Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2089-P/4

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 1946

THÔNG TƯ

Bộ trưởng Bộ Tư pháp gửi các ông Chưởng Lý tòa thượng thẩm Hà Nội, Huế, Sài Gòn

Trong việc thi hành sắc lệnh số 40 ngày 29 tháng 3 năm 1946 về bảo đảm tự do cá nhân, Bản bộ cần phải giải thích thêm để việc thi hành được dễ dàng và đúng với ý định của hội đồng Chính phủ.

A. Đối với những việc đại hình hoặc tiểu hình mà có bị can bị bắt giam trước ngày 29 tháng 3 năm 1946 thì các thời hạn nói trong sắc lệnh (nhất là điều thứ 3 và điều thứ 4) tính bắt đầu từ 2 tháng 4 năm 1946.

Thí dụ có người can làm giấy bạc giả, bị giam cứu từ 20 tháng 2 năm 1946 thì thời hạn 3 tháng nói ở điều thứ 3-2 bắt đầu từ 2 tháng 4 năm 1946 nghĩa là từ ngày mà chiếu theo điều thứ 23 sắc lệnh số 40 được phát thanh chậm cho toàn quốc.

B. Đối với những việc mà có kháng cáo mệnh lệnh của dự thẩm thì yêu cầu phòng luận tội tòa thượng thẩm xử rất nhanh chóng nghĩa là nếu không xử ngay được tại phiên đầu thì nên hoãn đến ngày hôm sau thôi, chứ không nên hoãn lâu hơn.

Việc hoãn lâu có cái hại là nếu bị cáo kháng cáo hai mệnh lệnh của dự thẩm trong một việc tiểu hình thì có thể hết hạn 3 tháng. Nếu hết hạn 3 tháng mà việc chưa dự thẩm xong thì bắt buộc phải tha bị cáo ra, tuy việc rất can hệ.

Vậy yêu cầu các phòng luận tội xử cho chóng các mệnh lệnh của dự thẩm.

C.Các hồ sơ việc tiểu hình ở các tòa đệ nhị cấp mà có người kháng cáo bị giam thì các lục sự phải gửi ngay lên tòa thượng thẩm. Chậm nhất là 30 hôm sau khi xử, hồ sơ phải về đến phòng lục sự tòa thượng thẩm để tòa thượng thẩm có thời giờ đòi các người đương sự ra xử.

D. Câu “trước khi xử” trong điều thứ 3 có nghĩa là trong một việc tiểu hình, thì chậm nhất bị can phải được đưa ra xử 30 ngày sau khi bị bắt.

Thí dụ bị can bị bắt hôm 10 tháng 5 thì hôm 10 tháng 6 phải đem ra xử tại phiên tòa, nếu hôm ấy bị can hoặc luật sư xin hoãn để nại thêm chứng hay vì một lý do gì khác thì tòa án có thể hoãn đến một phiên khác. Tòa án có quyền vẫn giam giữa bị can hoặc cho bị can được tại ngoại.

Ngoài trường hợp thường nói trên đây, nếu có quyết nghị gia hạn giam (điều thứ tư) thì nếu là việc tiểu hình mà gia hạn một lần thì bị can phải được đưa ra tòa để xử chậm nhất là 60 ngày sau khi bị bắt.

Nói tóm lại, chữ “xử” nghĩa là ngày mà ông biện lý đưa bị can ra tòa xử chứ không phải là ngày mà tòa phải tuyên án xong (iugement définitif).

E. Hiện trong các sắc lệnh số 13 và 51 tổ chức các tòa án thì không có tòa phá án. Vậy ở các “tòa Tây án cũ” (Hà Nội, Hải Phòng) án phạt thành nhất định đều được thi hành (bắt giam, tịch thu, vân vân).

THỪA LỆNH BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Văn Hưởng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 2089-P/4 năm 1946 về bảo đảm tự do cá nhân do Bộ Tư Pháp ban hành.

  • Số hiệu: 2089-P/4
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/06/1946
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Văn Hưởng
  • Ngày công báo: 21/09/1946
  • Số công báo: Số 38
  • Ngày hiệu lực: 11/07/1946
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản