư mà người tập sự đã tập sự, tổ chức hành nghề luật sư mà người tập sự xin chuyển đến và Liên đoàn luật sư Việt Nam.
2. Người tập sự thay đổi việc tập sự hành nghề luật sư từ tổ chức hành nghề luật sư tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tổ chức hành nghề luật sư tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải rút tên khỏi danh sách người tập sự của Đoàn luật sư nơi mình đã đăng ký và làm thủ tục đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình chuyển đến theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này. Kèm theo hồ sơ đăng ký tập sự, người tập sự phải gửi báo cáo về kết quả tập sự theo quy định tại Điều 12 của Quy chế này.
Điều 8. Tạm ngừng, chấm dứt việc tập sự hành nghề luật sư
1. Người tập sự có thể tạm ngừng việc tập sự hành nghề luật sư sau khi thoả thuận bằng văn bản với tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự và phải báo cáo bằng văn bản về việc tạm ngừng tập sự cho Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự.
Thời gian tạm ngừng việc tập sự hành nghề luật sư không quá ba tháng, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Trong trường hợp tạm ngừng việc tập sự hành nghề luật sư quá ba tháng hoặc không có lý do chính đáng thì người tập sự phải đăng ký lại việc tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
2. Người tập sự chấm dứt việc tập sự hành nghề luật sư khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tự chấm dứt việc tập sự hành nghề luật sư;
b) Được tuyển dụng là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Không còn thường trú tại Việt Nam;
d) Bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật;
đ) Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục hoặc quản chế hành chính;
e) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách người tập sự của Đoàn luật sư.
Trong trường hợp người tập sự chấm dứt tập sự theo quy định điểm e khoản 2 Điều này, sau thời hạn ba năm kể từ ngày có quyết định kỷ luật, thì được đăng ký lại việc tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
3. Trong trường hợp quá thời hạn tạm ngừng quy định tại khoản 1 Điều này và các trường hợp chấm dứt tập sự quy định tại khoản 2 Điều này, thì thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính kể từ ngày đăng ký lại việc tập sự hành nghề luật sư và phải đảm bảo đủ thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy chế này.
Điều 9. Gia hạn tập sự hành nghề luật sư
1. Người tập sự được Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư gia hạn tập sự hành nghề luật sư theo đề nghị của tổ chức hành nghề luật sư khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không đạt yêu cầu tập sự theo đánh giá của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự;
b) Không đạt yêu cầu kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của tổ chức hành nghề luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư ra Quyết định về việc gia hạn tập sự hành nghề luật sư.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định về việc gia hạn tập sự hành nghề luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi Quyết định cho tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự, người tập sự và Liên đoàn luật sư Việt Nam.
2. Người tập sự được gia hạn tập sự hành nghề luật sư tối đa không quá hai lần, mỗi lần từ sáu tháng đến mười hai tháng. Trong trường hợp gia hạn tập sự lần thứ hai mà người tập sự vẫn không đạt yêu cầu tập sự hoặc yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư thì Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự ra Quyết định xoá tên người đó khỏi danh sách người tập sự của Đoàn luật sư. Người bị xoá tên khỏi danh sách người tập sự của Đoàn luật sư có quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 36 của Quy chế này.
Người bị xoá tên khỏi danh sách người tập sự của Đoàn luật sư đăng ký lại việc tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
Điều 10. Quyền của người tập sự
1. Người tập sự được luật sư hướng dẫn về kỹ năng hành nghề luật sư và cách thức ứng xử theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
2. Người tập sự giúp luật sư hướng dẫn thực hiện các công việc sau đây theo sự phân công của luật sư hướng dẫn:
a) Nghiên cứu hồ sơ vụ việc;
b) Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ việc;
c) Chuẩn bị luận cứ hoặc văn bản tư vấn;
d) Liên hệ với cá nhân, cơ quan, tổ chức để thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các hoạt động có liên quan đến việc bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng hoặc hoạt động tư vấn pháp luật;
đ) Giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác khi được khách hàng đồng ý.
3. Người tập sự được tham dự phiên toà hoặc các buổi tư vấn pháp luật cùng luật sư hướng dẫn; ghi chép, thực hiện các công việc khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.
4. Người tập sự được tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hướng dẫn tạo điều kiện trong quá trình tập sự hành nghề luật sư.
5. Người tập sự có các quyền khác theo thoả thuận với tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Nghĩa vụ của người tập sự
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư.
2. Tuân theo Điều lệ Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
3. Thực hiện các công việc theo sự phân công của luật sư hướng dẫn.
4. Chịu trách nhiệm trước luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự về chất lượng công việc mà mình đảm nhận.
5. Tuân theo nội quy của tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự.
6. Báo cáo kết quả tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 12 của Quy chế này.
7. Không được ký văn bản tư vấn pháp luật và các văn bản khác khi được phân công giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác.
8. Các nghĩa vụ khác theo thoả thuận với tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Báo cáo kết quả tập sự hành nghề luật sư
1. Khi hoàn thành thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy chế này, người tập sự có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về kết quả tập sự hành nghề luật sư cho Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự.
Báo cáo kết quả tập sự hành nghề luật sư gồm những nội dung chính sau đây:
a) Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người tập sự;
b) Số lượng, nội dung, thời gian và địa điểm thực hiện các vụ việc được tham gia theo sự phân công của luật sư hướng dẫn và kinh nghiệm thu nhận được;
c) Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tập sự và đề xuất, kiến nghị.
2. Báo cáo kết quả tập sự hành nghề luật sư của người tập sự phải có nhận xét, chữ ký của luật sư hướng dẫn theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Quy chế này và xác nhận của tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự.
Điều 13. Điều kiện đối với luật sư hướng dẫn
1. Luật sư hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Đang hành nghề trong một tổ chức hành nghề luật sư;
b) Đã hành nghề luật sư từ ba năm trở lên;
c) Có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, có uy tín và trách nhiệm trong lĩnh vực mà mình hướng dẫn;
d) Không trong thời gian bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều lệ của Đoàn luật sư.
Trong trường hợp luật sư hướng dẫn bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư theo quy định của Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, thì sau thời hạn một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, mới được hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư.
2. Tại cùng một thời điểm, mỗi luật sư hướng dẫn chỉ được hướng dẫn không quá ba người tập sự.
Điều 14. Trách nhiệm của luật sư hướng dẫn
1. Hướng dẫn người tập sự về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, việc thực hiện Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, quyền và nghĩa vụ của người tập sự.
2. Giám sát người tập sự trong quá trình tập sự.
3. Nhận xét báo cáo của người tập sự, trong đó nêu rõ các ưu điểm, hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, ý thức kỷ luật, việc thực hiện Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư của người tập sự.
4. Chịu trách nhiệm toàn bộ về những vụ việc mà người tập sự thực hiện theo sự phân công và hướng dẫn của mình.
Điều 15. Từ chối hướng dẫn người tập sự
1. Luật sư hướng dẫn có thể từ chối hướng dẫn người tập sự khi người tập sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm quy định của Luật Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và Quy chế này;
b) Không tuân theo sự phân công, hướng dẫn của luật sư hướng dẫn.
2. Khi từ chối hướng dẫn người tập sự, luật sư hướng dẫn có trách nhiệm thông báo cho tổ chức hành nghề luật sư.
Điều 16. Thay đổi luật sư hướng dẫn
Người tập sự có quyền đề nghị thay đổi luật sư hướng dẫn nếu luật sư hướng dẫn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Luật sư hướng dẫn không còn đủ một trong các điều kiện hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này.
2. Luật sư hướng dẫn không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được quy định tại Điều 14 của Quy chế này.
3. Luật sư hướng dẫn vì lý do sức khoẻ hoặc các lý do khách quan khác mà không thể tiếp tục hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư.
Trong trường hợp người tập sự đề nghị thay đổi luật sư hướng dẫn thì tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư khác trong tổ chức mình đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này tiếp tục hướng dẫn người tập sự đó và thông báo bằng văn bản cho Đoàn luật sư.
Trong trường hợp tổ chức hành nghề luật sư không có luật sư khác đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này thì tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo cho Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư; Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm phân công tổ chức hành nghề luật sư khác cử luật sư hướng dẫn người tập sự đó.
Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư
1. Phân công luật sư đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này hướng dẫn người tập sự và chịu trách nhiệm về việc phân công đó.
2. Phân công luật sư khác trong tổ chức mình đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này hướng dẫn người tập sự trong trường hợp luật sư đang hướng dẫn từ chối hướng dẫn người tập sự theo quy định tại Điều 15 của Quy chế này hoặc người tập sự đề nghị thay đổi luật sư hướng dẫn theo quy định tại Điều 16 của Quy chế này.
3. Tạo điều kiện cho luật sư hướng dẫn, người tập sự thực hiện việc tập sự tại tổ chức mình.
4. Lập sổ theo dõi quá trình tập sự của người tập sự tại tổ chức mình. Sổ theo dõi gồm những nội dung chính sau đây:
a) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh và nơi cư trú của người tập sự;
b) Thời gian tập sự hành nghề luật sư;
c) Nội dung các công việc (vụ việc) được phân công thực hiện trong quá trình tập sự;
d) Tiến độ và chất lượng thực hiện từng công việc (vụ việc).
5. Giám sát việc thực hiện trách nhiệm của luật sư hướng dẫn, quyền và nghĩa vụ của người tập sự theo quy định của Quy chế này.
6. Từ chối nhận người tập sự trong trường hợp không có hoặc không còn luật sư có đủ điều kiện hướng dẫn tập sự theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này.
7. Báo cáo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư nơi có trụ sở về việc tập sự hành nghề luật sư của người tập sự tại tổ chức mình định kỳ hàng năm. Báo cáo gồm những nội dung chính sau đây:
a) Số lượng người tập sự tại tổ chức hành nghề luật sư;
b) Đánh giá chất lượng tập sự của người tập sự;
c) Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn và người tập sự theo quy định của Quy chế này;
d) Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nhận tập sự và đề xuất, kiến nghị.
8. Chấm dứt việc hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư trong trường hợp người tập sự vi phạm quy định của Luật Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và Quy chế này.
9. Các quyền và nghĩa vụ khác theo thoả thuận với người tập sự hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư
1. Đoàn luật sư có các trách nhiệm sau đây:
a) Tiếp nhận hồ sơ và đăng ký tập sự cho người tập sự theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này;
b) Phân công tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 3 Điều 16 của Quy chế này;
c) Giám sát tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn và người tập sự trong quá trình tập sự hành nghề luật sư;
d) Gia hạn tập sự cho người tập sự theo quy định tại Điều 9 của Quy chế này;
đ) Đề nghị cho người tập sự tham dự kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 22 của Quy chế này;
e) Xử lý kỷ luật người tập sự, luật sư hướng dẫn có hành vi vi phạm quy định của Quy chế này;
g) Hoà giải các mâu thuẫn phát sinh giữa người tập sự với tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hướng dẫn trong quá trình tập sự;
h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Quy chế này, Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Điều lệ của Đoàn luật sư;
i) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
2. Liên đoàn luật sư Việt Nam có các trách nhiệm sau đây:
a) Giám sát các Đoàn luật sư trong việc thực hiện Quy chế này;
b) Tổng hợp tình hình tập sự hành nghề luật sư trong cả nước, đánh giá chất lượng tập sự hành nghề luật sư;
c) Đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tập sự hành nghề luật sư; hỗ trợ Đoàn luật sư ở các tỉnh khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội để phát triển số lượng người tập sự và nâng cao chất lượng tập sự hành nghề luật sư;
d) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các giải pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư;
đ) Hoà giải mâu thuẫn phát sinh giữa các Đoàn luật sư trong quá trình giám sát tập sự;
e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Quy chế này và Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam;
g) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
KIỂM TRA KẾT QUẢ TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
Điều 19. Người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư
Người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư là người tập sự hoàn thành thời gian tập sự theo quy định của Luật Luật sư và được Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư đề nghị cho tham dự kiểm tra.
Điều 20. Nguyên tắc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nghiêm túc, công khai, công bằng, khách quan, trung thực và hiệu quả.
Điều 21. Nội dung và hình thức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư
1. Nội dung kiểm tra bao gồm:
a) Kỹ năng tham gia tố tụng;
b) Kỹ năng tư vấn pháp luật;
c) Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác;
d) Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
2. Hình thức kiểm tra bao gồm kiểm tra viết và kiểm tra thực hành.
a) Kiểm tra viết bao gồm hai bài kiểm tra.
Bài kiểm tra viết thứ nhất về các kỹ năng tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác. Thời gian của bài kiểm tra viết thứ nhất là 180 phút.
Bài kiểm tra viết thứ hai về pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Thời gian của bài kiểm tra viết thứ hai là 90 phút.
b) Kiểm tra thực hành bao gồm hai phần:
Phần một: thí sinh trình bày và bảo vệ quan điểm về một vụ việc tự chọn;
Phần hai: thí sinh giải quyết tình huống do thành viên Ban Chấm thi thực hành đưa ra.
Điều 22. Tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư
1. Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được tổ chức theo khu vực ít nhất sáu tháng một lần.
2. Chậm nhất là ngày 15 của tháng cuối quý, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư gửi Bộ Tư pháp công văn đề nghị kèm theo danh sách và hồ sơ tham dự kiểm tra của người tập sự hoàn thành thời gian tập sự vào quý tiếp theo.
Hồ sơ tham dự kiểm tra gồm có:
a) Quyết định về việc đăng ký tập sự hành nghề luật sư của Đoàn luật sư;
b) Bản sao Bằng cử nhân luật;
c) Báo cáo kết quả tập sự hành nghề luật sư của người tập sự theo quy định tại Điều 12 của Quy chế này.
Trong trường hợp người tập sự được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật Luật sư thì phải gửi kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.
3. Căn cứ vào số lượng người tập sự do các Đoàn luật sư đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định về việc thành lập Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo khu vực.
Điều 23. Thành lập Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư
1. Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (sau đây gọi tắt là Hội đồng kiểm tra) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập.
2. Hội đồng kiểm tra được thành lập theo khu vực, chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư tại khu vực đó và tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.
Hội đồng kiểm tra làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận tập thể.
3. Hội đồng kiểm tra được sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Quy chế này.
Điều 24. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng kiểm tra
1. Thành phần Hội đồng kiểm tra gồm có:
a) Đại diện Lãnh đạo Bộ Tư pháp là Chủ tịch Hội đồng kiểm tra;
b) Đại diện Lãnh đạo Liên đoàn luật sư Việt Nam và một số luật sư có kinh nghiệm và uy tín là thành viên Hội đồng kiểm tra.
Thành phần Hội đồng kiểm tra bao gồm từ năm đến bảy thành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.
2. Giúp việc cho Hội đồng kiểm tra có Ban Thư ký, Ban Coi thi, Ban Chấm thi viết và Ban Chấm thi thực hành.
Ban Thư ký, Ban Coi thi, Ban Chấm thi viết và Ban Chấm thi thực hành gồm có Trưởng Ban và các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra quyết định.
Chủ tịch Hội đồng kiểm tra quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thư ký, Ban Coi thi, Ban Chấm thi viết và Ban Chấm thi thực hành.
Điều 25. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra
1. Quyết định và thông báo danh sách thí sinh, thời gian, địa điểm kiểm tra cho các Đoàn luật sư có thí sinh tham dự kiểm tra chậm nhất là mười lăm ngày trước ngày tổ chức kiểm tra.
2. Ban hành nội quy phòng kiểm tra.
3. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Quy chế này.
4. Công bố kết quả kiểm tra và thông báo điểm kiểm tra cho Sở Tư pháp và Đoàn luật sư có người tập sự tham dự kỳ kiểm tra.
5. Tổ chức phúc tra bài kiểm tra viết.
6. Báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra.
7. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc kiểm tra.
Điều 26. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng kiểm tra
1. Chủ tịch Hội đồng kiểm tra có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra quy định tại Điều 25 của Quy chế này;
b) Phân công trách nhiệm cho từng thành viên Hội đồng kiểm tra;
c) Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thư ký, Ban Coi thi, Ban Chấm thi viết và Ban Chấm thi thực hành;
d) Tổ chức việc ra đề kiểm tra viết, lựa chọn đề kiểm tra viết theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 21 của Quy chế này, bảo mật đề kiểm tra trước khi kiểm tra;
đ) Chịu trách nhiệm quản lý bài kiểm tra an toàn, tổ chức đánh mã phách, rọc phách, ghi phách, ghép phách, chấm điểm bài kiểm tra viết và lên điểm bài kiểm tra;
e) Xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Quy chế này;
g) Báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra, các vấn đề về tài chính và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tổ chức kiểm tra và kết quả kiểm tra;
h) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận đạt kết quả kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư cho các thí sinh đạt yêu cầu kiểm tra.
2. Các thành viên Hội đồng kiểm tra thực hiện các công việc theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng kiểm tra.
Điều 27. Quy trình ra đề kiểm tra viết và bảo mật đề kiểm tra viết
Quy trình ra đề và bảo mật đề kiểm tra viết được thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1. Mỗi bài kiểm tra có 2 thành viên Ban Chấm thi viết hoặc Ban Chấm thi thực hành chấm và cho điểm độc lập. Các bài kiểm tra được chấm theo thang điểm 10.
Điểm của mỗi bài kiểm tra là trung bình cộng điểm mà hai thành viên chấm thi đã cho. Trong trường hợp hai thành viên chấm thi cho điểm chênh lệch nhau từ 2 điểm trở lên thì hai thành viên này trao đổi thống nhất và cho điểm cuối cùng. Nếu không thống nhất thì chuyển hai kết quả điểm đó cho Trưởng Ban Chấm thi viết hoặc Trưởng Ban Chấm thi thực hành giải quyết.
Quy trình chấm bài kiểm tra viết được thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Thí sinh đạt yêu cầu kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư phải có số điểm mỗi bài kiểm tra đạt từ 5 điểm trở lên.
3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc việc chấm điểm kiểm tra, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm tra cho các Sở Tư pháp và Đoàn luật sư nơi có người tập sự tham dự kỳ kiểm tra.
4. Các bài kiểm tra và kết quả chấm điểm kiểm tra được lưu giữ tại Bộ Tư pháp trong thời gian năm năm, kể từ ngày tổ chức kiểm tra.
Điều 29. Phúc tra bài kiểm tra viết
1. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được kết quả kiểm tra, thí sinh không đồng ý với kết quả kiểm tra viết của mình có quyền làm đơn phúc tra gửi Chủ tịch Hội đồng kiểm tra.
2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc tra, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra quyết định thành lập Ban Phúc tra. Ban Phúc tra gồm ít nhất hai thành viên. Các thành viên trong Ban Chấm thi viết không được là thành viên của Ban Phúc tra.
3. Cách thức tiến hành chấm phúc tra được áp dụng theo quy định tại Điều 28 của Quy chế này. Việc chấm phúc tra do Ban Phúc tra thực hiện và phải được Chủ tịch Hội đồng kiểm tra phê duyệt. Hội đồng kiểm tra thông báo kết quả phúc tra cho người có đơn phúc tra.
1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Ban Giám sát để thực hiện giám sát việc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp. Thành phần Ban Giám sát gồm có Trưởng Ban và từ một đến hai thành viên.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát:
a) Giám sát việc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư;
b) Phát hiện và kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm các quy định về kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư;
c) Đề nghị Hội đồng kiểm tra có biện pháp đảm bảo kỳ kiểm tra diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định của Quy chế này.
3. Nội dung giám sát:
a) Giám sát việc thực hiện các quy định về kiểm tra; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng kiểm tra, Ban Thư ký, Ban Coi thi, Ban Chấm thi viết, Ban Chấm thi thực hành và Ban Phúc tra;
b) Giám sát việc bảo đảm an toàn, bí mật trong quy trình ra đề kiểm tra viết, sao in, bảo quản và vận chuyển đề kiểm tra viết;
c) Giám sát việc thực hiện các quy định của Hội đồng kiểm tra và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kiểm tra.
4. Ban Giám sát chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hoạt động giám sát của mình và có báo cáo kết quả giám sát gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau mỗi kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
Điều 31. Trách nhiệm của thí sinh tham dự kiểm tra
1. Thí sinh có trách nhiệm:
a) Có mặt đúng giờ quy định và xuất trình chứng minh nhân dân trước khi vào phòng kiểm tra;
b) Khi được phép vào phòng kiểm tra phải ngồi đúng theo số báo danh của mình, giữ trật tự trong phòng kiểm tra;
c) Chỉ được sử dụng loại giấy kiểm tra được phát, ghi đầy đủ các mục quy định trong giấy kiểm tra, chỉ được dùng một loại mực, không được phép dùng mực đỏ, bút chì, bút xóa và các ký hiệu trong bài kiểm tra;
d) Nộp phí kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật;
đ) Chấp hành nội quy phòng kiểm tra.
2. Thí sinh được mang vào phòng kiểm tra bút viết, thước kẻ và các văn bản pháp luật.
3. Thí sinh không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Mang vào phòng kiểm tra điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính điện tử có thẻ nhớ và soạn thảo được văn bản hoặc các phương tiện thu phát khác, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa thông tin có thể lợi dụng để làm bài kiểm tra; các hoá chất độc, các chất gây cháy, nổ, bia, rượu và các tài liệu, vật dụng khác ngoài các tài liệu, vật dụng quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Hút thuốc trong phòng kiểm tra;
c) Ngồi không đúng số báo danh;
d) Trao đổi trong phòng kiểm tra;
đ) Quay cóp bài kiểm tra hoặc trao đổi giấy nháp, giấy kiểm tra.
Điều 32. Xử lý vi phạm đối với thí sinh tham dự kiểm tra
1. Thí sinh có hành vi vi phạm quy định của Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo một trong các hình thức sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Đình chỉ kiểm tra.
2. Hình thức khiển trách áp dụng đối với thí sinh có một trong các hành vi quy định tại điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 31 của Quy chế này.
Hình thức khiển trách do thành viên Ban Coi thi lập biên bản và công bố ngay tại phòng kiểm tra. Thí sinh bị khiển trách ở môn kiểm tra nào sẽ bị trừ một phần tư số điểm của môn đó.
3. Hình thức cảnh cáo áp dụng đối với thí sinh có một trong các hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 31 của Quy chế này và thí sinh có hành vi tái phạm khi đã bị khiển trách.
Hình thức cảnh cáo do thành viên Ban Coi thi lập biên bản và công bố ngay tại phòng kiểm tra. Thí sinh bị khiển trách ở môn kiểm tra nào sẽ bị trừ một phần hai số điểm của môn đó.
4. Hình thức đình chỉ kiểm tra áp dụng đối với thí sinh có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vào muộn sau mười lăm phút kể từ khi công bố đề kiểm tra;
b) Tái phạm khi đã bị cảnh cáo;
c) Bị phát hiện đang sử dụng tài liệu bị cấm trong phòng kiểm tra;
d) Có hành vi cố ý gây rối trật tự, gây mất an toàn trong phòng kiểm tra;
đ) Có các hành vi khác vi phạm nghiêm trọng quy định của Quy chế này.
Hình thức đình chỉ kiểm tra do thành viên Ban Coi thi lập biên bản, tịch thu tài liệu, báo cáo Chủ tịch Hội đồng kiểm tra và công bố ngay tại phòng kiểm tra. Thí sinh bị xử lý bằng hình thức đình chỉ kiểm tra thì không được tiếp tục tham dự bài kiểm tra tiếp theo và bị huỷ kết quả các bài đã kiểm tra.
5. Chủ tịch Hội đồng kiểm tra có thẩm quyền quyết định cảnh cáo, đình chỉ kiểm tra đối với thí sinh có một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều này.
Các thành viên Hội đồng kiểm tra, Ban Thư ký, Ban Coi thi, Ban Chấm thi viết, Ban Chấm thi thực hành, Ban Phúc tra và Ban Giám sát có hành vi vi phạm quy định của Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 34. Khiếu nại, tố cáo về việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư
1. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng kiểm tra, cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với quyết định đó khi có căn cứ cho rằng quyết định đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Chủ tịch Hội đồng kiểm tra có trách nhiệm giải quyết khiếu nại trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Trong trường hợp không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
2. Cá nhân, tổ chức có quyền tố cáo với Hội đồng kiểm tra về các hành vi vi phạm quy định của Quy chế này về việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Việc giải quyết tố cáo tuân theo quy định của pháp luật về tố cáo.
XỬ LÝ KỶ LUẬT, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 35. Xử lý kỷ luật đối với người tập sự và luật sư hướng dẫn
1. Người tập sự vi phạm quy định của Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Tạm đình chỉ việc tập sự hành nghề luật sư từ sáu tháng đến mười hai tháng;
d) Xoá tên khỏi danh sách người tập sự của Đoàn luật sư.
Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi người tập sự đăng ký tập sự có thẩm quyền xem xét quyết định kỷ luật đối với người tập sự vi phạm quy định của Quy chế này.
Liên đoàn luật sư Việt Nam quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người tập sự.
2. Luật sư hướng dẫn vi phạm quy định của Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật theo quy định tại Điều 85 của Luật Luật sư.
Điều 36. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư
Người tập sự, luật sư hướng dẫn và các cá nhân, tổ chức khác có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Cá nhân, tổ chức có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm quy định của Quy chế này. Việc giải quyết tố cáo tuân theo quy định của pháp luật về tố cáo.
- 1Quyết định 667/2004/QĐ-BTP ban hành quy chế kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 2Quyết định 1260/QĐ-BTP năm 2011 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 3Thông tư 19/2013/TT-BTP hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 4Quyết định 480/QĐ-BTP công bố kết quả hệ thống hóa văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013
- 5Quyết định 229/QĐ-BTP năm 2015 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp năm 2014
- 6Thông tư 02/2015/TT-BTP Quy định một số mẫu giấy tờ về luật sư và hành nghề luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 7Quyết định 156/QĐ-BTP năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp kỳ 2014-2018
- 1Quyết định 667/2004/QĐ-BTP ban hành quy chế kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 2Quyết định 1260/QĐ-BTP năm 2011 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 3Thông tư 19/2013/TT-BTP hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 4Quyết định 480/QĐ-BTP công bố kết quả hệ thống hóa văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013
- 5Quyết định 229/QĐ-BTP năm 2015 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp năm 2014
- 6Quyết định 156/QĐ-BTP năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp kỳ 2014-2018
- 1Luật Luật sư 2006
- 2Nghị định 93/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
- 3Nghị định 60/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp
- 4Thông tư 03/2010/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 5Thông tư 02/2015/TT-BTP Quy định một số mẫu giấy tờ về luật sư và hành nghề luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
Thông tư 21/2010/TT-BTP ban hành Quy chế tập sự hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp ban hành
- Số hiệu: 21/2010/TT-BTP
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 01/12/2010
- Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
- Người ký: Nguyễn Đức Chính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 723 đến số 724
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra