BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 15-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 1960 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | Các ông Bộ trưởng các Bộ, |
Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1960, đã quyết định: "Bộ Nội vụ và Bộ Lao động nghiên cứu để điều chỉnh các khoản phụ cấp lưu động hiện hành".
Căn cứ vào nghị quyết trên, sau khi đã thống nhất ý kiến với các Bộ, bộ Lao động ra thông tư này sửa đổi và hướng dẫn thi hành chế độ phụ cấp lưu động cho công nhân, viên chức, cán bộ làm công tác thăm dò, khảo sát, đo đạc thuộc khu vực sản xuất.
Những công nhân, viên chức, cán bộ trong các đoàn, đội địa chất, tìm mỏ, các đội điều tra đất, điều tra rừng, các đội đo đạc khảo sát cầu đường, khảo sát địa hình chất thường xuyên phải công tác lưu động và phần nhiều ở những vùng rừng núi. Do tính chất lao động nặng nhọc và điều kiện sinh hoạt vật chất và văn hóa không được ổn định ấy mà trong chế độ cấp bậc lương năm 1960, mức lương của những công nhân này đã được nâng lên thích đáng hơn trước. Nhưng vì tính chất công tác lưu động, điều kiện lao động nặng nhọc và điều kiện sinh hoạt gian khổ giữa các địa điểm công tác không giống nhau (vùng rừng sâu núi cao hẻo lánh, vùng núi thấp hơn v.v...) cho nên không thể phân biệt đãi ngộ trong mức lương cấp bậc được.
Việc thi hành chế độ phụ cấp lưu động cho những công nhân, viên chức, cán bộ làm công tác thăm dò, khảo sát, đo đạc là cần thiết, nhằm phân biệt đãi ngộ theo điều kiện lao động nặng nhọc và điều kiện sinh hoạt gian khổ khác nhau, kịp thời bồi dưỡng sức lao động, làm cho công nhân, viên chức, cán bộ an tâm, phấn khởi sản xuất và công tác.
Vì vậy, trong dịp cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm nay, chế độ phụ cấp lưu động hiện đang thi hành đối với những công nhân, viên chức, cán bộ làm công tác khảo sát, đo đạc, thăm dò cần phải sửa lại cho đơn giản, hợp lý hơn, quán triệt thêm nguyên tắc phân phối theo lao động.
1. Điều kiện lao động và điều kiện sinh hoạt nặng nhọc, giang khổ nhiều hơn thì mức phụ cấp cao hơn. Cụ thể là:
- Làm việc ở miền núi được phụ cấp cao hơn làm việc ở miền đồng bằng và trung du.
- Làm việc ở rừng sâu, núi cao, được phụ cấp cao hơn ở rừng thưa núi thấp.
- Làm việc lưu động ở ngoài trời, được phụ cấp cao hơn làm việc trong lán, trại (trụ sở).
2. Phụ cấp không có tính chất cố định và thường xuyên mà thay đổi tùy theo địa điểm công tác và thời gian thực sự công tác.
Xét tính chất phụ cấp lưu động của những công nhân, viên chức, cán bộ làm công tác thăm dò, khảo sát, đo đạc là một khoản phụ thêm vào lương để phân biệt đãi ngộ theo tính chất lao động nặng nhọc, gian khổ khác nhau, cho nên phụ cấp trước đây định bằng những mức tiền nhất định là không thích hợp, nay sửa lại theo tỷ lệ phần trăm so với lương chính của mỗi công nhân, viên chức, cán bộ. Phụ cấp trước đây có 9 mức là quá nhiều, xét thấy có phần chi ly, phức tạp, không cần thiết, nay quy định lại có 5 mức, thấp nhất là 10% và cao nhất là 30%.
Những công nhân, viên chức, cán bộ, các đoàn, đội thăm dò địa chất tìm mỏ, các đội điều tra rừng, điều tra đất, các đội khảo sát đo đạc cầu đường, các đội khảo sát địa hình, địa chất, phục vụ cho công tác kiến trúc, thủy lợi, trong những ngày thực sự công tác thì được hưởng phụ cấp theo các mức quy định dưới đây:
- 25% lương chính, nếu công tác ở các vùng rừng sâu, núi cao, địa thế hiểm trở, trụ sở phải di động luôn.
- 20% lương chính, nếu công tác ở các vùng rừng núi cao nhưng ít hiểm trở lên ở điều kiện nói trên và ngoài biển (từ phao Zéro và đèn Aval trở ra).
- 15% lương chính, nếu công tác ở các vùng rừng núi, vùng thấp, hoặc công tác trên mặt nước các vùng ven biển.
- 10% lương chính, nếu công tác ở miền đồng bằng trung du.
Ngoài bốn mức trên, nay quy định thêm một mức đặc biệt bằng 30% lương chính thi hành cho các đội công tác mà tính chất đặc biệt gian khổ, nguy hiểm, luôn luôn phải lưu động ở trong rừng sâu, hoang vu hẻo lánh, như các đoàn tìm kim loại hiếm.
Ngoài các điều kiện chung làm cơ sở để phân biện phụ cấp nói trên, các ngành sẽ tùy theo đặc điểm và tính chất công tác của các đoàn, đội thăm dò, khảo sát đo đạc thuộc ngành mình mà quy định thêm những điều kiện cụ thể cho thích hợp. Thí dụ: điều kiện sinh hoạt có thể dựa vào nhân dân hay không (cho các đội khảo sát thủy lợi) điều kiện địa hình, địa thế (cho các đoàn thăm dò địa chất).
1. Những ngày trực tiếp công tác ở ngoài trời (trên hiện trường) thì được hưởng cả định suất phụ cấp.
2. Những ngày làm việc tại lán trại (nơi đóng trụ sở tạm thời ) thì được hưởng nửa định suất.
3. Làm việc trên 4 tiếng thì được tính 1 ngày để hưởng phụ cấp theo định suất quy định ở trên. Làm việc từ 2 đến 4 tiếng được tính nửa ngày. Làm việc dưới 2 tiếng không được hưởng phụ cấp.
4. Trong trường hợp di chuyển cả đơn vị:
a) Nếu đi trong phạm vi tuyến hoặc địa bàn hoạt động của đơn vị thì được hưởng phụ cấp lưu động quy định trong thông tư này. Di chuyển từ chỗ phụ cấp cao đến chỗ phụ cấp thấp hay ngược lại thì trong những ngày di chuyển được hưởng theo mức phụ cấp của nơi ở trước ngày di chuyển. Đến địa điểm mới thì sẽ tính phụ cấp theo nơi ấy kể từ ngày đầu.
Thí dụ: ngày 25 bắt đầu đi từ địa điểm A mức phụ cấp 20% đến ngày 28 thì đến địa điểm B mức phụ cấp 15%. Trong những ngày 25, 26, 27 đi đường được hưởng phụ cấp 20%. Ngày 28 bắt đầu được hưởng phụ cấp mức 15%.
Trái lại: đi từ B đến A thì trong những ngày đi đường lấy mức phụ cấp 15% của địa điểm B để tính phụ cấp. Ngày đến địa điểm A được hưởng mức phụ cấp của địa điểm A 20%.
b) Nếu đi ngoài phạm vi tuyến hoặc địa bàn hoạt động của đơn vị, thì không hưởng phụ cấp lưu động, mà được tính phụ cấp đi đường theo chế độ hiện hành đối với người đi công tác lưu động thường xuyên (0đ40 một ngày ỏ đồng bằng và vùng thấp, 0đ80 ở vùng rẻo cao).
- Khoản phụ cấp này áp dụng cho tất cả cán bộ, công nhân, viên chức các đoàn, đội thăm dò, khảo sát tìm mỏ (thuộc Bộ Công nghiệp) các đội điều tra đất, điều tra rừng (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp), các đội khảo sát, đo đạc cầu đường (thuộc Bộ Giao thông và Bưu điện), các đội khảo sát địa hình, địa chất (thuộc Bộ Kiến trúc và Bộ Thủy lợi) không phân biệt người trong biên chế hay ngoài biên chế.
- Những người làm việc ở đoàn, đội có tính cách tạm thời, có việc thì làm, không có việc thì nghỉ, hưởng tiền công do Ủy ban hành chính địa phương quy định thì không hưởng phụ cấp này.
- Những cán bộ, công nhân, viên chức của các Bộ, các cơ quan Trung ương và địa phương như Cục, Sở, Ty được cử đến các đội khảo sát, thăm dò để trực tiếp làm việc như những cán bộ, công nhân, viên chức của các đoàn, đội, cũng được hưởng phụ cấp lưu động này. Những cán bộ, công nhân, viên chức được cử đến các đoàn, đội làm nhiệm vụ kiểm tra, nghiên cứu, nắm tình hình thì không hưởng chế độ phụ cấp này.
Thông tư này thi hành từ ngày ban hành và thay thế cho những quy định trước đây của các Bộ về phụ cấp lưu động cho các đoàn, đội thăm dò, khảo sát, đo đạc. Sau khi nhận được thông tư này, nơi nào đã thanh toán theo chế độ phụ cấp cũ, thì không đặt vấn đề truy lĩnh hay truy hoàn.
Đề nghị các Bộ căn cứ vào những quy định trong Thông tư này, ấn định những chi tiết cụ thể và hướng dẫn, giải thích cho các đoàn đội thăm dò, khảo sát, đo đạc thuộc Bộ mình thi hành cho thích hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của mỗi đơn vị.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1Nghị định 25-NĐ năm 1959 Quy định tạm thời khoản phụ cấp đặc biệt cho công nhân viên khảo sát, đo đạc trong thời gian công tác lưu động trên các tuyến đường do Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện ban hành
- 2Thông tư 07-LĐ/TT năm 1961 quy định chế độ phụ cấp lưu động cho công nhân, nhân viên, thủy thủ các tàu đi biển, đi sông và thuyền đánh cá biển do Bộ Lao Động ban hành.
- 1Nghị định 25-NĐ năm 1959 Quy định tạm thời khoản phụ cấp đặc biệt cho công nhân viên khảo sát, đo đạc trong thời gian công tác lưu động trên các tuyến đường do Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện ban hành
- 2Thông tư 14-TT/TL năm 1959 về phụ cấp đối với cán bộ, công nhân, viên chức làm công tác khảo sát địa hình, địa chất thường xuyên lưu động ngoài cơ quan do Bộ Thuỷ Lợi ban hành.
- 1Thông tư 18-TL/TT-1968 hướng dẫn thi hành toàn bộ chế độ phụ cấp lưu động cho công nhân viên làm công tác khảo sát địa hình, địa chất do Bộ Thủy lợi ban hành
- 2Thông tư 07-LĐ/TT năm 1961 quy định chế độ phụ cấp lưu động cho công nhân, nhân viên, thủy thủ các tàu đi biển, đi sông và thuyền đánh cá biển do Bộ Lao Động ban hành.
- 3Nghị quyết về việc cải tiến chế độ lương và tăng lương năm 1960 do Hội đồng Chính phủ ban hành
Thông tư 15-LĐ/TT năm 1960 hướng dẫn thi hành chế độ phụ cấp lưu động cho công nhân, viên chức, cán bộ làm công tác thăm dò khảo sát, đo đạc do Bộ Lao Động ban hành.
- Số hiệu: 15-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 04/07/1960
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Văn Tạo
- Ngày công báo: 24/08/1960
- Số công báo: Số 36
- Ngày hiệu lực: 04/07/1960
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định