Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 192/2016/TT-BQP | Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2016 |
Căn cứ Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21 tháng 12 năm 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật nghĩa vụ quân sự ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ngày 26 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư Quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng.
Thông tư này quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng.
1. Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây gọi chung là quân nhân), công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
2. Các đối tượng sau đây vi phạm pháp luật của nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội thì cũng áp dụng Thông tư này để xem xét, xử lý kỷ luật:
a) Người làm việc trong cơ quan, tổ chức thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ;
b) Người lao động hợp đồng đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng;
c) Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;
d) Dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc làm nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
đ) Công dân được trưng tập vào phục vụ trong Quân đội.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý kỷ luật
1. Mọi vi phạm kỷ luật phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh; hậu quả do vi phạm kỷ luật gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
2. Việc xử lý vi phạm kỷ luật được tiến hành nhanh chóng, chính xác, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.
3. Việc xử phạt vi phạm kỷ luật phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.
4. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật; không áp dụng các hình thức kỷ luật khác thay cho hình thức kỷ luật được pháp luật quy định.
5. Không áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân và buộc thôi việc đối với nữ quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
6. Không áp dụng hình thức kỷ luật giáng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp đang giữ cấp bậc quân hàm thiếu úy; không áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đang hưởng lương bậc 1.
7. Khi xử lý kỷ luật, ngoài hình thức kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm nếu vi phạm gây thiệt hại về vật chất, người vi phạm còn phải bồi thường. Tài sản, tiền, vật chất do hành vi vi phạm mà có, phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
8. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu cùng một lần vi phạm kỷ luật, người vi phạm có nhiều hành vi vi phạm khác nhau thì phải xem xét, kết luận, làm rõ mức độ vi phạm và hình thức kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm, nhưng chỉ áp dụng hình thức kỷ luật chung cho các hành vi vi phạm và không vượt quá hình thức kỷ luật của hành vi có mức xử phạt cao nhất.
9. Người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên (sau đây gọi chung là người chỉ huy) các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của quân nhân thuộc quyền; tùy tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra của vụ việc và mức độ liên quan đến trách nhiệm của người chỉ huy trực tiếp và trên một cấp để xác định hình thức kỷ luật theo quy định tại Thông tư này.
Điều 4. Về các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng
1. Tình tiết giảm nhẹ
a) Người vi phạm kỷ luật đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
b) Người vi phạm kỷ luật đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm kỷ luật;
c) Vi phạm kỷ luật do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần; vi phạm trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
2. Tình tiết tăng nặng
a) Vi phạm kỷ luật nhiều lần hoặc tái phạm;
b) Ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất hoặc tinh thần thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm kỷ luật;
d) Tiếp tục vi phạm kỷ luật mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đó;
đ) Sau khi vi phạm kỷ luật đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm kỷ luật.
3. Tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này đã được quy định là hành vi vi phạm kỷ luật thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Điều 5. Những trường hợp chưa xem xét kỷ luật và miễn trách nhiệm kỷ luật
1. Những trường hợp chưa xem xét kỷ luật
a) Trong thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng;
b) Trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ sở quân y hoặc cơ sở y tế;
c) Trong thời gian hưởng chế độ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng;
d) Đang trong thời gian chờ kết quả giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.
2. Những trường hợp miễn trách nhiệm kỷ luật
a) Mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;
b) Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội trong trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và do sự kiện bất ngờ;
c) Chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cấp trên hoặc phân công nhiệm vụ của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.
Điều 6. Khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật
1. Trường hợp người vi phạm kỷ luật không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật thì có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.
Khi chưa có quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền, người vi phạm kỷ luật vẫn phải chấp hành nghiêm quyết định hiện hành.
2. Các cơ quan, đơn vị khi nhận được khiếu nại của người vi phạm kỷ luật phải có trách nhiệm xem xét trả lời theo đúng thẩm quyền và đúng thời hạn theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.
Điều 7. Tạm đình chỉ công tác đối với người vi phạm kỷ luật
1. Trường hợp người vi phạm kỷ luật nếu tiếp tục làm việc có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị hoặc gây khó khăn cho việc xác minh, thì trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật, trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn và tương đương trở lên được quyền tạm đình chỉ công tác đối với người vi phạm kỷ luật thuộc quyền quản lý và tạm thời chỉ định người thay thế, nhưng phải báo cáo lên cấp trên.
2. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 30 (ba mươi) ngày. Trường hợp đặc biệt do có nhiều tình tiết phức tạp cần được làm rõ thì có thể kéo dài nhưng không được quá 3 (ba) tháng.
Người vi phạm kỷ luật phải bồi thường thiệt hại đã gây ra theo quy định của pháp luật và của Quân đội.
1. Hình thức kỷ luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
Hình thức kỷ luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Khoản 2 Điều 50 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, bao gồm:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Giáng chức;
d) Cách chức;
đ) Hạ bậc lương;
e) Giáng cấp bậc quân hàm;
g) Tước quân hàm sĩ quan;
h) Tước danh hiệu quân nhân.
2. Hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan, binh sĩ
Hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật nghĩa vụ quân sự, bao gồm:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Giáng chức;
d) Cách chức;
đ) Giáng cấp bậc quân hàm;
e) Tước danh hiệu quân nhân.
3. Hình thức kỷ luật đối với công nhân và viên chức quốc phòng
Hình thức kỷ luật đối với công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, bao gồm:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Buộc thôi việc.
XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT NHÀ NƯỚC, ĐIỀU LỆNH, ĐIỀU LỆ QUÂN ĐỘI
Điều 10. Vi phạm chế độ trách nhiệm của người chỉ huy
1. Người chỉ huy trực tiếp và trên một cấp do thiếu trách nhiệm trong quản lý, chỉ huy mà để quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc quyền vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Biết hoặc phát hiện dấu hiệu cấp dưới thuộc quyền có hành vi vi phạm nhưng không có biện pháp kịp thời ngăn chặn;
b) Bao che cho hành vi vi phạm của cấp dưới.
Điều 11. Vi phạm quyền hạn của người chỉ huy
1. Người chỉ huy nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai nguyên tắc, quy định hoặc ra mệnh lệnh vượt quá quyền hạn, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Sử dụng các phương tiện, trang bị của quân đội để thực hiện hành vi vi phạm;
b) Đã được can ngăn, nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm;
c) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.
1. Không chấp hành mệnh lệnh hoặc không thực hiện nhiệm vụ khi người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp có thẩm quyền giao mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị kỷ luật cảnh cáo hoặc giáng chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc.
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác tham gia;
c) Trong sẵn sàng chiến đấu;
b) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.
Điều 13. Chấp hành không nghiêm mệnh lệnh
1. Khi được người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp trên có thẩm quyền ra lệnh hoặc giao nhiệm vụ nhưng chấp hành không đầy đủ, lơ là, tùy tiện, chậm trễ gây trở ngại cho việc chỉ huy, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị hoặc gây hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức:
a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
b) Lôi kéo người khác tham gia;
c) Trong sẵn sàng chiến đấu.
Điều 14. Cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ
1. Gây khó khăn hoặc xúi giục nhằm cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
b) Lôi kéo người khác tham gia.
Điều 15. Làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên
1. Dùng lời nói, hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín, thân thể người chỉ huy hoặc cấp trên, thì bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Là sĩ quan;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Lôi kéo người khác tham gia.
Điều 16. Làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới
1. Người chỉ huy hoặc cấp trên dùng lời nói hoặc có hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, thân thể của cấp dưới, thì bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 17. Làm nhục, hành hung đồng đội
1. Dùng lời nói hoặc có hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, thân thể đồng đội mà giữa họ không có quan hệ chỉ huy và phục tùng, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Lôi kéo người khác tham gia;
c) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
d) Gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
1. Vắng mặt ở đơn vị quá 24 (hai bốn) giờ mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
b) Lôi kéo người khác tham gia;
c) Thời gian vắng mặt đến 7 (bảy) ngày;
d) Gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
1. Tự ý rời khỏi đơn vị lần đầu với mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì bị kỷ luật cảnh cáo hoặc giáng chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Gây hậu quả nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng;
c) Khi đang làm nhiệm vụ;
d) Lôi kéo người khác tham gia.
1. Tự gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của mình, giả bị bệnh hoặc dùng các hình thức gian dối khác để trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ được giao thì bị kỷ luật cảnh cáo hoặc giáng chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan.
b) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
c) Lôi kéo người khác tham gia;
Điều 21. Vô ý làm lộ bí mật hoặc làm mất tài liệu bí mật quân sự
1. Vô ý làm lộ bí mật hoặc làm mất tài liệu bí mật quân sự, bí mật Nhà nước nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị kỷ luật từ cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Đã được nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng thực hiện không nghiêm;
b) Trong khu vực có tình hình an ninh chính trị mất ổn định;
c) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
d) Đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 22. Báo cáo sai, báo cáo không kịp thời, không báo cáo
1. Báo cáo sai, báo cáo không kịp thời, không báo cáo nhằm lừa dối cấp trên, bao che, trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
b) Gây ảnh hưởng đến việc không hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị hoặc ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự người khác;
c) Bản thân đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng;
d) Trong khu vực có tình hình an ninh chính trị mất ổn định.
Điều 23. Vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban, trực nghiệp vụ
1. Tự ý bỏ vị trí hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu đã bị xử lý kỷ luật mà còn tái phạm, thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm.
Điều 24. Vi phạm các quy định về bảo vệ
1. Chấp hành không nghiêm các quy định về tuần tra, canh gác, áp tải, hộ tống, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm trong trường hợp bảo vệ mục tiêu quan trọng, thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm.
Điều 25. Vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn
1. Vi phạm các quy định phòng chống cháy nổ; bảo đảm an toàn trong huấn luyện, công tác, lao động, học tập, sinh hoạt và an toàn giao thông, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
b) Là người có chuyên môn nghiệp vụ hoặc thiếu trách nhiệm trong việc ngăn chặn hậu quả;
c) Để xảy ra mất an toàn về người, vũ khí, trang bị, phương tiện, tài sản.
Điều 26. Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự
1. Quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự sai quy định để xảy ra mất an toàn về người, vũ khí, trang bị, phương tiện, tài sản, thì bị kỷ luật từ cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Là người có chuyên môn nghiệp vụ về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự;
c) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.
Điều 27. Vô ý làm mất hoặc làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự
1. Vô ý làm mất hoặc làm hư hỏng vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Trong chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu;
c) Không có biện pháp tích cực ngăn chặn.
Điều 28. Chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm
1. Chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến đơn vị.
1. Khi tiếp xúc với nhân dân mà có hành vi đòi hỏi, yêu sách, quấy nhiễu, gây phiền hà, khó khăn, cản trở sinh hoạt bình thường của nhân dân hoặc xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của nhân dân nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác tham gia;
c) Trong khu vực có chiến sự hoặc tình trạng khẩn cấp;
d) Gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Quân đội.
Điều 30. Lạm dụng nhu cầu quân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ
1. Trong khi thực hiện nhiệm vụ mà vượt quá phạm vi cần thiết của nhu cầu quân sự gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân:
a) Từ 10.000.000 (mười triệu) đồng đến 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng thì bị kỷ luật khiển trách;
b) Từ trên 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng đến dưới 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng thì bị kỷ luật cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
c) Gây thiệt hại từ 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng đến dưới 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.
Điều 31. Ngược đãi tù binh, hàng binh
Vi phạm chính sách tù binh, hàng binh, ngược đãi tù binh, hàng binh nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.
1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, tổ chức, công dân có giá trị dưới 2.000.000 (hai triệu) đồng, thì bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Lôi kéo người khác tham gia;
b) Làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Điều 33. Vi phạm phong cách quân nhân
1. Vi phạm các quy định của Bộ Quốc phòng về sinh hoạt, học tập, công tác, lễ tiết tác phong quân nhân, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
b) Lôi kéo người khác tham gia.
Điều 34. Vi phạm trật tự công cộng
1. Vi phạm pháp luật về trật tự công cộng gây hậu quả chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
b) Lôi kéo người khác tham gia.
Điều 35. Uống rượu, bia trong giờ làm việc; uống rượu, bia say
1. Uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc khi đang thực hiện nhiệm vụ hoặc say rượu, bia làm ảnh hưởng đến phong cách quân nhân, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
b) Lôi kéo người khác tham gia;
c) Say rượu, bia khi đang thực hiện nhiệm vụ;
d) Say rượu, bia làm mất trật tự công cộng, mất đoàn kết quân dân gây hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng.
Điều 36. Tổ chức cho quân nhân đi làm kinh tế trái quy định
1. Tổ chức cho quân nhân đi làm kinh tế trái quy định của Quân đội, thì bị kỷ luật cảnh cáo hoặc giáng chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm.
a) Gây hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.
Điều 37. Sử dụng trái phép chất ma túy
Sử dụng trái phép các chất ma túy thì bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc.
Điều 38. Xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm khác
1. Ngoài các hành vi vi phạm quy định tại Thông tư này, nếu người vi phạm có hành vi vi phạm khác tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm, thì bị kỷ luật cảnh cáo hoặc giáng chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
c) Biết sẽ gây hậu quả nhưng không có biện pháp ngăn chặn.
Điều 39. Xử lý kỷ luật đối với người vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và áp dụng hình phạt
1. Vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên án phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ thì bị kỷ luật từ cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.
2. Vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên án phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì bị kỷ luật hạ một bậc lương (đối với công nhân và viên chức quốc phòng) và giáng một cấp bậc quân hàm (đối với quân nhân).
3. Vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên án phạt tù và phải chấp hành hình phạt tại trại giam thì bị kỷ luật thôi việc (đối với công nhân và viên chức quốc phòng) và tước quân hàm, tước quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu hoặc tước danh hiệu quân nhân (đối với quân nhân).
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THỜI HIỆU, THỜI HẠN VÀ THẨM QUYỀN XỬ LÝ KỶ LUẬT
Điều 40. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật
1. Người vi phạm phải tự kiểm điểm bằng văn bản trước tập thể cơ quan, đơn vị và tự nhận hình thức kỷ luật.
2. Tập thể cơ quan, đơn vị phân tích, phê bình, tham gia ý kiến vào việc vi phạm và đề xuất hình thức kỷ luật.
3. Người chỉ huy phải kiểm tra, xác minh trực tiếp hoặc ủy quyền cho cấp có thẩm quyền trực tiếp gặp người vi phạm để người vi phạm trình bày ý kiến.
4. Kết luận về hành vi vi phạm kỷ luật.
5. Báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua (nếu có).
6. Ra quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật theo quyền hạn phân cấp.
7. Tổ chức công bố quyết định kỷ luật, báo cáo lên trên và lưu trữ hồ sơ ở đơn vị.
Điều 41. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật trong một số trường hợp đặc biệt
1. Trường hợp người vi phạm thuộc quyền có hành vi chống mệnh lệnh hoặc có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thì người chỉ huy phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời và báo cáo ngay lên cấp trên có thẩm quyền.
2. Trường hợp người vi phạm không chấp hành kiểm điểm xét kỷ luật thì người chỉ huy căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, đề nghị của cấp dưới và các tổ chức quần chúng để triệu tập họp chỉ huy, cấp ủy xem xét, quyết định hình thức kỷ luật theo quyền hạn.
3. Trường hợp quân nhân bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân thì chỉ huy đơn vị ra quyết định kỷ luật phải cử người đưa về bàn giao cho cơ quan quân sự huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi quân nhân cư trú, cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan (trừ trường hợp đào ngũ không trở lại đơn vị hoặc bị tòa án tuyên án phạt tù và phải chấp hành hình phạt tại trại giam).
4. Trường hợp người vi phạm pháp luật bị khởi tố, truy tố, xét xử thì chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên ra quyết định người vi phạm không được mang mặc trang phục của Quân đội trong thời gian bị cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử.
5. Trường hợp người vi phạm đã chết thì chỉ xem xét, kết luận về hành vi vi phạm kỷ luật.
6. Trường hợp quân nhân vi phạm kỷ luật trong thời gian biệt phái thì việc xem xét, xử lý kỷ luật do cơ quan, tổ chức sử dụng quân nhân biệt phái tiến hành. Sau đó gửi toàn bộ hồ sơ và quyết định kỷ luật về cơ quan, đơn vị quản lý quân nhân biệt phái để lưu vào hồ sơ quân nhân.
7. Trường hợp người vi phạm chuyển công tác về cơ quan, đơn vị khác trong Bộ Quốc phòng mới phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật khi công tác ở cơ quan, đơn vị cũ, thì do cơ quan, đơn vị cũ tiến hành xem xét kỷ luật. Sau đó gửi toàn bộ hồ sơ và quyết định kỷ luật về cơ quan, đơn vị đang quản lý người vi phạm để lưu hồ sơ và theo dõi quản lý.
8. Trường hợp người vi phạm thôi phục vụ trong quân đội mới phát hiện có hành vi vi phạm kỷ luật trong thời gian phục vụ trong quân đội, thì do cơ quan, đơn vị quân đội đã quản lý tiến hành xem xét xử lý kỷ luật.
Điều 42. Thời hiệu xử lý kỷ luật
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là khoảng thời gian quy định phải tiến hành xem xét xử lý kỷ luật và được tính từ thời điểm hành vi vi phạm kỷ luật bị phát hiện cho đến thời điểm cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, xử lý. Nếu hết thời hiệu xử lý kỷ luật thì người vi phạm kỷ luật không bị xử lý kỷ luật.
2. Thời hiệu xử lý kỷ luật quy định là 3 tháng.
3. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hiệu xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 6 tháng.
4. Trường hợp người vi phạm kỷ luật liên quan đến vụ việc đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử, thì thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật được tính từ ngày bản án của tòa án về hành vi vi phạm có hiệu lực pháp luật.
5. Người được giao thẩm quyền xử lý kỷ luật phải chịu trách nhiệm về việc xử lý kỷ luật đối với người vi phạm trong thời hiệu quy định.
Điều 43. Thời hạn công nhận tiến bộ
1. Sau 6 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách, sau 12 tháng đối với hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực mà người vi phạm không bị xử lý kỷ luật, thì cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận tiến bộ và ghi vào hồ sơ quản lý của người vi phạm.
2. Nếu chưa được công nhận tiến bộ mà người vi phạm lại bị xử lý kỷ luật, thì thời gian để xét công nhận tiến bộ được tính từ ngày quyết định kỷ luật mới có hiệu lực.
3. Người vi phạm đã được công nhận tiến bộ nếu lại vi phạm bị xử lý kỷ luật thì khi xem xét xử lý kỷ luật sẽ không tính là tái phạm.
4. Người vi phạm bị xử lý kỷ luật, đã thôi phục vụ trong Quân đội, thì sau 6 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách, sau 12 tháng đối với hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu không vi phạm thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.
Điều 44. Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người vi phạm kỷ luật thuộc quyền quản lý
1. Tiểu đội trưởng và chức vụ tương đương được quyền khiển trách chiến sĩ.
2. Trung đội trưởng và chức vụ tương đương được quyền khiển trách đến tiểu đội trưởng và tương đương.
3. Đại đội trưởng, chính trị viên đại đội; trạm trưởng Biên phòng và chức vụ tương đương được quyền:
a) Khiển trách đến trung đội trưởng và tương đương, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp đại úy, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp đại úy;
b) Cảnh cáo đến tiểu đội trưởng và tương đương, hạ sĩ quan đến cấp trung sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp thượng úy;
4. Tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn; đồn trưởng, chính trị viên đồn Biên phòng và chức vụ tương đương được quyền:
a) Khiển trách đến đại đội trưởng, chính trị viên đại đội; trạm trưởng Biên phòng và tương đương, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp thiếu tá, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp thiếu tá;
b) Cảnh cáo đến trung đội trưởng và tương đương, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp đại úy, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp đại úy;
c) Giáng cấp quân hàm từ binh nhất xuống binh nhì.
5. Trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn, lữ đoàn và chức vụ tương đương được quyền:
a) Khiển trách đến tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn; đồn trưởng, chính trị viên đồn Biên phòng và tương đương, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp trung tá, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp trung tá;
b) Cảnh cáo đến đại đội trưởng, chính trị viên đại đội; trạm trưởng Biên phòng và tương đương, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp thiếu tá, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp thiếu tá;
c) Giáng chức, cách chức tiểu đội trưởng và tương đương;
d) Giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu quân nhân đến cấp trung sĩ.
6. Sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn và chức vụ tương đương được quyền:
a) Khiển trách đến trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn và tương đương, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp thượng tá, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp thượng tá;
b) Cảnh cáo đến tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn và tương đương, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp trung tá, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp trung tá;
c) Giáng chức, cách chức đến phó tiểu đoàn trưởng, chính trị viên phó tiểu đoàn và tương đương;
d) Hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm đến cấp thượng sĩ;
đ) Tước danh hiệu quân nhân đến cấp thượng sĩ.
7. Tư lệnh, chính ủy Vùng Cảnh sát biển Việt Nam được quyền:
a) Khiển trách đến hải đội trưởng, chính trị viên hải đội và tương đương, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp thượng tá, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp thượng tá;
b) Cảnh cáo đến thuyền trưởng, chính trị viên tàu và tương đương, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp trung tá, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp trung tá;
c) Giáng chức, cách chức đến phó thuyền trưởng, chính trị viên phó tàu và tương đương;
d) Hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm đến cấp thượng sĩ
đ) Tước danh hiệu quân nhân đến cấp thượng sĩ.
8. Tư lệnh, Chính ủy các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, quân đoàn, binh chủng, vùng Hải quân và chức vụ tương đương được quyền:
a) Khiển trách đến sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn; tư lệnh, chính ủy Vùng Cảnh sát biển Việt Nam và tương đương;
b) Cảnh cáo đến trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn, lữ đoàn và tương đương, sĩ quan đến cấp đại tá, trừ các chức vụ quy định tại Điểm a Khoản này;
c) Giáng chức, cách chức đến phó trung đoàn trưởng, phó lữ đoàn trưởng, phó chính ủy trung đoàn, lữ đoàn và tương đương;
d) Hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm đến cấp thiếu tá (trừ cấp bậc quân hàm do Bộ Quốc phòng quyết định phong lần đầu), công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp đại úy;
9. Tư lệnh, chính ủy quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng và chức vụ tương đương được quyền:
a) Khiển trách đến sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn; tư lệnh, chính ủy vùng Hải quân; chỉ huy trưởng, chính ủy bộ chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố); Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành phố) và tương đương;
b) Cảnh cáo đến trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn, lữ đoàn và tương đương, sĩ quan đến cấp đại tá (trừ các chức vụ quy định tại Điểm a Khoản này);
c) Giáng chức, cách chức đến trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng; chính ủy trung đoàn, lữ đoàn; chỉ huy trưởng, chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
d) Hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm đến cấp trung tá (trừ cấp bậc quân hàm Bộ quyết định phong lần đầu), công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp thiếu tá.
10. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và chủ nhiệm các tổng cục, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng và chức vụ tương đương được quyền xử lý kỷ luật như quyền của tư lệnh quân khu đối với quân nhân, công nhân và viên chức thuộc quyền. Quyền hạn xử lý kỷ luật cao hơn nữa đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc cấp có thẩm quyền.
1.Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2017.
2. Bãi bỏ các văn bản sau đây quy định về xử lý kỷ luật đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng:
a) Quyết định số 2530/2000/QĐ-BQP ngày 02 tháng 11 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về việc xử lý kỷ luật đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Quyết định số 82/2003/QĐ-BQP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2530/2000/QĐ-BQP;
c) Mục 3, Chương VIII Điều lệnh quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 193/2011/TT-BQP ngày 23/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tổng Tham mưu trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: - Thủ trưởng BQP, CNTCCT; | BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn số 1593/LĐTBXH-LĐVL của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải
- 2Thông tư 89/2010/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thời hạn, trình tự và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ và tổ chức dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 3Công văn 1673/LĐTBXH-LĐTL năm 2015 về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 năm 2016 Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 5Dự thảo Nghị định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 2017
- 6Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về việc áp dụng hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng
- 7Quyết định 744/QĐ-BQP năm 2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ và một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng năm 2020
- 1Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về việc áp dụng hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng
- 2Quyết định 744/QĐ-BQP năm 2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ và một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng năm 2020
- 1Công văn số 1593/LĐTBXH-LĐVL của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải
- 2Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999
- 3Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2008
- 4Thông tư 89/2010/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thời hạn, trình tự và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ và tổ chức dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 5Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014
- 6Công văn 1673/LĐTBXH-LĐTL năm 2015 về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 7Luật nghĩa vụ quân sự 2015
- 8Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015
- 9Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 năm 2016 Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 10Dự thảo Nghị định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 2017
Thông tư 192/2016/TT-BQP Quy định việc áp dụng hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng
- Số hiệu: 192/2016/TT-BQP
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 26/11/2016
- Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
- Người ký: Ngô Xuân Lịch
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/01/2017
- Ngày hết hiệu lực: 08/04/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra