Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ THUỶ LỢI | VIÊT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 18-TL/TT | Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 1968 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH TOÀN BỘ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LƯU ĐỘNG CHO CÔNG NHÂN VIÊN LÀM CÔNG TÁC KHẢO SÁT ĐỊA HÌNH, ĐỊA CHẤT
Thi hành chế độ phụ cấp lưu động cho công nhân viên làm công tác khảo sát địa hình, địa chất do Bộ Lao động quy định trong các thông tư số 15-LĐ/TT ngày 4-7-1960 và số 10-LĐ/TT ngày 11-4-1962, Bộ đã có hai thông tư hướng dẫn số 24-TL/TT ngày 27-9-1960 và số 45-TL/TT ngày 16-5-1962.
Trong quá trình thực hiện, nhất là từ cuối năm 1962 lại đây, đã có tác dụng tốt làm tăng thu nhập, kịp thời bồi dưỡng sức lao động, giải quyết được một phần khó khăn trong điều kiện sinh hoạt, công tác lưu động gian khổ, vất vả, góp phần thiết thực làm cho anh chị em an tâm phấn khởi công tác, nhưng việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động nói trên, xét ra cũng còn có những thiếu sót, làm hạn chế tác dụng của nó:
- Không có mức 20% áp dụng cho nơi rừng núi thấp, chưa phản ảnh đủ các loại hiện trường cần khảo sát trong ngành thủy lợi. Những địa phương có đội khảo sát hoạt động ở vùng này thì có nơi áp dụng mức 25%, có nơi thi hành mức 15% là không hợp lý;
- Quy định các điều kiện và đối tượng được hưởng các mức phụ cấp khi làm việc trong nhà hoặc ngoài trời, khi ở cơ quan cấp trên xuống cơ sở công tác không chặt chẽ, nên khi áp dụng tràn lan, bình quân, làm giảm tác dụng khuyến khích.
Để khắc phục thiếu sót trên, thể hiện thêm một bước nguyên tắc phân phối theo lao động kịp thời bồi dưỡng và khuyến khích anh chị em làm công tác khảo sát an tâm, phấn khởi công tác nhất là trong lúc này; đồng thời cũng để thống nhất văn bản, tiện cho việc nghiên cứu và tổ chức thi hành, Bộ ra thông tư này nhằm quy định, hướng dẫn thi hành toàn bộ chế độ phụ cấp lưu động theo các điểm sau đây:
I. NGUYÊN TẮC HƯỞNG PHỤ CẤP
1. Điều kiện công tác lưu động vất vả, sinh hoạt khó khăn càng nhiều thì mức phụ cấp càng cao.
2. Hàng ngày mức phụ cấp có phân biệt cao thấp tùy theo điều kiện làm việc trong nhà hay ngoài trời, căn cứ theo tính chất nghề nghiệp chuyên môn thường xuyên của từng chức danh cán bộ, công nhân viên, không theo công việc làm thực tế có tính cách tạm thời trong nhà hay ngoài trời của từng người.
3. Mức phụ cấp không cố định, mà thường xuyên thay đổi theo địa điểm công tác và thời gian thực tế ở nơi đó.
4. Có phân biệt đối tượng được phụ cấp theo tính chất công tác thường xuyên hay tạm thời, người địa phương sớm đi tối về, cơ quan ổn định với người ở xa đến, hoặc theo trụ sở là lán trải phải di động luôn.
II. MỨC PHỤ CẤP
- Mức 30% lương cấp bậc áp dụng cho các nơi công tác là vùng rừng sâu, núi cao, địa thế hiểm trở, không có bản làng, trụ sở phải di động hoàn toàn trong rừng núi.
- Mức 25% lương cấp bậc áp dụng cho các nơi công tác là rừng núi cao hiểm trở, nhưng có gần bản làng, có thể dựa vào dân để đóng trụ sở và giải quyết một phần yêu cầu về sinh hoạt, kể cả vùng ven biển xa dân cư, gần biên giới hẻo lánh.
- Mức 20% lương cấp bậc áp dụng cho các nơi công tác là vùng rừng núi thấp, vùng đồng chiêm trũng, nước sâu, vùng gần biển, có hầu hà, bãi sú, lầy lội.
- Mức 15% lương cấp bậc áp dụng cho các nơi công tác là vùng đồng bằng và trung du.
III. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG
1. Tất cả cán bộ, công nhân viên làm việc thường xuyên lưu động ở các đội, toán, tổ địa hình, địa chất đều thuộc đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp lưu động nói trên (trừ người thuê mướn tạm thời theo giá tiền công địa phương).
2. Những ngày thực tế làm việc ở ngoài hiện trường (ngoài trời) được hưởng cả định suất phụ cấp, bao gồm các đối tượng sau đây:
- Cán bộ, nhân viên kỹ thuật thường xuyên công tác chính ở hiện trường;
- Các công nhân địa hình, khoan máy, khoan tay, trắc hội;
- Công nhân viên khảo sát thủy văn thường xuyên lưu động để thăm dò địa hình, mức nước, xây dựng trạm. Riêng nhân viên kỹ thuật ở các toán địa hình làm công tác nội nghiệp ngoài giờ hành chính còn được hưởng khoản phụ cấp làm thêm bằng 0đ40 cho mỗi tối thực tế làm việc từ 2 giờ trở lên.
3. Những ngày thực tế làm việc trong nhà (lán trại, cơ quan, nhà dân) được hưởng nửa định suất phụ cấp bao gồm những đối tượng sau đây:
- Cán bộ, nhân viên kỹ thuật thường xuyên công tác chính ở trụ sở, cơ quan;
- Cán bộ lãnh đạo đội phụ trách các công tác kế hoạch, cung ứng, tài vụ, tổ chức hành chính;
- Các nhân viên thống kê, kế toán, cung ứng, lao động tiền lương, y tế, cấp dưỡng, quản lý tiếp phẩm. (Chú ý: những cán bộ nhân viên nói trên theo tính chất công tác thường xuyên ở trụ sở, cơ quan là chính, dù ngày nào thực tế có làm việc ngoài trời cũng chỉ được hưởng nửa định suất phụ cấp mà thôi; ở các ty thủy lợi, các cán bộ, nhân viên trên làm việc trong cơ quan tĩnh tại, ổn định, kể cả nhân viên thủy văn làm việc ở các trạm hoặc các đài quan sát thủy văn, cũng không được hưởng mức định suất phụ cấp).
4. Những đối tượng sau đây khi làm việc trong nhà được hưởng nửa định suất, khi làm việc ngoài hiện trường được hưởng cả định suất:
- Công nhân điều khiển máy phát điện, khi di chuyển máy, di chuyển đường giây, mắc nối giây, chạy máy ngoài trời, được hưởng cả định suất; trường hợp làm việc trong lán trại, trong nhà ổn định, được hưởng nửa định suất;
- Công nhân sửa chữa cơ khí khi đến sửa chữa máy móc hư hỏng ở hiện trường được hưởng cả định suất; trường hợp sửa chữa trong nhà tĩnh tại, ổn định được hưởng nửa định suất;
- Cán bộ định mức lao động đi sát nơi làm việc của công nhân để quan sát, chụp ảnh, bấm giờ, nghiên cứu đề xuất các biện pháp tăng năng suất được hưởng cả định suất; khi làm việc trong nhà được hưởng nửa định suất.
5. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ của các cơ quan trực thuộc Bộ và ty thủy lợi tạm thời xuống các đội, toán khảo sát công tác để kiểm tra nắm tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ thuật hoặc làm công tác điều tra dân sinh kinh tế v.v…đều không thuộc đối tượng được hưởng khoản phụ cấp lưu động nói trên. Riêng các cán bộ kỹ thuật, vì yêu cầu công tác, thường xuyên phải đi sát cơ sở, làm việc chủ yếu ngoài hiện trường, chịu điều kiện công tác và sinh hoạt như các toán, tổ trưởng được hưởng cả định suất; trường hợp làm việc trong nhà, được hưởng nửa định suất.
IV. CÁCH TÍNH PHỤ CẤP
Làm việc từ 2 đến 4 giờ được tính là1/2 (nửa) ngày, trên 4 giờ tính 1 ngày, dưới 2 giờ không tính.
Trong quá trình khảo sát ở một vùng rộng lớn, cần di chuyển công tác từ địa điểm có mức phụ cấp cao đến địa điểm có mức phụ cấp thấp hơn hoặc ngược lại, thì được giữ nguyên mức phụ cấp ở địa điểm cũ trước khi đi; khi đến địa điểm mới, sẽ hưởng theo mức phụ cấp ở địa điểm mới.
Việc xác nhận và thanh toán các mức phụ cấp 15%, 20%, 25%, 30% phải căn cứ theo địa bàn hoạt động do kế hoạch của cấp trên đã quy định và thời gian thực tế công tác ở nơi đó do cấp có thẩm quyền chứng nhận. Việc chứng thực và thanh toán số ngày được hưởng cả định suất hoặc nửa định suất phải căn cứ theo tính chất công tác và đối tượng được hưởng đã quy định cụ thể, không nên xét một cách đơn thuần theo sự kê khai của cá nhân.
Không được tính theo phụ cấp lưu động mà phải tính theo chế độ công tác phí được quy định tại thông tư số 04-TT/HCVX ngày 06-01-1968 của Bộ Tài chính, đối với các trường hợp sau đây:
- Chuyển quân sang nhận nhiệm vụ công tác ở một vùng khác cách xa vùng hoạt động trước khi phải đi ô tô hoặc tầu hỏa;
- Cán bộ, công nhân viên của đội, toán về cấp trên (viện, ty…) họp hoặc công tác khác như đi nhận xe máy, vận chuyển nguyên vật liệu v.v…
- Tiếp phẩm phải đi mua thực phẩm ở nơi xa mà hàng ngày không về kịp ở trụ sở của đội.
Những ngày nghỉ việc, ngừng việc không được tính phụ cấp. Riêng những ngày hội họp, học tập ở đội, toán được tính nửa định suất phụ cấp (trừ các đối tượng theo quy định không được hưởng nửa định suất khi làm việc trong nhà).
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành không đặt vấn đề truy lĩnh hay truy hoàn. Các điều quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.
Các cơ quan Viện thiết kế, Văn phòng Ủy ban Sông Hồng và các ty thủy lợi, căn cứ quy định trên, hướng dẫn các đoàn, đội khảo sát thuộc quyền mình quản lý thực hiện cụ thể về các đối tượng được hưởng phụ cấp, các trường hợp được tính theo chế độ công tác phí, nội dung biểu mẫu làm công lệnh, chứng từ, cách xét duyệt thanh toán; tổ chức phổ biến thông tư trong các cán bộ, nhân viên có trách nhiệm về công tác tổ chức, lao động tiền lương, kế toán tài vụ, kế hoạch, kỹ thuật khảo sát địa hình, địa chất, và tất cả công nhân viên ở đội, toán để thực hiện và giám sát thực hiện chế độ phụ cấp lưu động được chặt chẽ, đứng đắn.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp mắc mứu gì cần phản ánh kịp thời để Bộ nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI |
Thông tư 18-TL/TT-1968 hướng dẫn thi hành toàn bộ chế độ phụ cấp lưu động cho công nhân viên làm công tác khảo sát địa hình, địa chất do Bộ Thủy lợi ban hành
- Số hiệu: 18-TL/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 17/09/1968
- Nơi ban hành: Bộ Thuỷ lợi
- Người ký: Trần Mạnh Qùy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra