Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12NV/PC

Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 1946

THÔNG TƯ

Bộ trưởng bộ Nội vụ kính gửi các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ

Bản bộ xin gửi ông bản sao, đính theo đây, đạo sắc lệnh số 40 ngày 29 tháng 03 năm 1946 về sự bảo đảm tự do cá nhân(1)

Đại cương sắc lệnh ấy có những điều cốt yếu sau này:

Tự do cá nhân chỉ có thể xâm phạm đến trong hai trường hợp:

A – Trường hợp phạm pháp thông thường;

B – Trường hợp chính trị (tạm thời).

Trong hai trường hợp đó, sự bắt giam cũng phải theo một thủ tục đã ấn định phân minh, ai làm sai đều bị tội.

A. - TRƯỜNG HỢP PHẠM PHÁP THÔNG THƯỜNG

1) Phạm pháp quả tang

Ai cũng có thể bắt được, nhưng tư nhân bắt được thì lập tức phải dẫn người bị bắt đến nhà chức trách gần chỗ bắt.

Các nhà chức trách khi nhận được người do tư nhân hay nhân viên của mình bắt thì trong 24 giờ là cùng, phải đưa ra thẩm phán viên.

2) Phạm pháp không quả tang

Sự bắt phải do lệnh viết ra giấy của thẩm phán viên và do nhân viên của các cơ quan chính thức thi hành.

3) Giam cứu

Sự giam cứu bao giờ cũng phải do thẩm phán viên quyết định và không ai có thể bị giam quá 24 giờ mà không có quyết định.

Thời hạn giam cứu đã định rõ mà không bao giờ được quá 3 tháng về tiểu hình và 9 tháng về đại hình.

B. - TRƯỜNG HỢP CHÍNH TRỊ NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐỀ PHÒNG ĐẶC BIỆT

1) Ai có quyền ra lệnh bắt

Trong tình thế hiện thời và cho đến khi có lệnh mới, chủ tịch ủy ban hành chính kỳ được đặc cách ra lệnh bắt người đưa đi an trí một nơi hay ra lệnh cấm không được lưu trú ở một vài nơi. Khi cấp bách đặc biệt chủ tịch tỉnh cũng có thể tạm bắt giữ. Lệnh bắt đó lẽ cố nhiên phải viết ra giấy có chữ ký của chủ tịch và do nhân viên các cơ quan chính thức thi hành.

2) Ai có thể bị bắt

Những người xét ra lời nói hoặc việc làm có thể làm hại cho sự tranh đấu giành độc lập, cho chế độ dân chủ, cho sự an toàn của công chúng và sự đoàn kết của quốc dân.

Về khoản này, bản bộ cần nhắc lại ông câu của Hồ chủ tịch: “Dĩ vãng đã chết hẳn” để làm phương châm khi xét đến hành vi của một cá nhân. Chỉ hành vi hiện tại, tỏ ra nơi lời nói hay việc làm mới có thể là lý do cho sự cần áp dụng phương pháp đề phòng đặc biệt.

3) Những thủ tục phải theo

Lệnh bắt do chủ tịch kỳ;

a) Sau khi thỏa hiệp với một hội đồng do bộ Nội vụ cử ra.

b) Nghị định an trí phải thông đạt cho người đương sự chậm nhất là 15 ngày từ khi bị bắt.

c) trong 15 hôm sau khi nhận thông đạt, người bị an trí có thể kháng nghị lên một hội đồng phúc thẩm đặt tại Bộ Nội vụ và nhờ thân thuộc hoặc trạng sư bào chữa, khi hội đồng đó xét,

Nếu lệnh bắt do chủ tịch tỉnh, thì các điều kiện thêm như sau:

a) Ngay ngày tạm bắt phải báo tin cho chủ tịch kỳ biết;

b) Trong 15 hôm là cùng đệ hồ sơ lên chủ tịch kỳ và trong 30 ngày là cùng hội đồng nói ở trên phát biểu ý kiến với chủ tịch rồi viên này hoặc tha, hoặc ra nghị định an trí;

c) Nghị định phải làm chậm nhất là 24 giờ sau khi hội đồng đã phát biểu ý kiến;

d) Nghị định phải thông đạt cho người bị giam chậm nhất là 10 ngày sau ngày ký

CÁC NƠI GIAM CẦM

Đề lao các tỉnh hay trại giam do bộ Nội vụ đã ấn định sẵn.

Những người bị đem an trí được hưởng một chế độ khoan hồng hơn các thường phạm.

SỰ TRA TẤN

Nhất định cấm hẳn.

HÌNH PHẠT

Ai can tội bắt hay giam giữ người ngoài những trường hợp mà sắc lệnh số 40 ngày 29 tháng 03 năm 1946 cho phép, hoặc không theo đúng thủ tục đã ấn định rõ ràng trong sắc lệnh ấy sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm và phạt tiền từ 1.000đ đến 10.000đ.

Những nhân viên lạm dụng quyền bắt người, cố ý giam cầm người ở những nơi không do Chính phủ chỉ định từ trước hay dùng lối tra tấn để lấy cung sẽ bị phạt từ 5 đến 10 năm tội đồ và 3.000đ đến 100.000đ.

Bản bộ xin ông lưu tâm thi hành triệt để sắc lệnh này, và để thanh toán các việc đã qua, bản bộ nhờ ông làm ngay các việc sau này:

1) Đề nghị các vị (Trung bộ và Nam bộ xin gửi điện văn) đề cử vào hội đồng định ở điều thứ 8;

2) Xét trường hợp từng người đã bị bắt giam trước ngày ký sắc lệnh này, ai đáng tha thì tha ngay. Những người còn lại thi chia làm hai hạng:

a) Một hạng đưa qua quyền tư pháp quyết định.

b) Một hạng theo thủ tục ấn định ở tiết II về những phương pháp đề phòng đặc biệt, mà xét định.

3) Sự xét định ấy ở Bắc bộ phải làm xong trước ngày 15 tháng 04 năm 1946, ở Trung bộ trước ngày 25 tháng 04 năm 1946 và ở Nam bộ trước ngày 15 tháng 05 năm 1946. Đến ngày hết hạn, xin gửi cho bản bộ một bản danh sách kê khai tất cả các người bị bắt giam trước ngày ký sắc lệnh đính theo đây. Trong bản danh sách ấy sẽ phân biệt:

- Một hạng người được tha rồi.

- Một hạng người đã đưa qua quyền tư pháp;

- Một hạng người để xét theo thủ tục do tiết thứ hai của sắc lệnh ấy ấn định.

Những hạn định ở các điều thứ 9 và thứ 10, sẽ tính là bắt đầu từ ngày 15 tháng 04 năm 1946 cho Bắc bộ, ngày 25 tháng 04 năm 1946 cho Trung bộ và ngày 15 tháng 05 năm 1946 cho Nam bộ.

Việc này rất quan hệ, bản bộ yêu cầu khi nào tiếp được tờ thông tư này, ông báo ngay tin nhận được cho bản bộ.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Huỳnh Thúc Kháng

(1)Sắc lệnh số 40 ngày 29 tháng 03 năm 1946 đăng trong Công báo số 13 ngày 30 tháng 03 năm 1946 trang 179.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 12NV/PC năm 1946 về sự bảo đảm tự do cá nhân do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 12NV/PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/04/1946
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Huỳnh Thúc Kháng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 17/04/1946
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản