Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 200-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1966

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN NHỮNG BIỆN PHÁP THI HÀNH PHÁP LỆNH QUY ĐỊNH CẤM NẤU RƯỢU TRÁI PHÉP

Nấu rượu lậu và nghiện rượu là một tệ nạn xã hội lâu đời do chế độ cũ để lại. Từ Cách mạng tháng Tám tới nay. Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm đến vấn đề tuyên truyền giáo dục và đã có những quy định nhằm bài trừ tệ nạn đó, nên đã hạn chế được một phần so với trước, nhưng vẫn chưa chấm dứt được. Trong mấy năm gần đây, ở một số nơi, tệ nạn này không những không giảm sút mà lại có phần tăng lên, đã gây lãng phí mỗi năm hàng vạn tấn lương thực, ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe của nhân dân nhất là trong tình hình chống Mỹ cứu nước hiện nay nhân dân ta phải hết sức tiết kiệm lương thực và đang tập trung sức lực để đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu.

Vì vậy để triệt để bài trừ tệ nấu rượu lậu, ngày 13-10-1966 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh quy định cấm nấu rượu trái pháp. Pháp lệnh này đã được Hồ Chủ tịch công bố theo Lệnh số 92-LCT ngày 27 tháng 10 năm 1966.

Hội đồng Chính phủ ra thông tư này hướng dẫn những biện pháp thi hành pháp lệnh như sau.

I. TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC

Tệ nấu rượu lậu và nghiện rượu là tệ nạn xã hội lâu đời, cho nên cần phải tuyên truyền giáo dục thật sâu rộng trong nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc cấm nấu rượu trái phép và tự nguyện tự giác chấp hành và đấu tranh chống những kẻ không tuân luật pháp của Nhà nước.

Cấm nấu rượu trái phép là nhằm:

- Bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ giống nòi và góp phần xây dựng một nếp sống mới lành mạnh của nhân dân ta đang ra sức chống Mỹ cứu nước và đang xây dựng một chế độ tốt đẹp của xã hội loài người, chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Tiết kiệm lương thực để cung cấp đầy đủ cho bộ đội ăn no đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Tập trung sức người vào việc sản xuất và chiến đấu nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi. Trong tình hình đại đa số người quyết tâm làm việc bằng hai thì không thể để một số người ham lợi trước mắt, làm việc có hại và lơ là đối với sản xuất và chiến đấu.

Việc tuyên truyền giáo dục phải làm thường xuyên liên tục và rộng rãi trong nhân dân nhưng chủ yếu phải nhằm vào những nơi có tập quán nấu rượu lậu, vào nơi tệ nghiện rượu tương đối nặng, vào lứa tuổi người hay uống rượu.

Hình thức tuyên truyền giáo dục phải đơn giản, linh hoạt. Nội dung phải thiết thực và có sức thuyết phục cao, phải có cơ sở khoa học và căn cứ vào người thực, việc thực ở địa phương. Cán bộ Đảng, chính quyền và đoàn thể phải thông suốt tinh thần và nội dung của luật, gương mẫu trong việc chấp hành, thì việc tuyên truyền, thảo luận rộng rãi trong các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, phụ lão), có liên hệ phân tích về tác hại của tệ nấu rượu lậu và nghiện rượu, và đề ra biện pháp khắc phục tệ nạn này cho thích hợp với từng nơi, từng người, mới có kết quả.

Cán bộ, nhất là cán bộ xã phải làm nòng cốt trong việc tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong quần chúng, tích cực vận động gia đình, bà con mình không nấu rượu trái phép, người nghiện rượu giảm bớt uống rượu và tiến tới thôi uống rượu, thanh niên không uống rượu.

Ủy ban hành chính các cấp, nhất là cấp xã sử dụng các cơ quan chuyên môn để tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục về việc cấm nấu rượu trái phép cho sát hợp với tình hình ở địa phương mình.

Ở những nơi có nhiều người nấu rượu lậu và nghiện rượu thì Ủy ban hành chính xã cần đưa ra Hội đồng nhân dân thảo luận và đề ra những biện pháp cụ thể để giáo dục và bài trừ tệ nạn này.

II. SẮP XẾP CÔNG VIỆC LÀM ĂN CHO NHỮNG HỘ CHUYÊN NẤU RƯỢU LẬU

Ủy ban hành chính xã phải liên hệ chặt chẽ với các hợp tác xã đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh của từng hộ chuyên nghề nấu rượu trái phép để giải quyết thỏa đáng những khó khăn mắc mứu của họ, sắp xếp công việc làm ăn đối với từng người trong gia đình họ cho thích hợp. Nơi nào có nhiều hộ nấu rượu trái phép thì cần chú ý phát triển thêm nghề phụ, nghề thủ công để thu hút rộng rãi lao động của các hộ chuyên nấu rượu. Điều căn bản ở đây là phải làm cho những người chuyên nghề rượu lậu thấy hết nhiệt tình của Đảng ủy và chính quyền xã trong việc thu xếp công việc làm ăn cho gia đình họ, thiết tha mong muốn họ không quay lại nghề nấu rượu trái phép nữa.

III. CẢI TIẾN SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI RƯỢU QUỐC DOANH

Cơ quan quốc doanh rượu ở trung ương và địa phương cần cải tiến việc sản xuất, chú ý phẩm chất rượu cho hợp vệ sinh và bảo đảm việc cung cấp cho nhu cầu về rượu không thể không có được như đối với một số loại lao động nặng ở miền biển, miền núi, khu mỏ, v.v… Trường hợp không cung cấp kịp thời hoặc không đủ cho nhu cầu của họ thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giải thích và bàn bạc với họ để họ tự nguyện giảm bớt yêu cầu đồng thời tổ chức việc phân phối rượu cho hợp lý.

Về việc thống nhất quản lý kinh doanh rượu của cơ quan Nhà nước cũng như việc kinh doanh các loại men rượu, Hội đồng Chính phủ giao cho Văn phòng Tài chính – thương nghiệp Phủ Thủ tướng bàn bạc với các Bộ Công nghiệp nhẹ, Nội thương, Tài chính nghiên cứu trong một thời gian ngắn bổ sung những quy định hiện hành rồi trình Chính phủ ban hành.

IV. XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM VỀ RƯỢU

1. Các vụ vi phạm về rượu có nhiều loại, nên tùy từng trường hợp vi phạm và tùy từng đối tượng mà có mức độ xử lý cho thích hợp. Về hình thức xử lý thì đối với trường hợp vi phạm nhẹ có thể dùng hình thức phê bình, cảnh cáo trực tiếp trong nội bộ các đoàn thể, trước chính quyền, phê bình cảnh cáo công khai trước quần chúng; trường hợp vi phạm nặng hơn hoặc đối với những người chuyên sống về nghề nấu rượu lậu, đã được giáo dục mà không chịu sửa chữa thì có thể dùng biện pháp xử phạt về hành chính hoặc truy tố trước Tòa án.

2. Phương châm xử lý là phải kiên quyết, thận trọng và đúng mức. Khi cần thiết, phải đem ra xử lý một vụ vi phạm về rượu thì phải cân nhắc kỹ từng trường hợp, mỗi việc xử lý phải đạt được mục đích giáo dục là chính làm cho người vi phạm ăn năn hối lỗi không tái phạm nữa, cần tránh lối làm việc qua loa tắc trách, thiếu điều tra nghiên cứu, đồng thời cần đề phòng không để xảy ra tình trạng hễ thấy vi phạm là đem ra xử lý, và hễ xử lý là phạt cho thật nặng và không mở cho họ con đường để họ ăn năn hối cải. Mặt khác, không nên coi nhẹ biện pháp xử phạt trong những trường hợp cần phải kiên quyết để tỏ rõ tính chất nghiêm minh của pháp luật và để làm cơ sở cho việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục.

3. Về cách thức tiến hành xử lý hành chính các vụ vi phạm về rượu và men rượu, Hội đồng Chính phủ quy định như sau:

- Ủy ban hành chính xã, thị trấn xử lý những vụ vi phạm thông thường bằng hình thức phê bình cảnh cáo trực tiếp hoặc công khai trước quần chúng.

- Ủy ban hành chính huyện, thị xã, khu phố ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng xử lý các vụ vi phạm bằng hình thức phạt tiền từ 20đ đến 100đ.

- Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra, đôn đốc việc xử lý của các cấp huyện, thị xã, khu phố và giải quyết các vụ khiếu nại việc xử lý của cấp dưới.

- Cơ quan công an giúp Ủy ban hành chính cùng cấp lập hồ sơ xử lý các vụ vi phạm.

Đối với những trường hợp cán bộ bao che cho việc phạm pháp thì không được bỏ qua mà cần được đưa ra xử lý nghiêm khắc bằng hình thức kỷ luật trong nội bộ đoàn thể hoặc kỷ luật về chính quyền.

Những tang vật trong các vụ vi phạm phải được kèm theo hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý giải quyết mà không được tùy tiện sử dụng.

4. Hội đồng Chính phủ giao cho cơ quan công an phối hợp với cơ quan thuế và cơ quan quản lý thị trường kiểm soát việc nấu rượu và sản xuất men trái phép trong phạm vi luật lệ hiện hành cho phép. Cách tiến hành kiểm soát là phải đi đúng đường lối quần chúng và kiểm soát có trọng điểm tại nơi sản xuất, nơi tàng trữ rượu và men trái phép.

Bộ Công an cùng với Bộ Nội thương và Bộ Tài chính bàn bạc để hướng dẫn các cấp của mình tiếnhành tốt việc kiểm soát.

V. NHỮNG BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH Ở VÙNG CÓ ĐỒNG BÀO MIỀN NÚI

Vùng đồng bào miền núi có nhiều đặc điểm như khí hậu rét, tệ nấu rượu lậu và uống rượu đã thành tập quán, việc vận chuyển rượu quốc doanh gặp nhiều khó khăn, cho nên việc cấm nấu rượu trái phép không thể tiến hành nhất loạt như ở các vùng khác.

Vì vậy, Ủy ban hành chính các khu tự trị và các tỉnh có đồng bào miền núi phải căn cứ vào pháp lệnh này và tình hình đặc điểm của từng địa phương để quy định cho thích hợp rồi đưa ra Hội đồng nhân dân thảo luận trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Trong khi chờ đợi có quy định riêng cho đồng bào miền núi, việc tuyên truyền giáo dục vẫn phải được tiến hành ngay sau khi nhận được thông tư này.

Từ nay đến hết quý I năm 1967 Ủy ban hành chính các khu tự trị và các tỉnh có đồng bào miền núi phải đưa ra Hội đồng nhân dân thảo luận những quy định của địa phương rồi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Việc cấm nấu rượu trái phép là một việc làm rất quan trọng trong lúc này vì nó có quan hệ đến các vấn đề bảo vệ sức khỏe của nhân dân, tiết kiệm lương thực, để tập trung sức lực cho công cuộc chống Mỹ cứu nước. Vì vậy Hội đồng Chính phủ nhắc Ủy ban hành chính các cấp và các ngành có liên quan phải nắm vững ý nghĩa mục đích của vấn đề mà đề ra những biện pháp thích hợp để bài trừ tệ nạn nấu rượu lậu và nghiện rượu một cách nghiêm chỉnh.

Phải đề phòng hai khuynh hướng lệch lạc:

1. Coi nhẹ tệ nạn nấu rượu trái phép ở địa phương mình và thi hành pháp lệnh một cách qua loa tắc trách.

2. Đánh giá quá thấp trình độ giác ngộ, tinh thần tự giác, tự nguyện tuân theo pháp luật của nhân dân ta, rồi xử lý tràn lan gây không khí căng thẳng không cần thiết.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 200-CP-1966 hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh quy định cấm nấu rượu trái phép do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 200-CP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/11/1966
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 11/12/1966
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản